Thứ ba, ngày 03 tháng 10 năm 2023
CHỌN NGÔN NGỮ:
Cuộc đấu tranh và khát vọng tự do: Chia sẻ kinh nghiệm giữa Nam Phi và Việt Nam và Hướng tới tương lai
Ngày đăng: 18/05/2023

Hội thảo trực tuyến

“Cuộc đấu tranh và khát vọng tự do:

Chia sẻ kinh nghiệm giữa Nam Phi và Việt Nam và Hướng tới tương lai”

Để kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nam Phi và nhân dịp lần thứ  29  ngày Tự do của Nam Phi, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông phối hợp với Đại sứ quán Cộng hòa Nam Phi đồng tổ chức Hội thảo trực tuyến “Cuộc đấu tranh và khát vọng tự do: Chia sẻ kinh nghiệm giữa Nam Phi và Việt Nam và Hướng tới tương lai” tại Hội trường Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, số 1 Liễu Giai, Hà Nội vào ngày 26/04/2023.

    Hội thảo có sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của các nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu, nhà doanh nghiệp của Việt Nam và Nam Phi. Tham dự trực tiếp tại Hội trường, về phía Đại sứ quán Cộng hòa Nam Phi tại Việt Nam có Bà Vuyiswa Tulelo, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Nam Phi tại Việt Nam; Ông Marius Conradie, Tham tán Chính trị. Về phía tỉnh Northern Cape, Nam Phi có TS. Zamani Saul, Tỉnh trưởng; Bà Mase Manopole, Ủy viên Hội đồng Cải cách đất đai, Nông nghiệp, Bảo tồn thiên thiên và Môi trường; Bà Venus Blennies, Ủy viên Hội đồng Thanh niên, Phụ nữ, Người Khuyết tật, Truyền thông và Chính phủ số; và Ông Maruping Lekwene, Ủy viên Hội đồng Y tế.Về phía Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông có PGS. TS. Lê Phước Minh, Viện trưởng; PGS.TS. Đỗ Đức Định, Nguyên Viện trưởng  và các viên chức của Viện. Về phía đại biểu quan trọng có Ông Hoàng Sỹ Cường, Đại sứ bổ nhiệm của Việt Nam tại Nam Phi; Đại sứ Trần Tam Giáp, Chủ tịch Hội cựu các đại sứ Việt Nam; Đại sứ Nguyễn Quang Khai, Nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Đông – châu Phi, Nguyên đại sứ Việt Nam tại UAE và Iraq; Đại sứ Phạm Sỹ Tam, Nguyên đại sứ Việt Nam tại Ai Cập; Đại sứ Trần Nguyễn Tuyên, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia; Ông Dương Bình, Vụ phó Vụ Trung Đông – châu Phi, Ban Đối ngoại Trung ương; TS. Ngô Tự Lập, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (CLEF); PGS. TS. Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế quốc dân; và các đại diện của Vụ Trung Đông – châu Phi, Bộ Ngoại giao; Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO); Học viện Chính trị Hồ Chí Minh; Viện Nghiên cứu Thanh niên (YSI), Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI)… và một số nhà nghiên cứu của các viện nghiên cứu quốc tế trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Tham dự trực tuyến có Bà Nobulumko Nomi Nkondlo, Đại diện danh dự Chương trình Chiến lược của Trường Lãnh đạo OR Tambo, Thành viên Hội đồng lập pháp của Tỉnh Western Cape; TS. Philani Mthembu, Giám đốc điều hành Viện Đối thoại toàn cầu (IGD); Đại sứ Welile Nhlapo, Nhà tư vấn chính trị cao cấp, Trung tâm về Tái thiết và Giải quyết xung đột châu Phi (ACCORD); GS. Kgothatso Shai, Trưởng khoa Nghiên cứu Văn hóa và Chính trị, Đại học Limpopo và là Chủ tịch Hiệp hội khoa học chính trị Nam Phi (SAAPS); Sabelo Silinga, Trường lãnh đạo OR Tambo; Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi và một số nhà nghiên cứu khác của Nam Phi và Việt Nam.

