Thứ sáu, ngày 08 tháng 12 năm 2023
CHỌN NGÔN NGỮ:
Buổi làm việc giữa Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông với Trung tâm Nghiên cứu Châu Á, Học viện Ngoại giao Hoàng tử Saud Al Faisal
Ngày đăng: 24/08/2023

Ngày 01/08/2023, tại trụ sở 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội, Viện  Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông (IAMES) trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đón tiếp và làm việc với Trung tâm Nghiên cứu Châu Á, Học viện Ngoại giao Hoàng tử Saud Al Faisal nhân chuyến thăm Việt Nam của TS. Ali Al Qarni, Giám đốc Trung tâm. Đón tiếp đoàn, về phía Viện có PGS.TS. Lê Phước Minh, Viện trưởng; PGS.TS. Đỗ Đức Định, Nguyên Viện trưởng; Đại sứ Nguyễn Quang Khai, Nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Đông – châu Phi, Bộ ngoại giao; Đại sứ Trần Nguyễn Tuyên, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia; TS. Kiều Thanh Nga, Phó Viện trưởng, Ông Ramlan Osman, Giám đốc Trung tâm Halal Việt Nam, Cộng tác viên của Viện, cùng các viên chức và người lao động của IAMES. Cùng đi với TS. Ali Al Qarni còn có Đại sứ Mohammed I.Dahlwy, Đại sứ Vương quốc Saudi Arabia tại Việt Nam và một số nhân viên của Đại sứ quán.

 

 

Saudi Arabia là quốc gia lớn nhất bán đảo Arab với diện tích rộng 2.149.690 km2, chiếm ¾ tổng diện tích bán đảo Arab và lớn thứ 13 trên thế giới. Saudi Arabia có vị trí địa chiến lược và địa chính trị vô cùng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Có hai mặt giáp biển là Biển Đỏ (hay còn gọi là Hắc Hải) và Vịnh Aqaba (Vùng Vịnh) với bờ biển dài 2.640km. Saudi Arabi sở hữu hai thánh địa Hồi giáo linh thiêng nhất thế giới là Mecca và Medina. Dân số của Saudi Arabia năm 2022 là 36,4 triệu người, trong đó 90% là người Hồi giáo Sunni , còn lại khoảng  gần 10% là người Hồi giáo Shia và số ít thuộc các tôn giáo khác. Saudi Arabia sở hữu trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới với 197 tỷ thùng theo ước tính năm 2022, chính vì vậy, Saudi Arabia nắm giữ “át chủ bài” quyết định đến nguồn cung và giá cả năng lượng toàn cầu. Doanh thu từ dầu mỏ của Saudi Arabia năm 2022 là 326 tỷ USD. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tỷ trọng dầu mỏ trong GDP có xu hướng giảm dần, trung bình là  45% trong 10 năm trở lại đây so với tỷ trọng trước đây là 75% do nhờ vào chiến lược chuyển đổi nền kinh tế ít phụ thuộc vào dầu mỏ của Saudi Arabia trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Sử dụng hàng trăm tỷ đô la dầu mỏ, Saudi Arabia đang triển khai những dự án tham vọng như:  xây dựng thành phố mới thông minh khổng lồ nhất thế giới ở sa mạc với tên gọi là NEOM, với tiêu chí tạo một môi trường trong sạch và tiện nghi nhất cho các cư dân sinh sống ở đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của Saudi Arabia.

Theo TS. Ali Al Qarni, Giám đốc Trung tâm NC Châu Á, Học viện Ngoại giao Saudi Al Faisal, chính sách đối nội và đối ngoại của Saudi Arabia trong thời gian gần đây có những thay đổi và đổi mới rõ nét. Về đối nội, Chính phủ Saudi Arabia đang tiến thành những cải cách xã hội như: cấp visa du lịch cho những sự kiện vui chơi giải trí bao gồm sự kiện thể thao, các buổi hòa nhạc…, cho phép phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động… Về đối ngoại, Saudi Arabia là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế như: Liên Hợp quốc (LHQ), Quỹ tiền tệ quốc tế (International Monetary Fund –IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), Tổ chức hợp tác xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Liên đoàn Arab, GCC… và đồng thời là quan sát viên các Tổ chức các Nhà nước châu Mỹ. Điều này giúp Saudi Arabia hội nhập quốc tế sâu rộng hơn. Chính sách đối ngoại của Saudi Arabia nhất quan: mở rộng quan hệ đối ngoại phục vụ lợi ích quốc gia; giữ quan điểm trung lập; không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác; nâng cao vị thế và vai trò của Saudi Arabia vì sự ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới…  Saudi Arabia là đồng minh với Mỹ, song có quan hệ đặc biệt với Nga và quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc. Gần đây, Saudi Arabia đã nối lại quan hệ với Iran sau nhiều năm cắt đứt quan hệ ngoại giao, và cũng “không thấy có vấn về” nếu tiến tới khả năng bình thường hóa quan hệ với Israel.

 

 

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng gia tăng, Saudi Arabia cũng là một trong các quốc gia đẩy mạnh “Chính sách hướng Đông”, trong đó có “nhắm” đến Việt Nam. Ngày 21/10/1999 đánh dấu ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Saudi Arabia. Trải qua 24 năm, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Saudi Arabia đã có những bước phát triển tốt đẹp. Kim ngạch thương mại song phương không ngừng gia tăng, năm 2022 đạt 2,6 tỷ USD, tăng 30,4% so với năm 2021. Tuy nhiên, Việt Nam nhập siêu từ Saudi Arabia chủ yếu các mặt hàng như: chất dẻo nguyên liệu (1,4 tỷ USD); còn lại là hóa chất và các sản phẩm hóa chất. Các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang Saudi Arabia chủ yếu là linh kiện điện thoại (251,8 triệu USD); thủy sản (59 triệu USD); Hạt điều c(55 triệu USD); Dệt may (40,7 triệu USD)…  Dư địa hợp tác giữa hai nước còn rất lớn. Bởi Việt Nam có lợi thế về nông sản, và hàng hóa của Việt Nam được người tiêu dùng Saudi Arabia ưu chuộng…, trong khi Saudi Arabia là quốc gia nhập chủ yếu hàng thực phẩm, thủy sản, nông sản và hàng hóa tiêu dùng khác… với mức chi tiêu cao (GDP bình quân đầu người năm 2022 là hơn 34.441 USD). Hơn nữa, Saudi Arabia là cửa ngõ quan trọng để Việt Nam thâm nhập vào thị trường GCC và Trung Đông nếu như hàng hóa của Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn Halal. Và ngược lại, Việt Nam cũng là cầu nối để Saudi Arabia kết nối mạnh mẽ với ASEAN. Bên cạnh đó, chính sách đối ngoại rộng mở đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam được Saudi Arabia đánh giá cao và mong muốn học hỏi chia sẻ kinh nghiệm.

 

 

Là đơn vị nghiên cứu về châu Phi – Trung Đông của Chính phủ, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông hy vọng chuyến thăm lần này của TS. Ali Al Qarni, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á, Học viện Ngoại giao Hoàng tử Saud Al Faisal (IDS) mở ra cơ hội thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học giữa hai bên thông qua các buổi tọa đàm, hội thảo trực tiếp và trực tuyến, trao đổi chuyên gia, tư liệu. Đặc biệt Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông đề xuất với IDS giúp viện phát triển các khóa đào tạo về Halal, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Saudi Arabia ngày càng phát triển.

 

Tổng hợp và đưa tin: Phạm Kim Huế

Ảnh: Tuấn Anh