TỔNG
HỢP THÔNG TIN VỀ
“GẶP MẶT
ĐẠI SỨ CÁC NƯỚC TRUNG ĐÔNG - CHÂU
PHI NĂM 2019”
Nhằm
tăng cường kết nối và phát huy hơn nữa vai trò của các Cơ quan đại diện ngoại
giao của các các quốc gia châu Phi – Trung Đông tại Việt Nam, tạo diễn đàn đối
thoại, trao đổi trực tiếp giữa các Cơ quan đại diện ngoại giao khu vực với các
Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam về các biện pháp cụ thể thúc đẩy hơn nữa hợp tác nhiều mặt giữa Việt
Nam và các quốc gia châu Phi – Trung Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam giao cho Vụ
Trung Đông – châu Phi thuộc Bộ chủ trì tổ chức “Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông – châu Phi năm 2019”.
“Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông – châu
Phi năm 2019” là một chuỗi các hoạt
động sự kiện diễn ra trong hai ngày từ ngày 09/09/2019 đến ngày 10/09/2019 tại Hà Nội bao gồm:
1.
Hội
nghị khai mạc “Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông – Châu Phi năm 2019”
diễn ra vào sáng 09/09/2019 tại Nhà làm việc Bộ Ngoại giao Việt Nam, Số 2 Lê
Quang Đạo, Hà Nội với sự tham dự của 44 đại diện, đại biện các quốc gia châu
Phi – Trung Đông, Trưởng Cơ quan đại diện ngoại giao thường trú và không thường
trú, Lãnh sự danh dự của các quốc gia châu Phi – Trung Đông tại Việt Nam, trong
đó có 17 nước bao gồm: Ai Cập, Algeria, Angola, Lybia, Morocco, Mozambique, Nam
Phi, Nigeria, Sudan, Iran, Iraq, Israel, Oman, Kuwait, Qatar, Palestine, Saudi
Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ có đại sứ quan hoặc cơ quan đại diện ngoại giao tại Hà Nội,
còn lại là đại sứ, đại biện của các nước châu Phi – Trung Đông kiêm nhiệm Việt
Nam có trụ sở tại Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Nhật Bản, Ấn Độ,
Sri Lanka, Pháp; đại diện một số đối tác phát triển, tổ chức quốc tế lớn như:
Liên Hợp Quốc (LHQ), Ngân hàng Thế giới (WB), Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức
Quốc tế Pháp ngữ (IFO), Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA); nhiều Bộ,
ngành, địa phương của Việt Nam cũng nhiều doanh nghiệp hai bên.
Thứ
trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường phát biểu khai mạc và đánh giá “Vượt qua
sự xa cách về địa lý, sự khác biệt về văn hóa và rào cản ngôn ngữ, Việt Nam và
các quốc gia châu Phi – Trung Đông có mối quan hệ hữu nghị truyền thống. Nhiều
quốc gia trong khu vực châu Phi – Trung Đông luôn ủng hộ Việt Nam trên các diễn
đàn quốc tế… Việt Nam là một người bạn chung thủy và một đối tác có trách nhiệm
trong hợp tác kinh tế, và chính trị với nhiều đối tác trong khu vực châu Phi –
Trung Đông. Tuy nhiên, tỉ trọng trao đổi thương mại giữa Việt Nam với khu vực rộng
lớn gồm 70 quốc gia với 1,6 tỉ dân trải dài trên 36 triệu km2 hiện
chỉ chiếm 3,5% trên tổng số 480 tỉ USD xuất khẩu hàng hóa Việt Nam trong năm
2018. Con số này khá khiêm tốn so với tốc độ tăng trưởng và quy mô kinh tế và
dân số của cả hai bên, cho thấy chúng ta còn phải làm nhiều hơn nữa, quyết liệt
hơn nữa và hiệu quả hơn nữa”.
