Kinh tế châu Phi năm 2013: tiếp tục tăng trưởng ổn định
Ngày đăng: 08/05/2014
Viện Nghiên cứu Châu Phi
và Trung Đông
Bất chấp những khó khăn của kinh tế thế
giới, kinh tế châu Phi vẫn giữ vững được tốc độ tăng trưởng khá và duy trì sự ổn
định, đạt mức 5% vào năm 20131 giành cho khu vực châu Phi cận Sahara
theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế và ở mức 4,9%2 theo đánh giá của
Ngân hàng Thế giới. Mặc dù không thể so sánh với tốc độ tăng trưởng kinh tế vào
các năm 2005-2008, nhưng châu Phi được đánh giá là châu lục đạt tốc độ tăng trưởng
cao thứ hai trên thế giới trong năm 2013, chỉ đứng sau các nước đang phát triển
châu Á. Châu lục Đen đang được hưởng lợi từ môi trường cải cách kinh tế vĩ mô
trong nước và những nỗ lực liên kết khu vực. Với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân
5,5%/năm trong vòng 9 năm (2005-2013), châu Phi đang tạo được môi trường thuận
lợi để phát triển kinh tế trong điều kiện môi trường thế giới và môi trường ở một
số nước trong khu vực còn gặp nhiều bất ổn.
1. Châu
Phi tiếp tục chuyển mình
Tốc độ tăng trưởng nhanh trải đều ở một
loạt các nước châu Phi trong năm 2013 kể cả các nước xuất khẩu dầu mỏ, các nước
có thu nhập thấp và một số nước có thu nhập trung bình. Theo đánh giá của IMF,
tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2013 ở châu Phi thuộc về nhóm nước có
thu nhập thấp (bình quân 6,5%/năm) do những
nỗ lực cải cách và mở cửa kinh tế trong nước, điển hình là các nước Nam Sudan
(24,7%), Siera Leon (13,3%), Liberia (7,9), Rwanda (7,5%), Ethiopia, Tanzania,
Mozambique (đều đạt 7%). Các nước xuất khẩu dầu mỏ năm 2013 đạt tốc độ tăng trưởng
bình quân 5% do những biến động giá cả dầu mỏ năm 2013 không thuận lợi. Tại 5
nước lớn nhất châu Phi (có GDP mỗi nước đạt trên 100 tỷ USD và 5 nước này chiếm
63% GDP toàn châu Phi năm 2013), tốc độ tăng trưởng không đồng đều, trong đó
Nigeria đạt tốc độ tăng trưởng 6,2%, Angola đạt 5,6%, Algeria đạt 3,1%, Nam Phi
đạt 2% và Ai Cập đạt 1,8%. Sự tăng trưởng không đồng đều này của 5 nước lớn nhất
châu Phi trong năm 2013 là một trong những lý do giải thích vì sao năm 2013 kinh
tế châu Phi không thể tăng tốc nhanh sau những nỗ lực cải cách kinh tế mạnh mẽ
của các nước trong khu vực.
Tính cho toàn bộ khu vực châu Phi, năm
2013 kinh tế châu lục này có những bước cải thiện đáng kể so với năm 2012. Cụ
thể là, trong năm 2013 châu Phi chỉ còn lại duy nhất hai nước đạt tốc độ tăng
trưởng âm, đó là Cộng hòa Trung Phi (-14,5%)
và Guinea Xích đạo (-1,5%) do những bất ổn chính trị trong nước, trong khi năm 2012 châu Phi có 4 nước đạt
tăng trưởng âm. Trong số 49 nước châu Phi cận Sahara,
có 6 nước tăng trưởng kinh tế trên 7% và 2 nước tăng trưởng hai con số. Chỉ còn
duy nhất 8 nước tăng trưởng dưới 3%, đó là Cape Verde (1,5%), Cộng hòa Trung
Phi (-14,5%), Guine Xích Đạo (-1,5%), Eritrea (1,1%), Guinea (2,9%), Madagasca
(2,6%), Nam Phi (2%), Swaziland (0%). Tại khu vực Bắc Phi, tốc độ tăng trưởng
kinh tế tương đối đa dạng, trong đó những nước vừa trải qua biến động Mùa xuân
Arab như Ai Cập, Tunisia, Lybia, Yemen có bức tranh tương phản giữa phục hồi và
trì trệ kinh tế, cụ thể là Yemen và Tunisia phục hồi kinh tế nhanh hơn cả (ở mức
tăng trưởng 6% và 3% tương ứng), Ai Cập và Lybia tiếp tục trì trệ kinh tế (ở mức
tăng trưởng 1,8% và -5,1% tương ứng).
