Thứ ba, ngày 03 tháng 10 năm 2023
CHỌN NGÔN NGỮ:
Buổi làm việc và trao đổi giữa Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông và Học viện Quốc phòng Quốc gia Nigeria
Ngày đăng: 14/05/2023

Ngày 27/04/2023, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông (IAMES) đón tiếp Đoàn Học viện Quốc phòng Quốc gia Nigeria do Phó Đề đốc Aniefiok Cleus UKO, Trưởng đoàn dẫn đầu nhân chuyến thăm và làm việc của Đoàn với Bộ Quốc phòng Việt Nam. Đoàn gồm 24 thành viên là Chuẩn tướng Justin Anaenugwu IFEANYI, giảng viên; Chuẩn tướng Ewejide IKINTUNDE, phụ trách đoàn và các học viên Nigeria, Rwanda, Togo, Mali. Tham dự còn có đại diện của Đại sứ quán Nigeria tại Việt Nam, và một số cán bộ của Cục đối ngoại, Bộ Quốc phòng và một số doanh nghiệp của Việt Nam. Tiếp đoàn về phía Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, có PGS.TS. Lê Phước Minh, Viện trưởng; TS. Kiều Thanh Nga, Phó Viện trưởng và TS. Lê Quý Kha, Phó Chủ tịch Liên hiệp hợp tác kinh tế Việt Nam – châu Phi (VAECA) và toàn thể viên chức, người lao động IAMES.

Đây là lần thứ ba, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông được vinh dự đón đoàn Học viện Quốc phòng Nigeria với số lượng thành viên lớn.

Sau phần giới thiệu sơ qua về Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông cũng như Học viện Quốc phòng Quốc gia Nigeria, PGS.TS. Lê Phước Minh trình bày về những thành tựu nổi bật của Việt Nam sau gần 40 đổi mới như: tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức cao khoảng 7%/năm; tỷ lệ xóa đói giảm nghèo giảm đáng kể, tỷ lệ mù chữ gần như xóa sổ, kết quả học tập xếp thứ hai sau Singapore trong ASEAN. Việt Nam và Nigeria chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 25/5/1976. Nhưng mãi đến tháng 7/2007, Nigeria mới mở đại sứ quán tại Hà Nội sau chuyến thăm chính thức cấp cao của Cựu Tổng thống Olusegun Obasanjo - người được coi là người “cha” của nhân dân Nigeria đến Việt Nam vào năm 2005. Và đến tháng 4/2008, Việt Nam mở đại sứ quán tại thủ đô Abuja. Quan hệ chính trị - ngoại giao giữa hai nước phát triển tốt đẹp. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Nigeria mới chỉ đạt khoảng 500 triệu USD, chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước, còn nhiều dư địa để thúc đẩy hợp tác.

Nigeria là quốc gia có quy mô dân số lớn nhất ở châu Phi với hơn 200 triệu người, dân số của Việt Nam năm 2023 cũng đạt 100 triệu người. Hàng hóa của hai nước có tính bổ sung cho nhau. Hai nước đều đang tích cực chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế và giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Việt Nam) và 2060 (Nigeria). Kinh nghiệm từ một nước thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới, kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới, chính sách “Đổi mới”, đường lối đối ngoại đa phương, độc lập tự chủ của Việt Nam được các bạn trong Đoàn Học viện Quốc phòng Quốc gia Nigeria đánh giá cao, và mong muốn được chia sẻ học hỏi. Ngược lại về phía Việt Nam cũng mong muốn, Nigeria ổn định chịnh trị - xã hội, bảo đảm an ninh cho các doanh nghiệp của Việt Nam yên tâm sang kinh doanh, đầu tư tại Nigeria. Bất ổn, bạo lực, xung đột chính là một trong những cản trở lớn trong hợp tác giữa Việt Nam với Nigeria nói riêng và với các quốc gia châu Phi khác nói chung. Hy vọng trong thời gian tới, nguồn lực để dành cho lương thực, phát triển đất nước, chứ không phải để dành cho vũ khí. Điều đó đồng nghĩa với việc mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa Việt Nam với Nigeria và châu Phi trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, trao đổi chuyên gia, nông nghiệp xanh, chăn nuôi tuần hoàn, năng lượng sạch…

                                                                                            Tổng hợp và đưa tin

Phạm Kim Huế