Phạm Kim Huế
Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông

Là một trong những quốc gia có trữ lượng
dầu mỏ và khí đốt đứng hàng đầu thế giới, dầu khí Iran không chỉ đóng vai trò
quan trọng đối với đời sống kinh tế - xã hội của quốc gia Hồi giáo Trung Đông
này mà còn có ảnh hưởng to lớn đối với thị trường dầu mỏ và khí đốt thế giới
cũng như có vị trí chiến lược trên bản đồ năng lượng quốc tế. Dầu khí Iran còn là
nguyên nhân gây ra những căng thẳng, xung đột nội bộ và quốc tế, là sự tranh
giành giữa các tập đoàn xuyên quốc gia nói riêng và giữa các cường quốc trên
thế giới nói chung. Để hiểu “ngọn nguồn” nguồn tài nguyên quý giá này của Iran
cũng như những ảnh hưởng của nó, bài viết này sẽ đi sâu tìm hiểu thực trạng
nguồn năng lượng hiện nay của Iran, cơ hội và thách thức mà dầu khí đem lại đối
với đất nước này.
1.
Thực trạng dầu khí Iran
hiện nay
Trữ lượng dầu và khí đốt
của Iran
Nằm ở khu vực Trung Đông – nơi có trữ
lượng dầu và khí đốt lớn nhất thế giới, Cộng hoà Hồi giáo Iran đang sở
hữu nguồn tài nguyên năng lượng quý giá với trữ lượng phong phú. Theo đánh giá thống
kê năng lượng của BP tháng 6 năm 2011, trữ lượng dầu của Iran năm 2010 ước tính
137 tỷ thùng, chiếm gần 10% tổng trữ lượng dầu thế giới, còn trữ lượng khí đốt
của Iran năm 2010 ước tính 1.045,7 tỷ tỷ m3 chiếm 15,8% tổng trữ
lượng khí đốt thế giới.
Xét về trữ lượng dầu, Iran đứng vị trí
thứ tư trên thế giới, sau Saudi Arabia, Venezuela và Canada, đứng vị trí thứ ba
trong OPEC và vị trí thứ hai tại khu vực Trung Đông. Masjid-i-Sulaiman là khu
vực đầu tiên ở Iran
phát hiện có trữ lượng dầu thô lớn vào năm 1908. Gần 80% trữ lượng dầu thô của Iran được phát
hiện trước năm 1965. Tính đến cuối năm 1990, trữ lượng dầu của Iran chỉ đạt
92,9 tỷ thùng, nhưng đến cuối năm 2000 đạt 99,5 tỷ thùng, đặc biệt đến cuối năm
2009 đã tăng gần 14%, đạt 137 tỷ thùng1 nhờ gia tăng đầu tư vào các
dự án thăm dò và khai thác dầu của Iran. Cho đến nay, Iran đã phát hiện hơn 40
mỏ dầu, trong đó có 27 mỏ dầu trên đất liền và 13 mỏ dầu ngoài khơi có trữ
lượng dầu thô lớn nằm ở niềm Tây Nam Khuzestan, sát biên giới với Iraq và khu
vực Bắc Caspi. Đây chính là nguyên nhân bùng nổ cuộc chiến Iran-Iraq năm 1980
và các tranh chấp khác. Gần đây nhất, ngày 9/4/2011,
ông Seifollah - Giám đốc điều hành của Công ty dầu khí quốc gia Iran (NIOC) tuyên
bố: công ty đã phát hiện thêm 7 mỏ dầu thô với trữ lượng lớn tiềm tàng, trong
đó có một mỏ dầu có trữ lượng ước đoán 9 tỷ thùng.
