Thực hiện kế hoạch công
tác năm 2020 và theo Quyết định số 1422/QĐ-KHXH ngày 16/09/2020 của Chủ tịch Viện
Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, ngày 21/10/2020 tại Hội trường 3D, Viện Hàn
lâm Khoa học xã hội Việt Nam, số 1, Liễu Giai Hà Nội, Viện Nghiên cứu Châu Phi
và Trung Đông đã tổ chức thành công Hội thảo quốc tế “Tình hình châu Phi và Trung Đông
2011-2020 và Triển vọng” với sự tham dự của hơn 120 đại biểu trong nước
và quốc tế.

Hội thảo nhận được sự ủng
hộ tích cực của đông đảo các đại sứ, đại biện, các nhà chính trị - ngoại giao của
các nước châu Phi và Trung Đông tại Việt Nam, trong đó có Ông Mahmoud Hassan
Nayel, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nước Cộng hòa Arab Ai Cập tại Việt Nam; Ông
Nadav Eschar, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Israel tại Việt Nam; Ông
Jamale Chouaibi, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Ma Rốc tại Việt Nam; Ông
Leornado Rosario Manuel Pene, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng
hòa Mô-zăm-bích tại Việt Nam; Ông Saleh Mohamed Ahmed Al Saqri, Đại sứ
Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Oman tại Việt Nam; Ông Mpetjane
Kgaogelo Lekgoro, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nước Cộng hòa Nam Phi tại Việt
Nam; Ông Obaid Saeed Aldhaheri, Đại
sứ Đặc mệnh toàn quyền Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất tại Việt Nam; Ông
Redha Oucher, Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Algeria tại Việt Nam; Ông Ahmed
Abdelmoaty, Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Ai Cập tại Việt Nam; Ông Mohamed Amine Baytar, Tham tán Đại sứ quán Ma
Rốc tại Việt Nam… và một số sinh viên Châu Phi đang học tập tại Viện đào tạo
quốc tế IFI.
- Phiên 4: Hội thảo trực tuyến với sự tham dự và
tham luận của các học giả, nhà nghiên cứu, quan chức ngoại giao từ Mỹ, Pháp,
Nam Phi và Mozambique. Cụ thể: Báo cáo “Tổng
quan về tiềm năng và những thách thức kinh tế của Châu Phi sau dịch Covid-19”
do TS Đinh Trường Hinh, Chủ Tịch Công Ty EGAT, Hoa Kỳ và Chuyên Viên Cao Cấp,
Trung Tâm Nghiên Cứu Chính Sách Cho Các Nước Phát Triển Mới, Ma Rốc trình bày;
Báo cáo “Châu Phi và mối đe dọa của
Covid-19” do TS. Ray Hartley, Giám đốc Nghiên cứu, Quỹ Brenthurst, Nam Phi
trình bày; Báo cáo “AU 2011-2020 và triển
vọng hợp tác giữa AU và ASEAN” do TS. Philani Mthembu, Giám đốc điều hành,
Viện Đối thoại toàn cầu, Nam Phi trình bày; Báo cáo “Vai trò của Nam Phi trong việc gìn giữ hòa bình ở Châu Phi và khả năng
hợp tác với Việt Nam” do TS. Priyal Singh, Nghiên cứu viên, Viện
Nghiên cứu An ninh, Pretoria, Nam Phi trình bày.
Ngoài ra, Hội thảo còn nhận được hàng chục bài
báo cáo có liên quan đến chủ đề “Tình
hình Châu Phi và Trung Đông 2011-2020 và Triển vọng” do các nhà nghiên cứu
trong và ngoài Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông viết gửi.