Sau
bài phát biểu khai mạc của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường, là bài
phát biểu của Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao Nguyễn Hoài Nam
về tình hình kinh tế - xã hội hiện nay của Việt Nam; bài phát biểu của Phó Vụ
trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao Vũ Duy Thành về một số định hướng
trong chính sách đối ngoại của Việt Nam thời gian tới; bài phát biểu của Vụ trưởng
Vụ Trung Đông – châu Phi, Bộ Ngoại giao Nguyễn Trung Kiên về tình hình hợp tác giữa
Việt Nam và khu vực châu Phi – Trung Đông thời gian qua và phương hướng thời
gian tới.
Bên
cạnh đó, trong phiên trao đổi và hỏi đáp có các diễn giả và các vị khác đến từ
châu Phi – Trung Đông bao gồm: Bà Akua Sekyiwa Ahenkora, Cao ủy của Ghana cho
biết “Việt Nam mới chỉ có quan hệ kinh tế - thương mại với 9/55 nước ở khu vực
châu Phi, đây là con số khá khiêm tốn. Ghana sẵn sáng làm cầu nối giữa Việt Nam
với khu vực”; Đại sứ Botswana tại Việt Nam Mothudi Bruce Rabasha Palai lại đề
xuất “Việt Nam cùng với khu vực châu Phi – Trung Đông nỗ lực tìm được mẫu số
chung trong hợp tác, đẩy mạnh hợp tác thương mại và đầu tư, trong đó chú trọng
vào nguyên tắc tham gia bình đẳng và cùng thắng (win-win); Lãnh sự danh sự của
Việt Nam tại Uganda Dorothy Samalai Hyuha bày tỏ mong muốn học hỏi một số kinh
nghiệm của Việt Nam về việc duy trì chất lượng cà phê, quy mô sản xuất gạo và
quy trình quảng bá sản phẩm đến tay người tiêu dùng…; Đại sứ Nam Phi tại Việt
Nam Mpetjane Kgaogelo Kelgor khẳng định “Hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và
phát triển cũng như giáo dục và đào tạo chưa tương xứng với tiềm năng… Hai bên
sẽ nỗ lực tìm kiếm các phương thức mới đẩy mạnh hợp tác về đào tạo nhân lực
trong tương lai”.
2.
Tọa
đàm “Nâng cao hiệu quả hợp tác thương mại Việt Nam – Trung Đông – châu Phi”
diễn ra vào buổi chiều cùng ngày 09/09/2019 cũng tại hội trường Nhà làm việc Bộ
Ngoại giao Việt Nam, Số 2 Lê Quang Đạo, Hà Nội với tham dự động đảo của hơn 500
đại biểu gồm 44 Trưởng Cơ quan đại diện ngoại giao thường trú và không thường
trú, Lãnh sự danh dự của các quốc gia châu Phi – Trung Đông tại Việt Nam; đại
biện một số đối tác phát triển, tổ chức quốc tế và khu vực lớn; Lãnh đạo nhiều
Bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu và 21 địa phương của Việt Nam cùng nhiều doanh
nghiệp, ngân hàng hai bên hoạt động trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu nông, thủy
sản, viễn thông, tài chính…. Phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm, Phó Thủ tướng, Bộ
trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao sự tham dự đông đảo của các Đại
sứ quán, các cơ quan trung ương, địa phương, doanh nghiệp hai bên, qua đó thể
hiện sự quan tâm và nhu cầu ngày càng cao trong việc thúc đẩy hợp tác toàn diện
và đưa quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai bên đi vào chiều sâu hiệu quả, thực chất.