Xét về trữ lượng khí đốt, Iran
đứng vị trí thứ hai trên thế giới sau Nga (1580,8 tỷ tỷ m3, chiếm
23,9% tổng trữ lượng khí đốt thế giới)2 và vị trí hàng đầu tại khu
vực Trung Đông. Cụ thể, trữ lượng khí đốt của Iran tính đến cuối năm 1990 mới
đạt 17 tỷ tỷ m3, đến cuối năm 2000 tăng hơn 9 tỷ tỷ m3. Hơn 2/3 trữ lượng khí đốt của Iran nằm rải
rác và chưa được phát triển. Các mỏ khí đốt lớn của Iran
là Nam và Bắc Pars, Kish và Kangan-Nar. Từ
khi kế hoạch phát triển dầu khí Iran
khởi động năm 2005, 8 mỏ khí đốt mới đã được phát hiện. Tính đến cuối năm 2009,
trữ lượng khí đốt của Iran
đạt 29,6 tỷ tỷ m3. Việc áp dụng và đầu tư công nghệ hiện đại trong
thăm dò và khai thác khí đốt đã giúp Iran
tìm ra các mỏ khí đốt có trữ lượng khổng lồ, tính đến cuối năm 2010 trữ lượng
khí đốt của Iran
đạt 1.045,7 tỷ tỷ m3. Đặc
biệt trong cuộc họp báo cuối tháng 3/2012, Bộ trưởng Dầu khí Iran Massoud
Mirkazemi thông báo: Iran vừa phát hiện một mỏ khí đốt Khayyam có trữ lượng
khoảng 260 tỷ m3, trong đó có 210 tỷ m3 có thể khai thác
trị giá gần 50 tỷ USD tại thành phố cảng Assaluyeh miền Nam Iran3.
Có thể nói, trữ lượng dầu mỏ và khí đốt
hiện nay của Iran
rất phong phú và là một trong những quốc
gia trên thế giới sở hữu nguồn tài nguyên
năng lượng vô cùng to lớn. Song đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với
quốc gia Hồi giáo này bởi vì nguồn năng lượng này không phải là vô hạn. Nếu Iran không có
lộ trình cũng như chiến lược sử dụng nguồn năng lượng quý giá này một cách hợp
lý và hiệu quả thì trong tương lai nguồn năng lượng này sẽ có nguy cơ cạn kiệt.
Khả năng sản xuất dầu và khí đốt của
Iran
Kể từ khi D’Arcy đặt mũi khoan dầu đầu
tiên cho đến nay, ngành công nghiệp dầu khí của Iran đã trải qua hơn 100 năm hình
thành và phát triển. Dầu khí đã trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của Iran
từ những năm 1920 và đến giữa thập niên 1970,
sản lượng khai thác dầu của Iran đạt mức cao nhất, cụ thể năm 1978 Iran đã sản
xuất hơn 5 triệu thùng/ngày. Nhưng từ sau Cách mạng năm 1979, sản lượng dầu của
Iran đã giảm khoảng 8%4 đối với các mỏ dầu trên đất liền và 11%5
đối với các mỏ dầu ngoài khơi, một phần do ảnh hưởng từ cuộc chiến Iran-Iraq và
một phần do thiếu vốn đầu tư do lệnh cấm vận của Mỹ.
Trong những năm gần
đây, đặc biệt trong những năm đầu của thế kỷ XXI, sản lượng dầu khí của Iran có tăng
nhưng vẫn chưa vượt được mức đỉnh. Cụ thể năm 2000, sản lượng dầu của Iran đạt
3,855 triệu thùng/ngày và sản lượng khí đốt của Iran đạt 60,2 tỷ m3/năm
thì đến năm 2010, sản lượng dầu của Iran đã tăng 4,245 triệu thùng/ngày, còn
sản lượng khí đốt của Iran tăng nhanh đạt 138,5 tỷ m3. Chỉ trong
vòng 10 năm, sản lượng khí đốt của Iran đã tăng hơn gấp đôi nhằm đáp
ứng nhu cầu về năng lượng trong nước đang ngày càng tăng cao. Theo kế hoạch
phát triển 5 năm của Quốc hội Iran, đến năm 2015 sản lượng dầu của Iran sẽ phấn
đấu đạt 5,3 triệu thùng/ngày6. Để đạt được mục tiêu này, Iran đang
thúc đẩy khai thác và sản xuất dầu khí của mình, trong đó việc NIOC ký kết hợp
đồng “mua bán lại” với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (China National
Petroleum Corporation – CNPC) để khai thác và phát triển mỏ dầu phía Bắc Azadegan
với trữ lượng dầu thô đã được chứng minh 26 tỷ thùng là một trong những ưu tiên
để thực hiện mục tiêu đó (Bảng 1).
Nói đến khả năng sản xuất dầu khí của Iran không thể không đề cập đến hệ thống các nhà
máy lọc dầu của Iran.
