Thứ ba, ngày 03 tháng 10 năm 2023
CHỌN NGÔN NGỮ:
Tọa đàm khoa học: “Hỗ trợ phát triển chính thức của UAE và khả năng hợp tác với Việt Nam”
Ngày đăng: 07/06/2022

Sáng 28/12/2021, tại phòng họp Viện nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông (IAMES), 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Viện nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông đã tổ chức tọa đàm khoa học: “Hỗ trợ phát triển chính thức của UAE và khả năng hợp tác với Việt Nam” thuộc đề tài cấp Bộ: Hỗ trợ phát triển chính thức của UAE và khả năng hợp tác với Việt Nam” Mã số: 251/HĐKH-KHXH do TS. Đỗ Đức Hiệp làm chủ nhiệm đề tài.

Tham dự tọa đàm về phía Viện có TS. Lê Phước Minh, Viện trưởng; TS. Lê Kim Sa, Phó Viện trưởng IAMES; TS. Kiều Thanh Nga, Phó Viện trưởng cùng các cán bộ Viện nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông.

Về phía khách mời có Đại sứ Nguyễn Quang Khai; Th.S Nguyễn Thanh Huyền; ThS Nguyễn Thành Duy, ông Phạm Phú Đạt “Hỗ trợ phát triển chính thức của UAE và khả năng hợp tác với Việt Nam

Sau phát biểu khai mạc của TS. Đỗ Đức Hiệp, tọa đàm đã lắng nghe các báo các viên trình bày các tham luận với các chủ đề như: Cơ sở thúc đẩy ODA của UAE trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay; Thực trạng triển khai ODA của UAE từ năm 2009 đến nay; Triển vọng ODA của UAE đến năm 2030 và khả năng hợp tác của Việt Nam với UAE về ODA…

Tọa đàm nhận được ý kiến góp ý, các câu hỏi và nhận định của các nhà khoa học, đại biểu tham dự tọa đàm như PGS.TS. Lê Phước Minh, TS. Kiều Thanh Nga, ThS. Phạm Phú Đạt, ThS. Phạm Thị Kim Huế, TS. Đinh Công Hoàng, TS. Trần Thùy Phương, ThS. Trần Hữu Đồng… Các diễn giả, chủ nhiệm đề tài cùng trả lời các câu hỏi và thảo luận sâu về các nội dung được báo cáo trong tọa đàm.

Nhìn chung, các ý kiến đều đánh giá cao chất lượng các bài báo cáo trong tọa đàm, đánh giá cao phần trình bày của các diễn giả. Các ý kiến góp ý, câu hỏi, và nhận định đều cho rằng thời gian qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với UAE đã có những bước phát triển tích cực. Mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan, tuy nhiên tiềm năng hợp tác giữa hai nước vẫn còn rất lớn, chưa khai thác hết.

Việt Nam là một nền kinh tế mới nổi lên ở khu vực và trên thế giới, đang ở trong giai đoạn chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường, lại có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, lao động rẻ, tình hình chính trị ổn định... đang là nơi thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Trong khi đó, UAE là một quốc gia dầu lửa, với nguồn tài chính dồi dào, có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển kinh tế có thể trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam ở khu vực. Chúng ta cần nhìn lại một số dự án chưa thành công để rút ra những bài học kinh nghiệm, tiếp tục đưa quan hệ hợp tác hai nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Hai nền kinh tế có thể bổ sung cho nhau phục vụ lợi ích chung của hai nước. Việt Nam có thể trở thành đầu cầu để UAE thâm nhập vào thị trường ASEAN và UAE có thể trở thành cửa ngõ đề Việt Nam bước vào thị trường Trung Đông và châu Phi.

TS. Đỗ Đức Hiệp kết luận: tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam với các nước Trung Đông, châu Phi là hết sức lớn. Trong những năm qua, chúng ta đã làm được nhiều việc, thành công cũng có và thất bại cùng nhiều. Chúng ta cần rút kinh nghiệm kể cả từ những thành công và thất bại, tháo gỡ khó khăn thì mới đẩy nhanh và nâng được tầm hợp tác lên mức độ cao hơn, phù hợp với mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai phía.

Tọa đàm ghi nhận nội dung trình bày của 3 diễn giả, tiếp thu các câu hỏi, ý kiến góp ý của các nhà khoa học, các đại biểu tham dự tọa đàm. Mong muốn rằng, các ý kiến góp ý sẽ giúp hoàn thiện sản phẩm khoa học cuối cùng là đề tài cấp bộ “Hỗ trợ phát triển chính thức của UAE và khả năng hợp tác với Việt Nam”.

Tọa đàm kết thúc vào hồi 18 giờ 00 phút cùng ngày.