Chủ nhiệm đề tài: Th.S. NCV chính. NGUYỄN THỊ THU HẰNG

Trung Đông truyền thống là một khu vực địa lý thuộc Châu Á có phía Tây Bắc giáp Châu Âu, phía Tây Nam giáp Châu Phi, phía Tây giáp Đia Trung Hải. Một số lãnh thổ Châu Phi (chủ yếu là Bắc Phi) cũng thường được coi là một phần của Trung Đông theo các tiêu chí phân loại khác nhau phụ thuộc vào vấn đề nghiên cứu cụ thể. Nhiều quốc gia hiện nay của Trung Đông được hình thành từ các phân vùng của Đế quốc Ottoman trong lịch sử.
Trung Đông luôn ở trung tâm của nhiều vấn đề quốc tế, bởi những lý do sau đây:
Về văn hóa, Trung Đông là nơi giao thoa của các nền văn minh lớn trên thế giới như văn minh Arab, văn minh phương Tây, văn minh Ấn Độ.
Về kinh tế, Trung Đông nằm ở vị trí địa lý thuật lợi đối với giao thương phát triển kinh tế toàn cầu, đồng thời giữ vị trí quan trọng trên bản đồ thế giới bởi trữ lượng dầu mỏ khổng lồ của nó.
Về tôn giáo, khu vực này là nơi ra đời của ba tôn giáo độc thần lớn trên thế giới là Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Islam giáo (còn gọi là Hồi giáo).
Một thời gian dài trước phong trào “Mùa xuân Arab” (2005-2011), cùng với chính sách mở cửa về kinh tế, Việt Nam trở thành một trong những nước duy trì chính sách tích cực trong ngoại giao và thương mại với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ nằm trong khu vực Trung Đông. Riêng trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, Qatar cùng với Libya và UAEs đã trở thành những thị trường tiếp nhận hàng ngàn người lao động Việt Nam sang làm việc, giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động của thị trường lao động Trung Đông và tăng đáng kể nguồn thu ngoại tệ cho Việt Nam. Cũng trong thời gian đó, đầu tư vào Việt Nam đã từng là một trong những mục tiêu chiến lược của nhiều quốc gia trong khu vực Trung Đông.
Trong bối cảnh đó, văn hóa, xã hội và chính trị Hồi giáo tại các quốc gia trong vùng lãnh thổ này bắt đầu được quan tâm nghiên cứu tích cực hơn dưới góc độ tôn giáo học với mục tiêu cung cấp một cái nhìn sâu sắc về bản chất của tôn giáo Islam cũng như sự chi phối của nó tới các thể chế chính trị xã hội tại Trung Đông, nhằm đóng góp hiệu quả cho chính sách ngoại giao và thương mại của nhà nước Việt Nam đối với khu vực này.
Nghiên cứu những vấn đề cơ bản về văn hóa xã hội và chính trị Hồi giáo là cần thiết và được xác định dựa trên những cơ sở chính sau đây:
1. Tuy là một khu vực có nhiều tiềm năng hợp tác kinh tế và đã được nhà nước Việt Nam chú ý khai thác, nhưng trong quá khứ cũng như hiện tại, Trung Đông luôn là một vùng đất chứa đựng nguy cơ xung đột sắc tộc sâu sắc, tiềm ẩn nhiều bất ổn về an ninh xã hội và rủi ro về thể chế. Điều này có những căn nguyên địa tôn giáo rất rõ ràng, trong đó nổi bật lên vấn đề địa điểm thiêng. Thủ đô Jerusalem của Palestine, ngày nay là một phần chiếm đóng bởi Israel, được cả ba tôn giáo (Do thái giáo, Thiên Chúa giáo và Islam giáo) xác nhận là thánh địa của mình. Một số lượng đông đảo giáo đường Do Thái, nhà thờ Thiên Chúa giáo và thánh đường Isalm giáo cùng tồn tại và trở thành biểu trưng của những cộng đồng người luôn đặt mình trên bệ phóng của những mâu thuẫn gay gắt có nguồn gốc đức tin chưa bao giờ có hồi kết.