Trong số các nhà máy lọc dầu lớn của Iran, lớn nhất là nhà máy lọc dầu tại
Abadan với công suất 400 nghìn thùng/ngày từ năm 2006 đến năm 2009, riêng năm
2010 đạt 421 nghìn thùng/ngày – đây cũng là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Iran.
Thứ hai là nhà máy lọc dầu tại Isfahan với
công suất 265 nghìn thùng/ngày từ năm 2006 đến năm 2009, và trong năm 2010 đạt
350 nghìn thùng/ngày, tiếp theo là Badar
Abbas với công suất trung bình 232 nghìn thùng/ngày trong các năm 2006, 2007,
2008, 2009, đến năm 2010 tăng lên 322 nghìn thùng/ngày (Bảng 2).
Góp phần tạo nên
thành công của ngành công nghiệp dầu khí Iran
là mạng lưới đường ống dẫn dầu và khí đốt của Iran. Đây cũng là một trong những lý
do khiến sản lượng khai thác dầu khí của Iran tăng. Tính đến nay, Iran đã xây
dựng được một mạng lưới đường ống dẫn dầu và khí đốt tương đối hoàn chỉnh, kết
nối từ các mỏ dầu khí đến các nhà máy lọc dầu, các nhà máy hoá dầu, các cảng
biển và các thành phố của Iran (Bảng 3).
Hiện nay, tại Iran có 13 công ty và tổ chức liên
quan đến dầu khí. Đó là: Công ty dầu khí quốc gia Iran (National Iranian Oil
Company – NIOC); Công ty khí đốt quốc gia Iran (National Iranian Gas Company –
NIGC); Công ty dầu khí quốc gia miền Nam Iran (National Iranian South Oil
Company - NISOC); Công ty phát triển dầu Iran (Peroiran Development Company);
Công ty dầu khí Pars (Petro Pars); Công ty dầu và khí đốt Pars (Pars Oil and
Gas Company); Công ty dầu khí ngoài khơi Iran (Iranian Offshore Oil Company);
Công ty quốc tế khí hoá lỏng Narkangan (Narkangan Gas To Liquid Company); Công
ty khoan dầu quốc gia Iran (National Iranian Drilling Company); Công ty tư vấn
Châu Phi-Persic (Afro-Persia Consultants); Công ty kinh doanh năng lượng quốc
tế NaftIran (NaftIran International Energy Business); Hiệp hội các nhà sản xuất
thiết bị công nghiệp dầu khí Iran (Society of Iranian Petroleum Industries
Equipment Manufacturers). Trong số các công ty đó thì NIOC là công ty dầu khí không
chỉ lớn nhất ở Iran mà còn là công ty dầu khí lớn thứ hai trên thế giới, sau
Công ty dầu khí của Saudi Arabia xét về trữ lượng dầu quy đổi năm 2007 (300.485
triệu thùng7). NIOC là công ty nhà nước trực thuộc Bộ Dầu khí của Iran. NIOC chịu
trách nhiệm khai thác và sản xuất dầu khí của Iran. Xếp sau NIOC là NISOC. Đây là công ty thành
viên của NIOC hiện đang đảm nhận sản xuất 80% trữ lượng dầu nằm ở các tỉnh
Khuzestan, Bushehr, Pars, Kohkiluyeh và BoyerAhamd của Iran và chịu trách nhiệm
sản xuất khí tự nhiên ở miền Nam Iran. Ngoài ra, NIGC là công ty nhà nước
chuyên về xây dựng cơ sở hạ tầng, vận chuyển và phân phối khí đốt của Iran. Nhìn
chung, tất cả các công ty dầu khí của Iran
đều thuộc sở hữu nhà nước bởi vì Hiến pháp Iran
ngăn cấm sở hữu tư nhân về khai thác và sản xuất dầu khí ở Iran. Chính phủ
Iran chỉ cho phép các công ty quốc tế tham gia khai thác và phát triển dưới
hình thức “hợp đồng mua bán lại” liên doanh với một đối tác Iran. Đây có thể
coi là một trở ngại hạn chế năng suất khai thác và sản xuất dầu khí của Iran trong thời
gian qua.
