Người thực hiện: Th.S. Nguyễn Thị Hằng
Phòng Nghiên cứu Nam Nam
1. Tính cấp thiết của đề tài
Từ năm 2000 đến nay, nguồn kinh phí cho công cuộc phòng chống HIV/AIDS tại châu Phi tăng giảm theo thời gian. Trước cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, viện trợ quốc tế cho châu Phi phòng chống HIV/AIDS vẫn được đảm bảo. Trong thời gian từ năm 2008 đến năm 2011, kinh phí dành cho phòng chống HIV/AIDS của cộng đồng quốc tế đã chững lại, hiện đứng ở mức 8,2 tỷ USD.
Việc tiếp tục nỗ lực thu hút
viện trợ quốc tế và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn viện trợ là một trong những
nhiệm vụ quan trọng của các nhà tài trợ, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch
HIV/AIDS, thúc đẩy sự phát triển kinh tế châu lục.
Nguồn viện trợ được các nhà tài trợ cam kết cung cấp thường xuyên, ổn
định cùng với chính sách tiếp nhận và sử dụng viện trợ hợp lý của nước tiếp
nhận sẽ đem lại những hiệu quả tích cực và ngược lại..
Bên cạnh những hiệu quả tích cực của nguồn viện trợ quốc tế đem lại trong công cuộc phòng chống HIV/AIDS còn có những nguồn viện trợ không mang lại kết quả như mong muốn của nhà tài trợ, thể hiện ở việc tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS ngày càng trầm trọng, tạo thêm gánh nặng cho ngành y tế, kinh tế xã hội chậm phát triển, tập trung chủ yếu ở các nươc khu vực châu Phi Cận Shahara.
Việc tiếp tục nỗ lực để nâng cao hiệu quả nguồn vốn viện trợ quốc tế cho châu Phi phòng chống HIV/AIDS là một trong những nhiệm vụ cấp bách hiện nay nhằm góp phần cải thiện tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Như vậy, để nguồn viện trợ quốc tế trong công cuộc phòng chống HIV/AIDS tại châu Phi phát huy tính hiệu quả thì những nhà tài trợ cần có những giải pháp nâng cao hiệu quả viện trợ. Vì những lý do trên đề tài “Một số giải pháp nâng cao hiệu quả viện trợ quốc tế đối với giải quyết đại dịch AIDS tại châu Phi” được tác giả lựa chọn nghiên cứu.
2. Mục tiêu nghiên cứu
Xuất phát từ tính cấp thiết kể trên, mục đích nghiên cứu của đề tài tập
trung vào một số vấn đề sau:
- Nghiên cứu
về tình hình viện trợ quốc tế cho các quốc gia châu Phi nhằm giải quyết đại
dịch HIV/AIDS
- Nghiên cứu
về nỗ lực của các nhà tài trợ nhằm nâng cao hiệu quả viện trợ quốc tế trong
giải quyết đại dịch AIDS:
- Từ việc nghiên cứu về viện trợ giành cho HIV/AIDS tại châu Phi, tác giả đưa ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam và đưa ra kiến nghị về mặt chính sách cho Việt Nam
3. Tình hình nghiên cứu
- Báo cáo
tài chính hàng năm của UNAIDS “Financing
the Response to HIV in Low and Middle Income Countries” đã thống kê chi
tiết tình hình nguồn tài chính cho phòng chống HIV/AIDS ở các quốc gia có thu
nhập thấp và trung bình, qua đó cũng thấy được sự biến động của nguồn tài chính
qua các năm.
- Cuốn sách
“Foreign Aid in Africa: Learning from
Country Experiences” của các tác giả Jerker Carlsson, Gloria Somolekae,
Nicolas Van de Walle, xuất bản năm 1997. Đây là báo cáo kết quả của một dự án
nghiên cứu quốc tế về hiệu quả viện trợ ở châu Phi. Nghiên cứu thực địa được
tiến hành ở Botswana, Burkina Faso, Ghana, Kenya, Senegal, Tanzania và Zambia
và kết quả cho thấy rằng tại châu Phi khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng nghiêm
trọng đến hiệu quả viện trợ. Nghiên cứu khẳng định muốn viện trợ cho châu Phi
đạt kết quả tốt thì châu lục này sẽ phải phát triển nhiều tổ chức công cộng
hoạt động một cách hiệu quả, đồng thời chịu trách nhiệm hoàn toàn về quá trình
phát triển của mình.
- Cuốn sách “Foreign Aid and Development: Lessons Learnt and Directions For The
Future” của các tác giả Tony Addison, Henrik Hanson, Finn Tarp, xuất bản
năm 2003 thể hiện một nguồn lực toàn diện về hệ thống viện trợ nước ngoài.
- Cuốn sách
“Aid to Africa: So Much To Do, So Little
Done” của Đại học Chicago, xuất bản năm 1999 giải thích lý do châu Phi nhận
được các khoản viện trợ quốc tế khổng lồ nhưng châu lục này đã sử dụng không có
hiệu quả ở hầu hết các nước châu Phi cận Sahara, dẫn đến việc tăng số người
nghèo và bất ổn chính trị ngày càng gia tăng? Nguyên nhân của sự việc này một
phần do chính người dân châu Phi tạo ra, ngoài ra trách nhiệm thuộc về chính
phủ và các cơ quan cứu trợ quốc tế. Viện trợ cho châu Phi chịu tác động của hệ
thống chính trị quan liêu, các nhóm lợi ích đặc biệt và dư luận từ phía các
chính phủ nhận viện trợ.
