Nhân ngày châu Phi
(25/05/2022), Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông
(IAMES) trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) phối hợp với Tổ
chức Pháp ngữ (OIF) khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Liên hiệp hợp tác kinh
tế Việt Nam – châu Phi (VAECA) đồng tổ chức Hội thảo quốc tế “An ninh lương thực và dinh dưỡng cho tất cả
mọi người” bằng hình thức trực tuyến kết hợp với trực tuyến tại Hội trường
3D, trụ sở VASS, số 1 Liễu Giai, Hà Nội.
Chủ đề của hội thảo
hiện đang là vấn đề thời sự cấp bách và có ý nghĩa quan trọng đối với châu Phi
và thế giới nên nhận được sự quan tâm đông đảo của các quan chức chính phủ, các
nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, các kỹ sư nông nghiệp, các doanh
nghiệp của Việt Nam, các nước châu Phi, các nước thuộc Tổ chức Pháp ngữ và cộng
đồng quốc tế.
Tham dự trực tiếp
tại Hội trường, có Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu
nghị Việt Nam (VUFO); Ông Rémi
Nono Womdim, Trưởng Đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tại
Việt Nam; PGS. TS. Lê Phước Minh,
Viện trưởng IAMES và Chủ tịch VAECA; Bà Amal Abdel Kader Elmorsi Salama, Đại sứ
Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ả rập Ai Cập tại Việt Nam; Ông Jamale Chouaibi, Đại
sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Ma-rốc tại Việt Nam; Ông Leornado Rosario
Manuel Pene, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Mozambique tại Việt Nam; Ông
Ahmed Abdelmoaty, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Cộng hòa Ả rập Ai Cập tại Việt Nam; Ông
Redha Ouchi, Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Cộng hòa dân chủ nhân dân Algeria tại
Việt Nam; Ông Ramlan Osman, Giám đốc điều hành Trung tâm xuất sắc về Halal Việt
Nam (HCOE) và Trung tâm Halal Việt Nam (VHC);
Đại sứ Nguyễn Quang Khai, Nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Đông-châu Phi, MOFA; Đại sứ
Phạm Sỹ Tam, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập; GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Đại
học Nam Cần Thơ; PGS. TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp
Việt Nam (VAAS), Phó Chủ tịch VAECA; TS. Lê Kim Sa, Phó Viện trưởng IAMES; TS.
Kiều Thanh Nga, Phó Viện trưởng IAMES; TS. Đặng Quang Huy, Chuyên viên chính, Vụ
Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; TS. Nghiêm Tiến Chung,
Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội, Viện dược
liệu; Bà Fatima Nunes, Bí thư thứ ba, Đại sứ quán Cộng hòa Angola tại Việt Nam;
Ông Nguyễn Trường Sơn, Quyền Tổng Biên tập Báo Thế giới và Việt Nam; TS. Ngô Tự
Lập, Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI); TS. Phùng Danh Thắng, Phó Viện
trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI); Ông Lại Thành Nam, Ủy viên trung ương Hội
trí thức khoa học công nghệ Việt Nam, Chủ tịch Liên Hiệp khoa học công nghệ
xanh Việt Nam. Ngoài ra, còn có rất nhiều đại biểu đại diện từ các bộ ban ngành
của Việt Nam; các ban và các viện nghiên cứu trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học
xã hội Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam, toàn thể viên chức IAMES, các em sinh
viên châu Phi đang học tập tại Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) và đông đảo các nhà
báo đến đưa tin sự kiện.
Tham dự trực tuyến có Ông Kaloyan Kolev, Chuyên gia chương trình, đại
diện cho Văn phòng Tổ chức Pháp ngữ (OIF) khu vực châu Á-Thái Bình Dương; Đại sứ.
