Thế
giới đang chứng kiến những đột phá công nghệ trong hàng loạt các lĩnh vực như:
trí tuệ nhân tạo, robots, internet kết nối vạn vật, công nghệ in 3 chiều, công
nghệ nano, công nghệ sinh học, dữ liệu lớn... Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang
tạo ra những thay đổi ghê gớm và có ảnh hưởng to lớn tới mọi mặt của đời sống
xã hội con người. Lợi thế về nguồn tài nguyên thiên nhiên, giá lao động rẻ
không còn được coi là những yếu tố sản xuất quan trọng như trước đây. Vai trò của
nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, có năng lực sáng tạo ngày càng có ý
nghĩa quyết định trong bối cảnh kinh tế tri thức, kinh tế số. Xu thế mới đó
đang chi phối tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Israel và Việt
Nam. Đối với Israel, một quốc gia Trung Đông nhỏ bé, điều kiện thiên nhiên khắc
nhiệt và nghèo về tài nguyên, song nhờ chiến lược, chính sách đầu tư phát triển
nguồn nhân lực chất lượng cao, hiện Israel trở thành một trong những quốc gia
hàng đầu trên thế giới về cách mạng công nghiệp 4.0. Trong khi đó, Việt Nam là
quốc gia Đông Nam Á được thiên nhiên ưu đãi, song vẫn đang là quốc gia đang
phát triển và gặp nhiều khó khăn và thách thức khi hướng tới trở thành một nước
công nghiệp theo hướng hiện đại. Những yếu tố như lực lượng lao động thủ công
trẻ, dồi dào sẽ không còn là thế mạnh nữa của Việt Nam, thậm chí còn bị đe dọa,
khiến hợp tác xuất khẩu lao động của Việt Nam bị giảm sút. Do
vậy, để rút ngắn thời gian tiếp cận khoa học - công nghệ mới, tạo nguồn lực
phát triển kinh tế và thu hẹp khoảng cách tụt hậu so với các nước phát triển
trên thế giới, thì không gì Việt Nam cần phải đầu tư phát triển nguồn nhân lực
chất lượng cao – một trong những yếu tố then chốt quyết định sự tăng trưởng và
phát triển bền vững của đất nước. Nên cơ hội hợp tác, học hỏi kinh nghiệm, nhất
là trong tìm kiếm, tiếp thu và tận dụng sự hiểu biết về khoa học và công nghệ của
các quốc gia tiên tiến trên thế giới, trong đó có Israel là vô cùng cần thiết.
Chính
vì vậy, căn cứ Quyết định số 1266/QĐ-KHXH ngày 04/10/2021 của Chủ tịch Viện Hàn
lâm Khoa học xã hội Việt Nam, ngày 28/10/2021 tại Hội trường 1B, Tòa nhà khối
các viện quốc tế Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, 176 Thái Hà, Đống Đa,
Hà Nội, Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông phối hợp với Đại sứ quán Nhà nước
Israel tại Việt Nam đã đồng tổ chức thành công Hội thảo quốc tế “Phát
triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Kinh nghiệm từ Israel” bằng hình
thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến và ngôn ngữ làm việc bằng tiếng Anh.