2- Lấy sự phân hóa về thần học làm gốc rễ và quyền lực chính trị như một mục tiêu chính, từ trong lòng tôn giáo chính trị Islam đã nảy sinh hai giáo phái quan trọng nhất là Shi’ites (còn gọi là Shia) và Sunni. Khoảng 85% đến 90% tín đồ Islam giáo trên toàn thế giới coi mình thuộc dòng Sunni. Mâu thuẫn giữa hai dòng Islam giáo là một trong những nguyên nhân căn bản của những xung đột có nguồn gốc tôn giáo trong khu vực. Cả hai giáo phái đã hướng tinh thần thánh chiến Jihad theo những cách thức khác nhau và hướng đến những mục tiêu khác nhau, hình thành nên trong lòng Islam giáo những nhóm khủng bố lớn hoặc chống lại chủ nghĩa hiện đại (modernisme), đối đầu với văn minh phương Tây (trong đó đại diện là văn minh Mỹ), chống lại sự can thiệp chính trị của phương Tây, mâu thuẫn trên nhiều mặt với luật pháp quốc tế, đặc biệt trong vấn đề nhân quyền và cải cách xã hội theo xu thế phù hợp với sự phát triển toàn cầu, hoặc cực đoan duy trì mối hằn thù đối với quan niệm về một “xã hội Hồi giáo thất bại” của phương Tây, đưa chủ nghĩa Hồi giáo hướng tới phần tiêu cực là khủng bố quốc tế, đe dọa an ninh của toàn thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa tôn giáo hiện nay.
3- Tại đa số các quốc gia trong khu vực Trung Đông, luật Sharia (hệ thống luật Hồi giáo) cũng đồng nghĩa với hệ thống luật pháp nhà nước, mang nhiều đặc điểm riêng biệt của thế giới Hồi giáo, còn nhiều điều khoản không phù hợp với hệ thống luật pháp quốc tế, trở thành một rào cản cho con đường hội nhập quốc tế của thế giới Hồi giáo và ngược lại. Hiểu biết về văn hóa, xã hội và chính trị Hồi giáo là điều kiện cần thiết đối với các doanh nghiệp và cá nhân đang thực hiện các chương trình hợp tác kinh tế, giao lưu văn hóa và du lịch với các nước Trung Đông.
4- Những đặc điểm địa – tôn giáo, địa - văn hóa đặc biệt và địa- chính trị phức tạp ở khu vực này khiến cho những mục tiêu đầu tư kinh tế văn hóa xã hội có nguy cơ rủi ro cao. Là một tôn giáo chính trị với số lượng tín đồ đông đảo chiếm hơn 90% dân số toàn khu vực, mọi biến động có liên quan đến tôn giáo Islam đều có thể gây những ảnh hưởng mạnh mẽ tới mô hình thể chế cũng như quyết sách của các quốc gia Trung Đông và từ đó dẫn đến những tác động toàn cầu.
5- Nhận định rõ vai trò của Hồi giáo đối với mô hình chính trị và chính sách văn hóa, xã hội của các quốc gia trong khu vực Trung Đông, hiểu rõ văn hóa Hồi giáo và vai trò gắn kết cộng đồng của nó thông qua lối sống của các bộ tộc Arab đã ăn sâu bám rễ tại đây, nắm bắt được tình hình an ninh khu vực và quốc tế liên quan đến chủ nghĩa Hồi giáo và khủng bố Hồi giáo góp phần bảo đảm an toàn về chính sách ngoại giao thương mại, đầu tư kinh tế và du lịch, giao lưu văn hóa trên tinh thần hai bên cùng có lợi của Việt Nam.
Mục tiêu cuối cùng của đề tài này được xác định là lấy tôn giáo học làm cơ sở phát triển một nghiên cứu sâu, cung cấp một số kiến thức nền tảng về các lĩnh vực cụ thể như văn hóa, xã hội, chính trị Islam giáo ở khu vực Trung Đông, nhận diện hiện trạng của chúng và bước đầu dự báo xu hướng của những biến chuyển trong thời gian tới, góp phần làm cơ sở cho những nghiên cứu rộng hơn có liên quan đến Islam giáo của khu vực Trung Đông, cung cấp những kiến thức cơ bản về Islam giáo cho những quyết sách liên quan của nhà nước Việt Nam.
Để thực hiện được những mục tiêu này, đề tài xác định sẽ thực hiện các nhiệm vụ cụ thể dưới đây:
1. Nghiên cứu, cung cấp một số khái niệm căn bản về Islam giáo ở khu vực Trung Đông trên phương diện lý thuyết, cả thần học lẫn thực tiễn khoa học.
2. Nghiên cứu, giới thiệu và bước đầu phân tích một số kiến thức nền tảng về văn hóa, xã hội, chính trị Islam giáo (Hồi giáo) ở Trung Đông, bước đầu chỉ ra hiện trạng và xu hướng phát triển của những lĩnh vực này tại một số quốc gia điển hình trong khu vực.
Hai nhiệm vụ cụ thể trên đây cũng là nội dung chính của đề tài và được nhóm nghiên cứu xây dựng theo 4 chương lớn như sau:
Chương 1: Khái quát chung.
Chương 2: Văn hóa Hồi giáo ở Trung Đông
Chương 3: Xã hội Hồi giáo ở Trung Đông
Chương 4: Chính trị Hồi giáo ở Trung Đông
* Kết luận – Kiến nghị - Giải pháp