Cùng với diễn biến
giá cả và lạm phát trên thế giới, các nước châu Phi năm 2013 duy trì được mức lạm
phát vừa phải và được cải thiện hơn so với năm 2012. Nếu như năm 2012, chỉ số
giá tiêu dùng ở các nước châu Phi cận Sahara
là 9%/năm, thì năm 2013 đạt 6,9%/năm. Hầu hết các nước châu Phi đều duy trì được
mức lạm phát 1 con số, chỉ duy nhất 5 nước có tốc độ lạm phát cao 2 con số là
Burundi, Guinea Xích đạo, Guinea, Malawi và Siera Leon. Lạm phát ở các nước khu
vực Bắc Phi cũng được duy trì ở mức 1 con số, trừ trường hợp Yemen có mức lạm
phát 12%/năm. Các đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế và các
chuyên gia nghiên cứu đều cho rằng, lạm phát ở châu Phi năm 2013 được kìm chế
là do tác động của nhiều yếu tố, trong đó bao gồm môi trường phát triển ổn định
ở nhiều nước, nguồn cung lương thực được cải thiện, các chính sách tiền tệ được
áp dụng hiệu quả và biến động giá cả hàng hóa thế giới không tăng vọt và không
thất thường. Ngoài ra, trong năm 2013 châu Phi nhận được dòng kiều hối chảy về
tăng vọt, đạt 33 tỷ USD so với 31 tỷ USD của năm 2012. Tất cả các nhân tố đó đã
hỗ trợ thu nhập và tiêu dùng của hộ gia đình, khiến lạm phát năm 2013 tiếp tục
được kiềm chế.
Một tín hiệu đáng mừng khác của kinh tế
châu Phi năm 2013 là cán cân tài khoản vãng lai duy trì ở mức thấp (-4% GDP),
tuy nhiên cao hơn năm 2012 (-3% GDP). Cán cân tài khoản vãng lai của các nước
châu Phi có sự chênh lệch rất lớn. Những nước xuất khẩu dầu mỏ của châu Phi hầu
hết là các nước có thặng dư tài khoản vãng lai (trừ một số nước Bắc Phi đang gặp
biến động mùa xuân Arab và xung đột chính trị trong nước), thặng dư lớn nhất
thuộc về Gabon (9,7% GDP), Cộng hòa Congo (7,5% GDP), Angola (7,1% GDP). Các nước
châu Phi chịu thâm hụt tài khoản vãng lai nặng nề nhất năm 2013 thuộc về các nước
thu nhập thấp, điển hình là Mozambique (-40,1% GDP), Cộng hòa dân chủ Congo
(-17% GDP), Liberia (-47,1% GDP), Zimbabwe (-21,7% GDP)…Cán cân tài khoản vãng
lai của châu Phi năm 2013 được giải thích một phần do hoạt động xuất khẩu của
khu vực này trong năm 2013 có nhiều giảm suất do sự sụt giảm giá cả hàng hóa thế
giới. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, trong 6 tháng đầu năm 2013 tăng trưởng
xuất khẩu hàng hóa của châu Phi chỉ đạt 4,1% do chỉ số giá cả của các mặt hàng
nông nghiệp, nguyên liệu và khoáng sản, dầu mỏ giảm khoảng 9%, 8,8%, 5,6% tương
ứng so với cùng kỳ năm 20123. Trong năm 2012- 2013, các nước xuất khẩu lớn
nhất của châu Phi bao gồm: Nigeria, Nam Phi, Angola, Algeria, Ai Cập, Morocco,
Ghana, Tunisia, Congo, Zambia, Gabon, Cote d’Ivoire, Botswana, Cộng hòa dân chủ
Congo, Cameroon, Kenya. Trong khi dân số châu Phi hiện nay là 1,1 tỷ người, vào
năm 2012 tổng kim ngạch xuất khẩu của châu Phi đạt 606,2 tỷ USD, tính trung
bình mỗi người dân đạt kim ngạch xuất khẩu 579 USD. So với con số bình quân giá
trị xuất khẩu đạt 2588 USD/người của tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn thế giới,
hoạt động xuất khẩu của châu Phi vẫn còn khiêm tốn4. Năm 2013, con số
này có sụt giảm tương đối so với năm 2012 do những lý do phân tích ở trên.