Sau bài phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng,
Bộ trường Ngoại giao Phạm Bình Minh, Tọa đàm chia thành 02 phiên chính như sau:
-
Phiên 1 “Đầy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa
và dịch vụ Việt Nam – Trung Đông – châu Phi: Thuận lợi và khó khăn” gồm bài tham luận đề dẫn của Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng và bài
tham luận của Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy về tiềm năng thế mạnh của tỉnh
Yên Bái và cơ hội hợp tác với các nước Trung Đông – châu Phi và mong muốn “Với sự giúp đỡ và hỗ trợ của Bộ
Ngoại giao, với sự tăng cường kết nối giữa các Cơ quan đại diện của Việt Nam tại
thị trường Trung Đông - châu Phi cùng Đại sứ, Đại biện, chắc chắn các doanh
nghiệp, các địa phương của Việt Nam, trong đó có Yên Bái, sẽ có nhiều cơ hội
hơn để gia tăng hợp tác kinh tế trong quan hệ đối ngoại, đưa sản phẩm Việt Nam
vào thị trường này, thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư, phục vụ cho phát triển
kinh tế xã hội trong nước nói chung và Yên Bái nói riêng" và bài tham luận
của Phó Tổng giám đốc điều hành Công ty cổ phần Lavifood Dương Thị Bích Diệp có
kiến nghị “Chính phủ, các cơ quan chức năng; trong đó có Phòng Thương mại và
Công nghiệp Việt Nam có 1 cổng thông tin doanh nghiệp về từng khu vực để kết nối
các doanh nghiệp trong từng ngành hàng với nhau. … Lavifood cũng mong muốn các
đại sứ quán, thương vụ của Việt Nam ở tại nhiều nước trên thế giới tích cực
hơn, hỗ trợ tốt hơn bằng cách ứng dụng công nghệ để cung cấp thông tin nhanh nhất,
hiệu quả và kịp thời về cho doanh nghiệp. Cần có các buổi tiếp xúc chuyên đề giữa
các doanh nghiệp cùng ngành với nhau để giúp doanh nghiệp gia tăng cơ hội và đạt
hiệu quả trong việc tìm kiếm đối tác, bạn hàng”.
- Phiên 2 “Thanh
toán trong giao dịch thương mại: Thực trạng và giải pháp” với 04 bài tham
luận sôi nổi của các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang hợp tác đầu tư kinh doanh
tại khu vực châu Phi – Trung Đông bao gồm: Bài tham luận của Phó Tổng Giám đốc
Công ty Cổ phần Vietjet Air Cargo Đỗ Xuân Quang đề cập đến vai trò của thuận lợi
hóa giao thông vận tải, logistics và thanh toán. Thời gian bay từ Việt Nam tới Trung Đông –
châu Phi là từ 14 – 16 giờ, tương đương với đi Hoa Kỳ. Cước phí tàu biển và máy
bay đều rất cao, gần gấp 3 lần cước phí vận chuyển đi châu Âu. Làm thế
nào để phát triển vận chuyển hàng không từ Việt Nam đi Trung Đông – châu Phi,
tháo gỡ rào cản về logistics, từ đó giảm giá thành và chi phí, tăng thế mạnh
cho hàng hóa xuất khẩu đi thị trường Trung Đông – châu Phi là bài toán đặt ra với
nhiều doanh nghiệp; Bài tham luận của Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại
Hà Nội- Công ty Cổ phần (Hapro) Nguyễn Tiến Vượng cho rằng Chính sách thương mại
ở châu Phi – Trung đông chưa ổn định, không nhất quán. Vấn đề khó khăn nhất hiện
nay là phương thức thanh toán. Do tập quán, điều kiện kinh tế đặc thù nên
phương thức thanh toán khu vực này còn chưa ổn định. Nhiều khách hàng châu Phi
không muốn sử dụng hình thức thư tín dụng, hình thức thanh toán đảm bảo nhất hiện
nay, lại sử dụng hình thức thanh toán chậm hoặc đặt cọc 20-30%, khi nhận hàng mới
thanh toán hết; Bài tham luận của Phó Tổng
