I. KHÁI QUÁT ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI ZAMBIA
1. Vị trí địa lý
Zambia là một quốc gia nằm sâu trong đất liền ở khu vực miền
Nam
châu Phi với diện tích 752,6 nghìn km2. Các nước láng giềng của
Zambia bao gồm CHDC Congo ở phía bắc,
Tanzania ở Đông Bắc, Malawi ở phía Đông, Mozambique, Zimbabwe, Botswana,
Namibia ở phía Nam và Angola ở phía Tây. Thủ đô của Zambia
là Lusaka.
2. Dân số
Dân số Zambia
khoảng 12,9 triệu dân (theo thống kê năm 2009), trong đó dân thành thị chiếm
43,9 %. Các tộc người ở Zambia bao gồm: Bemba 39%, Maravi 20%, Tonga 14,8 %,
Barotze 7,5 %, Mambwe 3,4 %, Tumkuba 3,7 %.
3. Đất đai
Đất đai Zambia
được chia thành ba vùng sinh thái nông nghiệp chủ yếu dựa theo lượng mưa hàng
năm, ngoài ra còn có những biến thể bên trong mỗi khu vực dựa trên các yếu tố
như loại đất, nhiệt độ, lượng mưa và độ cao. Khu vực đầu tiên bao gồm các phần
của góc Tây Nam và những
thung lũng chính như thung lũng Gwembe, Zambezi và thung lũng Luangwa.
Khu vực này đất đai luôn khô hạn lượng hữu cơ và chất dinh dưỡng trong đất thấp
và lượng axit cao.
Khu vực thứ hai kéo dài tới phần trung tâm của đất nước và được chia
thành hai tiểu vùng: các cao nguyên bị thoái hóa ở phía Đông Nam, Trung Nam, Tây
Nam, Kalahari Sands và vùng lũ ở các sông Zambezi ở phía Tây. Đất ở Kalahari
Sands có ít tiềm năng nông nghiệp và chủ yếu là rừng.
Khu vực thứ ba nằm ở phía Bắc, đất đai ở đây có xu hướng thẩm thấu và
thích nghi với thời tiết cao, độ ẩm của đất thấp.
4. Thời tiết
Mặc dù Zambia
nằm trong khu vực nhiệt đới, nhưng khí hậu lại thay đổi theo độ cao của đất
nước, nhìn chung là thuận lợi cho đời sống của người dân. Mùa hè lượng mưa giảm
và nhiệt độ tăng cao. Lượng mưa (chỉ tập trung trong 5 tháng) thay đổi theo vùng
sinh thái nông nghiệp nhưng thường đi kèm với những cơn bão và mưa lớn, gây nên
bề mặt đất bị cứng và xói mòn. Các khu
vực khô hạn nhất nhận được lượng mưa hàng năm ít hơn 30 inch (800mm), trong khi
lượng mưa ở khu vực ẩm ướt nhất thường vượt quá 40 inch (1.000mm), đôi khi
lượng mưa vượt quá 50 inch (1.400mm) ở phía Đông Bắc. Nhiệt độ thay đổi theo độ
cao, nhiệt độ cao nhất hàng ngày xảy ra ở thung lũng Luanga và phía Tây Nam.
Khu vực mát mẻ nhất là ở cao nguyên Nyika ở phía đông Bắc biên giới Malawi.
Trong những tháng lạnh (tháng 6 và tháng 7) khu vực phía tây của Zambia là khu vực lạnh nhất, ở Sesheke phía Tây Nam có
băng tuyết trên mức trung bình là 10 ngày/năm.