Môi trường đầu tư nước ngoài ở châu Phi
tiếp tục được cải thiện khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào châu Phi ngày càng
nhiều hơn. Theo đánh giá của IMF, dòng vốn FDI vào châu Phi cận Sahara năm 2013 đạt khoảng 40,2 tỷ USD, tăng so với mức
30,8 tỷ USD năm 2012 và là mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Theo đánh giá của
WB, dòng vốn FDI vào châu Phi cận Sahara năm 2013 đạt khoảng 40 tỷ USD, tăng
24% so với năm 2012, chiếm khoảng 50% trong tổng các dòng vốn nước ngoài vào
châu Phi5. Theo đánh giá của UNCTAD, FDI vào châu Phi năm 2013 là động
lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế châu Phi và các nước giàu tài nguyên, có
dung lượng thị trường lớn như Nigeria, Nam Phi, Mozambique, Ghana, Cộng hòa
Congo, Cộng hòa dân chủ Congo, chiếm phần lớn lượng FDI toàn cầu vào châu Phi6.
Các nước phát triển chiếm tới 76,2% và các nước đang phát triển chiếm 23,2% FDI
vào châu Phi, còn lại là các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập7.
Top 10 các nhà đầu tư lớn nhất ở châu Phi năm 2013 là Pháp, Mỹ, Anh, Malaysia,
Nam Phi, Trung Quốc, Đức, Thụy Điển, Italy và Singapore.
Nhờ những chỉ số kinh tế đạt được tương đối
sáng sủa trong năm 2013, nhiều nước châu Phi năm 2013 được đánh giá là có tốc độ
cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh rất nhanh. Xếp hạng chỉ số cạnh tranh
toàn cầu (GCI) năm 2013-2014 cho thấy, những nước có tốc độ lên hạng GCI nhanh
nhất ở châu Phi thuộc về Mauritius (đứng thứ 45/148 nước trên thế giới năm
2013, lên 9 hạng so với năm 2012), Botswana (đứng thứ 74/148 nước lên 5 hạng),
Zambia (đứng thứ 93/148 nước, lên 9 hạng), Kenya (đứng thứ 96/148 nước, lên 10
hạng), Algeria (đứng thứ 100/148 nước, lên 10 hạng). Tuy nhiên, cũng có một số
nước bị đánh giá là xuống hạng GCI, điển hình là Nam Phi (đứng thứ 53/148, xuống
1 hạng), Seychelles
(đứng thứ 80/148, xuống 4 hạng). Những nước nghèo và kém phát triển nhất châu
Phi như Mali, Malawi, Mozambique, Sierra Leon đều có thứ hạng GCI thấp hạng nhất
thế giới và đều xuống hạng so với năm 2012.