Đông
đảo các nhà hoạch định chính sách, nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu, nhà giáo của
Israel và Việt Nam đã tham dự trực tiếp và trực tuyến. Trong đó, về phía Viện
Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông có sự tham dự trực tiếp của PGS. TS. Lê Phước
Minh, Viện trưởng; TS. Kiều Thanh Nga, Viện phó; PGS. TS. Đỗ Đức Định, Nguyên
Viện trưởng; TS. Đỗ Đức Hiệp, Trưởng phòng NC Văn hóa – Giáo dục; TS. Đinh Công
Hoàng, Phó trưởng Phòng NC Kinh tế, TS. Trần Thùy Phương, Trưởng phòng NC Chính
trị - Xã hội, ThS. Phạm Thị Kim Huế, Phó trưởng phòng NC Hợp tác – Phát triển:
TS. Nguyễn Đình Phúc, Nghiên cứu viên chính Phòng NC Văn hóa – Giáo dục và các
viên chức nghiên cứu, người lao động của Viện. Về phía Đại sứ quán Nhà nước
Israel tại Việt Nam, có Ông Nadav Eshcar, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền; Bà Shirel
Levi, Phó Đại sứ; Bà Nguyễn Bảo An, chuyên gia phụ trách văn hóa- giáo dục của
đại sứ quán. Về đầu cầu Sở Khoa học & Công nghệ,Tỉnh Thừa Thiên Huế, có Ông
Hồ Thắng, Giám đốc Sở; PGS. TS. Trương Thị Hồng Hải, Viện trưởng Viện Công nghệ
sinh học, Đại học Huế; TS. Nguyễn Đức Huy, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh
học, Đại học Huế và một số cán bộ của Sở tham dự trực tuyến. Về đầu cầu Đại học Hùng Vương, Tỉnh Phú Phọ, có TS. Phạm
Thái Thủy, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và ThS. Nguyễn Nhật Anh, Chuyên viên
phòng Hợp tác quốc tế tham dự trực tuyến. Ngoài ra, tham dự trực tiếp tại Hội
trường còn có Ông Nguyễn Quang Khai, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại UAE; TS. Lê Quý
Kha, Nguyên Viện trưởng Viện Nông nghiệp miền Nam; TS. Phạm Văn Tân, Giảng viên
Đại học Công nghệ giao thông vận tải. Tham dự trực tuyến có TS. Damian Filut,
Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo quốc tế, MASHA, Bộ Ngoại giao Israel; Bà Nguyên
Hương Trà, Phó Vụ trưởng phụ trách Trung Đông; Tiến sĩ Nguyễn Việt Anh, Phó Hiệu
trưởng Trường Đại học Đại Nam, TS. Lê Kim Sa, Phó Viện trưởng Viện NC Châu Phi
và Trung Đông, Ông Ramlan Osman, Giám đốc Trung tâm Halal Việt Nam (VHC)…
Trong
phần phát biểu khai mạc, PGS. TS. Lê Phước Minh, Viện trưởng IAMES và Ông Nadav
Eshcar, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Israel tại Việt Nam đều nhấn mạnh tầm
quan trọng của hội thảo quốc tế này, góp phần giúp hai bên hiểu biết nhau và
thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Israel đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục - đào
tạo và khoa học công nghệ bởi giáo dục là nền tảng và tương lai quốc gia . Thay
mặt Sở Khoa học & Công nghệ, tình Thừa Thiên Huế, Ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở
cũng đánh giá rất cao vai trò và ý nghĩa của hội thảo này và mong muốn đề xuất
với Ngài đại sứ Israel quan tâm đến sự hợp tác, tổ chức triển khai các chương
trình, dự án để kết nối và hỗ trợ cả nguồn lực và kỹ thuật cho tỉnh Thừa Thiên
Huế không chỉ về phát triển nguồn nhân lực công nghệ sinh học mà cả cho phát
triển nông nghiệp công nghệ cao, một trong những thế mạnh của Israel.
Theo
TS. Damian Filut, điểm rẽ quan trọng trong quá trình phát triển nguồn nhân lực
chất lượng cao của Israel là bắt đầu từ bậc trung học phổ thông rồi đến cao đẳng
và đại học. Ngay từ cấp ba, các em đã được định hướng rõ ràng (1). học nghề để
trở thành “thợ” chuyên nghiệp hay (2). học tiếp lên cao đẳng, đại học. Israel
có 62 cơ sở giáo dục bậc cao bao gồm 09 trường đại học lớn nằm trong danh sách các
trường đại học hàng đầu trên thế giới như: ĐH Ariel; ĐH Bar Ilan; ĐH Ben-Gurion
ở Negev; ĐH Hebrew ở Jerusalem; ĐH Mở; Viện Công nghệ Israel Technion; ĐH Tel
Aviv; ĐH Haifa; Viện Khoa học Weizmann ; 32 trường cao đẳng, 21 trường đào tạo
giáo viên. Trong chính sách phát triển
nguồn nhân lực chất lượng cao của Israel, hai đối tượng là giảng viên và học