Mặc dù sự tương phản chính là giữa mùa mưa và những tháng khô hạn,
nhưng Zambia
vẫn có ba mùa rõ rệt. Mùa mưa kéo dài từ tháng 11 cho đến tháng 4, khi nhiệt độ
ở khoảng 200C và trong thời gian này đất nước nhận được lượng mưa
hàng năm lớn. Sự di chuyển vào Zambia
của khối không khí ẩm từ phía Tây Bắc Congo báo hiệu sự bắt đầu của mùa
mưa. Sự thay đổi từ điều kiện hanh khô sang ẩm ướt là chuyển tiếp hơn là đột
ngột. Tháng 12 và tháng Giêng là tháng ẩm ướt nhất. Mây che phủ làm giảm nhiệt
độ tối đa nhưng cũng hạn chế được nhiệt độ bức xạ vào ban đêm, vì vậy nhiệt độ
tối thiểu được lưu giữ là tương đối cao. Độ ẩm cũng tương đối cao, điển hình là
95% vào buổi sáng sớm, nhưng lại giảm tương đối xuống còn 60-70% vào giữa
chiều.
Mùa khô mát kéo dài từ tháng 5 cho đến tận tháng 8, với nhiệt độ tối đa
khác nhau từ 15 – 200C, buổi sáng và tối nhiệt độ có thể hạ thấp
đáng kể. Mặt trời ở phía trên bán cầu Bắc, vì vậy nhiệt độ thấp, tháng 7 thường
là tháng lạnh nhất.
Mùa khô nóng kéo dài từ tháng 9 cho đến tháng 10, khi nhiệt độ tối đa
từ 23 – 270C. Đây là thời gian nhiệt độ tăng nhanh, chỉ trong 2
tháng, tháng 7 – tháng lạnh nhất và tháng 10 – tháng nóng nhất. Thông thường
vào giữa tháng 10 không khí lạnh di chuyển trong đại dương, dẫn đến độ ẩm tăng
lên và hình thành các đám mây. Nhiệt độ cao và độ ẩm tăng đã tạo ra khoảng thời
gian khó chịu nhất trong năm, mặc dù những cơn mưa đầu mùa đã rửa sạch bụi của
mùa khô.
5. Lịch sử
Từ thế kỷ XV, người Balunda thành lập quốc gia Lunda hùng mạnh bao gồm
lãnh thổ Angola, Congo, Zambia và một phần Cộng hoà Dân chủ Congo ngày nay.
Cuối thế kỷ XVIII, quốc gia Lunda bị suy yếu do sự thâm nhập các thương gia
buôn bán nô lệ, quyền lực của quốc vương Lunda giảm sút nên một loạt các vương
quốc nhỏ đã hình thành. Khoảng năm 1835, người Sotho lập một vương quốc riêng.
Đến 1889, Cecil Rhodes, nhà triệu phú người Anh được Hoàng gia Anh trao quyền
buôn bán và khai thác mỏ vùng lãnh thổ thuộc
Zambia, Zimbabwe, Malawi ngày nay. Đầu thế kỷ XX,
Cecil Rhodes ký một hiệp ước với Quốc vương người Sotho và lập thuộc địa riêng
mang tên Rhodesia Bắc. Năm 1924, Vương quốc Anh kiểm soát trực tiếp vùng
Rhodesia Bắc (Zambia), Rhodesia Nam (Zimbabwe) và Nyasaland (Malawi), giao cho
toàn quyền Anh cai trị.
Năm 1937 tại các khu mỏ có gần 4 vạn lao động người Phi làm việc, công
nhân đã thành lập công đoàn và đây là tổ chức tiền thân của Đại hội dân tộc Phi
Rhodesia Bắc (NRANC). Năm 1952, nhà giáo Kenneth Kaunda trở thành Tổng thư ký
NRANC. Năm 1953, do bất đồng nội bộ, ông K.Kaunda tách ra lập Đại hội dân tộc
Phi Zambia (ANCZ) chủ trương đấu tranh giành độc lập. Năm 1959, Đại hội dân tộc
Phi (ANCZ) bị cấm hoạt động và ông K. Kaunda bị bắt vào tù. Năm 1960, ông K.