Tốc độ tăng trưởng ổn định và những chỉ số
kinh tế sáng sủa trong năm 2013 của khu vực châu Phi là do những nhân tố cơ bản
sau đây:
Thứ nhất, động lực lớn nhất của
châu Phi trong năm 2013 là chính sách quản lý kinh tế vĩ mô của hầu hết các nước
đã tốt lên rất nhiều, giúp khu vực này cải thiện được môi trường kinh doanh,
thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng lớn. Chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều
nước đã giúp kiềm chế được lạm phát, đặc biệt là lạm phát giá lương thực ở một
số nước vốn có lạm phát cao trước đây như Angola, Cộng hòa dân chủ Congo,
Kenya, Sierra Leon... Tuy nhiên, ở một số nước khác, chính sách mở rộng tiền tệ
đã khiến cung tiền tăng lên, thâm hụt ngân sách lớn hơn năm 2012, nhưng đã có
tác dụng mở rộng đầu tư công, đầu tư cơ sở hạ tầng để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư. Đầu tư
công ở nhiều nước như Ethiopia, Ghana, Namibia, Niger, Nigeria, Nam Phi,
Tanzania, Uganda, Zambia đã tăng mạnh, tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng
như điện, đường, cầu cống, viễn thông… Các dự án
cơ sở hạ tầng này được hỗ trợ bằng nguồn vốn đầu tư nước ngoài, chủ yếu từ
Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ. Cũng trong năm 2013, nhiều nước châu Phi đã bắt đầu
phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế. Tính đến tháng 8/2013, đã có 4,75 tỷ
USD trái phiếu của các nước châu Phi được phát hành trên thị trường vốn quốc tế,
tăng so với 3,25 tỷ USD của cùng kỳ năm 2012, điển hình là các nước Rwanda,
Nigeria, Ghana, Angola, Kenya, Tanzania8. Chính sách tiền tệ mở rộng
ở các nước này đã kích thích đầu tư, mở rộng sản xuất, tăng công ăn việc làm,
và mở rộng tiêu dùng trong nước, là một trong những động lực kích thích tăng
trưởng kinh tế.
Thứ hai, liên kết kinh tế khu vực ở châu Phi trong năm 2013 có chiều hướng
diễn ra sôi động, là nhân tố thúc đẩy cải cách kinh tế nội khối, nhất thể hóa
khu vực, tạo điều kiện mở rộng xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Trong tháng 11
năm 2013, 5 nước thuộc Cộng đồng Đông Phi đã đồng ý thành lập một Liên minh Tiền
tệ Đông Phi (UMAE) trong vòng 10 năm với một đồng tiền duy nhất, đồng thời
Rwanda, Uganda và Kenya đã nhất trí thiết lập một liên minh thuế quan giữa 3 nước
và cho ra đời 1 visa du lịch chung. Liên minh Tiền tệ và kinh tế Tây Phi
(ECOWAS) tháng 11 năm 2013 cũng đã dự định
thực hiện một đồng tiền tệ chung (đồng Eco)9 lưu hành song song với
đồng Franc CFA Tây Phi, đồng thời thông qua một biểu thuế quan nội khối, cho
phép thành lập một thị trường chung và tăng cường hội nhập khu vực10.
Liên minh châu Phi (AU) trong năm 2013 đã hoàn thành xong dự thảo Chiến lược và
lộ trình kết nối công nghệ thông tin hải quan cho châu lục Đen theo 4 giai đoạn
thực hiện trong vòng 11 năm bắt đầu từ năm 2014 với
việc các quốc gia sẽ rà soát quy trình thủ tục hải quan, hạ tầng công nghệ
thông tin để chuẩn bị cho việc kết nối với nhau. Giai đoạn 2 sẽ kéo dài từ năm
2013 đến 2017. Trong giai đoạn này, AU mong muốn các cơ quan hải quan thực hiện
(hoặc ít nhất là bắt đầu) công việc kết nối trong khuôn khổ các cộng đồng kinh
tế khu vực (RECs) của châu Phi. Đối với
giai đoạn 3, bắt đầu từ năm 2017 đến năm 2020, các RECs của châu Phi sẽ hoàn
thành việc kết nối. Giai đoạn cuối cùng sẽ tập trung vào việc củng cố hạ tầng
công nghệ thông tin và đưa toàn bộ mạng lưới kết nối đi vào hoạt động. Các kế
hoạch đã và đang được thực hiện tại các tổ chức khu vực châu Phi khiến các nhà
đầu tư, các nhà tài trợ nước ngoài yên tâm và sẵn sàng tham gia các dự án để
giúp cho nền kinh tế châu Phi cất cánh trong tương lai.
