Tác giả: GS.TS. Đỗ Quang Hưng
Nxb Chính trị Quốc gia, năm 2014, khổ 16 x 24cm, 456 trang
Nhà nước – Tôn giáo - Luật pháp có mối quan hệ mật thiết với nhau. Mối quan hệ mật thiết giữa 3 thực tại này được GS. TS. Đỗ Quang Hưng, - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương-, trình bày bằng tâm huyết của một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu về tôn giáo, thông qua luận chứng sâu sắc cùng với nguồn tư liệu phong phú được chắt lọc. GS. TS. Đỗ Quang Hưng tiếp cận mối quan hệ nhà nước và tôn giáo, luật pháp và tôn giáo từ lý thuyết đến thực tiễn, từ kinh nghiệm của các nước Âu - Mỹ, Đông Bắc Á đến Việt nam. Tác giả đã khái quát hóa lộ trình xây dựng, hoàn thiện luật pháp tôn giáo của Nhà nước Việt Nam trong nỗ lực hướng tới một môi trường thích hợp để các cộng đồng tôn giáo không những thực hiện tốt pháp luật với tư cách công dân mà còn thông qua luật pháp về tôn giáo có thể tìm thấy sự thỏa mãn đời sống tâm linh, đồng thời gợi mở những suy ngẫm, đề xuất đối với việc xây dựng một nhà nước pháp quyền về tôn giáo ở Việt Nam hiện nay.
Nội dung cuốn sách gồm 3 phần:
PHẦN I: QUAN HỆ NHÀ NƯỚC VÀ GIÁO HỘI. Phần này bao gồm các tiểu vấn đề: Tôn giáo và thể chế xã hội; Mô hình nhà nước thế tục - Điểm mấu chốt giải quyết mối quan hệ nhà nước và giáo hội; Chính sách tôn giáo ở Việt Nam: từ Việt Nam dân chủ cộng hòa đến Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tôn giáo, dân chủ và xã hội dân sự: Mấy kinh nghiệm từ Việt Nam; Nhà nước pháp quyền và tôn giáo; Tiến tới một chính sách công về tôn giáo; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa về tôn giáo;
PHẦN II: TÔN GIÁO. Phần này gồm các tiểu vấn đề như: Mấy vấn đề về đời sống tôn giáo ở Việt Nam hiện nay; Nhận định về đời sống tôn giáo ở Việt Nam hiện nay và mối quan hệ giữa tôn giáo và Nhà nước; Vai trò, tác động của tôn giáo với hiệu quả thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước; Mấy suy nghĩ về Công giáo đồng hành với dân tộc và chủ nghĩa xã hội; Tôn giáo và xã hội ở Việt nam hiện nay nhìn từ “Chính sách tôn giáo”.
PHẦN III: LUẬT PHÁP VÀ TÔN GIÁO, bao gồm các tiểu vấn đề: Hồ Chí Minh và nền tảng luật pháp tôn giáo ở nước ta; Xung quanh vấn đề “công tác tôn giáo”; Vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo trong Hiến pháp năm 1992: luận cứ cho một nhu cầu chuyển đổi; Vấn đề tư cách pháp nhân hay việc công nhận các tổ chức tôn giáo; Hoàn thiện luật pháp tôn giáo: Các vấn đề cấp bách thuộc “địa vị pháp lý”.
Đây là một cuốn sách tham khảo bổ ích, thiết thực đối với bạn đọc, nhất là các nhà nghiên cứu, giảng dạy, nhà quản lý, hoạch định chính sách về tôn giáo.
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc!
TS. Lê Đức Hạnh