Căn cứ Quyết định
87/QĐ-KHXH ngày 28/02/2022 của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam,
ngày 07/03/2022, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông phối hợp với Đại sứ
quán Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Hà Nội và Đại học Tehran, Iran đồng tổ chức
thành công Tọa đàm quốc tế “Khả năng và triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và
Iran trong bối cảnh mới” bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến qua
công cụ Skype. Tham dự tọa đàm, về phía Iran có sự tham dự trực tuyến của Ông
Ali Akbar Nazari, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Hồi giáo Iran tại Việt
Nam; PGS.TS. Hamed Mousavi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế sau đại học của
ĐH Tehran; GS. TS. Behzad Shahande, Giáo sư Khoa Luật và Khoa học Chính trị , Đại
học Tehran; PGS.TS. Hossein Noroozi, Phó giáo sư Khoa Luật và Khoa học Chính trị
, Đại học Tehran… Về phía Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, có PGS.TS. Lê
Phước Minh, Viện trưởng; TS. Kiều Thanh Nga, Phó Viện trưởng; TS. Đinh Công
Hoàng, Trưởng phòng Nghiên cứu Hợp tác Phát triển; TS. Đỗ Đức Hiệp, Trưởng
phòng Nghiên cứu Văn hõa – Xã hội; TS. Trần Thùy Phương, Trưởng phòng Nghiên cứu
Kinh tế - Chính trị; Ths. Phạm Thị Kim Huế, Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học
và Hợp tác quốc tế; Nghiên cứu sinh Trần Anh Đức, Nghiên cứu viên Phòng Nghiên
cứu Kinh tế - Chính trị và toàn thể viên chức và người lao động của Viện. Ngoài
ra, tọa đàm cũng vinh dự có sự tham dự của Ông Ramlan Osman, Giám đốc điều hành
Trung tâm Halal Việt Nam (VHC); Ông Lê Quang Thắng, Giám đốc Công ty A&T;
TS. Lê Quý Kha, Phó Chủ tịch Liên hiệp hợp tác Kinh tế Việt Nam – Châu Phi
(VAECA) và một số nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế khác…
Phát biểu khai mạc,
PGS.TS. Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông; Ông
Ali Akbar Nazari, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền tại Việt Nam và PGS.TS. Hamed
Mousavi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế sau đại học của ĐH Tehran đều
đánh giá cao sự nỗ lực của các bên để tổ chức thành công tọa đàm quốc tế này
trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở cả Hà Nội và Tehran
và một số đại biểu tham dự trực tuyến cũng vừa mới khỏi bệnh.
Việt Nam và Iran
thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 4/8/1973. Năm 1991, Iran mở đại sứ quán tại
Hà Nội và năm 1997, Việt Nam mở đại sứ quán tại Tehran. Năm 1994, Việt Nam và
Iran đã ký Hiệp định thương mại giữa hai nước, tuy nhiên quan hệ thương mại
song phương mới bắt đầu khởi sắc từ năm 2003. Iran là thị trường tiêu thụ quan
trọng và có nhiều tiềm năng đối với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt
Nam, đặc biệt là điện thoại di động, sản phẩm điện tử và linh kiện, dệt may,
giày dép, thủy sản, nông sản, gia vị, thực phẩm, vật liệu xây dựng, rau quả nhiệt
đới. Hiện nay đã có một số doanh nghiệp của Việt Nam như: Vegetexco, Vinamilk,
Vinasoy, Hapro, Intimex, Lotus rice, Cửu Long fish... có mặt tại Iran góp phần
thúc đẩy quan hệ thương mại song phương hiệu quả hơn. Từ năm 2011 đến nay, Việt
Nam luôn xuất siêu sang thị trường Iran song kim ngạch thương mại giữa Việt Nam
– Iran còn khá khiêm tốn, mới chỉ dừng ở mức trên dưới 100 triệu USD, bởi do cấm
vận – một trong những rào cản lớn, khiến hợp tác thương mại – đầu tư giữa hai
quốc gia còn gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh địa
chính trị khu vực Trung Đông có những thay đổi, chẳng hạn: Iran chấp nhận hạn
chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ nhiều lệnh trừng phạt sau các
cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận Kế hoạch hành động chung toàn diện
(JCPOA) vừa kết thúc tại Vienna (Áo); hay ngày 17/1/2022, Iran có thiện chí sẵn
sàng mở lại đại sứ quán Iran tại Saudi Arabia sau khi bị Saudi Arabia cắt đứt quan hệ ngoại giao từ
năm 2016 và đồng thời, Iran cũng đang tập trung cho việc nối lại hoạt động của
phái đoàn nước này tại Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) tại Jeddah (Saudi Arabia…;
và trong bối cảnh ảnh hưởng mạnh mẽ của
cách mạng công nghiệp 4.0, thời đại kỹ thuật số, và xu thế phát triển kinh tế
xanh và tuần hoàn. Tất cả những nhân tố đó dường như mở ra cơ hội thúc đẩy hợp
tác của Iran với các nước trong khu vực và trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Là một trong các quốc gia có trữ lượng dầu khí lớn nhất thế giới và là một
trong ba quốc gia đứng đầu về công nghệ Nano trên thế giới với nền khoa học
công nghệ phát triển và nền văn minh cổ đại, di sản văn hóa nghìn năm và nằm
trong top 10 nước đứng đầu trên thế giới về số lượng di sản văn hóa. Do vậy, đây
là những nền tảng để thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Iran trong thời gian tới,
đặc biệt là trong lĩnh vực hợp tác giáo dục, khoa học công nghệ và du lịch...
Việt Nam có thể là cầu nối để hàng hóa Iran tới được các nước Asean và ngược lại
Iran nằm trong khu vực hơn 400 triệu dân sẽ là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam tiếp
cận các khu vực Trung Đông, Trung Á và châu Âu.
Có thể nói rằng việc
tổ chức Tọa đàm quốc tế “Khả năng và triển vọng hợp tác giữa Việt Nam
và Iran trong bối cảnh mới” có ý nghĩa thiết thực, không chỉ đánh giá lại
mối quan hệ giữa hai nước trong thời gian qua: những thành tựu đạt được cũng
như những hạn chế trong quan hệ giữa hai nước mà còn chỉ ra những cơ hội và
thách thức quan hệ hợp tác song phương trong thời gian tới, cụ thể đến năm
2025. Dư địa hợp tác giữa Việt Nam và Iran còn rất lớn song hai bên còn phải vượt
qua nhiều thách thức như: lệnh cấm vận, phương thức thanh toán, thiếu hiểu biết
về thị trường của nhau…Các ý kiến tham luận đều cho rằng phương thức hợp tác hiệu
quả trước mắt giữa Việt Nam và Iran là
tăng cường hiểu biết về nhau thông qua: (1). trao đổi thông tin thường xuyên;
(2) trao đổi sinh viên, học giả giữa các trường đại học, viện nghiên cứu; (3) đồng
tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, các buổi triển lãm văn hóa, nghệ thuật; (4)
triển khai đề tài nghiên cứu chung về khoa học và công nghệ; (5) thúc đẩy hợp
tác du lịch…, trong đó Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông đóng vai trò là cầu
nối tăng cường các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Iran, góp phần thực hiện
tốt Đề án “Phát triển quan hệ của Việt Nam với các nước Trung Đông – Châu Phi giai
đoạn 2016-2025” của Chính phủ.
Tổng
hợp và đưa tin
Phạm
Kim Huế