Giám đốc Tổng Công ty cổ phần đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) Nguyễn
Cao lợi cho biết Tập đoàn Công nghiệp –
Viễn thông Quân đội (Viettel) khi đầu tư tại một số nước thuộc châu Phi như
Burundi, Cameroon, Tanzania và Mozambique. Việc biến động tỷ giá tại các quốc
gia khu vực châu Phi gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của Viettel Global
cũng như công ty mẹ Viettel. Bởi do biến động tỷ giá tới 70%, phải bỏ 1,7 USD để
đổi ra USD thu hồi trong khi ước tính lãi là 1,2 USD trên 1 USD đầu tư, hơn thế
nữa ngân hàng trung ương nước bản địa cũng
không đủ nguồn ngoại tệ dự trữ để thanh toán do đó nguồn USD thu về không có và thực chất là lỗi
“nặng”; và Bài tham luận của Giám đốc Trung tâm tác nghiệp tài trợ
thương mại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Phan Thị Thanh Nhàn cũng cho biết: với thị trường Trung
Đông, phương thức thanh toán gồm 3 hình thức: Chuyển tiền, nhờ thu và thư tín dụng
đều không có vướng mắc. Các doanh nghiệp Trung Đông khá uy tín trong giao dịch,
tuy nhiên họ yêu cầu chặt chẽ đối với chất lượng hàng hóa. Với thị trường châu
Phi, các phương thức thanh toán chủ yếu là hình thức trả chậm. Các doanh nghiệp
châu Phi gặp khó khăn về năng lực tài chính, không ưa chuộng mở thư tín dụng. Họ
khuyến khích chuyển hàng rồi mới thanh toán. .. Đại diện các đại sứ quán Việt
Nam tại các quốc gia châu Phi tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp và ngân hàng Việt
Nam trong việc hỗ trợ cung cấp thông tin, tư vấn cho các bên trong thời gian tới.
3.
Hoại
động bên lề Hội nghị “Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông – châu Phi năm 2019” ngày
9/9/2019 bao gồm 03 hoạt động bên lề như sau:
3.1. Chương trình trực tuyến “Gặp mặt Đại sứ các
nước Trung Đông – châu Phi năm 2019” do Báo Thế giới & Việt Nam tổ chức
thực hiện phỏng vấn trực tiếp một số đại sứ Trung Đông – châu Phi, quan chức
ngoại giao và doanh nghiệp Việt Nam bao gồm: Ông Nadav Eshcar, Đại sứ Nhà nước
Israel tại Việt Nam. Ông cho biết hiện Israel và Việt Nam đang đàm phán một Hiệp
định Thương mại Tự do (FTA) và có thể tiến tới ký kết vào đầu năm sau nếu tiến
triển thuận lợi. Việc ký FTA sẽ góp phần đưa kim ngạch thương mại song phương
thường tăng tới 50% ngay năm đầu tiên sau khi ký kết. Ngoài ra, Israel đang đẩy
mạnh hợp tác với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam trao học bổng cho sinh viên Việt
Nam sang Israel học tập, đặc biệt là chuyên ngành Công nghệ cao; Ông Trương
Công Hiệp – Giám đốc Công ty TNHH MTV Bốn Hiệp, một doanh nghiệp hoạt động kinh
doanh sản xuất cà phê sạch tại Kon Tum cho biết Việt Nam hiện là một trong những
nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, thị trường xuất khẩu cà phê của Việt
Nam chủ yếu tập trung tại Liên minh châu Âu (EU), Đông Nam Á và một số nước tại
khu vực châu Phi. Nhu cầu về cà phê trên thị trường ngày càng lớn, đặc biệt là
cà phê sạch, cà phê hữu cơ chất lượng cao. Đó cũng chính là hướng kinh doanh của
công ty; Ông Nguyễn Trung Kiên - Vụ trưởng Vụ Trung Đông – châu Phi, Bộ Ngoại
giao khẳng định rằng Hợp tác giữa Việt Nam và các nước Trung Đông châu Phi là một
quá trình lâu dài. Từ năm 2010, Việt Nam đã tổ chức các diễn đàn giữa Bộ Ngoại
