Chiều
2/5, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Châu Phi & Trung Đông trực thuộc Viện Hàn
lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Quỹ Brenthurst, Nam Phi tổ chức Hội
thảo Quốc tế “Chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế giữa Việt Nam và châu
Phi”.
Tham dự hội thảo, Về phía các đơn vị đồng tổ
chức hội thảo có: PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng,
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS. Lê Phước Minh, Viện
trưởng Viện nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông; TS. Greg Mills - Giám đốc Quỹ
Brenthurst, Nam Phi.
Về phía các quốc gia Châu Phi có các vị
quan chức cấp cao, các Đại sứ, Đại biện các nước Châu Phi tại Việt Nam, gồm: Ngài
Olusegun Obasanjo, Nguyên Tổng thống Cộng hòa Liên bang Nigeria; Ngài
Hailemariam Dessalegn Boshe, Nguyên Thủ tưởng Cộng hòa Ethiopia; Ngài H.E.Mr.
Mohamed Berrah, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Algeria tại
Việt Nam; Ngài Joao Manuel Bernardo, Đại
sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Angola; Ngài Ahmed Abdelmoaty, Đại biện Cộng
hòa Arab Ai Cập tại Việt Nam; Ngài Tarik Ghozlani , Đại biện Vương Quốc Ma-rốc
tại Việt Nam; Bà Maria Fatima Phumbe, Công sứ Toàn quyền Cộng hòa Mozambique tại
Việt Nam.
Về phía Việt Nam, có các quan chức lãnh đạo
của các bộ, ban ngành, các trường đại học và các doanh nghiệp của Việt Nam. Bà
Phạm Chi Lan, Nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI);
TSKH. Võ Đại Lược, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Ủy
viên Hội đồng Khoa học Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; Ông Bùi Hà Nam, Vụ Phó Vụ
Trung Đông - Châu Phi, Bộ Ngoại giao; Đại sứ Phạm Sỹ Tam, Nguyên Đại sứ Việt
Nam tại Ai Cập; Đại sứ Nguyễn Quang
Khai, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại UAE và các nhà nghiên cứu của các cơ quan trực thuộc
Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
Phát
biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Bùi Nhật Quang đã nhiệt liệt chào mừng các vị
khách quý, các đại biểu đã về dự Hội thảo, ghi nhận những đóng góp của Viện
Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông (IAMES) trong việc xúc tiến và triển khai các
hoạt động hợp tác với các nước trong khu vực Châu Phi và Trung Đông. Hội thảo
được đánh giá là một trong những sự kiện quan trọng trong nỗ lực tăng cường các
hoạt động liên quan đến nghiên cứu, hợp tác triển khai và hợp tác quốc tế mà
IAMES đã làm được trong thời gian qua. PGS.TS. Bùi Nhật Quang rất kỳ vọng vào kết
quả đạt được của Hội thảo trong việc chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế của
hai bên về những thành công và thất bại. Đặc biệt là những khó khăn chưa đạt được
để tìm ra những điểm tắc nghẽn cần tháo gỡ trong lý luận, chính sách và triển
khai thực tế. Điều này sẽ giúp hai bên cùng học tập, rút ra bài học kinh nghiệm,
đóng góp nhiều hơn vào quá trình phát triển…
PGS.TS. Bùi Nhật Quang phát biểu khai mạc Hội thảo
Tiếp lời PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ngài
Hailemariam Dessalegn Boshe, nguyên Thủ tướng Cộng hòa Ethiopia cũng đánh giá
cao ý nghĩa của Hội thảo và bày tỏ tin tưởng vào những đóng góp về mặt lý luận
mà hai bên sẽ cùng nhau chia sẻ tại Hội Thảo. Đối với các nước Châu Phi, việc học
tập kinh nghiệm từ Việt Nam trong xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, các
khả năng hợp tác… là những vấn đề mà các nước Châu Phi rất quan tâm và mong muốn
nhận được sự chia sẻ cởi mở từ các nhà khoa học, các nhà quản lý của Việt Nam.
Ngài Olusegun Obasanjo, Nguyên Tổng thống Cộng hòa Liên bang Nigeria phát biểu tại Hội thảo
Ngài Hailemariam Dessalegn Boshe, Nguyên Thủ tưởng Cộng
hòa Ethiopia (giữa) phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo đã lắng nghe tham luận liên quan đến
“Tình hình phát triển kinh tế của Châu
Phi và khả năng hợp tác với Việt Nam” (do TS. Greg Mills trình bày) và tham
luận “Đổi mới kinh tế của Việt Nam: Thách
thức, giải pháp và triển vọng” (do TSKH. Võ Đại Lược trình bày). TS. Greg
Mills cho biết: Vào các năm 2019 và 2020, triển vọng kinh tế châu Phi với tổng
sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ tăng lên lần lượt 4% và 4,1%. Sự phát triển này là
nhờ những tiến bộ nhanh chóng của công nghệ và thay đổi xu hướng tiêu dùng.
TS. Greg Mills trình bày tham luận tại Hội thảo
Mặc dù Châu Phi duy trì tốt đà tăng trưởng,
song tăng dân số vẫn là một trong những thách thức lớn của châu lục. Ước tính,
số người trong độ tuổi lao động sẽ tăng từ 705 triệu người năm 2018 lên gần một
tỷ người năm 2030. Với tỷ lệ tăng trưởng lực lượng lao động như hiện nay, Châu
Phi cần tạo thêm khoảng 12 triệu việc làm để có thể ngăn tỷ lệ thất nghiệp gia
tăng.