Kaunda được trả tự do và đã phối hợp với những người cộng sự thành lập Đảng Độc
lập Dân tộc thống nhất (UNIP) do ông làm Chủ tịch. Năm 1963, Chính phủ Anh buộc
phải chấp nhận yêu sách của các phong trào độc lập dân tộc, giải tán Liên bang
(gồm Rhodesia Bắc, Rhodesia Nam và Nyasaland).
Tháng 10/1964, Đảng Độc lập Dân tộc Thống nhất (UNIP) giành thắng lợi
trong cuộc tổng tuyển cử, ông K.Kaunda lên làm Tổng thống, tuyên bố Rhodesia
Bắc độc lập, lấy tên nước là Cộng hoà
Zambia (24/10/1964).
6. Thành phần sắc tộc và ngôn ngữ
Hầu hết người Zambia
nói ngôn ngữ Bantu của hệ ngôn ngữ Niger-Congo và có nguồn gốc từ những người
làm nông nghiệp và sử dụng kim loại. Tổ tiên của người Zambia đã đến và định cư trên khu
vực này trong hơn 2.000 năm. Những truyền thống văn hóa ở phía Đông Bắc và Tây
Bắc cho thấy ảnh hưởng và sự di cư từ các lưu vực sông Congo. Ngoài ra, còn có con cháu
của nhưng thợ săn, những người hái lượm mà dường như đã bị đẩy trở lại sa mạc Kalahari,
đầm lầy Bangweulu và Lukanga. Vào thế kỷ XIX, kẻ xâm lược đến từ phía nam:
người Ngoni định cư ở phía Đông, trong khi người Kololo lại cai trị người Lozi
ở thung lũng Zambezi. Người châu Âu bắt đầu
xâm nhập vào Zambia
với số lượng lớn trong cuối thế kỷ XIX.
Mặc dù hầu hết người Zambia đều có nguồn gốc Bantu nhưng
các loại hình di dân phức tạp đã tạo ra
nhiều loại ngôn ngữ và văn hóa. Nhóm ngôn ngữ Bemba là phổ biến nhất, chiếm hơn
1/5 dân số, và được phân bố ở miền Bắc trung bộ, miền Bắc, tỉnh Luapula và
Copperbelt. Nhóm ngôn ngữ Nyanja (hay còn gọi là Chewa) và Tonga cũng rất quan trọng, chiếm
hơn 1/10 dân số. Ngôn ngữ Nyanja được nói ở các tỉnh miền Đông và miền Trung
trong khi ngôn ngữ Tonga
được nói chủ yếu ở các tỉnh phía Nam và phía Tây.
Hiện vẫn còn một số mối liên hệ giữa sự phân bố các nhóm sắc tộc chính
và sự phân chia hành chính của đất nước ở các khu vực nông thôn và các khu vực
dọc theo tuyến đường sắt. Khu vực phía Tây bị cai trị bởi người Lozi. Xã hội
Lozi được tập trung dưới sự lãnh đạo của
một vị vua, nhưng cộng đồng dân cư vẫn tiếp
tục nuôi dưỡng khát vọng ly khai.
Ở các tỉnh phía Tây Bắc, giáp biên giới Angola và Congo, không có nhóm
thống trị duy nhất, các dân tộc ở đây bao gồm người Lunda ở phía Nam, người
Chokwe, Luchazi, Mbunda, Ndembu và người Kaonde.
Phía Nam
là quê hương của dân tộc Ila-Tonga, trong đó có 12 nhóm riêng biệt nói những
ngôn ngữ địa phương. Khu vực phía Bắc lại bị cai trị bởi người Bemba, những
người đã thành lập một vương quốc rộng lớn trong thế kỷ XIX. Khu vực này là
nguồn lao động chính cho khai thác mỏ, và Bemba đã trở thành ngôn ngữ chung của
Copperbelt và được nói nhiều nhất trong cả nước. Hầu hết các ngôn ngữ ở phía
Đông Bắc có liên quan chặt chẽ với các ngôn ngữ ở Tanzania
và Malawi.