Nhìn chung, các bài tham luận, báo cáo đều đề
cập đến mối quan hệ truyền thống hữu nghị giữa Việt Nam và các nước châu Phi và
Trung Đông, được hun đúc từ lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc những năm 50
và 60 của thế kỷ trước. Đây là nền tảng vững chắc để Việt Nam và các nước châu
Phi và Trung Đông thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, đa phương trong giai
đoạn mới trên nguyên tắc “win-win” (đôi bên cùng có lợi), tôn trọng chủ quyền,
bản sắc văn hóa của nhau và tuân theo Luật pháp quốc tế. Trong giai đoạn
2010-2019, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước trong khu vực châu Phi
– Trung Đông tăng liên tục và là một thành tựu nổi bật trong quan hệ hữu nghị,
hợp tác song phương. Nếu như năm 2010, tổng kim ngạch trao đổi thương mại hai
chiều giữa Việt Nam và các nước châu Phi – Trung Đông mới chỉ đạt gần 6 tỷ USD,
thì sau 10 năm con số này đã tăng hơn 3,5 lần, đạt 21,4 tỷ USD năm 2019, trong
đó xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 11,3 tỷ USD (xuất khẩu sang Trung Đông đạt
8,1 tỷ USD, sang châu Phi đạt 3,2 tỷ USD), nhập khẩu của Việt Nam đạt 10,1 tỷ
USD (nhập khẩu từ Trung Đông đạt 6,2 tỷ USD, từ châu Phi đạt 3,9 tỷ USD) (Nhận xét của đại diện Bộ Công thương Việt
Nam tại Hội thảo). Tuy nhiên, con số này ở mức khiêm tốn, chiếm tỷ trọng
nhỏ so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với các khu vực khác trên
thế giới và chưa tương xứng với tiềm năng của cả hai bên. Hy vọng với nỗ lực và
quyết tâm của cả Việt Nam và các nước trong khu vực châu Phi và Trung Đông, đến
năm 2025 kỳ vọng sẽ nâng tổng kim ngạch thương mại lên đến 45 tỷ USD, gấp đôi
so với con số hiện nay.
Ngoài ra, một số lĩnh vực hợp tác quan trọng
và có triển vọng giữa hai bên cũng được các đại sứ, các nhà hoạch định chính
sách và các nhà nghiên cứu…bàn luận và kiến nghị nhiều như: hợp tác phát triển
nông nghiệp, dầu khí, đổi mới sáng tạo, công nghệ, giáo dục và du lịch... Việt Nam có thể giúp châu Phi xoá đói giảm
nghèo bằng kỹ thuật trồng lúa từ Đồng bằng Sông Cửu long (ĐBSCL), miền Nam Việt
Nam. Bởi châu Phi đất rộng nhưng người thưa. Đất đai có nhiều
vùng có thủy lợi rất tốt như vùng ven sông Nile miền nam Sudan, vùng đồng bằng
sông Niger, vùng hồ Volta (Ghana), vùng hồ Kivu (giữa Rwanda-Burundi và Đông
Côngô), vùng thung lũng Zambezi (Mô-zăm-bích) có thể trồng lúa giống ngắn ngày
từ ĐBSCL đạt năng suất trên 5 tấn/ha/vụ. Do vậy, cần tập trung đầu tư mô hình
PPP (Đối tác công tư) vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp bằng phương thức
thích hợp và khác mới (kỹ thuật trồng lúa của Việt Nam) có thể giúp châu Phi
thoát vòng lẫn quẩn đói nghèo trước đây và sẽ bắt kịp nông nghiệp các lục địa
khác (Kiến nghị của GS. TS. Võ Tòng Xuân,
Chuyên gia trồng lúa nước nổi tiếng, Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ). Đối với thủy sản, Việt Nam có quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh
vực từ nuôi trồng, đánh bắt, chế biến và thương mại với nhiều quốc gia trên
toàn cầu trong đó có các nước Châu phi như: Sudan, Nigeria, Mozambique…Các lĩnh
vực tiềm năng cho hợp tác thủy sản còn nhiều dư địa từ sản xuất nuôi trồng,
khai thác và chế biến tới thương mại; đảm bảo an ninh lương thực song song với