Thứ ba, kinh tế châu Phi
năm 2013 tiếp tục đà tăng trưởng nhờ những điều kiện thuận lợi của môi trường
quốc tế và quan hệ hợp tác với các nước lớn. Mặc dù giá cả thế giới trong năm
2013 có xu hướng giảm, đặc biệt là giá dầu mỏ giảm trong năm 2013, đã tạo điều
kiện cho các nước châu Phi phải nhập khẩu dầu mỏ được hưởng lợi lớn. Những diễn
biến giá cả lương thực, thực phẩm và nguyên liệu đều có xu hướng giảm nhẹ, đặc
biệt là giá ngô, gạo, lúa mì, lúa miến đã giảm mạnh từ tháng 1 đến tháng 8 năm
2013, tạo điều kiện thuận lợi cho các nước châu Phi mở rộng nhập khẩu phục vụ
sản xuất hoặc kích thích tiêu dùng, đảm bảo an ninh lương thực.
Theo đánh giá của các chuyên gia thuộc Diễn
đàn kinh tế châu Phi 2013, giao dịch thương mại nội bộ khu vực châu Phi chỉ chiếm
12% tổng kim ngạch thương mại của châu Phi năm 2013, thấp hơn nhiều so với mức
60% của châu Âu, 40% của Bắc Mỹ và 30% của ASEAN11. Điều đó có nghĩa
là, hợp tác thương mại và đầu tư với các nước trên thế giới là động lực cơ bản
để giúp châu Phi đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá. Trong năm 2013, thế
giới chứng kiến những diễn biến sôi động trên thị trường châu Phi, đặc biệt là
sự hợp tác kinh tế của châu Phi với Trung Quốc, Mỹ và EU. Ngày 24-30/3/2013, Chủ
tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thăm chính thức cấp nhà nước Tanzania, Cộng hòa
Congo, Nam Phi, đánh dấu một năm mới tăng cường hoạt động ngoại giao – kinh tế
giữa Trung Quốc và châu Phi, trong đó Trung Quốc hứa sẽ cho các đối tác chiến
lược ở châu Phi vay 20 tỷ USD và sẽ giúp đào tạo khoảng 30.000 cán bộ và cung cấp
18.000 học bổng cho sinh viên châu Phi trong giai đoạn 2013-201512.
Ngày 19/8/2013, Trung Quốc đã ký thỏa thuận trị giá 5 tỷ USD với Kenya để thực
hiện các dự án năng lượng và xây dựng đường sắt để thực hiện các dự án năng lượng và xây dựng một tuyến đường sắt, mở rộng hơn nữa
lượng đầu tư khổng lồ của Trung Quốc vào châu Phi13. Chính
phủ Trung Quốc ngày 29/8/2013 đã công bố
Sách Trắng về Hợp tác kinh tế và thương mại Trung Quốc- châu Phi trong đó tập
trung mọi nỗ lực để tăng cường hợp tác kinh tế thương mại với châu Phi. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các nước
châu Phi đã tăng từ mức 1,44 tỷ USD năm 2009 lên hơn 2,5 tỷ USD năm 2012, với mức
tăng trung bình hàng năm là 20,5%. Hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp Trung Quốc
đang đầu tư tại các quốc gia ở châu Phi14. Kim ngạch thương mại
Trung Quốc – châu Phi đạt khoảng 200 tỷ USD vào năm 2013.
Quan hệ kinh tế giữa châu Phi và Mỹ năm
2013 cũng có xu hướng tích cực. Kế hoạch “Power Africa” được Mỹ đưa ra nhân
chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama đến một số nước châu Phi với trị giá 7 tỷ
USD nhằm nhằm tạo điều kiện cho đông đảo người châu Phi có điện dùng15.
Hiện tại, hơn 2/3 cư dân phía nam sa mạc Sahara
và hơn 85% dân nông thôn tại khu vực này không có điện. Kế hoạch này bao gồm việc
phát triển các nguồn điện mới (với sự tôn trọng môi trường), xây dựng các nhà
máy điện và các hệ thống đường dây tải điện lớn, cũng như những mạng điện nhỏ
ngoài hệ thống. Đối tượng hợp tác trước hết của Mỹ là các nước Ethiopia, Ghana,
Kenya, Liberia, Nigeria
và Tanzania.