1.3. Mức tiêu thụ (Bảng 4)
Qua các số liệu ở Bảng 4 cho thấy mức
tiêu thụ dầu và khí đốt của Iran tăng dần từ năm 2000 đến năm 2010, đặc biệt
mức tiêu thụ khí đốt của Iran đã tăng gần gấp đôi trong vòng 10 năm: năm 2000
là 62,9 tỷ m3, đến năm 2010 là 136,9 tỷ m3.
Nguyên nhân gia tăng mức tiêu thụ dầu và khí đốt của Iran trong thời gian qua
là do dân số của Iran tăng nhanh, đến năm 2010 dân số của Iran đạt 75,35 triệu
người8. Một nguyên nhân khác lý giải cho việc mức tiêu thụ dầu của Iran gia tăng đó là ngành công nghiệp sản xuất ô
tô của Iran
phát triển. Minh chứng, năm 2000 Iran mới chỉ sản xuất hơn 200.0009
chiếc thì đến năm 2010 là gần 1.400.00010 chiếc, tăng gấp 7 lần. Bên
cạnh đó, việc đăng ký sử dụng ô tô mới tại Iran từ vài trăm chiếc vào năm 2000
đã tăng lên gần 2 triệu11 chiếc vào năm 2010 cũng góp phần làm gia
tăng lượng xăng dầu tiêu thụ của Iran.
Là nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai trong
OPEC nên phát triển công nghiệp đóng tàu tải trọng lớn là một trong những ưu
tiên của chính phủ Iran
nhằm thúc đẩy xuất khẩu dầu khí. Đội tàu chở dầu của Iran trong những năm gần đây tăng
đáng kể và trở thành quốc gia có đội tàu chở dầu trọng tải lớn nhất OPEC. Nếu
như năm 2006, Iran mới chỉ có 32 tàu với trọng tải 6.050 DWT thì đến năm 2010,
số lượng tàu chở dầu đã tăng lên 47 chiếc với trọng tải 10.994 DWT và 1 tàu chở
khí đốt hoá lỏng với trọng tải 12 nghìn m3 .12 Song song với
phát triển đội tàu chở dầu và khí đốt hoá lỏng, Iran cũng tập trung đầu tư các
kho bãi, cảng biển để xuất khẩu dầu khí. Đảo Kharg là nơi xuất khẩu chính của Iran có khả
năng dự trữ 20,2 triệu thùng dầu thô và công suất vận chuyển là 5 triệu thùng/ngày.
Tiếp theo là đảo Lavan với khả năng dự trữ 5 triệu thùng dầu thô và công suất
vận chuyển là 200.000 thùng/ngày. Ngoài ra, các cảng tại Abadan, Bandar Mashar
và Neka cũng là những cảng chính – nơi được trang bị hậu cần đầy đủ để xuất
nhập khẩu dầu khí của Iran từ khu vực Caspia. Iran
nằm ở vị trí chiến lược nơi có eo biển Hormuz ở phía Đông Nam của Iran. Đây là tuyến đường xuất khẩu
dầu quan trọng, chiếm hơn 40% tổng lượng dầu xuất khẩu của thế giới từ Iran và
các nước vùng Vịnh Persic khác.
Dầu và khí đốt là mặt hàng xuất khẩu chủ
lực của Iran.
Hiện Iran là nước xuất khẩu
dầu thô lớn thứ tư trên thế giới sau Saudi Arabia, Nga và UAE. Năm 2006,
Iran đã xuất khẩu 2561 nghìn thùng dầu thô/ngày, và 5690 triệu m3 khí
đốt, năm 2007 xuất khẩu dầu khí của Iran gia tăng trong đó dầu thô là 2639
nghìn thùng/ngày và khí đốt là 6160 triệu m3. Cuộc khủng hoảng tài
chính toàn cầu cuối năm 2008 khiến lượng xuất khẩu dầu thô và khí đốt của Iran
trong năm 2008 và 2009 đều giảm so với những năm trước đó. Cụ thể, xuất khẩu
dầu thô năm 2008 là 2574 nghìn thùng/ngày và năm 2009 là 2406 nghìn thùng/ngày,
còn xuất khẩu khí đốt năm 2008 là 4110 triệu m3 và năm 2009 là 5670
triệu m3..13 Năm 2010, Iran xuất khẩu 2583 nghìn
thùng/ngày, đạt 71.571 triệu USD14, chủ yếu sang các nước châu Á –
Thái Bình Dương (1571 nghìn thùng/ngày), châu Âu (878 nghìn thùng/ngày) và châu
Phi (134 nghìn thùng/ngày). Hiện nay, Iran đang cung cấp dầu cho các thị trường
chính là Sri Lanka (100%), Thổ Nhĩ Kỳ (51%), Nam Phi (25%), Hy Lạp (14%), Italy
và Tây Ban Nha (13%), Ấn Độ và Trung Quốc (11%), Nhật Bản và Hàn Quốc (10%)15.