- Nghiên cứu
của tác giả Nathan Andrews vào năm 2009 (tiến sĩ đại học Alberta, Ghana): “Foreign aid and development in Africa: What
theliterature says and what the reality is”, bàn về hiệu quả viện trợ nước
ngoài đang lan rộng ở châu Phi. Các cuộc tranh luận diễn ra bàn về việc làm thế
nào để có cách hỗ trợ có hiệu quả, góp phần vào sự phát triển của châu Phi
trong khi những cách đang tồn tại chưa thực sự đạt được hiệu quả thông qua sử
dụng nguồn viện trợ nước ngoài. Nghiên cứu này sử dụng phương pháp suy diễn để
giải thích viện trợ và phát triển ở châu Phi, đồng thời cung cấp một phân tích
về lý thuyết đã được đề ra để giải thích mối quan hệ giữa viện trợ và phát
triển ở châu Phi;
- Trong
nghiên cứu “The Effects of Foreign Aid
in Sub-Saharan Africa” (một phần luận án tiến sĩ của tác giả Robert
Gillanders vào năm 2011 được tài trợ bởi hội đồng nghiên cứu Ailen) với địa bàn
nghiên cứu là các nước châu Phi cận Sahara. Nghiên cứu này phân tích tác động
của viện trợ nước ngoài vào phát triển con người và phát triển kinh tế. Các kết
quả trên các mẫu đầy đủ cho thấy một sự gia tăng nhỏ trong tăng trưởng kinh tế
sau khi chính phủ các nước khu vực này nhận được “cú sốc” viện trợ khá lớn. Mặc
dù có những người có thái độ lạc quan về viện trợ và ngược lại có những người
bi quan về viện trợ nhưng những thay đổi từ nguồn viện trợ đã được thấy rõ, đó
là sự phát triển của con người với bằng chứng như tăng trưởng của tuổi thọ. Đây
có thể được coi là kết quả cho thấy một phản ứng nhỏ nhưng tích cực với những
cú sốc viện trợ. Mặt khác, nền kinh tế cũng đạt được tốc độ tăng trưởng khả
quan nhờ các chính sách kinh tế, các tổ chức trợ giúp người nghèo. Và muốn đạt
được hiệu quả như trên các chính phủ nhận viện trợ cần phải có một thể chế
chính trị ổn định, dân chủ hay nói cách khác là
phải có một môi trường thể chế tốt.
- Nghiên cứu của tập thể nhóm tác giả Orientations in Development với tựa đề “Preventing HIV/ AIDS in the Middle East and North Africa: A Window of Opportunity to Act/ Orientations in Development”, Nxb Washington, D.C.: The World Bank, 2005. Sách trình bày sự hợp lý trong xử lý HIV/AIDS ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi và những lựa chọn chiến lược của WB trong việc hỗ trợ các nước đang nỗ lực ngăn ngừa sự lây lan của bệnh dịch này. Chiến lược khu vực tỏ rõ vai trò của WB trong việc trợ giúp các quốc gia nỗ lực đương đầu với HIV/ AIDS
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu:
- Các chủ
thể đưa ra viện trợ, bao gồm: các nhà tài trợ, các tổ chức cung cấp và quản lý
nguồn viện trợ quốc tế cho châu Phi. Các nhà tài trợ song phương bao gồm: Mĩ,
Anh, Pháp, Nhật Bản; các đối tác đa phương bao gồm: Liên hợp quốc, Ngân hàng
Thế giới, Quỹ Toàn cầu
- Các quốc gia châu Phi nhận và sử dụng nguồn viện trợ quốc tế: Nam Phi, Kenya, Senegal. Đây là những quốc gia đại diện cho các cấp độ về tỷ lệ lây nhiêm từ cao, thấp và trung bình. Ngoài ra, đề tài nghiên cứu về viện trợ quốc tế cho Việt Nam phòng chống HIV/AIDS, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam từ trường hợp châu Phi.
- Phạm vi nghiên cứu: Nghiên cứu các cách thức, phương thức viện trợ cho phòng chống AIDS của một số quốc gia và tổ chức quốc tế đã thực hiện tại tại châu Phi nhằm nâng cao hiệu quả viện trợ. Từ đó nghiên cứu liên hệ đến trường hợp của Việt Nam bao gồm bài học kinh nghiệm và đề nghị chính sách.
5. Nội dung nghiên cứu
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, Đề tài sẽ tập trung làm rõ 3 nội dung chính như sau:
Chương 1: Thực trạng viện trợ
quốc tế cho châu Phi phòng chống đại dịch HIV/AIDS
Chương 2: Một số giải pháp nâng
cao hiệu quả viện trợ quốc tế cho châu Phi phòng chống đại dịch AIDS
Chương 3: Một số bài học kinh
nghiệm và kiến nghị chính sách đối với Việt Nam từ trường hợp của châu Phi