viên được quan tâm đặc biệt. Đối với giảng viên thì hằng năm phải đào tạo lại với
thời lượng tối thiểu 32 tiếng, còn đối với học viên thì phải đào tạo 10 kỹ năng
cơ bản, chẳng hạn như: kỹ năng tư duy và đổi mới phân tích; kỹ năng tư duy và
phân tích phản biện; kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp; kỹ năng sáng tạo, kỹ
năng lãnh đạo; kỹ năng sử dụng công nghệ; kỹ năng chống chịu căng thẳng…Với nguồn
nhân lực chất lượng cao như vậy đã đưa Israel trở thành trung tâm R&D quốc
tế, 43 trong số 50 tập đoàn công nghệ khổng lồ đều thành lập trung tâm R&D
tại Israel, như Intel’s đã đầu tư 15,3 tỷ USD để mua dữ liệu Mobileye của
Israel. Người Israel không ngừng đặt ra các câu hỏi như: Giáo dục làm gì cho đất
nước? Những người tốt nghiệp làm được gì? Xã hội cần gì? Nền kinh tế cần gì …
và càng sớm tìm ra câu trả lời càng tốt. Bà Shierel Levi, Phó Đại sứ Nhà nước
Israel đề cập đến hợp tác giáo dục giữa
Israel và Việt Nam thông qua các chương trình của MASHAV - Tổ chức hợp tác phát
triển quốc tế của Israel. Đó là (1). Các khóa đào tạo ngắn hạn tại Israel, tính
đến nay đã có hơn 1.000 học viên Việt Nam tham dự; (2). Các khóa đào tạo tại chỗ
do chuyên gia Israel giảng dạy trong vòng 3-4 năm với 100 học viên hàng năm;
(3). Tư vấn ngắn hạn gồm trao đổi chuyên gia trong ngắn hạn về những chủ đề cụ
thể, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chương trình này vẫn liên tục được thực
hiện bằng hình thức trực tuyến; (4). Chươn trình thực tập sinh tại Israel: hàng năm có khoảng từ 600-700 sinh viên của
20 đại học nông nghiệp của Việt Nam như: ĐH Huế, Đại học Thái Nguyên; ĐH Hùng
Vương; ĐH Nông nghiệp sang Israel học và làm việc tại các trang trại tại Israel.
Mặc dù tình hình dịch bệnh vừa qua, nhưng với sự cố gắng của Đại sứ quán Nhà nước
Israel tại Việt Nam, MASHAV đã đưa hơn 250 sinh viên thực tập của Việt Nam sang
Israel vào tháng 9 vừa qua. Theo TS. Phạm Thái Thủy, trưởng phòng Hợp tác quốc
tế của ĐH Hùng, trong vòng 6 năm qua, ĐH Hùng Vương đã có 118 thực tập sinh tại
Israel. Việc các em sinh viên của ĐH Hùng Vương được thực tập tại các trang trại
tại Negev không chỉ giúp ĐH Hùng Vương nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên mà
còn giúp các em “học đi đôi với hành”, được thực hành và ứng dụng kỹ thuật công
nghệ nông nghiệp của Israel, điều đó giúp ích nhiều cho các em khi về nước tốt
nghiệp và lập nghiệp. Nhiều em sau này đã khởi nghiệp thành công từ những kinh
nghiệm trong quá trình thực tập sinh tại Israel. Đại diện của Viện Công nghệ
sinh học, ĐH Huế, TS. Nguyễn Đức Huy, Phó giám đốc mong muốn được hợp tác với
ĐH Hebrew và các đối tác khác của Israel để giúp Viện xây dựng nguồn nhân lực
chất lượng cao cũng như năng lực về công nghệ sinh học và nông nghiệp công nghệ
cao, góp phần đưa Viện Công nghệ sinh học trở thành trung tâm công nghệ sinh học
của cả miền Trung Việt Nam.


Có
thể nói rằng, Hội thảo quốc tế “Phát triển guồn nhân lực chất lượng cao:
Kinh nghiệm từ Israel” là rất bổ ích và thiết thực. Hội thảo thực sự là
diễn đàn cho các nhà học giả, các nhà nghiên cứu, các nhà giáo và các nhà hoạch
định chính sách của Việt Nam và Israel trao đổi thông tin, phân tích, đánh giá
chính sách, thực tiễn phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của hai nước. Hội
thảo còn là cơ hội để kết nối các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu của
Israel với các trường đại học, cơ sở nghiên cứu của Việt Nam, đặc biệt củng cố
và phát triển các mối quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Viện Nghiên cứu
Châu Phi và Trung Đông với đối tác Israel nhằm tăng cường và thúc đẩy hợp tác
giáo dục, khoa học công nghệ giữa Việt Nam và Israel trong thời gian tới, góp
phần thực hiện tốt Đề án “Phát triển
quan hệ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông – Châu Phi giai đoạn 2016-2025” của
Chính phủ.
Tổng hợp và đưa tin
Phạm Kim Huế