giao và các nước Trung Đông - châu Phi. Đến năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã
ban hành đề án thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - châu
Phi. "Sự kiện “Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi 2019” lần này
là một trong những sự kiện nhằm thực hiện đề án đó. Mục tiêu là nhằm thúc đẩy
các hợp tác về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng với các quốc gia ở Trung
Đông - châu Phi; Lương y Nguyễn Thị Việt Thanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển y
học cổ truyền Việt Thanh chia sẻ, đến với Hội nghị Gặp mặt Đại sứ các nước
Trung Đông - châu Phi, mong muốn lớn nhất của bà cũng như các doanh nghiệp Việt
Nam khác là có những thuận lợi nhất định để đẩy mạnh sản xuất, đưa được thật
nhiều sản phẩm tới tay người tiêu dùng, cũng như thúc đẩy xuất khẩu thật nhiều
sang thị trường Trung Đông - châu Phi đầy tiềm năng này; Ông Walubita Imakando
- Đại sứ Zambia tại Malaysia kiêm nhiệm Việt Nam chia sẻ, hai bên có quan hệ
song phương tốt đẹp trên nhiều mặt và đang phát triển nồng ấm. Tuy nhiên, hai
bên đều mong muốn có thể làm được nhiều hơn nữa. Đầu tiên, trước hết cả Việt
Nam và Zambia đều hướng tới đẩy mạnh quan hệ kinh tế song phương để nhân dân
hai nước đều được hưởng lợi từ mối quan hệ tốt đẹp và hiệu quả đó. Đại sứ
Imakando đã có buổi trao đổi riêng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về
phát triển nông nghiệp bởi đối với Zambia, nông nghiệp là một trong những thị
trường cần được đẩy mạnh; Bà Nguyễn Thị Phấn - Giám đốc Công ty XNK Tổng hợp
& Dịch vụ Fataco Bến Tre cho biết, sau 30 năm hoạt động, công ty Fataco với
đội ngũ giáo sư, bác sĩ, tiến sĩ giàu kiến thức và kinh nghiệm đã nghiên cứu và
phát triển thành côngThuốc cai nghiện ma tuý Bông Sen. Riêng tại Trung
Đông - châu Phi, Bộ Y tế Nigeria đã cấp phép và nhập khẩu thuốc Bông Sen cho và
Nigeria cũng đã độc quyền phân phối sản phẩm này cho cả thị trường châu Phi và
mong muốn tìm kiếm được các cơ hội để đẩy mạnh hợp tác với các nước trong khu vực
Trung Đông - châu Phi, nhân rộng bài thuốc Bông Sen tới nhiều nơi hơn nữa…
3.2. Khu vực trưng bày, quảng bá sản phẩm, dịch vụ
của các doanh nghiệp Việt Nam tại Hội nghị: Trong ngày 09/09/2019, 44 đại
diện, đại biện các quốc gia châu Phi – Trung Đông, Trưởng Cơ quan đại diện ngoại
giao thường trú và không thường trú, Lãnh sự danh dự của các quốc gia châu Phi
– Trung Đông tại Việt Nam; đại biện một số đối tác phát triển, tổ chức quốc tế
và khu vực lớn; Lãnh đạo nhiều Bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp hai
nước trực tiếp thăm quan các gian hàng trưng bày, quảng bá sản phẩm, dịch vụ của
các doanh nghiệp Việt Nam tại sảnh lớn của Nhà làm việc Bộ Ngoại giao Việt Nam,
Số 2 Lê Quang Đạo, Hà Nội như: Lavifood, SCB, Viettel, TH True Milk, Vinamilk,
Bông Sen, An Phát Holdings, Co Coal, Các sản phẩm tỉnh Sóc Trăng … Trăm nghe
không bằng một thấy, nhiều sản phẩm Việt Nam được giới thiệu tại các gian hàng
triển lãm để đại diện các nước khu vực Trung Đông - châu Phi hiểu thêm về các
thế mạnh của Việt Nam. Đây là một trong những cơ hội rất lớn giúp các doanh
nghiệp của Việt Nam tiếp cận gần hơn với thị trường Trung Đông – châu Phi thông
qua Đại sứ, Đại sứ quán và doanh nghiệp các nước.
