Nhằm
cung cấp thông tin, nâng cao hiểu biết về
Halal cũng như thúc đẩy phát triển hệ sinh thái Halal (Halal Ecosystem) tại Việt Nam, ngày
26/03/2021, tại Hội trường lớn 3D củaViện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
(VASS), Số 1, Liễu Giai, Hà Nội , Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông tổ chức
Lễ ký kết MOU giữa Viện Nghiên cứu
Châu Phi và Trung Đông (IAMES) và Trung tâm Halal Việt Nam (VHC), và Tọa đàm về “Thị trường Halal: Xây dựng và định
vị thương hiệu, chiến lược và triển khai”.
Tới
dự chuỗi sự kiện có sự tham dự của Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt
Nam, TS. Đặng Xuân Thanh; Trưởng đại diện Phái đoàn Ngoại giao tại Việt Nam,
Ngài Saadi Salama, Đại sứ Palestine tại Việt Nam; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền
Vương quốc Saudi Arabia tại Việt Nam, Ngài
Said F.M.Al Suwelim; Đại
sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Ma Rốc tại Việt Nam, Ngài Jamale Chouaibi;
Phó Đại sứ Malaysia tại Việt Nam, Ngài Lum Wan Liang. Ngoài ra còn có sự tham dự
của đại diện một số đại sứ quán, cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam
như: Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Algeria, Ông Oucher
Redha; Bí thư thứ ba Đại sứ quán Cộng hòa Hồi giáo Iran, Ông Amir Fatemisadr;
Bí thư thứ ba Đại sứ quán Nhà nước Qatar tại Việt Nam, Ông Sultan Abdulla
S.Hassan; Phó Tham tán thương mại Malaysia, Ông Zahir Basiran; Giám đốc phát
triển kinh doanh Công ty tư vấn CETA, Ông Ben Mandjak; Giám đốc MARA Singapore,
Ông Shanmuga Retman… Sự kiện này cũng thu hút sự quan tâm của cơ quan, ban
ngành chính phủ, viện nghiên cứu, các nhà doanh nghiệp, báo chí của Việt Nam
như: Ban Đối ngoại Trung ương, Vụ các Tôn giáo khác của Ban Tôn giáo Chính phủ…và
một số cựu đại sứ Việt Nam tại các nước Trung Đông như: Đại sứ Nguyễn Quang
Khai, Cựu đại sứ Việt Nam tại UAE; Đại sứ Trần Nguyễn Tuyên, Cựu đại sứ Việt
Nam tại Saudi Arabia; Đại sứ Nguyễn Danh Sáo, Cựu đại sứ Việt Nam tại Kuwait và
Bahrain…
Trong
bài phát biểu khai mạc, , Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông trực
thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, PGS.TS. Lê Phước Minh đã đánh giá cao sự
hiện diện của các quý vị đại biểu có mặt tại sự kiện này và mong muốn thông qua
các quý vị đại biểu, có thêm sự hợp tác với các cơ quan, doanh nghiệp, nhà
nghiên cứu đến từ các quốc gia Trung Đông và châu Phi nói riêng và các nước
khác, nhất là khối các quốc gia OIC
trên thế giới nói chung, đóng góp và hỗ trợ cả về chủ trương, chính sách và vật
chất… cho hoạt động thúc đẩy phát triển Halal và hệ sinh thái Halal ở Việt Nam
của Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông.
Trước
sự chứng kiến của đông đảo các quan khách có mặt tại Hội trường, Đại diện Viện
Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông (IAMES), PGS. TS. Lê Phước Minh, Viện trưởng, và Đại diện Trung tâm Halal Việt Nam, Ông
Ramlan Osman, Nhà sáng lập và CEO VHC ký Biên bản ghi nhớ giữa hai bên. Việc ký
kết MOU giữa IAMES và VHC là nhằm thúc đẩy hợp tác chung để thực hiện đào tạo,
tư vấn, tổ chức hội nghị hoặc hội thảo và kết nối thị trường với mục tiêu phát
triển kiến thức về Halal và hệ sinh thái Halal cho các cơ quan chính phủ, các
doanh nghiệp và người dân để nâng cao sự hiểu biết và triển khai hệ sinh thái
Halal tại Việt Nam.
Sau
Lễ ký kết MOU, Ông Ramlan Osman, đã trình
bày chuyên đề về sự cần thiết của hệ sinh thái Halal, những cơ hội, thách thức
đối với tiêu chuẩn, thương hiệu Halal trên thế giới và Việt Nam hiện nay, trường
hợp điển hình cho sự thành công phát triển Halal của Brazil, nước xuất khẩu
hàng hóa tiêu chuẩn Halal hàng đầu thế giới, bên cạnh đó là các quốc gia như Nhật bản, Hàn quốc, Úc,
…
và đưa ra một số giải pháp để Việt Nam có thể thâm nhập vào chuỗi cung ứng Halal
trên thế giới. Ông Ramlan Osman là
người sáng lập và CEO của VHC – người có nhiều năm kinh nghiệm đào tạo, tư vấn
liên quan đến xây dựng chiến lược, chuỗi cung ứng, phát triển và đổi mới sáng tạo
trong các lĩnh vực như giáo dục, hậu cần và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông từng là Phó Chủ tịch Tập đoàn Phát triển Công nghiệp Halal (HDC) giai đoạn
2011-2012, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại học Putra Malaysia (UPM) giai đoạn
2008-2010, Chủ tịch Hiệp hội Tiếp thị Malaysia (DMAM) giai đoạn 1997-2000…,


Sau phần trình bày của Ông
Ramlan Osman, các đại biểu thảo luận và đều cho rằng Halal là cuộc sống (Halal
is the way of life), tiêu chuẩn Halal là xanh sạch, là sự phát triển bền vững
và thịnh vượng cho tương lai cũng giống như một số tiêu chuẩn quốc tế khác trên
thế giới. Chính vì vậy, Lễ ký MOU giữa IAMES và VHC, cũng như nội dung buổi Tọa
đàm mở ra cơ hội để huy động các nguồn lực xã hội, các bên liên quan, các cơ quan chính phủ, nhà hoạch định
chính sách, các nhà ngoại giao đến từ các đại sứ quán, các doanh nghiệp, các
nhà nghiên cứu, … cùng góp phần nâng cao hiểu biết về
Halal và hệ sinh thái Halal, góp
phần mở rộng và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa có thế mạnh của Việt Nam sang thị
trường các nước Hồi giáo tiềm năng với dân số hiện nay gần 2 tỷ người, và đồng
thời giúp việc triển khai “Phát triển
quan hệ giữa Việt Nam với các nước Trung Đông – châu Phi giai đoạn 2016-2025”
một cách thiết thực và hiệu quả.