Theo chính phủ Mỹ, kế hoạch tài trợ của các cơ quan chính phủ Mỹ sẽ kéo theo
thêm ít nhất 9 tỷ USD đầu tư tư nhân trong lĩnh vực này. Trong Hội nghị AGOA lần
thứ 12 tổ chức tại Ethiopia tháng 8 năm 2013, Mỹ đã tuyên bố sẽ tiếp tục giành
cho các nước châu Phi đã ký kết AGOA với Mỹ những ưu đãi xuất khẩu cho đến hết
năm 2015. Phía Mỹ cho rằng, mặc dù quan hệ thương mại Trung quốc – Châu Phi có
chiều hướng gia tăng nhanh hơn quan hệ của Mỹ với châu Phi, nhưng mối quan hệ
thương mại của Mỹ với các nước châu Phi
đa dạng hơn và mang tính chất bền vững hơn. Những cam kết sẽ tiếp tục cải thiện
và làm mới AGOA sau năm 2015 của Mỹ đối với châu Phi đã đem lại những tín hiệu
tích cực cho môi trường phát triển kinh tế của khu vực châu Phi trong năm 2013.
Thứ tư, thời tiết tạo điều kiện
thuận lợi cho phát triển nông nghiệp ở châu Phi. Mặc dù khô hạn vẫn xảy ra ở một
vài nơi, đặc biệt là miền Nam châu Phi khiến diện tích, năng suất trồng ngô bị
thu hẹp và giá cả lương thực cao hơn ở một số nước như Mozambique, Malawi,
Namibia, nhưng nhìn chung thời tiết năm
2013 tương đối thuận lợi cho các nước châu Phi phát triển nông nghiệp. Theo
đánh giá của các nhà khí tượng thủy văn, lượng mưa ở châu Phi trong tháng 6-7
cao hơn rất nhiều so với lượng mưa bình quân của các năm trước đó, và khu vực
được hưởng lợi là vùng Sahel và các nước Tây
Phi. Trong năm 2013, sản xuất lương thực ở khu vực Tây Phi và vùng Sahel tăng khoảng 25% so với sản lượng lương thực sản xuất
trung bình trong 5 năm trước đó16. Các nước ven biển ở khu vực Tây
Phi là những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ thời tiết năm 2013, đặc biệt là
những nước trồng lúa gạo, ngô, sắn. Theo đánh giá của FAO (12/2013), sản lượng
ngũ cốc thế giới và của châu Phi năm 2013 đạt mức tăng kỷ lục từ trước đến
nay, giúp người dân cải thiện được tình
hình an ninh lương thực trong nước và cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, số người
bị đói ở châu Phi không phải vì thế mà bớt đi. Theo FAO, 6 nước Burkina Fasso, Gambia,
Senegal, Mauritania, Cote
d;Ivoice vẫn đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực và cần trợ
cấp khẩn cấp.
3.