an toàn thực phẩm; quản lý, bảo tồn và phát triển nguồn lợi; khoa học công
nghệ; trao đổi và đào tạo nguồn nhân lực. Bởi hầu hết các nước khu vực Châu Phi
và Trung Đông có khí hậu nhiệt đới nên nhiều đối tượng thủy sản nuôi ở Việt Nam
ở cả ba môi trường nước ngọt, nước lợ và nước mặn khá tương đồng (Theo TS. Mai Văn Tài đến từ Viện Nghiên cứu
nuôi trồng thủy sản I, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn). Đối với dầu
khí, khu vực Trung Đông- Châu Phi là địa bàn được quan tâm chú trọng trong
chiến lược đầu tư ra nước ngoài của Petrovietnam. Tập đoàn đã và đang nỗ lực,
tích cực theo đuổi các cơ hội và thúc đẩy hợp tác trong việc tìm kiếm, thăm dò,
khai thác dầu khí, cụ thể ở các nước như: Angola, Mozambique, Sudan, Algeria,
Iran… Để tiếp tục triển khai thành công các dự án
hiện có, mở rộng danh mục đầu tư tại khu vực tiềm năng này, đồng thời thúc đẩy
hợp tác toàn diện với các đối tác khu vực Trung Đông – Châu Phi xuyên suốt
chuỗi giá trị dầu khí, Petrovietnam xây dựng chiến lược đầu tư một cách bài
bản, tránh rủi ro, dựa trên nền tảng quan hệ chính trị ngoại giao tốt đẹp giữa
Việt Nam với các nước trong khu vực, tiếp cận với các đối tác tiềm năng thông
qua sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả của các cơ quan đại diện Việt Nam tại địa bàn
sở tại cũng như thông qua các chuyến thăm cấp cao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước,
Chính phủ, Quốc hội (Phát biểu của TS.Vũ
Tiến Đạt, Phó trưởng phòng Hợp tác Quốc tế, Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam).
Hay Hệ sinh thái đặc biệt của Israel là mảng đất màu mỡ cho đổi mới sáng tạo và
cho sự phát triển của doanh nghiệp. Israel nổi tiếng về công nghệ y tế, nông
nghiệp, viễn thông, sản xuất thông minh, an ninh mạng, xử lý nước và giáo dục…
(Phát biểu của Ông Nadav Eschar, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhà nước
Israel tại Việt Nam). Đây là những lĩnh vực vô cùng cấp thiết mà Việt Nam mong muốn
thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ với Israel nói riêng và với các quốc gia châu Phi –
Trung Đông khác trong bối cảnh cách mạng 4.0 và biến đổi khí hậu. Du lịch cũng là một lĩnh vực hợp tác tiềm năng
to lớn song chưa được khai thác. Trong thời gian gần đây, Việt Nam ngày càng
trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch Ai Cập. Sau khi kiểm soát
đại dịch Covid-19, việc khai thác các chuyến bay trực tiếp giữa hai nước hoặc
ít nhất là các chuyến bay thuê bao đến các điểm du lịch, có thể là công cụ thúc
đẩy quan hệ song phương và đóng góp vào các kế hoạch phục hồi hậu Covid-19 của
hai nước (Nhận xét của Ông Mahmoud Hassan Nayel, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nước Cộng
hòa Arab Ai Cập tại Việt Nam). Rõ ràng, Việt Nam và các nước châu Phi và
Trung Đông cần mở rộng hợp tác sang
nhiều lĩnh vực khác nhau như: chuyển giao công nghệ, nông nghiệp và thủy sản
với công nghệ cao, đào tạo giáo dục, trao đổi đầu tư và hợp tác tại các khu
kinh tế tự do và hậu cần, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế hàng hải (chẳng
hạn giữa cảng Duqm của Oman và cảng Hồ Chí Minh), tận dụng các vị trí chiến
lược của cả hai quốc gia và phù hợp với kế hoạch phát triển của Oman và Việt