Khu vực phía Đông là quê hương của người Nsenga, Chewa, Kunda và Ngoni.
Nông nghiệp là hoạt động chính ở khu vực này, các ngôn ngữ chính là Nyanja.
Ngôn ngữ này cũng được nói ở Malawi
và là ngôn ngữ chung ở Lusaka.
Khu vực Copperbelt (trước tây là miền Tây) là vị trí của ngành công
nghiệp khai thác mỏ. Dân số bao gồm tất cả những người từ mọi miền ở Zambia,
cũng như một vài dân tộc từ các nước láng giềng.
Dân số không phải nguồn gốc Bantu có xu hướng tập trung ở các thị trấn,
các khu vực thương mại nông nghiệp và ở những khu vực giống với khu vực đường
ray. Nhóm sắc tộc này bao gồm những người châu Âu và con cháu của họ, trong đó
có một số người mang quốc tịch Zambia.
Sau khi Zambia
giành được độc lập năm 1964, nhiều người vẫn còn ở lại khu vực này, nhưng số
lượng ngày càng giảm dần. Nhiều ngôn ngữ và tiếng địa phương đã được xác định ở
Zambia.
Có 7 ngôn ngữ chính thức được nói như tiếng mẹ đẻ là: Bemba, Nyanja, Lozi, Tonga,
Luvale và Kaonde. Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của chính phủ và được sử
dụng trong lĩnh vực giáo dục, thương mại và pháp luật.
7. Kinh tế
Zambia có nhiều tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là đồng
(trữ lượng 1 tỷ tấn, chiếm trên 50% thu nhập ngoại tệ xuất khẩu). Zambia còn có
kẽm, coban, vàng, uranium, chì … Trong thập kỷ 1980s, giá đồng trên thị trường
giảm nên đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế,
Zambia không có đường biển nên gặp khó khăn trong xuất nhập khẩu hàng
hoá. Công nghiệp khai khoáng khá phát triển; nông nghiệp có các ngành chăn nuôi
gia súc, trồng bông, rau quả, ngô, thuốc lá, mía đường. Tuy nhiên, hiện nay Zambia
còn phải nhập khẩu máy móc, dầu khí và lương thực, nhất là gạo.
Tỷ trọng các ngành trong GDP: nông nghiệp thu hút 85% lao động nhưng
chỉ đóng góp vào 21,9% GDP, công nghiệp thu hút 6% lao động và đóng góp vào
29,5% GDP, dịch vụ đóng góp 48,8% (2005).
Trước đây, Zambia xây dựng nền kinh tế theo mô hình kế hoạch hoá tập
trung, nông nghiệp trì trệ, chăn nuôi, trồng trọt không phát triển; khi giá
xuất khẩu đồng và khoáng sản khác giảm, nhu nhập sút kém, kinh tế lâm vào khó
khăn, khủng hoảng dẫn đến những biến động về kinh tế xã hội. Từ năm 1990 - 1991,
Zambia bắt đầu áp dụng cải cách kinh tế - xã hội theo hướng chuyển sang kinh tế
thị trường, cải cách cơ cấu, thúc đẩy tư nhân hoá, chú trọng phát triển nông
nghiệp, mở rộng khai khoáng, tranh thủ vốn đầu tư, kỹ thuật của Mỹ, Tây Âu, WB,
IMF để khôi phục kinh tế. Mấy năm gần đây, kinh tế Zambia từng bước được phục hồi.
Năm 2008, tổng sản phẩm quốc nội của Zambia đạt 15,23 tỷ USD, đạt mức
tăng trưởng 6,2% so với năm 2007. Và GDP bình quân đầu người đạt 1.301
USD/người/năm. Tỷ lệ lạm phát được kiềm chế ở mức 11,8%. Tuy nhiên, tỷ lệ thất
nghiệp vẫn ở mức cao là khoảng 50%.
