Phạm Kim Huế
Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông

3. Những vấn đề nảy sinh
từ dầu khí
Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông

-
Kinh tế phát triển không
bền vững
Sự phụ thuộc vào dầu
khí khiến nền kinh tế của Iran
dễ bị ảnh hưởng. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cuối năm 2008 đã khiến cầu
dầu mỏ toàn cầu giảm, kéo theo cung dầu mỏ của Iran năm 2009 cũng giảm theo, từ
4.327 nghìn thùng dầu thô/ngày xuống còn 4.199 thùng dầu thô/ngày, làm giá trị
xuất khẩu dầu mỏ của Iran giảm mạnh gần 31 tỷ USD (từ 87.050 triệu USD năm 2008
xuống còn 56.341 triệu USD năm 200919).
Kim ngạch xuất khẩu dầu mỏ giảm khiến
nguồn dự trữ ngoại tệ của Iran
bị thu hẹp nặng nề, trong đó có Quỹ bình ổn dầu. Theo IMF, dự trữ ngoại tệ của
Iran năm tài chính 2008 chỉ còn khoảng 79,6 tỷ USD giảm đi 3,3 tỷ USD so với
năm tài khóa 2007. Cán cân thanh toán vãng lai của Iran cũng bị giảm sút xuống còn
14.541 triệu USD so với con số 23.987 triệu USD năm 200820. 70% ngân
sách nhà nước phụ thuộc doanh thu dầu mỏ nên có thể nói rằng việc doanh thu dầu
mỏ của Iran bị giảm sút do bị tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và
lệnh cấm vận đã buộc chính phủ Iran phải cắt giảm chi tiêu dành cho các chương
trình phát triển kinh tế - xã hội của Iran trong thời gian qua, đặc biệt giảm
trợ cấp xăng dầu và lương thực. Điều này đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người
dân Iran
vốn gặp không ít khó khăn do phải chịu thiếu thốn từ lệnh cấm vận và là nguyên
nhân gây bất ổn trong nước.
Chính sách quốc hữu hoá ngành dầu khí
khiến ngành công nghiệp này của Iran
phát triển không đầy đủ. Bên cạnh đó, dầu khí là nhân tố chính khiến lượng khí
thải Carbon Dioxide (CO2) của Iran
tăng cao, gây ô nhiễm môi trường. Trong 511,2 triệu tấn khí thải CO2 năm 2008
thì khí thải CO2 từ khí đốt chiếm 52%, từ dầu mỏ chiếm 47%.
- Đụng
độ giữa Iran
với phương Tây và lệnh cấm vận
Dầu mỏ là nguyên nhân gây ra những căng
thẳng, mâu thuẫn giữa Iran
và phương Tây trong nhiều thập kỷ qua. Nhìn lại quá trình hình thành và phát
triển ngành dầu khí của Iran
cho thấy hầu hết các cuộc đụng độ giữa Iran với phương Tây ít nhiều đều
liên quan đến dầu mỏ. Trước kết phải kể đến cuộc đụng độ đầu tiên xảy ra cách
đây gần 80 năm khi chính quyền Anh cử các tàu chiến đến Vịnh Persic để phản đối
sự hủy bỏ Quyền chuyển nhượng D’Arcy của chính quyền Thủ tướng Reza Khan. Cuộc đụng
độ tiếp theo là quá trình quốc hữu hóa của chính quyền Thủ tướng Moseddegh gặp
khó khăn khi bị người Anh phong tỏa. Luật dầu khí năm 1974 ra đời thay thế Luật
dầu khí năm 1957 nhằm hạn chế sự tham
gia của các đối tác nước ngoài mà chủ yếu là của các công ty phương Tây trong
lĩnh vực dầu khí của Iran đã khiến cuộc đụng độ giữa Iran và phương Tây trở nên
căng thẳng. Với chính sách can thiệp vào chương trình vũ khí hạt nhân ở Iran, Mỹ đã thúc ép các nước khác cấm vận Iran. Hiện có
khoảng 35 nước đang áp dụng các biện pháp cấm vận hoàn toàn hoặc trên một số
lĩnh vực đối với Iran.
Cụ thể, các biện pháp cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Iran bao gồm việc cấm các
công ty làm ăn với Iran, cấm nhập hàng xuất xứ từ Iran, cấm các định chế tài
chính của Iran và hoàn toàn cấm bán máy bay hoặc linh kiện sửa chữa cho các
công ty hàng không Iran. Tháng 6/2011, Mỹ thực hiện lệnh cấm vận hãng hàng
không thương mại lớn nhất Iran là Iran Air, và Tidewater Middle East Co là công
ty quản lý 7 cảng biển ở Iran. Không chỉ vậy, Mỹ đã gây sức ép khiến các nước
như Canada,
Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản... triển khai các biện pháp cấm vận với Iran. Ngày 16/1/2012,
Mỹ đã cử một phái đoàn đến Hàn Quốc và Nhật Bản để gây sức ép đối với hai quốc
gia châu Á – là những đối tác nhập khẩu dầu quan trọng của Iran nhưng lại là
những đồng minh thân cận của Mỹ tại châu Á phải ngừng nhập khẩu dầu mỏ của quốc
gia Trung Đông này nhằm bóp nghẽn nguồn
"đô la dầu mỏ" của Iran. Bên cạnh đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ, ngày
23/1/2012, EU ban bố lệnh cấm vận mới đối với dầu mỏ Iran gồm: cấm bán thiết bị
cho Iran; cấm chuyển giao công nghệ và cung cấp dịch vụ cho ngành dầu khí Iran;
cấm những dự án đầu tư mới tập trung vào khu vực năng lượng của Iran; cấm cung
cấp những mặt hàng có thể dùng để chế tạo vũ khí thông thường. Điều này đã ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành dầu khí
– huyết mạch kinh tế của Iran.
Bị bao vây cô lập về kinh tế đã và đang
ảnh hưởng không nhỏ đến các kế hoạch phát triển ngành công nghiệp dầu khí của Iran. Mặc dù giá
dầu trên thế giới tăng đồng nghĩa lợi nhuận thu được từ mỗi thùng dầu thô của Iran sẽ tăng, song sản lượng giảm sẽ khiến nguồn
thu từ đôla dầu mỏ của Iran
tăng không đáng kể. Trong khi đó, các doanh nghiệp mua dầu nước ngoài đang “lợi
dụng” các biện pháp trừng phạt trên bàn đàm phán để mua được dầu của Iran với giá rẻ
hơn. Cộng thêm các dự án đầu tư nước ngoài vào ngành dầu khí của Iran bị thu
hẹp hoặc bị đình trệ do lệnh cấm vận, chẳng hạn Tập đoàn Dầu khí Total của Pháp
sẽ không tiếp tục đầu tư vào Iran và đình chỉ dự án khai thác khí đốt ở miền
Nam Iran (Financial Times), Công ty Petroliam Nasional Bhd (PET) có nhà máy lọc
dầu lớn thứ hai của Nam Phi cũng cắt giảm 80% nguồn cung dầu mỏ từ Iran, Công
ty dầu khí ngoài khơi quốc gia của Trung Quốc (CNOOC) có kế hoạch đầu tư 16 tỷ
USD để phát triển mỏ khí đốt Bắc Pars của Iran và xây dựng nhà máy khí đốt hóa
lỏng dự kiến ký vào ngày 27-3-2008 nhưng đã phải hủy bỏ do lệnh cấm vận của
Liên hợp quốc. Đỉnh điểm, Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn thế
giới (SWIFT) đã đưa ra một quyết định chưa từng có là cấm 30 ngân hàng của Iran
sử dụng dịch vụ của SWIFT – hệ thống thanh toán điện tử lớn nhất thế giới. Điều
này gây khó khăn cho Iran
trong việc bán dầu ngay cả cho những khách hàng “thiện chí nhất”. Tất cả những
nguyên nhân trên khiến sản lượng dầu khí của Iran giảm mạnh, đặc biệt trong những năm tới. Theo Petrologistics, trong
tháng 3/2012, xuất khẩu dầu mỏ của Iran
đã giảm mạnh 14%, tương đương khoảng 300.000 thùng/ngày do một số khách hàng
ngừng hoặc giảm mua để tuân thủ các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm
vào Iran.
Nếu các đối tác lớn tại châu Á tham gia không mua dầu mỏ của Iran thì vào cuối
năm 2012 theo tính toán của IEA, xuất khẩu dầu mỏ của Iran sẽ giảm khoảng 1
triệu thùng/ngày.
Có thể nói rằng,
cuộc đối đầu giữa phương Tây và Iran
nhằm vào vấn đề hạt nhân của Iran,
trên thực tế tiếp theo đó là cuộc chiến dầu mỏ và đọ sức về năng lượng. Cuộc
đụng độ giữa Iran và phương Tây liên quan đến vấn đề dầu mỏ cũng như lệnh cấm
vận về dầu mỏ không chỉ tác động trực tiếp đến các bên tham gia mà còn tác động
trực tiếp đến cung cầu dầu thế giới, đẩy giá dầu tăng cao, ảnh hưởng xấu đến quá
trình phát triển kinh tế - xã hội của Iran nói riêng, của khu vực Trung Đông và
toàn thế giới nói chung.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, số 5/2012
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, số 5/2012