TS. Abu Bakarr Karim, Bộ trưởng Bộ Nông lâm nghiệp Sierra Leon; Đại sứ
Agostinho Andre de Carvalho Fernandes, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa
Angola tại Việt Nam; Ông Nguyễn Nam Tiến, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại
Tanzania; TS. Greg Mills, Giám đốc Quỹ Brenthurst, Nam Phi; Ông Tola Faseru, Chủ
tịch Hội Điều châu Phi (ACA); Ông Oye Akinsoyin, Chủ tịch Văn phòng thương mại
công nghiệp Nigeria – Việt Nam (NVCCI); Ông Adul Salisu, Chủ tịch Gri Africa của
Niger; GS. Victor Harison, Nguyên Ủy viên Ban Kinh tế của Liên minh châu Phi
(AU); TS. John Daniel, Trưởng Bộ phận Kỹ thuật, Công ty Yas Holding LLC; Ông
Brema Outtara, Tổng Thư ký IPROFAM; TS. Tiến sĩ Adama Coulibaly, Tổng giám đốc,
Hội đồng bông và điều Bờ Biển Ngà và rất nhiều nhà nghiên cứu, doanh nghiệp
khác của châu Phi và Việt Nam...
Ngoài ra còn có rất nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của Việt
Nam và các nước châu Phi như: IFI, Quỹ Brenthurst, Hội tri thức trẻ Việt Nam (VAYSE),
VHC, Orgalife, La Salsa, Ngôi nhà Ba Tư…đồng hành cùng Ban Tổ chức để tổ chức
thành công Hội thảo này.
Phát biểu khai mạc, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch VUFO cho rằng
“Việt Nam là đối tác tin cậy luôn sát cánh cùng bạn bè châu Phi. Mối quan hệ đó
được hun đúc từ quan hệ truyền thống hữu nghị, ủng hộ lẫn nhau trong công cuộc
đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cho đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất
nước ngày nay. Việt Nam luôn ghi nhận những lá phiếu ủng hộ tích cực của bạn bè
châu Phi trên các diễn đàn quốc tế… Là thành viên của Tổ chức Pháp ngữ (OIF), với
kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo, từ một nước thiếu lương thực trở thành nước xuất
khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới, Việt Nam sẽ tích cực đồng hành với Tổ chức
Pháp ngữ (OIF) và các đối tác quốc tế khác hỗ trợ các nước châu Phi phát triển
trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp…”. PGS.TS. Lê Phước
Minh, Viện trưởng IAMES, Chủ tịch VAECA trong bài phát biểu khai mạc đã nhấn mạnh:
“Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng xem có 3 loại kẻ thù cho một dân tộc,
đó là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, đây là ba kẻ thù lớn nhất của một
dân tộc, nhất là đối với các quốc gia nghèo. Ngay sau ngày độc lập dân tộc, Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã phát động lời kêu gọi thi đua ái quốc về diệt giặc đói, giặc
dốt, nhờ vậy Việt Nam có được độc lập dân tộc, có được cuộc sống ấm no hạnh
phúc cho người dân… Với những kinh nghiệm xóa đói, phát triển nông nghiệp, Việt
Nam luôn sẵn sàng sát cánh cùng các bạn châu Phi trong công cuộc xóa đói, tự lực
tự cường về lương thực, phát triển bao trùm và bền vững”. Chuyên gia chương
trình, Ông Kaloyan Kolev thay mặt cho Ông Chekou Oussouman, Trưởng đại diện Tổ
chức Pháp ngữ (OIF) khu vực Châu Á – Thái Bình Dương phát biểu khai mạc và cho
rằng: “Ngày 25/5/1963, Tổ chức Thống nhất Châu Phi ra đời, sau này trở thành
Liên minh Châu Phi (AU). Kể từ năm 1990, ngày ký kết thỏa thuận hợp tác đầu
tiên, OIF và AU đã cùng hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên chung, bao gồm thúc
đẩy hòa bình, an ninh, đa dạng văn hóa và ngôn ngữ, cũng như phát triển kinh tế
bao trùm và bền vững trên Lục địa Châu Phi. Trong số 55 quốc gia thành viên của
AU thì có 32 quốc gia cũng là thành viên của OIF… Việt Nam là một tấm gương trong phát triển nông nghiệp để nhiều nước
đang phát triển noi theo, và đặc biệt là các nước Châu Phi. Cũng như Việt Nam,
OIF coi trọng hợp tác Nam-Nam và hợp tác ba bên. Chiến lược Kinh tế của La
Francophonie, được các quốc gia thành viên và chính phủ thông qua với mục đích
tạo ra không gian hợp tác, đổi mới, năng động và hợp tác kinh tế Bắc-Nam, Nam-Nam và ba bên. Chính vì vậy, một
bản thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác Nam-Nam và ba bên trong lĩnh vực nông
nghiệp đã được ký kết trong chuyến thăm lịch sử tới trụ sở OIF tại Paris của Thủ
tướng Việt Nam Phạm Minh Chính. Biên bản ghi nhớ giữa OIF và Bộ Nông nghiệp và
Phát triển Nông thôn Việt Nam được thực hiện nhân chuyến thăm của Bà Louise
MUSHIKIWABO đến Việt Nam từ ngày 22 đến 26 tháng 3 năm 2022. Mục tiêu là tăng
cường trao đổi kinh nghiệm giữa Việt Nam và các nước thành viên của OIF về
chính sách, chiến lược, quản trị, chuyển giao công nghệ và bí quyết trong lĩnh
vực nông nghiệp, và tập trung phát triển chuỗi giá trị cà phê, hạt điều, gạo và
bông. Ngoài ra, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh Châu Âu (EVFTA)
và Khu vực Mậu dịch Tự do Lục địa Châu Phi (AfCFTA) đều là những công cụ được sử
dụng để tăng cường hợp tác nông nghiệp ba bên cùng có lợi giữa Việt Nam, châu
Âu, châu Phi và Cộng đồng Pháp ngữ…, sẽ góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho
tất cả mọi người, ở Châu Phi, ở các nước Pháp ngữ và trên thế giới”.
Hội thảo chia là hai phiên với chủ đề Phiên 1 là “Tăng cường hợp
tác ba bên: nhu cầu và triển vọng” và Phiên 2 là “Làm gì để bảo đảm an ninh
lương thực và dinh dưỡng cho tất cả mọi người ở châu Phi?”. Các nhà quản lý, hoạch
định chính sách, các học giả, nghiên cứu, các doanh nghiệp của Việt Nam, châu
Phi và quốc tế đã nhiệt huyết trình bày và chia sẻ thực trạng, kinh nghiệm phát
triển nông nghiệp cũng như đề xuất một số biện pháp, phương thức thúc đẩy hợp
tác phát triển nông nghiệp theo hình thức hợp tác ba bên, hợp tác Nam – Nam. Đơn
cử, một số ý kiến cụ thể như sau:
Ông Jamale Chouaibi, Đại sứ Đặc mệnh toàn toàn Vương quốc Ma Rốc tại
Việt Nam cũng cho rằng: “Chủ đề an ninh lương thực là một lựa chọn kịp thời
trong bối cảnh tình trạng suy dinh dưỡng đang ngày càng trầm trọng ở châu Phi
và nhu cầu cấp bách về việc tăng cường hợp tác quốc tế và Nam-Nam để đối mặt với
vấn đề này một cách hiệu quả. An ninh lương thực là một thách thức chính đối với
các nước châu Phi, trong đó có Ma-rốc. Kể từ khi độc lập, Ma-rốc coi tự cung tự
cấp lương thực là một trụ cột trong chiến lược phát triển của mình và đã thành
công trong việc giảm thiểu tình trạng thiếu ăn xuống dưới 5% dân số. Thông qua
quan hệ đối tác với các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Nông lương thế giới (FAO),
Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD), và các sáng kiến như “Sáng kiến 3 A”
so Ma-rốc khởi sướng tại COP22, Marrakech nhằm giúp nông nghiệp châu Phi thích ứng
với biến đổi khí hậu, Ma-rốc đã và đang tích cực tham gia vào hợp tác ba bên và
bốn bên để phát triển ngành nông nghiệp châu Phi. Đồng thời là nước sản xuất
phân bón chính, Ma-rốc có vai trò quan trong việc giảm thiểu tình trạng suy
dinh dưỡng ở châu Phi thông qua một số chương trình nhằm hỗ trợ chuỗi giá trị
nông nghiệp trên toàn lục địa. Chẳng hạn, chương trình “Agribooster” nhằm cung
cấp cho nông dân nhỏ (khoảng 600.000 nông dân) các dịch vụ chuyên biệt và đào tạo
sử dụng thiết bị, giúp kết nối nông dân châu Phi với các nhà cung cấp bảo hiểm,
người mua quốc tế và các tổ chức phát triển, góp phần tăng năng suất cây trồng lên
tới 63% tại các quốc gia châu Phi bao gồm Nigeria, Ghana, Bờ Biển Nga, Senegal…
Do tác động của đại dịch Covid-19 ở châu Phi, Ma-rốc kêu gọi và cam kết tăng cường
hợp tác và đoàn kết Nam-Nam để thúc đẩy an ninh lương thực ở Tây Phi nói riêng
và châu Phi nói chung”.


Còn Bà Amal Abdel Kader Elmorsi Salama, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền
Cộng hòa Ả rập Ai Cập tại Việt Nam cho rằng “Hội nghị diễn ra trong thời điểm nền
kinh tế toàn cầu đang chứng kiến những thách thức chưa từng có do hậu quả của
đại dịch Covid-19 tiếp tục gây ra; cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng
toàn cầu, sự gia tăng nhiệt độ, khan hiếm nước, sự sa mạc hóa của những khu vực
đất nông nghiệp, và những tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine. Do đó, điều cần
thiết là phải giải quyết cuộc khủng hoảng an ninh lương thực trên thế giới và đặc
biệt là ở các nước đang phát triển và lục địa châu Phi, theo một cách tiếp cận
toàn diện và tổng thể bao gồm hành động ngay lập tức, đồng thời giải quyết các
nguyên nhân gốc rễ của nó. Điều quan trọng nữa là phải thúc đẩy hợp tác và phối
hợp giữa các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi để đạt được các giải
pháp hiệu quả và bền vững cho những thách thức này. Đối với Ai Cập, nước này hiện
đang thực hiện các nỗ lực nhằm giảm bớt hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế
toàn cầu và hỗ trợ sự ổn định kinh tế quốc gia, đồng thời kích thích đầu tư và
bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương nhất, trong khuôn khổ chương trình cải cách
kinh tế đầy tham vọng đang được Chính phủ thực hiện từ năm 2016. Ai Cập cũng
quyết tâm tiếp tục nỗ lực để đạt được tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững,
cũng như đóng vai trò hiệu quả trong việc thúc đẩy lợi ích của các nước đang
phát triển ở cấp độ quốc tế và tăng cường hợp tác Nam-Nam, góp phần củng cố vị
thế của các nước đang phát triển trong một trật tự toàn cầu mới. Việc đăng cai
và chủ trì COP27 tại Sharm El-Sheikh vào tháng 11/2022 sẽ là dịp để Ai Cập sát
cánh cùng các nước anh em châu Phi đối mặt với những thách thức này và nỗ lực
thúc đẩy tiến trình thực hiện Chương trình nghị sự 2063 của Liên minh châu Phi
(AU)”.
TS. Đặng Quang
Huy, Chuyên viên chính của Vụ Hợp tác Quốc tế Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn Việt Nam cho rằng: “Chủ đề của Hội thảo
vô cùng quan trọng và mang tính thời sự; vì nó chính là 1 trong những
thành tố của an ninh con người; là điều kiện tiên quyết để bảo đảm quyền sống của
con người. Thực tế chúng ta đang phải chứng kiến thế giới này mỗi ngày có hàng
trăm triệu người phải nhịn đói đi ngủ (trung bình cứ 10 người lại có hơn 1 người
bị đói), 3 tỷ người không có đủ dinh dưỡng của bữa ăn, dẫn đến gần nửa triệu
người (462 triệu) bị nhẹ cân mặc dù chúng ta đang ở giai đoạn phát triển nhất,
lượng lương thực đang được sản xuất nhiều hơn bao giờ hết. Nông nghiệp Việt Nam
được xem là bệ đỡ cho nền kinh tế, đặc biệt trong lúc nền kinh tế rơi vào hoàn
cảnh khó khăn, khủng hoảng. Giai đoạn đại dịch Covid-19 vừa qua là minh chứng
rõ nhất. Trong khi các ngành kinh tế suy giảm thì nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng,
tiếp tục đảm bảo an ninh lương thực và tiếp tục tham gia tích cực vào chuỗi
cung ứng toàn cầu. Năm 2021 GDP ngành nông nghiệp đạt 2,85 - 2,9%. Kim ngạch xuất
khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kết quả cao kỷ lục 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với
năm 2020. Hơn thế, nông nghiệp Việt Nam còn như bệ phóng đưa một đất nước nước
từ thiếu ăn, nhanh chóng trở thành một quốc gia đảm bảo được an ninh lương thực
và vươn lên hàng ngũ những nhà cung cấp lương thực lớn của thế giới. Là quốc
gia đã từng trải qua nạn đói; tình trạng nghèo nàn, lạc hậu; chiến tranh; chịu
nhiều thiên tai, dịch bệnh và là 1 trong 5 quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi
biến đổi khí hậu, Việt Nam hiểu hơn hết việc cần phải đảm bảo an ninh lương thực cho mình và mong muốn tiếp tục là thành
viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong việc đảm bảo an ninh lương thực
và dinh dưỡng cho mọi người. Do vậy, hợp tác Nam - Nam và ba bên là một trong
những hình thức hợp tác quan trọng nhất để đạt được các mục tiêu phát triển bền
vững – SDGs và cần sự đồng hành của tất cả các bên liên quan, dành sự quan tâm,
ủng hộ và hỗ trợ để Việt Nam có thêm sức mạnh, nguồn lực và cơ sở thuận lợi hơn
trong quá trình cùng nhau đi tới đích nhanh hơn và vững chắc hơn”.
Tiến sĩ Remi Nono Womdim, Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam cho rằng
“các hành động cần thực hiện đối với an ninh lương thực và quyền tiếp cận thực
phẩm cho tất cả mọi người ở Châu Phi trong bối cảnh giá lương thực tăng cao
nghiêm trọng như hiện nay. Sau một thời gian dài được cải thiện từ năm 2000 đến
năm 2013, nạn đói đã trở nên tồi tệ hơn đáng kể ở châu Phi và hầu hết tình trạng
tồi tệ này diễn ra từ năm 2019 đến năm 2020. Năm 2020, 282 triệu người châu Phi
bị suy dinh dưỡng, tăng hơn 89 triệu người so với năm 2014. Trong đó, khoảng
44,4% người thiếu dinh dưỡng trên lục địa này sống ở Đông Phi, 26,7% ở Tây Phi,
20,3% ở Trung Phi, 6,2% ở Bắc Phi và 2,4% ở Nam Phi. Tại phiên họp thứ 32 của Hội
nghị khu vực châu Phi của FAO được tổ chức vào tháng 4/2022 tại Malabo, Guinea
Xích đạo, Tổng Giám đốc FAO, Tiến sĩ QU Dongyu nhấn mạnh: “Châu Phi có tiềm năng
to lớn để thay đổi và thịnh vượng do có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú
và lượng lớn những người trẻ sáng tạo". Trong bối cảnh đó và trong khuôn
khổ chiến lược của FAO cho giai đoạn 2022-2031, để đáp ứng nhiều thách thức nhằm
đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng, Châu Phi cần khẩn trương tận dụng nguồn
nhân lực và tài nguyên thiên nhiên để chuyển đổi hệ thống nông sản để làm cho
chúng hiệu quả hơn, bao trùm hơn, linh hoạt hơn và bền vững hơn nhằm cải thiện
sản xuất, dinh dưỡng, môi trường và điều kiện sống, không để ai bị bỏ lại phía
sau ”.
TS. Greg Mills, Giám đốc Quỹ Brenthust, Nam Phi trong bài tham luận
công phu và chi tiết đã trình bày thực trạng châu Phi hiện nay và xu hướng phát
triển trong thời gian tới, đặc biệt TS. Greg Mills đã sử dụng mô hình SWOT để
phân tích, đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu để từ đó chỉ ra những cơ hội cũng
như những thách thức mà châu Phi có được và phải đối mặt nếu muốn tăng trưởng
bao trùm và phát triển bền vững. TS. Greg Mills cho rằng Việt Nam là một mô hình
phát triển mà các nước châu Phi cần học hỏi. Điều đó đã được TS. Greg Mills nhấn
mạnh trong cuốn sách “Khát vọng châu Á: Tại sao và làm như thế nào để
châu Phi đua theo châu Á (The Asian Aspiration: Why and How Africa Should
Emulate Asia). TS. Greg Mills cũng đồng tình cần thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam
và châu Phi, hợp tác Nam – Nam và hợp tác ba bên trong lĩnh vực nông nghiệp để
giúp các nước châu Phi tự lực tự cường lương thực, phát triển bền vững vì tương
lai tươi sáng và thịnh vượng cho châu Phi và toàn thế giới.
Đại sứ. TS. Abu Bakarr Karim, Bộ trưởng Bộ Nông lâm nghiệp Sierra
Leon cũng cho rằng: “Cần có các hành động tập thể đổi mới nhằm tăng năng suất
và sản xuất nông nghiệp để chống lại nạn đói, suy dinh dưỡng và nghèo đói - những
thách thức lớn nhất mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay, đặc biệt là trong bối
cảnh đại dịch COVID-19. Ở Sierra Leone, trong năm 2021, 2,0 triệu người đói
kinh niên và 1,1 triệu người đói cấp tính trong tổng số 8,2 triệu dân (theo Báo
cáo SOFI). Do vậy, chấm dứt nạn đói và suy dinh dưỡng trên thế giới là bởi 1.
Không đói có thể cứu sống 3,1 triệu trẻ em mỗi năm; 2. Người mẹ được nuôi dưỡng
tốt sinh con khỏe mạnh hơn, có hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn; 3. Sinh con trong
tình trạng dinh dưỡng có thể làm tăng 16,5% GDP của một nước đang phát triển;
4. Một đô la đầu tư vào việc ngăn chặn nạn đói có thể mang lại lợi ích từ $ 15
đến $ 139; 5. Dinh dưỡng hợp lý trong giai đoạn đầu đời có thể có nghĩa là thu
nhập suốt đời nhiều hơn 46%; 6. Loại bỏ tình trạng thiếu sắt trong dân số có thể
tăng 20% năng suất tại nơi làm việc; 7. Chấm dứt tỷ lệ tử vong ở trẻ em liên
quan đến dinh dưỡng có thể tăng lực lượng lao động lên 9,4% và 8. Không đói có
thể giúp xây dựng một thế giới an toàn hơn, thịnh vượng hơn cho tất cả mọi người.
Còn PGS. TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện
Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), Phó Chủ tịch VAECA cho rằng: “Đã đến lúc
cần tăng cường khả năng tự chủ về nông nghiệp và lương thực của Châu Phi, cải
thiện an ninh lương thực và dinh dưỡng cũng như giảm thiểu tác hại của môi trường
đối với nông nghiệp. Trong hơn 20 năm qua, VAAS tự hào đã huy động hơn 2000
chuyên gia của ngành nông nghiệp Việt Nam, chủ yếu là chuyên gia về lúa gạo và
cây lương thực sang các nước sau: Senegal, Miền Trung. Cộng hòa Châu Phi,
Congo, Madagascar, Angola, Mozambique, Sudan .... hỗ trợ các bạn Châu Phi xây dựng
và phát triển lúa gạo và các loại cây lương thực như ngô, đậu, rau. Các chuyên
gia Việt Nam đã cùng nông dân thực hiện các mô hình trồng lúa, ngô. .. Nhờ đó,
đã có hàng trăm mô hình trồng lúa bằng giống mới, kỹ thuật mới đã cho năng suất
bình quân cao hơn 200-300% so với mô hình thông thường. Các chuyên gia Việt Nam
cũng đã mở hàng nghìn lớp tập huấn kỹ thuật trồng lúa cho nông dân trong thôn
và phương pháp này cho thấy hiệu quả rõ rệt. Là thành viên của Liên minh Hợp
tác Kinh tế Việt Nam-Châu Phi (VAECA), VAAS sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật và cho hợp
tác Nam-Nam về phát triển hệ thống lương thực và nông nghiệp. Việt Nam cũng sẵn
sàng tham gia hợp tác ba bên với sự tham gia của FAO, IFAD hoặc một số nước”.


GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ và được gọi là
TS. Lúa gạo (Dr. Rice) bởi giáo sư đã có nhiều năm lăn lộn giúp các nước châu
Phi như: Nigeria, Sierra Leone, Bờ Biển Nga, Mozambique canh tác trồng lúa, đạt
năng suất cao. Với kinh nghiệm thực địa ở châu Phi, Giáo sư Võ Tòng Xuân hoàn
toàn tin tưởng rằng châu Phi với tài nguyên đất đai rộng lớn, nguồn nước sẵn (đặc
biệt là mùa mưa) và nguồn nhân lực trẻ (nông dân châu Phi cũng chăm chỉ, cần cù
như nông dân Việt Nam) nên khi được Việt Nam chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn trồng
lúa nước (vụ mùa ngắn hạn) hoàn toàn có thể bảo đảm an ninh lương thực cho
chính gia đình, xã hội và quốc gia. Việc FAO, IFAD và các tổ chức quốc tế hỗ trợ
tài chính để tài trợ đưa các kỹ sư nông nghiệp của Việt Nam sang giúp các nước
châu Phi phát triển nông nghiệp chính là phương thức hợp tác ba bên, Nam – Nam
thiết thực và hiện quả nhất. Điều này chắc chắn sẽ giúp các nước châu Phi “cần
câu cá” để chiến thắng giặc đói, bảo đảm an ninh lương thực và phát triển bền vững…
Các đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến đều đánh giá cao sáng
kiến tổ chức Hội thảo “An ninh lương thực và dinh dưỡng cho tất cả mọi người” của
Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông (IAMES), Liên hiệp hợp tác kinh tế Việt
Nam – châu Phi (VAECA) và Tổ chức Pháp ngữ (OIF) tại khu vực Châu Á – Thái Bình
Dương. Hội thảo không chỉ là sự kiện kỷ niệm chúc mừng Ngày châu Phi với bạn bè
châu Phi mà còn dấy lên tiếng nói về sự cần thiết chung tay giải quyết vấn đề
hiện đang nổi cộm cấp bách “an ninh lương thực và dinh dưỡng” cho châu Phi và
thế giới. Có thể nói rằng Hội thảo cũng là cơ hội để kết nối giữa doanh nghiệp với
doanh nghiệp (B2B), doanh nghiệp với khách hàng
(B2C) và doanh nghiệp với chính phủ (B2G) của Việt Nam, các nước châu Phi, các
nước nói tiếng Pháp và cộng đồng quốc tế nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư
trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt lĩnh vực nông nghiệp như: lúa gạo, ngô, hạt
điều, cà phê, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia súc… để giúp châu Phi thực
hiện lộ trình Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đến năm 2030 và Chương
trình nghị sự của Liên minh châu Phi đến năm 2063 vì một châu Phi và thế giới
ấm no, hạnh phúc và hòa bình.
Thực hiện: Phạm Thị Kim Huế