Tham luận cũng nêu ra các hành động cụ thể
giúp Châu Phi nâng mức tăng trưởng lên 4,5%, đồng thời có thể giải quyết vấn đề
thất nghiệp và nghèo đói. Trọng tâm của các giải pháp này là thúc đẩy một
"Châu Phi không biên giới", tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể
phát triển; tạo thêm nhiều việc làm chất lượng cao, nhất là trong các ngành
công nghiệp. Các đề xuất cũng bao gồm việc loại bỏ thuế quan giữa các quốc gia ở
Châu Phi và các hàng rào phi thuế quan đối với dịch vụ và hàng hóa, đồng thời
áp dụng quy định về xuất xứ hàng hóa đơn giản, linh hoạt và minh bạch...
Trong bối cảnh các nước Trung Đông - Châu Phi đang đẩy mạnh chính sách hướng Đông và coi trọng hợp tác với Việt Nam, các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực đầu tư, dầu khí, viễn thông, thương mại, xuất nhập khẩu nông thủy sản, giao thông vận tải, lao động… đã được tiến sĩ Greg Mills khẳng định như là một trong nhiều cơ sở quan trọng để cả hai bên cùng khai thác tối ưu lợi ích trong hợp tác giữa Châu Phi và Trung Đông với Việt Nam nói riêng và khu vực Châu Á nói chung.
Bàn về quá trình đổi mới kinh tế của Việt
Nam, các chuyên gia cho rằng việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là
chủ trương đúng đắn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Nhà nước Việt
Nam trong thời kỳ đổi mới. Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thu hút và sử dụng
FDI cũng còn nhiều mặt hạn chế, như mục tiêu thu hút công nghệ cao, công nghệ
nguồn và chuyển giao công nghệ thông qua thu hút FDI chưa đạt được như kỳ vọng;
hiệu ứng lan tỏa của khu vực FDI đối với khu vực trong nước còn hạn chế; một số
dự án được cấp phép nhưng chưa bảo đảm tính bền vững, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm
môi trường.
Nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt
với nhiều khó khăn, thách thức như: (1). Kinh tế có thể bị tác động tiêu cực từ
các biến động của kinh tế thế giới; (2). Mô hình tăng trưởng mặc dù có sự cải
thiện song chưa rõ rệt, tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào các nguồn lực như vốn đầu
tư và tín dụng, trong khi chất lượng, hiệu quả sử dụng các nguồn lực này chưa
cao; (3). Chất lượng lao động chưa được cải thiện cùng năng lực khoa học - công
nghệ ở mức thấp có thể ảnh hưởng tới lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị
trường quốc tế và khả năng thu hút các dòng vốn tới Việt Nam; (4). Công nghiệp
chế biến, chế tạo là ngành đã có tăng trưởng ấn tượng trong thời gian qua nhưng
đang có xu hướng tăng chậm lại; (5). Xuất khẩu đối mặt với nhiều khó khăn khi
mà các chính sách bảo hộ thương mại của nhiều đối tác lớn chính thức áp dụng với
nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; (6). Giá của các nhóm hàng y tế, giáo dục,
điện, nước đã được chính phủ sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng làm tăng chi phí
sản xuất và tiêu dùng, từ đó làm giảm sức mua trong nước, đồng thời gây áp lực
gia tăng lạm phát…
Để thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế
các chuyên gia nhận định: Cần phải có chính sách tăng cường nền tảng kinh tế vĩ
mô, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế, đảm bảo hệ thống cần bằng tổng thể
của nền kinh tế.
Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi
mới mô hình tăng trưởng gồm: Tập trung xây dựng và thực hiện cơ cấu lại ba trọng
tâm gồm cơ cấu lại đầu tư công; cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới
mô hình tăng trưởng nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh
tế, xúc tiến thương mại, mở rộng thị tường xuất khẩu; đẩy mạnh phát triển thị
trường nội địa.
Nâng cao chất lượng quản lý vốn đầu tư, đặc biệt đầu tư công. Trước hết cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công: Tập trung giải ngân vốn vào các công trình cơ sở hạ tầng trọng điểm giúp cải thiện năng lực sản xuất trong nước như các công trình đường cao tốc, đường sắt hay cảng hàng không.
Đối với đầu tư nước ngoài, cần xây dựng định
hướng thu hút FDI có chọn lọc các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, ứng
dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; triển khai vận hành Hệ thống
thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp
trong nước với doanh nghiệp FDI.
Tận dụng triệt để lợi thế khai thác thị trường
xuất khẩu khi một số hiệp định thương mại có Việt Nam tham gia chính thức có hiệu
lực từ năm 2019.
Chủ động đối phó với các ảnh hưởng tiêu cực
từ các xung đột thương mại và chiến tranh thương mại quốc tế. Việt Nam cần chủ
động hơn trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ, đa dạng hoá thị trường tiêu thụ
thông qua các buổi xúc tiến thương mại, đàm phán song phương và đa phương với
các nước trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt là tận dụng triệt để chính
sách hướng Đông từ các quốc gia Châu Phi và Trung Đông nhằm tạo ra những lợi thế
so sánh…
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Tổng kết Hội thảo, Ngài Olusegun Obasanjo,
nguyên Tổng thống nước Cộng hòa liên bang Nigenia và PGS.TS. Lê Phước Minh, Viện
trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông đã đánh giá cao các báo cáo và khẳng
định kết quả của Hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp các luận cứ
khoa học, hàm ý chính sách và mở ra khả năng hợp tác giữa các bên trong thời
gian tới.
Bích Ngọc
Nguồn IAMES