Tuy nhiên, Iran
phải nhập khẩu gần ½ sản phẩm xăng dầu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong
nước. Năm 2009, Iran đã nhập khẩu khoảng 130.000 thùng xăng dầu/ngày, chiếm
khoảng 80%16 tổng sản phẩm nhập khẩu của Iran. Các nhà cung cấp xăng
dầu cho Iran trong năm 2009 gồm Vitol, Glencore, Trafigura của Thuỵ Sỹ; Tập
đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC); Tập đoàn dầu khí độc lập (IPG) của
Kuwait; Litasco của Nga; Petronas của Malaysia, Công ty trách nhiệm hữu hạn các
ngành công nghiệp tin cậy (RIL) của Ấn Độ; Total của Pháp và Công ty dầu Zhenua
của Trung Quốc…
Mặc dù là nước có trữ lượng khí đốt lớn
thứ hai trên thế giới, sau Nga và lớn nhất ở Trung Đông, nhưng hàng năm Iran
đều phải nhập khoảng 1-3 tỷ m3 khí đốt để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng
trong nước. Chẳng hạn năm 2008, Iran đã sản xuất 116,3 tỷ m3 khí đốt, xuất khẩu
4110 triệu m3 nhưng do tiêu thụ 119,3 tỷ m3 nên đã phải
nhập khẩu 7100 triệu m3. Để
bù đắp lượng khí đốt thiếu hụt này, Iran
chủ yếu nhập khẩu từ Turkmenistan
qua đường ống dẫn khí đốt nằm ở phía Bắc biên giới. Sản lượng khí đốt của Iran không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong
nước là do thiếu vốn đầu tư để mở rộng khai thác và phát triển các dự án khí
đốt ở Iran.
Hơn thế nữa, một số công ty năng lượng quốc tế do lệnh cấm vận đã quyết định
đình chỉ các dự án phát triển dầu khí ở Iran, trong đó có Công ty dầu khí Anh
(BP), Total, Shell, Repsol YPF, StatoiHydro và Eni của Italia. Nhằm tháo gỡ
những khó khăn này, Iran đang
hướng đến các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan;
các nước Trung Á như Turkmenia, Armenia; các nước trong khu vực Trung Đông như Bahrain và Thổ
Nhĩ Kỳ, đồng thời cả Nga. Chẳng hạn, Iran ký hợp đồng đầu tư với Tập đoàn dầu
khí ngoài khơi quốc gia của Trung Quốc trị giá 16 tỷ USD để phát triển mỏ khí
đốt Bắc Pars của Iran và xây dựng nhà máy khí đốt tự nhiên hoá lỏng. Tháng 3
năm 2009, Tập đoàn Gazprom của Nga ký hợp đồng trao đổi dầu mỏ với NIOC để vận
chuyến khí đốt từ Turkmenistan đến Iran và ngược lại chuyển các sản phẩm dầu
khí từ Iran qua Nga. Tháng 12 năm 2009, Tập đoàn dầu và khí đốt tự nhiên của Ấn
Độ tuyên bố có kế hoạch đầu tư 10 tỷ USD nhằm phát triển mỏ khí đốt Bắc Pars
của Iran để xuất khẩu. NIGC hy vọng hoàn tất hợp đồng xuất khẩu khí đốt tự
nhiên với Pakistan trị giá 7,4 tỷ USD trong đó có việc xây dựng đường ống dẫn
khí đốt Iran-Pakistan-Ấn Độ hay còn được biết đến là “Đường ống hoà bình”. Thổ
Nhĩ Kỳ sẽ giúp phát triển mỏ dầu khí Bắc Pars của Iran. Khí đốt sẽ được chuyển bằng
đường biển và đường ống dẫn khí đốt từ Iran đến Thổ Nhĩ Kỳ và từ đó vận
chuyển đến các khu vực khác của thế giới. Iran
và Bahrain cũng đã ký hợp
đồng vận chuyển 1 tỷ m3 khí đốt tự nhiên/ngày cho Bahrain. Hy
vọng với dự án khai khác và phát triển dầu khí mới, sản lượng dầu và khí đốt
của Iran sẽ được gia tăng không chỉ thoả mãn nhu cầu tiêu dùng trong nước mà
còn giúp Iran trở thành nhà xuất khẩu dầu khí lớn của khu vực và thế giới.
