Tham dự hội thảo,
về phía các đơn vị đồng tổ chức gồm có: PGS. TS Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện
Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông; GS.TS Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng Đại học Nam
Cần Thơ.
PGS. TS Lê Phước Minh phát biểu khai mạc hội thảo
GS. TS. Võ Tòng Xuân phát biểu khai mạc hội thảo
Tham dự hội thảo
gồm có các cán bộ lãnh đạo, các nhà nghiên cứu, đại biểu từ các cơ quan trực
thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; các trường đại học (Đại học Cần Thơ, Đại học Nam Cần Thơ, đại học Trà Vinh…); các Viện
nghiên cứu (Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy
sản 1, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam); Nông trường Sông
Hậu, và một số chuyên gia nông nghiệp đã từng sống và làm
việc tại một số nước châu Phi.
Phát biểu khai mạc
hội thảo, PGS. TS. Lê Phước Minh đánh giá trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, Việt Nam tiếp tục nỗ lực
mở rộng quan hệ mọi mặt với các nước trên thế giới để tăng cường vị thế của
mình trên trường quốc tế, trong đó có khu vực Châu Phi và Trung Đông. Mục tiêu
của hội thảo là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các doanh nghiệp
đến trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu và hợp tác với Châu Phi – Trung
Đông trong 20 năm qua về lĩnh vực Nông – Ngư nghiệp; trên cơ sở đó đưa ra các
kiến nghị chính sách cho Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với các
nước trong khu vực Châu Phi - Trung Đông
về Nông – Ngư nghiệp trong giai đoạn 2020-2030.
GS. TS Võ Tòng
Xuân, Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ, nguyên giám đốc và CEO của Nhóm phát triển
Nông thủy sản Việt Nam (VAADCO) giới thiệu về sự khác biệt trong chương trình của
VAADCO so với các tổ chức khác. Châu Phi sẽ bắt kịp nông nghiệp của các lục địa
khác nếu :1) Xác định được kỹ thuật canh tác từng vùng cụ thể; 2) Có cấu trúc hạ
tầng tối thiếu và được tạo điều kiện; 3) Nông dân được hướng dẫn trực tiếp bởi
các chuyên gia. Châu Phi có thể nhờ đến Việt Nam bởi kỹ thuật trồng lúa của Việt
Nam được chứng minh ưu việt, chuyên viên Việt Nam không quá đắt tiền mà lại chịu
gian khổ so với chuyên viên các nước khác. Với tài nguyên rộng lớn thích hợp với
cây lúa cao sản ngắn ngày, Châu Phi sẽ tự túc được lương thực bằng khoa học kỹ
thuật của Việt Nam.
Sau các phát biểu
khai mạc, các đại biểu tham dự hội thảo đã tiến hành hai phần của cuộc hội thảo:
Phần
1: Nghiên cứu về Hợp tác nông – ngư nghiệp
giữa Việt Nam và các nước Châu Phi và Trung Đông: Thực tiễn và giải pháp kiến
nghị.
Các đại biểu,
các báo cáo viên đã trình bày các tham luận về tiềm năng và triển vọng, thực trạng,
thách thức và đề xuất giải pháp trong hoạt động hợp tác nông – ngư nghiệp giữa
Việt Nam và một số quốc gia khu vực châu Phi và Trung Đông. Đáng chú ý là các báo cáo của GS Võ Tòng Xuân, ThS Nguyễn Văn Tâm, ThS Đan Thi
về kinh nghiệm đã triển khai các dự án trồng lúa tại Mozambique, Sery Lion, Sudan,
Nigeria, và một số quốc gia khác. Đại diện Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam, PGS
TS Đào Thế Anh và đại diện Viện Nuôi trồng Thuỷ sản 1 (Hà Nội) đã trình bày tham
luận về tiềm năng, kinh nghiệm hợp tác và khả năng hợp tác phát triển Nông – Ngư
nghiệp giữa Việt Nam và các quốc gia châu Phi và Trung Đông.
Sau khi nghe một số ý kiến trao đổi thảo luận, PGS. TS. Lê Phước Minh đã sơ
kết phiên 1 của Hội thảo, trong đó chỉ ra tiềm năng, kinh nghiệm, năng lực cả về
công nghệ và nhân lực của Việt Nam có thể thúc đẩy quan hệ hợp tác, giúp các quốc
gia châu Phi và Trung Đông trong phát triển nông ngư nghiệp, đặc biệt cây lúa. Tuy
nhiên, có rất nhiều rào cản, khó khăn, thách thức, nên để hợp tác có hiệu quả cần
có nghiên cứu, có sự kết hợp giữa các cơ quan nghiên cứu, Viện, trường đại học và
các chuyên gia chuyên môn, và phải chọn đúng đối tác thì các dự án hợp tác mới có
kết quả tốt được.
Phần
2: Hội thảo trực tuyến với Tổng Công ty Azman Rice Mill and Farms Ltd. (thuộc tập
đoàn Azman Group), Nigeria về “Dự án hợp tác trồng lúa tại hai tỉnh của
Nigeria”.
Các đại biểu đã
nghe giới thiệu về hai dự án trồng lúa tại hai tỉnh của Nigeria và khả năng hợp
tác giữa Azman Rice Mill and Farms Ltd. với Viện nghiên cứu Châu Phi và Trung
Đông của bà Zainable Abdulmanaf, giám đốc điều hành công ty Azman Rice Mill and
Farms Ltd. Sau đó là báo cáo ngắn gọn do GS Võ Tòng Xuân trình bày về năng lực
và tiềm năng hợp tác giữa các nhà khoa học, các chuyên gia, các cán bộ nghiên cứu…
trong lĩnh vực nông – ngư nghiệp của Việt
Nam có khả năng tham gia Dự án trồng lúa với Azman Rice Mill and Farms, Nigeria.
Buổi Hội thảo đã
thành công tốt đẹp, không chỉ ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học mà còn mở ra những
cơ hội mới để Việt Nam và các nước Châu Phi và Trung Đông (trước hết là
Nigeria) hợp tác trong lĩnh vực nông – ngư nghiệp thời gian tới.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo