Nhằm kỷ niệm 60
năm Ngày châu Phi (25/5/1963-25/5/2023), Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông
(IAMES) trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) phối hợp với Nhóm các đại sứ quán châu Phi tại
Hà Nội bao gồm: Algeria, Ai Cập, Ma-rốc, Lybia, Nigeria, Angola, Mozambique,
Nam Phi tổ chức Hội thảo trực tuyến và trực tiếp với chủ đề “Thúc
đẩy Khu vực tự do thương mại lục địa châu Phi: Cơ hội và thách thức đối với Việt
Nam” vào ngày 24/05/2023 tại Hội trường lớn, Tòa nhà khối các viện quốc
tế Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội.
Hội thảo đã nhận
được sự quan tâm của đông đảo quan chức chính phủ, nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu,
giới doanh nghiệp và báo chí trong nước và quốc tế. Cụ thể, gần 150 đại biểu đã
tham dự trực tiếp tại Hội trường. Trong đó có các đại sứ và đại biện, đại diện
các đại sứ quán châu Phi tại Hà Nội bao gồm: Ông Abdelhamid Boubazine, Đại sứ Cộng
hòa Dân chủ Nhân dân Algeria tại Việt Nam; Bà Amal Abdel Kader Elmorsi Salama,
Đại sứ Cộng hòa Arab Ai Cập tại Việt Nam; Ông Jamale Chouaibi, Đại sứ Vương quốc
Ma-rốc tại Việt Nam; Ông Gargadi Joseph, Đại biện Đại sứ quán Nigeria tại Việt
Nam, Ông Tito Lidimba, Đại biện Đại sứ quán Mozambique, Ông Marius Conradie,
Tham tán chính trị Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam, Bà Suzana Fernanda Albino
Pedro, Tham tán Đại sứ quán Angola tại Việt Nam… Về phía Việt Nam, có TS. Phan
Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; Bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO); Đại sứ Trần Tam Giáp, Chủ tịch
Hội cựu đại sứ Việt Nam; Đại sứ Phạm Sỹ Tam, Cựu Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập; Đại
sứ Trần Nguyễn Tuyên, Cựu Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia; Đại sứ Hoàng Sỹ Cường,
Đại sứ bổ nhiệm của Việt Nam tại Nam Phi; PGS. TS. Lê Phước Minh, Viện trưởng
IAMES; PGS. TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
(VAAS); Bà Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Thị trường Á-Phi, Bộ Công thương Việt
Nam, TS. Phùng Danh Thắng, Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ, TS. Phạm Cao Cường,
Viện trưởng Viện NC Ấn Độ và Tây Nam Á, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên
cao cấp Đại học Kinh tế quốc dân, Ông Lê Quang Thắng, Giám đốc Vegetexco, Tập
đoàn T&T, Phó Chủ tịch Liên hiệp hợp tác kinh tế Việt Nam – châu Phi. Và đại
diện của các bộ ban ngành Việt Nam như: VCCI, VUFO, Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Bộ Kế hoạch đầu tư và Viện nghiên cứu quốc tế thuộc Viện Hàn lâm
Khoa học xã hội Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế và các sinh
viên châu phi đang theo học tại IFI.
Sau phần phát biểu khai mạc
của Ông Abdelhamid Boubazine, Đại sứ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Algeria tại Việt
Nam - Đại diện nhóm các đại sứ châu Phi tại Hà Nội; TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch
Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; Bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức
hữu nghị Việt Nam (VUFO) và Video chúc mừng của Tổng thư ký AfCFTA Ông Wamkele
Mene, Hội thảo chia làm hai phiên thảo luận chính với chủ đề như sau:
Phiên 1: Thúc đẩy thực thi
AfCFTA: Thực trạng và Triển vọng đối với châu Phi do Ông Silver Ojakol, Trưởng
ban Ban Thư ký AfCFTA làm điều phối viên với các diễn giả bao gồm Ông Ahmed Buckley, Giám đốc Đối tác Liên minh châu Phi, Bộ Ngoại
giao Ai Cập; TS. Blessing Chipanda, Nhà tư vấn nghiên cứu, Tương lai và Đổi mới
sáng tạo châu Phi, Viện NC An ninh, Pretoria, Nam Phi; Bà Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng thị trường
Á-Phi, MOIT; PGS. TS. Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp, Đại học Kinh tế
Quốc dân; Ông Lê Quang Thắng, Chuyên gia Xuất nhập khẩu thương mại quốc tế,
VEGEXCO, Phó Chủ tịch VAECA
Phiên 2: Đối tác để AfCFTA
thành công: Cơ hội và Thách thức đối với Việt Nam do PGS.TS. Lê Phước Minh, Viện
trưởng IAMES, Chủ tịch VAECA làm điều phối viên với các diễn giả Bà Amal
Abdelkader Salama, Đại sứ Cộng hòa Arab Ai Cập tại Việt Nam, Ông Jamale Chouaibi,
Đại sứ Vương quốc Ma-rốc tại Việt Nam, Bà Trudi Hartzenberg, Giám đốc điều phối
Trung tâm Luật thương mại, Nam Phi, PGS.TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa
học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), Phó Chủ tịch VAECA, TS. Đinh Công Hoàng, Trưởng
phòng NC Hợp tác Phát triển, IAMES
Vì
một châu Phi đoàn kết luôn là mục tiêu của người dân châu Phi và cũng đồng thời
giấy mơ của các thành viên sáng lập ra Tổ chức Thống nhất châu Phi – tiền thân
của Liên minh châu Phi (AU) bây giờ. Nhằm thúc đẩy hội nhập khu vực và phát triển kinh tế - xã hội
của châu Phi, tháng 1/2012 tại Phiên họp toàn thể lần thứ 18 ở Addis Ababa,
Ethiopia, các nguyên thủ châu Phi đã ra quyết định thành lập Khu vực Tự do
thương mại lục địa châu Phi (AfCFTA). Sau hơn 7 năm chuẩn bị, đến tháng 5/2019,
Hiệp định AfCFTA bắt đầu có hiệu lực với sự phê chuẩn của 22 quốc gia châu Phi
đầu tiên. Tính đến nay, đã có 46 quốc gia châu Phi chính thức phê chuẩn Hiệp định
AfCFTA và giảm thuế đến 97% số dòng thuế trong thời gian 5 năm và 10 năm đối với
các nước kém phát triển. Có thể nói rằng AfCFTA là tổng hợp toàn diện các cam kết
phù hợp với xu hướng thương mại tự do. Các nội dung chính của AfCFTA gồm:
thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, sở hữu trí tuệ, cơ chế giải quyết
tranh chấp nhằm tăng thương mại nội khối. Khi hoàn thành, AfCFTA sẽ là khu vực
tự do thương mại lớn nhất trên thế giới, với thị trường gồm 1,3 tỷ người và GDP
là 3.400 tỷ USD (WB, 2020).
Việc thực hiện AfCFTA sẽ giúp châu Phi hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo và mang lại sự thịnh vượng cho các quốc gia châu Phi. Cụ thể, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2020, AfCFTA có thể sẽ giúp FDI của châu Phi tăng từ 111% đến 159% bởi thu hút đầu tư xuyên biên giới nhờ miễn thuế quan và hàng rào phi thuế quan, thay thế các thỏa thuận thương mại khu vực và song phương bằng một hiệp định duy nhất và thống nhất. AfCFTA có thể tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới với mức thu nhập cao hơn, đặc biệt cơ hội việc làm cho phụ nữ được cải thiện đáng kể. Đến năm 2035, nhờ AfCFTA, lương của phụ nữ châu Phi sẽ tăng 11,2% và lương của nam giới sẽ tăng 9,8%. AfCFTA sẽ giúp châu Phi hội nhập sâu rộng hơn, xuất khẩu của châu Phi ra thế giới sẽ tăng 32% và xuất khẩu nội khối châu Phi sẽ tăng 109%. Điều đó đồng nghĩa với thu nhập thực tế có thể đạt 9%, và đến năm 2035, 50 triệu người dân châu Phi sẽ có cơ hội thoát nghèo cùng cực. Hơn thế nữa, AfCFTA không chỉ giúp các quốc gia châu Phi thực hiện được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc (UN), mà còn thực hiện được Chương trình Nghị sự châu Phi 2063 của Liên minh châu Phi (AU).
Việt
Nam và các quốc gia châu Phi có mối quan hệ truyền thống hữu nghị, luôn ủng hộ
lẫn nhau từ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cho đến công cuộc xây dựng phát
triển đất nước. Mặc dù đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với
các khu vực khác có giảm song kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các quốc
gia châu Phi vẫn tăng, đạt hơn 7 tỷ USD trong năm 2021. Các mặt hàng xuất khẩu
chính của Việt Nam sang châu Phi gồm hàng công nghiệp, nông nghiệp (nông sản,
thực phẩm, cà phê, chè, hạt tiêu, thủy hải sản), hàng chế biến… Ngược lại, Việt
Nam nhập khẩu từ châu Phi những mặt hàng chủ yếu là nguyên liệu thô (bông, điều,
gỗ…). Hàng hóa của hai bên có tính bổ sung cho nhau, do vậy khi AfCFTA được khiển
khai sẽ là cơ hội để những hàng hóa có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam thâm nhập
nhiều hơn vào thị trường châu Phi và ngược lại, Việt Nam cũng được hưởng lợi
khi nhập khẩu các hàng hóa, nguyên liệu thô từ thị trường châu Phi, có thể nâng
kim ngạch thương mại song phương. Hơn thế nữa, đầu tư của các doanh nghiệp Việt
Nam tại châu Phi cũng được tạo điều kiện nhờ AfCFTA, cụ thể như giảm thủ tục
hành chính, ưu đãi về thuế… Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội mà AfCFTA mang lại
thì cũng đặt ra những thách thức cho Việt Nam. Chẳng hạn, Việt Nam phải cạnh
tranh gay gắt hơn với các quốc gia khác khi thâm nhập vào thị trường châu Phi…
Do vậy,
các đại biểu cho rằng trong thời gian tới để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác
giữa Việt Nam với các quốc gia châu Phi cần: Nâng
cấp các quan hệ truyền thống và quan hệ hiện có bởi mối quan hệ giữa hai bên
được xây dựng dựa trên nền tảng tin yêu; Thúc đẩy kết nối doanh nghiệp, tăng
cường các cuộc thăm quan, khảo sát thị trường, hội chợ, triển lãm để khai thác
các cơ hội hiện có, mở ra cơ hội mới, coi trọng quản trị rủi ro trong thương
mại, đầu tư; Xây dựng các hình thức hợp tác mới, trao đổi các mô hình kinh
doanh, kinh tế mới như: kinh doanh số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; Phát
triển các nền tảng kết nối trực tuyến để giảm thiểu chi phí giao dịch, phát
triển mạnh các diễn đàn, hội thảo, hội nghị, giao lưu, trao đổi nhằm hiểu biết
cụ thể thông tin của từng đối tác thành viên và bên ngoà; Hợp tác phát triển
các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi
khí hậu, các sáng kiến và mô hình giảm phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050; Hợp tác nông nghiệp theo cơ chế hợp tác ba
bên (Việt Nam –FAO- châu Phi để giúp các nước châu Phi phát triển nông nghiệp,
bảo đảm an ninh lương thực như mô hình hiện Việt Nam đang triển khai giúp
Sierra Leone phát triển nông nghiệp với sự giúp đỡ tài trợ của FAO).
Đây là lần
thứ ba, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông (IAMES) trực thuộc Viện Hàn lâm
Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) tổ chức Ngày châu Phi với các chủ đề có ý nghĩa
và thiết thực để chào mừng ngày châu Phi với bạn bè châu Phi, đồng thời còn
nâng cao hiểu biết và trao đổi thông tin giữa Việt Nam và các nước châu Phi và
cộng đồng quốc tế. Do vậy, Hội thảo đã gây được tiếng vang lớn và thu hút được sự
chú ý và quan tâm của rất nhiều đại biểu trong nước và quốc tế. Đồng thời, Hội
thảo cũng là dịp để các nhà học giả, các nhà nghiên cứu,
các nhà ngoại giao, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam, các quốc gia
châu Phi và quốc tế chia sẻ về việc thực hiện AfCFTA, các quy định, điều khoản,
những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện AfCFTA ; Phân tích và đánh giá cơ hội và thách thức hợp
tác giữa Việt Nam và các quốc gia châu Phi khi AfCFTA hoàn thành, để từ đó tìm
ra phương thức tiếp cận mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với châu Phi.
Hơn thế nữa, chủ
đề của Hội thảo ngày châu Phi năm 2023 cũng góp phần hưởng ứng chủ đề của Liên
minh châu Phi “Năm 2023: Tăng cường thực hiện Hiệp định khu vực tự do thương
mại lục địa châu Phi (AfCFTA). Điều này cũng góp phần để Việt Nam thực
hiện Đề án của Chính phủ “Phát triển quan hệ Việt Nam và
Liên minh châu Phi giai đoạn 20121-2025” theo Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày
10/5/2021.
Tổng hợp đưa tin
Phạm Kim Huế
Ảnh: Tuấn Anh