2.
Vai trò của dầu khí đối
với phát triển kinh tế - xã hội Iran
2.1. Phát
triển kinh tế - xã hội
Ngành năng lượng
đóng vai trò xương sống của nền kinh tế Iran từ thập niên 1920. Trên thực
tế, khoảng ¼ nền kinh tế của Iran dựa vào xuất khẩu dầu khí và 70% ngân sách
nhà nước chủ yếu dựa vào nguồn thu dầu khí.
Dầu khí tạo điều kiện để Iran xây dựng và phát triển một mạng lưới đường
ống dẫn dầu và khí đốt khổng lổ từ các mỏ dầu khí đến các nhà máy hoá dầu, các
cảng biển và các khu dân cư của Iran.
6,5 triệu hộ gia đình Iran
đã được hưởng lợi từ mạng lưới đường ống dẫn khí đốt tự nhiên. Dầu khí còn là
động lực giúp Iran phát triển ngành công nghiệp đóng tàu tải trọng lớn, hiện
nay Iran là quốc gia sở hữu một đội tàu chở dầu và khí đốt hoá lỏng tải trọng
lớn nhất OPEC gồm 48 chiếc, trong tương lai gần, Iran sẽ phấn đấu gia tăng đội
tàu này lên 60 chiếc. Hơn thế nữa, để thúc đẩy xuất khẩu dầu thô, các cảng biển
nước sâu của Iran
đã được đầu tư xây dựng và nâng cấp một cách hệ thống và hiện đại. Đáng kể nhất
phải kể đến cảng nước sâu ở đảo Kharg với công suất vận chuyển 5 triệu thùng
dầu thô/ngày và khả năng dự trữ 20,2 triệu thùng dầu thô, được coi là một trong
những cảng biển nước sâu lớn nhất ở vùng Vịnh.
Doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ từ năm 2006 đến năm 2008 tăng dần, cụ thể năm
2006 đạt 57,719 tỷ USD; năm 2007 đạt 66,214 tỷ USD; năm 2008 đạt 87,050 tỷ
USD, nhưng đến năm 2009 có sự giảm sút, chỉ
đạt 56,341 tỷ USD do khủng hoảng kinh tế toàn cầu17. Doanh thu từ
xuất khẩu dầu mỏ năm 2010 đã tăng hơn đạt 71,571 tỷ USD. Nhờ doanh thu từ xuất
khẩu dầu mỏ, nên chính phủ Iran
có cơ hội thực hiện các chương trình phát triển kinh tế xã hội của mình. Chẳng
hạn, Quỹ ổn định dầu (Oil Stabilization Fund –OSF) được lập nhờ doanh thu từ
xuất khẩu dầu khí nhằm hỗ trợ các chính sách tài chính và tiền tệ mở rộng của chính
phủ Iran
vào năm 2001. Nhằm thực hiện lời hứa “đem tiền dầu lửa đến cho mọi người”,
chính phủ của Tổng thống Ahmadinejad tiến hành cung cấp các gói trợ cấp công
cộng mở rộng gồm trợ cấp xăng dầu, lương thực và nhà ở cho người dân Iran. Toàn
bộ các gói trợ cấp chiếm hơn 25% GDP của Iran, trong đó riêng trợ cấp năng
lượng chiếm khoảng 12% GDP. Năm 2006, nội các Tổng thống Ahmadinejad thành lập
Quỹ Lòng thương Imam Reza 1,3 tỷ USD18 nhằm giúp thanh niên Iran kết
hôn, mua nhà và học tập. 0,2% nguồn thu từ dầu mỏ của Iran sẽ được sử dụng để
phát triển các nguồn năng lượng mới nhằm đáp ứng khoảng 1% nhu cầu tiêu dùng
năng lượng của quốc gia Hồi giáo này trong 5 năm tới. Bên cạnh đó, công nghiệp
quốc phòng và chương trình hạt nhân của Iran phát triển được như ngày nay
là nhờ nguồn thu đôla dầu lửa. Minh
chứng, hiện nay Iran có 545.000 quân lính, hơn 12.000 trang thiết bị vũ khí bộ
binh, hơn 1000 máy bay quân sự và gần 250 tàu chiến các loại , xếp thứ 12 về
sức mạnh quân sự trên thế giới (theo Global Fire Powe –GFP). Trong năm tài khoá
2012, Iran
dự tính sẽ tăng gấp đôi ngân sách cho quốc phòng.