Những trở ngại, thách thức của châu Phi trong năm 2013
Thách thức lớn nhất đối với kinh tế
châu Phi năm 2013 là bất ổn chính trị và xung đột có xu hướng gia tăng. Theo
Báo cáo của Liên hiệp quốc, có khoảng 1/3 trong số 55 quốc gia châu Phi chịu
ảnh hưởng của các cuộc xung đột và bất ổn chính trị, trong đó các quốc gia chịu
ảnh hưởng nặng nề nhất là ở các nước Bắc Phi như Ai Cập, Tunisia, Lybia,
Morocco và một số nước khác như Mali, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa dân chủ
Congo, Nam Sudan. Tại Bắc Phi, cuộc cách mạng năm 2011 dường như chưa đem lại
hồi kết, điển hình là ở Ai Cập, khiến
đất nước này tiếp tục lâm vào khủng hoảng chính trị và đảo chính; xung
đột đẫm máu đã diễn ra trong ngày 14/8. Tại Mali, cuộc khủng hoảng chính trị
nhằm lật đổ Tổng thống Amadou Toumani đã khiến 500.000 người phải rời nhà cửa
đi lánh nạn. Tại Trung Phi, cuộc đảo chính quân sự đã khiến Tổng thống Francois
Bozize phải chạy đi lánh nạn ở nước ngoài, nguy cơ diệt chủng đang đến gần và
khiến 300.000 người dân phải đi tị nạn tại Cộng hòa dân chủ Congo, xung đột
giữa các phe phái và tôn giáo đã khiến 1000 người thiệt mạng và 62.000 người
phải đi tị nạn nước ngoài. Ngoài ra, ở một số
nước khác như Kenya, Ghinea Xích đạo, Somalia, Zimbabwe đã ảnh hưởng lớn đến
phát triển kinh tế của các nước này và tác động tiêu cực đến tình hình phát
triển kinh tế của khu vực. Mặc dù Liên minh châu Phi và Liên hiệp quốc đã có
những biện pháp nỗ lực hòa giải xung đột, nhưng tình hình chính trị ở các nước
này vẫn tiếp tục bất ổn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế trong
nước và trong khu vực. Các báo cáo của WB, IMF, UNCTAD và nhiều tổ chức quốc tế
khác đều cho rằng, năm 2013 kinh tế châu Phi tiếp tục duy trì mức tăng trưởng
ổn định bất chấp xung đột. Nếu không có xung đột và chiến tranh xảy ra, có khả
năng kinh tế châu Phi năm 2013 sẽ tăng trưởng cao hơn nữa.
Thứ
hai, các chính sách quản lý kinh tế
của một số chính phủ chưa thực hiện hiệu quả. Ở một số nước, các chính sách của
chính phủ dường như rất thụ động, đặc biệt là ở những nước thu nhập thấp. Chẳng
hạn tại Malawi,
khi lạm phát tăng cao, chính sách thắt chặt tiền tệ là rất cần thiết nhưng
chính phủ đã phản ứng rất chậm chạp. Hoặc tại một số nước lớn châu Phi như Nam
Phi, Nigeria, Ghana, chính phủ các nước này đã chậm phản ứng khi dòng tài chính
quốc tế liên tục và ồ ạt đổ vào đây, đã dẫn đến những sức ép trên thị trường
tài chính, khiến tăng trưởng kinh tế năm 2013 thấp hơn dự đoán ban đầu. Tính
kết nối của nhiều nền kinh tế châu Phi với nền kinh tế thế giới còn yếu, khiến
các chính sách phát triển kinh tế không được thực hiện nhanh chóng và tích cực.
Tính chất bảo hộ và tự cung tự cấp của nhiều nền kinh tế châu Phi đang đi ngược
chiều với xu hướng chung của nền kinh tế thế giới và khiến các nước này dễ bị
tổn thương khi tiến hành mở cửa hội nhập toàn cầu. Tại các nước đang thực hiện
chiến lược mở cửa, sự tổn thương trước những cú sốc bên ngoài thường rất lớn,
đặc biệt là tình trạng mất cân bằng thương mại với Trung Quốc, tình trạng cho
nước ngoài thuê đất làm nông nghiệp và khai thác tài nguyên đang khiến châu Phi
đang vấp phải những xung đột với người nước ngoài và những tác động tiêu cực
khác. Chiến lược phát triển thiếu bền vững do mở cửa kinh tế đang là trở ngại
lớn đối với nhiều nước châu Phi.
