Sáng ngày 24/5/2022, nhân dịp chào mừng kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/05/1890 - 19/05/2022), tiếp nối nghiên cứu về “Giá trị văn hoá Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh qua nghiên cứu trường hợp Cổng Maroc tại huyện Ba Vì”, tại trụ sở UBND huyện Ba Vì, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông (IAMES) cùng UBND Huyện Ba Vì đồng tổ chức sinh hoạt khoa học với chủ đề: Tư tưởng nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với hàng binh, tù binh Âu – Phi.
Tham dự Tọa đàm khoa học, về phía Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, có PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng
– Ủy viên BCH Đảng bộ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện trưởng Viện
nghiên cứu châu Âu, ThS. Trần Thị Thanh Vân – Ủy viên BCH Công đoàn Viện Hàn
lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Trưởng phòng Hành chính – Tổng hợp - Viện Ấn Độ
và Tây Nam Á cùng đại diện Đoàn thanh niên Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt
Nam, đại diện Đoàn thanh niên khối nghiên cứu quốc tế Viện Hàn lâm Khoa học xã
hội Việt Nam.
Về phía UBND huyện Ba Vì, đại diện đơn vị đồng chủ trì tổ chức, có Ông Nguyễn Đức Anh – Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, Ông Lê Khắc Nhu – Huyện ủy viên, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Ba Vì, Ông Đặng Văn Đông – Phó Chánh văn phòng HĐND huyện Ba Vì, Bà Phùng Thị Họa My – Phó trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Ba Vì, Ông Phùng Anh Tuấn – Phó Bí thư Đảng ủy xã Tản Lĩnh – huyện Ba Vì.
Về phía Viện nghiên cứu châu Phi và Trung Đông, đại diện
đơn vị đồng chủ trì tổ chức, có PGS.TS lê Phước Minh – Bí thư chi bộ, Viện trưởng
Viện nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, TS Kiều Thanh Nga – Phó Viện trưởng Viện
nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, TS Lê Kim Sa – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu
Châu Phi và Trung Đông.
Tọa đàm còn có sự tham gia, đóng góp ý kiến và có bài tham luận của PGS.TS Đặng Quốc Bảo – Nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục, TS. Ngô Tự Lập – Viện trưởng Viện quốc tế pháp ngữ, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại sứ Nguyễn Quang Khai – Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Maroc, Đại sứ Phạm Sỹ Tam – Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Maroc, PGS. TS Đỗ Đức Định – Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, Ông Lê Trung Hiếu – Phó Trưởng ban Á – Phi, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Theo PGS. TS Đặng Quốc Bảo: Bác Hồ là Anh hùng giải phóng dân tộc – Danh nhân văn hoá thế giới vì Người đã thâu góp và phát triển tinh hoa của dân tộc, thời đại. Đỉnh cao kiến thức trong hành trình lập chí của Nguyễn Ái Quốc là sự giác ngộ Chủ nghĩa Mác – Lênin. Tuy nhiên trong hành trình đi tới đỉnh cao này, Nguyễn Ái Quốc luôn luôn biết trau chuốt các giá trị của đạo Khổng và tiếp nhận tinh hoa của các nguồn ánh sáng khác rồi gộp bội chúng lại, tìm ra cho bản thân mình, dân tộc mình con đường giải phóng. Quan điểm “Thân dân” của Hồ Chí Minh xem xét con người với thái độ: “Mỗi con người đều có cái thiện, cái ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu mất dần đi”. Đất nước chúng ta đã đi vào con đường hội nhập sâu với thế giới trước bối cảnh toàn cầu hoá. Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất (9/1950 – 1956) đã đào tạo được những con người Việt Nam có các phẩm chất “Nhân – Nghĩa – Trí – Dũng – Liêm” chiến thắng chủ nghĩa thực dân cũ là bọn thực dân Pháp. Cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai (1956 – 1979) tiếp tục thành quả cuộc cải cách lần thứ nhất đã đào tạo những con người đánh thắng chủ nghĩa thực dân mới là đế quốc Mỹ. Cuộc cải cách lần thứ ba từ 1979 và ngày nay là cuộc Đổi mới giáo dục đang thực hiện đào tạo thế hệ trẻ có khả năng đưa đất nước thoát khỏi cảnh nghèo nàn lạc hậu. Trong hành trình cách mạng, Bác Hồ mang nhiều tên, trong đó bao gồm “Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh” gợi mở và thúc đẩy thế hệ trẻ Việt Nam sống có mục đích, sống với lòng yêu nước, sự bền chí và thông minh. Một nhà giáo dục khả kính của Việt Nam từ “Tất Thành – Ái Quốc – Chí Minh” đã thu hoạch về 3H-3T của người thanh niên trên con đường sáng nghiệp. Tất Thành : Tính mục đích: Thế tự lập (T1). Ái Quốc : Lòng yêu nước: Tình gắn bó (T2). Chí Minh: Sự bền chí thông minh: Tâm ổn định (T3). (Tất Thành và Ái Quốc) : Tư duy Hiện thực (H1). (Ái Quốc và Chí Minh): Lý tưởng Hoài bão (H2). (Tất Thành và Chí Minh) : Làm việc Hiệu quả (H3).