Có thể nói rằng dầu khí không chỉ giúp Iran xây dựng hạ tầng cơ sở công nghiệp dầu khí
mà còn giúp Iran
phát triển các ngành công nghiệp khác như công nghiệp đóng tàu, công nghiệp
quốc phòng và chương trình hạt nhân của mình. Nguồn thu dầu lửa đã giúp chính
phủ Iran có tài chính để thực hiện các chương trình trợ cấp xăng dầu, lương
thực, nhà ở cho người dân, song đây cũng đồng thời là gánh nặng đối với ngân
sách nhà nước khi mà nguồn cung dầu khí của Iran đến năm 2055 có nguy cơ cạn
kiệt.
2.2. Tạo vị thế trong khu vực và trên thế giới
Với trữ lượng lớn về dầu khí, Iran
có một vị thế quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Là một trong những nước đầu tiên sáng lập
tổ chức OPEC, Iran
đã có những đóng góp đáng kể cho thành công của OPEC. Với sản lượng dầu thô đạt
đỉnh 5,1 triệu thùng/ngày trong thập kỷ 1970, Iran
đã trở thành nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai trong OPEC, sau Saudi Arabia. Vị
thế của Iran được nâng cao
khi Iran
giữ chức chủ tịch luân phiên của OPEC. Vị trí này không chỉ giúp Iran có tiếng nói quyết định trước những vấn đề
cấp bách liên quan đến cung cầu dầu lửa trong khối và trên thế giới mà còn tạo
điều kiện cho Iran
gia tăng “sức mạnh mềm”.
Trong lĩnh vực năng lượng, lợi ích của
Iran ngày càng tăng lên bao gồm: củng cố, mở rộng việc sản xuất và vận chuyển
năng lượng, mở rộng thị trường xuất khẩu khí đốt của Iran ra thị trường châu
Âu, châu Á. Lợi thế địa kinh tế đã tạo điều kiện để Iran tăng cường vị thế tại
biển Caspi và trở thành một trung tâm trung chuyển năng lượng trong khu vực. Trước
những bất đồng giữa các bên có liên quan trong việc phân bổ tài nguyên trên
biển, Iran
đã có các hoạt động tích cực nhằm thể hiện mình là nhân tố chính trong việc
phân chia tài nguyên khoáng sản của vùng biển Caspi. Đối với các dự án hợp tác
chung trong khu vực như mạng lưới đường ống dẫn khí đốt, mạng lưới đường sắt
chung cho các nước Trung Á và Iran, thì vai trò của Iran là giúp các bên tìm
được tiếng nói chung nhằm tạo ra lợi ích tương đồng giữa các quốc gia, đồng
thời tỏ rõ trách nhiệm cung cấp nguồn dầu khí cho đường ống mới nối Iran với
Armenia, Azerbaijan và Turkmenistan. Iran đã cung cấp các tuyến đường ngắn nhất
trong việc trung chuyển dầu và khí đốt của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ
và vùng biển Caspi ra thị trường thế giới thông qua hai dự án xây dựng hai
đường ống dẫn dầu mới, đó là đường ống dẫn từ các mỏ dầu ở Kazakhstan đến bờ
biển Iran của vịnh Oman qua Turkmenistan và đường ống vế phía nam Neka-Jassk từ
biển Caspi tới các cảng Vịnh Oman với công suất 1 triệu thùng/ngày. Cùng với
việc đầu tư nâng cấp các đường ống dẫn dầu, Iran còn chú trọng phát triển đội
tàu chở dầu với công suất lớn nhằm chiếm lĩnh lĩnh vực quan trọng này và hiện
nay được coi là quốc gia sở hữu đội tàu chở dầu tải trọng lớn nhất OPEC. Rõ ràng các dự án năng lượng lớn, tập trung
lợi ích kinh tế, chính trị và nguồn lực của các nước Capsi đều thông qua Iran, đây là một lợi thế không nhỏ của Iran trong việc
thực hiện các dự án phát triển ngành năng lượng dầu khí.