“Không có gì quý hơn độc lập tự do” – lời kêu gọi đồng bào của Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc cách đây 57 năm vẫn vang vọng mãi với những người yêu nước Việt Nam và bạn bè quốc tế. Cũng giống như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng thống Nelson Mandela cũng giành cả cuộc đời mình đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng người da đen, và lãnh đạo chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc (Aparthied) ở Nam Phi. “Độc lập, tự do” đó chính là điều thiêng liêng nhất, quý giá nhất của mỗi người, mỗi dân tộc và nhân loại. Đó cũng chính là khát vọng, ý chí, nguyệt vọng, quyết tâm của cả Việt Nam và Nam Phi, được khẳng định và thể hiện rõ trong Hiến pháp, trong đường lối, chính sách đối ngoại, và chiến lược phát triển đất nước của cả hai quốc gia. “Có độc lập, tự do thì sẽ có tất cả, nếu không có độc lập, tự do thì sẽ không có bất cứ thứ gì”.

Việt Nam và Nam Phi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1993. Trải qua 30 năm, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nam Phi không ngừng phát triển. Cả Việt Nam và Nam Phi đều là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Phong trào không liên kết (NAM), Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Việt Nam và Nam Phi có vai trò và vị trí địa chính trị và địa chiến lược quan trọng trong khu vực. Việt Nam là cửa ngõ để Nam Phi thâm nhập vào thị trường ASEAN, và ngược lại Nam Phi là cửa ngõ để Việt Nam thâm nhập vào thị trường SADC và rộng hơn là thị trường châu Phi (AU). Nam Phi có diện tích 1.221.037 km2 , lớn gần gấp 4 lần so với diện tích của Việt Nam là 331.210 km2. GDP bình quân đầu người năm 2022 của Nam Phi là 7.076 USD thuộc các quốc gia có thu nhập trung bình cao, gần gấp đôi Việt Nam là 4.090 USD thuộc quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Hiện nay, Nam Phi là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại châu Phi với kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 2,7 tỷ USD, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và dự địa hợp tác của hai bên.

Theo Tỉnh trưởng TS. Zamani Saul, tỉnh Northern Cape có diện tích 372.889km2  là tỉnh lớn nhất của Nam Phi, và lớn hơn diện tích của Việt Nam nhưng mật độ dân cư thưa thớt với 1,29 triệu người. Northern Caper giàu có về khoáng sản (sản lượng manga xuất sang Trung Quốc là 45 triệu tấn) và đa dạng về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa (du lịch biển đón 1,5 triệu khách/năm), trong đó Kimberley là thành phố lớn nhất và hiện đại nhất của tỉnh Northern Cape và còn được biết đến là “Thủ đô Kim cương của Thế giới” (The Diamond Capital of the World). Do vậy, tiềm năng và triển vọng hợp tác giữa Northern Cape và Việt Nam rất lớn, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư khai thác khoáng sản, phát triển kinh tế biển, nông nghiệp xanh và năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái…  


Sự tương đồng trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, khát vọng độc lập, tự do và tư duy khoa học giống nhau là nền tảng vững chắc để mở rộng và tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Nam Phi. Hơn thế nữa, dựa trên những lợi thế, tiềm năng của cả hai quốc gia, Việt Nam và Nam Phi trong thời gian tới cần đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc gia, cụ thể quan hệ đảng cầm quyền giữa Đảng Cộng sản của Việt Nam và Đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC); quan hệ ngoại giao nhân dân; hợp tác tỉnh – tỉnh, hợp tác địa phương; hợp tác khoa học – giáo dục. Trong đó chú trọng đến thúc đẩy hợp tác trong một số lĩnh vực như: năng lượng tái tạo, nông nghiệp thông minh,  đổi mới sáng tạo, dệt may, du lịch, giáo dục - đào tạo đại học và sau đại học, và an ninh - quốc phòng... Nghiên cứu xây dựng ký kết hợp tác thương mại song phương, cụ thể là Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – Nam Phi (VNSAFTA) sẽ tạo cơ chế hợp tác thuận lợi hơn không chỉ giữa hai quốc gia nói riêng mà còn giữa Việt Nam với AU nói chung. Việc chia sẻ kinh nghiệm và kho kiến thức của hai nước như hội thảo này mà Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông phối hợp với Đại sứ quán Cộng hòa Nam Phi tại Việt Nam đồng tổ chức là điều hết sức cần thiết, giúp hai bên hiểu rõ về nhau, nhìn nhận và đánh giá xát thực nhu cầu, cơ hội cũng như thách thức trong hợp tác giữa Việt Nam và Nam Phi để phát triển quan hệ song phương thiết thực, hiệu quả và lên tầm cao mới. 

  

  Tổng hợp đưa tin

Phạm Kim Huế