Về ngoại thương, năm 2008 Zambia xuất khẩu 5,63 tỷ USD hàng hoá trong
đó các sản phẩm xuất khẩu chính là đồng,côban (64%), điện, sợi thuốc lá, hoa,
bông. Các đối tác xuất khẩu là Tanzania (14,1%), Nam Phi (13,2%), Trung Quốc
(9,1%), Nhật Bản (7,9%), Thái Lan (7,9%), Thụy Sỹ (7,3%), Bỉ (6,7%), Malaysia
(4%). Năm 2008, Zambia
nhập khẩu khoảng 4,42 tỷ USD các loại hàng hoá như máy móc, thiết bị vận tải,
sản phẩm dầu, điện, phân bón, thực phẩm, dệt may. Các đối tác mà Zambia chủ yếu nhập khẩu hàng hoá là: Nam Phi
(50,3%), Zimbabwe
(13,2%), các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (5,3%).
II. KHÁI QUÁT NỀN NÔNG NGHIỆP ZAMBIA
Trong những năm đầu khi Zambia giành được độc lập, nền nông nghiệp
Zambia ở trong tình trạng trì trệ, thấp kém, sản xuất nông nghiệp tính trung
bình chỉ chiếm 14% GDP, trong khi đó ngành công nghiệp và chế tạo chiếm khoảng 83%
GDP. Có thể nói, ngành nông nghiệp không nằm trong nhóm ngành mạnh ở Zambia.
Chính vì vậy, chính phủ Zambia
đã không quan tâm đến ngành nông nghiệp mà chỉ tập trung vào những ngành có ảnh
hưởng lớn về kinh tế và chính trị như ngành công nghiệp và chế tạo.
Bắt đầu từ những năm 1970, Zambia đã dựa vào những chương
trình nghiên cứu nông nghiệp để nâng cao năng suất nông nghiệp. Trong những
giai đoạn đầu của chương trình, các nghiên cứu được hướng vào việc phát triển
các công nghệ nâng cao năng suất như phân bón, thuốc trừ sâu và những cây trồng
cần đầu tư nhiều vốn. Trong suốt quá trình này, việc nghiên cứu được thực hiện
trên các trạm nghiên cứu có mô hình khác với những cánh đồng của người nông dân
Zambia.
Nói chung, các nghiên cứu đã cho kết quả tốt và năng suất nhanh chóng chỉ trong
thời gian ngắn.
Đến cuối những năm 1970, Bộ trưởng Nông nghiệp Zambia nhận ra rằng, những nhu cầu
cơ bản của những tiểu chủ vừa và nhỏ đã không được đề cập đến trong những
nghiên cứu thực hiện trước đó. Năm 1978, với sự giúp đỡ của Nhóm tư vấn nghiên
cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR), chính phủ Zambia đã thực thi hệ thống nông
trại nghiên cứu và mở rộng, tiến gần đến sự phát triển nông nghiệp.
Từ năm 1990, Zambia bắt đầu áp dụng cải cách kinh tế - xã hội theo
hướng chuyển sang kinh tế thị trường, cải cách cơ cấu, thúc đẩy tư nhân hóa,
chú trọng phát triển nông nghiệp, mở rộng khai khoáng, tranh thủ vốn đầu tư, kỹ
thuật của Mỹ, Tây Âu, WB, IMF để khôi phục kinh tế. Nông nghiệp Zambia từng bước được phục hồi, và trở thành
“xương sống” của nền kinh tế Zambia.
1. Trồng trọt
Zambia được ưu đãi với đất đai rộng lớn khoảng 75 triệu ha,
trong đó 40-50% phù hợp cho việc trồng trọt nhiều loại cây trồng truyền thống
và không truyền thống. Mặc dù tiềm năng mở rộng nông nghiệp vào các vùng đất
màu mỡ là tương đối cao, nhưng chỉ 10-15% tiềm năng đó được khai thác để trồng
trọt. Trên những khu đất đó, các trang trại được sắp xếp theo quy mô từ các
trang trại gia đình cho đến các trang trại thương mại lớn. Nông dân sử dụng
cuốc và một vài dụng cụ lấy từ bên ngoài và họ trồng chủ yếu là những cây nông
sản như: ngũ cốc (chủ yếu là ngô), lúa mì, kê, sắn, lạc. Ngoài ra, nông dân
cũng trồng rất nhiều bông, nguyên liệu được sử dụng cho công nghiệp dệt trong
nước cũng như xuất khẩu. Các trang trại thương mại lớn và vừa thu lợi từ việc
cải tiến giống, phân bón và sức kéo của động vật. Các trang trại có quy mô lớn
chủ yếu được dựng dọc theo những khu vực phát triển và do người châu Âu và con
cháu của họ cai trị và điều hành. Đây là kiểu mẫu đã có từ thời thuộc địa khi
mà những người đàn ông châu Phi được thuê để làm việc trong những hầm mỏ, còn
những người châu Âu thì làm việc trên những cánh đồng. Những người này được
nhận những vùng đất màu mỡ dọc theo khu vực phát triển trong khi những người châu
Phi bị tái định cư ở những vùng đất ít màu mỡ.
Ngô là sản phẩm lương thực chủ yếu và chiếm đa số trong những khu vực
trồng trọt trên các trang trại ở Zambia. Bắt đầu từ những năm 1920,
khi một số lượng nhỏ những người nhập cư da trắng định cư trên các trang trại
thì ngô luôn là cây trồng chính trên các trang trại thương mại. Về mặt kinh tế,
ngô là nông sản chi phối cả nông nghiệp thương mại và tiểu thương. Quan trọng
hơn, nó chi phối cả suy nghĩ chính trị về nông nghiệp, về mối quan hệ giữa
người nông thôn và thành thị. Các vành đai ngô ở Zambia bao gồm khu sinh thái nông
nghiệp 2 (lượng mưa trung bình và độ cao so với mặt nước biển cao) và một số
vùng của khu 3 (lượng mưa và độ cao so với mặt nước biển cao). Những khu vực
này bao phủ gần hết các cao nguyên ở miền Nam, miền Trung, Lusaka, miền Đông và
các tỉnh phía Bắc, và một phần phía Nam của Copperbelt. Ở ba khu vực khác
(Luapula, khu vực Tây Bắc và Tây), mặc dù ngô vẫn được trồng, nhưng cây sắn và
các cây trồng khác lại chiếm ưu thế.
Việc sản xuất ngô bắt đầu được mở rộng nhanh từ sau khi Zambia
giành độc lập năm 1964 cho tới cuối những năm 1980. Nhờ vào những nguồn hỗ trợ
đầu vào, tăng lượng phân bón, và đặc biệt là cải thiện giống ngô, sản lượng ngô
đã tăng đột ngột. Trong suốt thời kỳ những năm 1970, 1980 và đầu những năm
1990, ngô dường như là nông sản thống trị mô hình sản xuất nhỏ. Ngô chiếm 76%
tổng sản lượng sản xuất nông hộ nhỏ, trong khi tổng thu nhập cây trồng từ sắn
là 10%, và các cây trông khác dưới 3%..