Iran tích cực mở rộng thị
trường quốc tế, tuyên bố là một thành viên mới trong thị trường khí đốt Á-Âu, và
điều này giúp Iran
tạo ảnh hưởng lớn đến bản đồ năng lượng thế giới. Đặc biệt trong mối quan hệ
căng thẳng giữa Iran và phương
Tây, dầu khí đang trở thành một yếu tố quan trọng giúp Iran duy trì
quan điểm cứng rắn của mình đối với vấn đề hạt nhân. Việc Iran tuyên bố ngừng
xuất khẩu dầu cho châu Âu bao gồm các nước Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Hy Lạp
và Italia cho thấy Iran sẵn sàng dùng vị thế của mình là nước xuất khẩu dầu mỏ
lớn thứ hai OPEC để đáp trả những biện pháp trừng phạt do Liên minh châu Âu và Mỹ
ban hành.
2.3.
Thu hút đầu tư nước
ngoài
Luật quốc hữu hóa dầu khí năm 1957, Luật
dầu khí năm 1974 và lệnh cấm vận quốc tế đối với Iran đã không làm giảm sức hấp
dẫn của môi trường đầu tư Iran đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Tháng 3/2007, Công ty năng lượng Thuỵ Sỹ EGL
đã ký hợp đồng xuất khẩu khí đốt hoá lỏng (LNG) với NIGC trị giá 10 tỷ Euro
trong vòng 25 năm bắt đầu từ năm 2011. Đây có thể coi là hợp đồng khí đốt lớn
thứ hai của châu Âu, hàng năm Thuỵ Sỹ sẽ mua 5,5 tỷ m3 khí đốt tự
nhiên của Iran.
Tháng 2/2008, Công ty khí đốt Quốc gia Nga Gazprom ký thành lập một liên doanh
với Iran để phát triển mỏ khí đốt ngoài khơi Bắc Pars của Iran trong đó Iran sẽ
xây dựng cơ sở hạ tầng xuất khẩu khí đốt. Tháng 4/2008, NIGC hoàn tất hợp đồng
xuất khẩu khí đốt tự nhiên với Pakistan trị giá 7,4 tỷ USD, trong đó bao gồm cả
việc đầu tư xây dựng “đường ống hoà bình Iran-Pakistan-Ấn Độ”. Tháng 11/2008,
Công ty Steiner của Đức có kế hoạch xây dựng 3 nhà máy LNG tại Iran trị giá
147 triệu USD. Tháng 12/2008, Iran đồng thời ký hợp đồng với Tập đoàn SKS của
Malaysia trị giá 14 tỷ USD gồm có đầu tư xây dựng một nhà máy LNG. Tháng 12/2009,
Công ty dầu và khí đốt của Ấn Độ (ONGC) và Iran có kế hoạch đầu tư 10 tỷ USD
phát triển mỏ khí đốt Bắc Pars của Iran và một nhà máy LNG để vận chuyển khí
đốt Bắc Pars xuất khẩu. Là quốc gia nhập khẩu hơn 51% lượng dầu của Iran nên
Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất chú trọng đầu tư các dự án sản xuất và xuất khẩu khí đốt
của Iran trong đó có việc đầu tư phát triển mỏ dầu khí Bắc Pars. Nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng về năng lượng
vì tăng trưởng “nóng” của Trung Quốc, ngày 31/7/2010, Trung Quốc quyết định đầu
tư khoảng 40 tỷ USD vào ngành dầu khí của Iran, trong đó đăng ký đầu tư vào các
dự án hoá dầu, lọc dầu và xây dựng đường ống dẫn dầu và khí đốt trị giá 10 tỷ
USD và sẽ đầu tư thêm 29 tỷ USD vào các dự án thăm dò và khai thác dầu khí tại
Iran.