3.3. Toạ đàm bàn tròn “Hợp tác kinh tế
trong không gian Pháp ngữ và vai trò của Việt Nam”
diễn ra vào tối ngày 9/9/2019 do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Văn phòng
châu Á và Thái Bình Dương của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) đồng tổ chức tại
Nhà làm việc Bộ Ngoại giao Việt Nam, Số 2 Lê Quang Đạo, Hà Nội, với sự tham dự của
ông Đinh Toàn Thắng - Vụ trưởng Vụ châu Âu - Bộ Ngoại giao, Đại diện quốc
gia Việt Nam bên cạnh OIF; ông Đồng Thế Quang - Vụ trưởng Vụ
Pháp ngữ Kinh tế và Số, OIF; cùng các Đại sứ, Trưởng các cơ quan đại diện
đến từ các quốc gia khu vực Trung Đông - châu Phi là thành viên của OIF, đến
Hà Nội tham dự Hội nghị Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi 2019
lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo Phòng Thương mại và
Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và CLB các Lãnh đạo Ngân hàng và Tổ chức tín dụng
châu Phi cùng một số đối tác kinh tế Pháp ngữ khác. Ông Đinh Toàn Thắng,
Vụ trưởng Vụ châu Âu - Bộ Ngoại giao Phát biểu khai mạc về “Tình hình triển
khai Chiến lược kinh tế Pháp ngữ của Việt Nam: chủ trương, thực hiện và mong đợi
của Việt Nam”. Ông khẳng định Việt Nam và tất cả các thành viên đều coi OIF là
một diễn đàn quan trọng, giúp tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại cho tăng
trưởng bền vững và bao trùm. Đây cũng là một trong những ưu tiên quan trọng nhất
của OIF. Ngoài ra, Tọa đàm còn có bài tham luận của Ông Đồng Thế Quang, Vụ trưởng
Vụ Pháp ngữ Kinh tế và Số thuộc OIF với chủ đề: “Giới thiệu Chiến lược
kinh tế Pháp ngữ và kết quả triển khai Chiến lược giai đoạn 2015-2018; những ưu
tiên của Pháp ngữ thời gian tới”; bài tham luận của Bà Nguyễn Thị Chi, Trưởng
phòng quan hệ quốc tế VCCI về “Vai trò của khu vực tư nhân trong việc triển khai
Chiến lược kinh tế Pháp ngữ” và bài tham luận của Bà Aissata Koné Sidibé, Chủ tịch
CLB các Lãnh đạo Ngân hàng và Tổ chức tín dụng châu Phi với chủ đề: “Vấn đề
tiếp cận nguồn lực tài chính trong hợp tác kinh tế Pháp ngữ”. Tọa đàm là nơi các quốc
gia trong cộng đồng Pháp ngữ, cùng nhau trao đổi và bàn luận về việc thực hiện
Chiến lược Kinh tế Pháp ngữ, về việc phát triển mô hình hợp tác ba bên nhằm đa
dạng hóa các nguồn lực phục vụ cho sự phát triển và đưa ra các khuyến nghị để
xây dựng sự tham gia và đóng góp tốt hơn của các nước thành viên, bao gồm cả Việt
Nam trong việc thực hiện Chiến lược.
4.