Tuy nhiên, đến những năm 1990, trợ cấp đầu vào, trợ cấp tín dụng, thị
trường đầu ra cho nông nghiệp bị sụt giảm, giá ngô giảm mạnh cùng với sự giảm
sút mạnh về thu nhập của đồng, chính phủ Zambia ngày càng phụ thuộc vào các
khoản vay nước ngoài và dẫn đến việc mất đi sự kiểm soát các chính sách nông
nghiệp. Sản xuất ngô đã bắt đầu bị thu hẹp. Nông dân không còn đủ khả năng để
mua đầu vào và các thương nhân không còn thấy cần thiết để mua hàng từ những
nơi xa hơn. Trong suốt những năm 1990, lượng phân bón bình quân được sử dụng
trên một ha đất canh tác đã giảm khoảng 2/3. Những nông dân nghèo hơn rút về
sản xuất tự cung tự cấp các loại cây trồng yêu cầu đầu vào ít hơn, chẳng hạn
như sắn. Chỉ trong vòng 10 năm, diện tích trồng ngô đã giảm xuống đáng kể. Năm
1980, diện tích trồng ngô khoảng 1 triệu ha, chiếm 76% diện tích trồng trọt,
đến năm 1999, diện tích này đã giảm xuống còn 585.000 ha, giảm 43%.
Khi tầm quan trọng của ngô giảm cả về năng suất và diện tích, các cây
trồng khác đã gia tăng thị phần của nó trong đời sống của người Zambia.
Trong số các loại cây trồng đó, quan trọng nhất là 2 loại cây trồng thu hoa lợi
là bông và lạc, và những loại cây có rễ chống lại hạn hán là sắn và khoai lang.
Trong khoảng thời gian 12 năm giữa vụ mùa năm 1990/1991 và vụ mùa 2002/2003, đóng
góp của ngô trong tổng sản lượng cây trồng đã giảm từ 76% xuống 55%. Trong khi
đó đóng góp của sắn tăng từ 10% lên 26%, diện tích trồng sắn cũng tăng 100%,
thay thế phần lớn diện tích trồng ngô ở những khu vực phía Bắc Zambia.
Ngoài ra, đóng góp của bông cũng tăng từ 3% lên 6% và diện tích trồng bông tăng
65%. Theo một nghiên cứu của dự án an ninh lương thực, tỷ lệ phần trăm năng
lượng của sắn được sản xuất bởi những người sản xuất nhỏ đã tăng từ 16% năm
1993 tới 31% năm 1999. Tuy nhiên, sản xuất sắn năm 2001-2002 đã giảm 12,4% so
với năm 2000-2001.
Bên cạnh đó, những loại cây trồng thu hoa lợi khác cũng trải qua sự hồi
sinh, đặc biệt là café và thuốc lá. Café và thuốc lá được trồng trên các trang
trại thương mại có quy mô lớn, chủ yếu là ở các tỉnh miền Đông và một phần nhỏ
ở các tỉnh miền Trung và miền Nam.
Ở các tỉnh phía Bắc, cả việc canh tác và làm cỏ trên đất đều được làm
theo cách truyền thống là bằng tay và sử dụng cuốc. Sử dụng bò là rất hạn chế
cho những mục đích như vậy. Ở các tỉnh miền Trung, miền Nam và miền Đông, việc trồng trọt
và làm cỏ được thực hiện cả bằng tay và bằng sức kéo của bò. Ở miền Nam, việc sử
dụng bò đã giảm mạnh trong những năm gần đây vì những tổn thất về gia súc do
bệnh từ bờ biển phía đông.
Nhìn chung, nông dân ở các tỉnh phía bắc của đất nước sử dụng giống cây
trồng nội địa có chất lượng thấp và tỷ lệ nảy mầm thấp. Ngược lại, hạt giống
lai lại được sử dụng nhiều ở các tỉnh phía Nam của đất nước. Việc tiếp cận hạn
chế với phân bón hóa học là một yếu tố cản trở các nông trại quy mô nhỏ trong
3-4 năm qua. Ở hầu hết các tỉnh miền Trung,
Nam và Tây và
Tây Bắc, việc tiếp cận hạt giống và phân bón có chất lượng tốt đều rất chậm chễ.
Trong nhiều trường hợp, các yếu tố đầu vào quan trọng này không có sẵn cho tới
tận tháng 12 hoặc tháng Giêng, kết quả là các vụ gieo trồng đều bị muộn gây ra
những thiệt hại về năng suất và sản lượng.