Thứ
ba, đói nghèo, bệnh tật, thất nghiệp
vẫn là những thách thức dai dẳng đối với nhiều nước châu Phi, gây bất ổn định
xã hội và cản trở phát triển kinh tế. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ngày càng
cao đang đe dọa nghiêm trọng đến sự ổng định của châu Phi, nơi có 70% dân số
đang trong độ tuổi lao động. Tại Nam Phi, thất nghiệp là một vấn nạn lớn. Trong
khi tỷ lệ thất nghiệp của người da trắng là 3,3% thì tỷ lệ thất nghiệp của
người da đen ở mức khá cao 45% vào năm 201317. Một báo cáo điều tra
50.000 người ở 34 nước châu Phi cho thấy cứ 5 người châu Phi thì có 1 người
đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn lương thực, thuốc thang, chăm sóc
sức khỏe, tiền mặt và sống ở mức nghèo khổ. Người dân ở vùng Đông Phi và Tây
Phi phải chịu tình cảnh này nặng nề nhất, trong khi người dân ở vùng Bắc Phi có
sự cải thiện điều kiện sống hơn18. Một châu Phi không thể phát triển
bền vững khi chất lượng cuộc sống đang suy giảm nghiêm trọng. Tuổi thọ bình
quân của người dân châu Phi giảm từ 49,2 tuổi năm 1990 xuống 47,1 tuổi năm
2012.. Đại dịch HIV/AIDS ngày càng hoành hành và không có dấu hiệu ngăn chặn.
Chất lượng nguồn nhân lực dành cho cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế tuy có dấu
hiệu cải thiện trong vài năm gần đây nhưng vẫn ở mức thấp trên thế giới. Mặc dù
châu Phi được đánh giá là khu vực có tài nguyên thiên nhiên phong phú, đang là
điểm đầu tư hấp dẫn trên thế giới, nhưng cho đến nay phần lớn người dân châu
lục này vẫn sống nghèo khổ trên kho tài nguyên đó và đang phải đối phó với tình
trạng dịch bệnh và thất nghiệp hoành hành.
4. Triển vọng phát triển kinh tế
Những dự
báo của IMF và WB cho thấy, kinh tế châu Phi cận Sahara năm 2014 tiếp tục tăng
trưởng ở mức 6,0% và khu vực Bắc Phi – Trung Đông tiếp tục cải
thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 3,8% so với mức 2,1% của năm 2013, trong đó những nước dự báo đạt tốc độ tăng trưởng
cao nhất châu Phi sẽ là Nam Sudan (43%), Lybia (25,5%), Sierra Leon (14%),
Mozambique (8,5%), Ghana (8,5%), Cộng hòa dân chủ Congo (10,5%), Tanzania (7,2%).
Các nước lớn ở châu Phi có sự phục hồi kinh tế, trong đó Nam Phi dự báo đạt mức
tăng trưởng GDP 2,9%, Nigeria đạt 7,4%, Ai Cập 2,8%, Algeria 3,7%. Năm 2014 dự
kiến sẽ chỉ còn Guinea Xích đạo đạt mức tăng trưởng âm và có khoảng 13 nước
châu Phi thuộc diện những nước tăng trưởng nhanh nhất trên toàn cầu (GDP đạt
mức tăng trưởng 7,5% trở lên). Xuất
khẩu, đầu tư và phát triển du lịch tiếp tục là động lực cho tăng trưởng kinh tế
của châu Phi trong năm 2014 và những năm tiếp theo. Xét về nội lực, các nước châu Phi đã nhận thức đựơc những cố gắng của chính mình trong cải cách
và phát triển kinh tế, đồng thời các nước này đang tích cực dàn xếp xung đột,
lấy hoà bình và ổn định chính trị là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế. Sự ổn
định kinh tế trong nước, kết hợp với các chính sách cải cách ngày càng mang
tính phù hợp hơn với thông lệ quốc tế đã cho thấy khu vực này đang có nhiều cơ
hội để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn trong những năm tiếp theo. Tuy
nhiên, cùng với sự phục hồi kinh tế yếu ớt của nền kinh tế thế giới, kinh tế
châu Phi năm 2014 vẫn tiếp tục gặp những rủi ro từ bất ổn chính trị của một số
nước trong khu vực, từ xu hướng giá cả hàng hóa thế giới và từ những chính sách
kinh tế của các nước lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, các nước đang phát triển mới
nổi. Chính vì vậy, tăng trưởng kinh tế của châu Phi năm 2014 không thể tăng
nhanh hơn 6% do những rủi ro nội bộ của châu Phi cũng như tốc độ phục hồi chậm
chạp của kinh tế toàn cầu.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, số 2 năm 2014
|
|
|