Thăm
và làm việc với Tập đoàn Viettel: Sáng ngày 10/9/2019, Đoàn đại biểu đã
đi thăm nhà máy và Học viện Viettel nằm trong khuôn viên Khu Công nghệ cao Hòa
Lạc, huyện Thạch Thất, cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km. Học viện Viettel lọt
top 12 ngôi trường tương lai đẹp nhất và đồng thời, tòa Viettel Offsite Studio
(nằm trong khuôn viên phức hợp của TT Thể thao - Học viện) được vinh danh
"Dự án tương lai" tại Liên hoan Kiến trúc Thế giới 2017. Tại đây, Tập
đoàn Viettel đã giới thiệu với các đại biểu về quá trình xây dựng và phát triển
hạ tầng viễn thông, đặc biệt là các dự án xây dựng mạng Viễn thông của Viettel
tại châu Phi. Đây là những mô hình tiên tiến điển hình cho hợp tác đầu tư, viễn
thông của Việt Nam không chỉ đối với khu vực châu Phi mà còn trên phạm vi toàn
cầu. Hai bên cũng trao đổi về khả năng tiếp tục mở rộng hợp tác giữa Viettel với
các nước trong khu vực châu Phi – Trung Đông trong lĩnh vực viễn thông, kinh tế
số… các lĩnh vực thế mạnh của Viettel và các nước châu Phi – Trung Đông đang có
nhu cầu hợp tác.
5.
Thăm
và làm việc với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS): Chiều ngày
10/9/2019, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan Đại diện các nước khu vực Trung Đông và
châu Phi tại Việt Nam đã có chuyến thăm và làm việc tại Viện Khoa học Nông nghiệp
Việt Nam (VAAS) tại Vĩnh Quỳnh - Thanh Trì, Hà Nội. Tại đây, 44 Đại sứ, Đại biện,
trưởng Cơ quan đại diện các quốc gia thuộc khu vực Trung Đông - châu Phi đã
cùng tham dự Hội thảo với chủ đề “Tiềm
năng, mô hình hợp tác nông nghiệp, thủy sản Việt Nam-Trung Đông - châu Phi”
do VAAS tổ chức với
sự góp mặt của ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Hồng
Sơn – Giám đốc VAAS, ông Nguyễn Trung Kiên - Vụ trưởng Vụ Trung Đông – châu Phi
và ông Trần Anh Thư – Phó Chủ tịch UBND Tỉnh An Giang và đông đảo Lãnh đạo,
chuyên viên đại diện các Tổng Cục, Cục, Vụ, Viện, trường Đại học trực thuộc Bộ
Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan nghiên cứu
khác có liên quan. Phát
biểu khai mạc Hội thảo, Ông Lê Quốc Doanh – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT
cho biết, đây là sự kiện quan trọng nhằm tạo cơ hội cho các cơ quan quản
lý, các viện nghiên cứu, hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ các đại sứ
thuộc các nước Trung Đông - châu Phi để cùng chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thực
tiễn, mở ra các hướng hợp tác mới trên lĩnh vực nông nghiệp.Việt Nam đã cử trên
400 lượt chuyên gia phát triển hỗ trợ phát triển nông nghiệp tại nhiều nước
châu Phi như Mozambique, Senegal, Guinea,.. từng bước góp phần giúp các nước
châu Phi đảm bảo an ninh lương thực. Ngoài ra, Việt Nam cũng ghi nhận những
đóng góp đáng kể về hỗ trợ kỹ thuật và nguồn vốn vay ưu đãi từ các quỹ Arab cho
các địa phương của Việt Nam xây dựng các công trình nông nghiệp quan trọng. Sau
bài phát biểu khai mạc, còn có bài tham luận của TS. Đào Thế Anh - Phó
Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam về những thành tựu của Nông nghiệp
Việt Nam nói chung và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nói riêng và tham luận
của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản I về nuôi trồng cá rô phi, cá trê
– có nguồn gốc từ châu Phi và tôm – những thủy sản tiềm năng trong hợp tác
nghiên cứu, đầu tư sản xuất và xuất khẩu sang châu Phi – Trung Đông. Ngoài ra, trong khuôn khổ
hội thảo, các đại biểu đã được tham dự phiên tọa đàm giữa Đại sứ Mozambique tại
Việt Nam Leonardo Rosario Manuel Pene cùng đại điện các viện nghiên cứu, doanh
nghiệp và địa phương chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, tiềm năng
và cơ hội đầu tư hai chiều trong phát triển nông nghiệp và làm cách nào để đẩy
mạnh hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và các quốc gia Trung Đông – châu Phi.