Tiếp nối trao đổi này, TS. Ngô Tự Lập cũng giới thiệu cuốn
sách mà ông đã viết trong 18 năm mang tên: “Thực tiễn luận nhân đạo Hồ
Chí Minh”. Hồ Chí Minh trong cuốn sách này là đối tượng nghiên cứu chứ
không phải chỉ là một vị lãnh tụ mà dân tộc Việt Nam kính mến. Nguồn tài liệu
chính gồm các tác phẩm của Hồ Chí Minh trong 15 bộ toàn tập, gồm hơn 3000 tác
phẩm, các tài liệu nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước và các cái
tài liệu của mật thám Pháp. Phương pháp luận của Hồ Chí Minh luôn luôn mềm dẻo
nhưng rất kiên định, dĩ bất biến, ứng vạn biến. Đối với Hồ Chí Minh, hệ giá trị
cần thiết để định hướng cho mọi hoạt động là tính nhân loại, thậm chí còn có thể
giải quyết cả mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Tư tưởng của Hồ Chí
Minh đã trở thành thực tiễn luận nhân đạo. Đó là sự phát triển vượt lên của
truyền thống dân tộc. Trong hoạt động quân sự của Hồ Chí Minh, ba điểm cần nhấn
mạnh là: tính nhân dân, tính quốc tế và tính nhân đạo. Chiến tranh Việt Nam là
cuộc kháng chiến mà chúng ta kêu gọi ngay cả những người dân của đối phương,
binh lính, sĩ quan của Pháp. Hơn 800 sĩ quan của Đức trở thành chiến sĩ của Việt
Nam, hơn 700 sỹ quan Nhật trở thành thầy giáo dậy quân sự cho Việt Nam. Các sĩ
quan Đức thì trở thành kỹ sư giúp Việt Nam về máy móc, trang thiết bị. Các sĩ quan
Pháp đã trở thành những người tuyên truyền cho Việt Nam. Một trong những điều
chưa từng có trong lịch sử chiến tranh thế giới là tù và hàng binh Việt Nam bắt
được sau chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh biên giới, sau khi giáo dục,
tuyên truyền xong thì được thả ra. Điều này đã thể hiện nhiều hiệu quả về quân
sự và nói lên lòng tin của con người. Sau năm 1954, rất nhiều lính Lê dương đứng
về phía Việt Nam. Đây là trường hợp có lẽ là chưa từng có trên thế giới. Chúng
ta đã tổ chức cho họ làm việc tại nhiều nơi trong đó có Ba Vì. Cổng Maroc chính
là một biểu hiện cụ thể Tư tưởng nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với hàng
binh, tù binh Âu – Phi.
Theo PGS. TS Lê Phước Minh: chưa bao giờ
có cộng đồng Maroc nào ở quốc gia nào làm được cổng làng như ở Ba Vì. Cổng làng
Maroc ở Ba Vì, Việt Nam là duy nhất. Vì vậy Maroc rất hy vọng Việt Nam dựa trên
điều này để phát huy mối quan hệ gắn bó khăng khít giữa Việt Nam và Maroc nói
riêng và châu Phi nói chung. Trong tương lai, Viện nghiên cứu Châu
Phi và Trung Đông cùng với UBND huyện Ba Vì sẽ phối kết hợp với các cơ quan,
ban, ngành, đoàn thể có liên quan để tiếp tục những hoạt động nhằm thúc đẩy để
cổng Maroc được ghi nhận là di tích lịch sử, qua đó minh chứng được giá trị
nhân văn và giá trị văn hoá của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tọa đàm nhận được nhiều ý kiến đóng góp, xây dựng, phản hồi về các nội dung tham luận.
Nhân dịp
này, đoàn công tác gồm tập thể cán bộ Viện cùng các khách mời tham gia một số
hoạt động giao lưu với cán bộ UBND Huyện Ba Vì; đi khảo sát thực tế, thăm và
tìm hiểu các địa điểm văn hóa tại Ba Vì như khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại
Đá Chông (K9), di tích Cổng Ma-Rốc tại xã Tản Lĩnh và thăm Trung tâm nghiên cứu
bò và đồng cỏ Ba Vì.