Nam (Phát biểu của Ông
Saleh Mohamed Ahmed Al Saqri, Đại sứ
Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Oman tại Việt Nam). Trong bối cảnh thế
giới mới, điều cấp bách là phải
khuyến khích các hiệp hội kinh tế, doanh nghiệp của hai quốc gia (Việt Nam và
Mô-zăm-bích) đi đầu trong việc tận dụng các cơ chế mới và cơ hội đầu tư. Đồng
thời, cần phải xác định lại các đối tác hợp tác tiềm năng trong việc thực hiện
các dự án về cơ sở hạ tầng (công nghiệp và công trình công cộng), năng lượng,
nông nghiệp, du lịch và khai khoáng (Phát
biểu của Ông Leornado Rosario Manuel
Pene Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Mô-zăm-bích tại Việt Nam). Một ví dụ khác, Ma Rốc và
Việt Nam có thể hợp tác với nhau ở Châu Phi như: xây dựng các liên doanh, các
dự án hợp tác kinh tế và kỹ thuật ba bên, giống như các sáng kiến hiện tại mà
Ma Rốc đang thực hiện hiệu quả với các nước châu Á khác như: Nhật Bản, Trung
Quốc và Hàn Quốc. Ma Rốc sẵn sàng là cửa ngõ cho Việt Nam tiếp cận vào các thị
trường châu Phi, đặc biệt là thị trường Tây Phi nơi mà Ma Rốc có sự hiện diện
nhiều mặt và đã tích lũy kinh nghiệm quý báu trong việc tiến hành kinh doanh và
thực hiện các dự án trong các lĩnh vực đa dạng. Tương tự như vậy, Việt Nam được
coi là cửa ngõ lý tưởng để Ma Rốc thâm nhập vào các thị trường ASEAN bởi Việt
Nam hiện là nước dẫn đầu phục hồi kinh tế hậu Covid-19 trong khu vực và được
tất cả mọi người coi là một câu chuyện thành công (Khăng định của Ông Jamale Chouaibi, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc
Ma Rốc tại Việt Nam).
Việt Nam không chỉ đóng một vai trò quan trọng
trong khu vực ASEAN mà còn đang trở nên quan trọng trong hợp tác với Nam Phi… Nam
Phi sẽ chính thức gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác của ASEAN với tư cách
là Bên ký kết cấp cao (TAC) trong nhiệm kỳ Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN. Và Nam
Phi cũng sẵn sàng hỗ trợ và tạo điều kiện cho Việt Nam xây dựng quan hệ chặt
chẽ hơn với Liên minh châu Phi (Phát biểu
của Ông Mpetjane Kgaogelo Lekgoro, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nước
Cộng hòa Nam Phi tại Việt Nam).
Có
thể nói rằng, hội thảo quốc tế “Tinh hình châu Phi & Trung Đông
2011-2020 và triển vọng” không chỉ mang tính thời sự mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan
trọng. Hội
thảo thực sự là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, Đại
sứ các nước châu Phi và Trung Đông tại Việt Nam, các nhà hoạch định
chính sách và các doanh nghiệp trong và ngoài nước trao đổi thông tin, phân
tích, đánh giá tình hình quan hệ hợp tác giữa các quốc gia châu Phi - Trung
Đông với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực thương mại, đầu tư, nông ngư nghiệp, giáo
dục, du lịch, và chính trị, đối ngoại, an ninh, văn hoá,
xã hội, … trong
giai đoạn 2011-2020; chia sẻ kinh nghiệm, dự báo và gợi ý một số kiến
nghị chính sách nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước châu
Phi và Trung Đông trong giai đoạn 10 năm tới (2021-2030), góp phần
triển khai có chất lượng, hiệu quả Đề án “Phát triển
quan hệ giữa Việt Nam với các nước Trung Đông - châu Phi giai đoạn 2016-2025”
của Thủ tướng Chính phủ.