Tại
Hội nghị cũng đã diễn ra lễ ký kết Bản ghi nhớ về Hợp tác nghiên cứu ứng dụng về
khoa học nông nghiệp phát triển bền vững chuỗi giá trị nông nghiệp tại khu vực
Trung Đông - châu Phi giữa Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam - Viện Kinh tế
nông nghiệp hữu cơ - Công ty Lavifood - Quỹ Khởi nghiệp Xanh.
Trong
khuôn khổ Hội nghị, các Đại sứ và đại biểu cũng đã được thăm quan khu trưng bày
các sản phẩm nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam, thăm quan phòng truyền thống
giới thiệu về lịch sử cũng như thành tựu của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt
Nam, một trong những viện hàn lâm về nghiên cứu và phát triển các sản phẩm nông
nghiệp hàng đầu của Việt Nam.
6.
Thủ
tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đoàn Đại sứ các nước châu Phi – Trung
Đông: Chiều tối ngày 10/09/2019, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc đón tiếp 44 Trưởng Cơ quan đại diện ngoại giao thường trú và không
thường trú, lãnh sự danh dự của các quốc gia Trung Đông - châu Phi tại Việt
Nam. Thủ tướng khẳng định quan hệ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - châu
Phi là quan hệ đặc biệt, có bề dày truyền thống, được tôi rèn và thử thách
qua giai đoạn đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và quá trình phát triển
và hội nhập kinh tế hiện nay. Hợp
tác giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi phát triển tích cực trên tất
cả các mặt, từ chính trị, ngoại giao, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, giáo dục,
khoa học - công nghệ đến du lịch, văn hóa…, đóng góp tích cực vào sự phát triển
của mỗi nước cũng như vào hòa bình, hợp tác và phát triển của các khu vực châu
Á và Trung Đông, châu Phi. Hiện
kim ngạch hai chiều năm 2018 với các nước Trung Đông - châu Phi mới đạt 22,5 tỷ
USD, mặc dù tăng đến 300% so với năm 2010. Bên cạnh đó, Thủ tướng hoan nghênh việc GCC (Hội đồng
Hợp tác Vùng Vịnh) và Việt Nam chuẩn bị ký kết thỏa thuận thiết lập cơ chế đối
thoại; đề nghị sớm thúc đẩy việc lập quan hệ chính thức giữa Việt Nam và Liên
minh châu Phi và mở rộng hợp tác giữa Việt Nam cũng như ASEAN với các tổ chức
khu vực và tiểu khu vực khác tại Trung Đông - châu Phi. Thủ tướng mong muốn các vị
Đại sứ, các nhà ngoại giao của Việt Nam cũng như khu vực Trung Đông - châu Phi
phát huy hơn nữa vai trò chủ động, tiên phong trong việc mở đường, dẫn dắt và
thúc đẩy hợp tác, xứng đáng với trọng trách sứ giả, cầu nối giữa Chính phủ và
nhân dân các nước Trung Đông - châu Phi với Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Việt Nam luôn đón chờ, mở
cửa để hợp tác với các bạn trên tinh thần cùng có lợi, cùng phát triển.
Tổng hợp thông tin
Phạm Kim Huế
Tài
liệu tham khảo:
3. https://baoquocte.vn/day-manh-quan-he-viet-nam-va-cac-nuoc-trung-dong-chau-phi-100751.html.
4. http://www.vaas.org.vn/hoi-nghi-gap-mat-dai-su-cac-nuoc-trung-dong-chau-phi-nam-2019-a18879.html.
7. https://baoquocte.vn/viet-nam-chu-trong-day-manh-hop-tac-kinh-te-voi-cong-dong-phap-ngu-100845.html