2. Chăn nuôi
Chăn nuôi là một ngành nông nghiệp khá quan trọng của Zambia, đóng góp
15,2% vào tổng thu nhập GDP của ngành nông nghiệp (theo thống kê năm 2004).
Ngành chăn nuôi chủ yếu bao gồm chăn nuôi bò (ước tính đạt 2,5 triệu con năm
2001), cừu, dê và đóng góp 35% vào tổng sản lượng nông nghiệp. Cách đây một vài
năm, Zambia
đã xuất khẩu thịt bò sang các nước lân cận. Xuất khẩu sản phẩm động vật đã đạt
1,4 triệu USD năm 1995, 4,4 triệu USD năm 1999 và 3,1 triệu USD năm 2001. Tuy
nhiên, đặc trưng của ngành chăn nuôi ở Zambia là tỷ lệ động vật tử vong
cao, hiệu quả sinh sản, tỷ lệ tăng trưởng chậm và thấp. Chẳng hạn như, ở khu
vưc phía Nam,
khoảng 60% gia súc đã chết trong khoảng thời gian 5 năm (1996-2001) từ khi xuất
hiện căn bệnh sốt từ bờ biển Đông. Một số lượng gia súc cũng chết trong hầu hết
các khu vực miền Đông và Tây.
Gia súc (chủ yếu là bò) là nguồn
năng lượng dự trữ cho việc canh tác đất đai trong khi dê, lợn và gia cầm là
nguồn thu nhập chính và là một nguồn thức ăn chính cho các hộ gia đình để đối
phó với thời kỳ đói kém. Ở những khu vực phía Nam, nông dân đã bán hầu hết các
vật nuôi nhỏ bé của mình để tồn tại sau những vụ mùa thu hoạch kém.
Mặc dù là lĩnh vực quan trọng đối với nền nông nghiệp Zambia nhưng năng suất chăn nuôi
còn thấp. Nguyên nhân một phần là do vấn đề về nước uống và giá trị dinh dưỡng
của những đồng cỏ tự nhiên thấp. Trong những năm gần đây, chính phủ Zambia
đã thúc đẩy các chương trình nhằm kiểm soát bệnh tật, di chuyển gia súc tới
những khu vực có nguồn nước ổn định, cải thiện đồng cỏ. Nhờ những chính sách
này, ngành chăn nuôi đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng được
một phần nguồn cung-cầu trong nước và xuất khẩu.
Có thể nói, nền nông nghiệp của Zambia đã từng bước phát triển, trở
thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp lớn vào công cuộc xóa đói giảm nghèo,
đảm bảo an ninh lương thực của Zambia. Ngành nông nghiệp chiếm 67% tổng số việc
làm, 25% tổng xuất khẩu và 21,9% tổng thu nhập GDP với những cây trồng có giá
trị xuất khẩu cao như: thuốc lá, bông, café, đường, hoa… Chính phủ Zambia đang
đề ra các chính sách mở rộng quan hệ hợp tác về lĩnh vực nông nghiệp với các
nước trên thế giới nhằm phát triển, học hỏi kinh nghiệm, kêu gọi viện trợ để phát triển nền nông nghiệp
đang còn nhiều yếu kém của mình.
III. MỘT SỐ LĨNH VỰC CỦA NÔNG
NGHIỆP ZAMBIA
CÓ KHẢ NĂNG HỢP TÁC VỚI VIỆT NAM
Trong tình hình phát triển kinh tế hiện nay, Zambia gặp rất nhiều khó khăn thử
thách. Nghèo đói, thiếu việc làm, dân số tăng nhanh trong điều kiện sản xuất
nông nghiệp năng suất thấp, cơ sở hạ tầng nông nghiệp nhìn chung yếu kém và mức
độ ảnh hưởng tiêu cực ngày càng tăng của biến đổi khí hậu là những thách thức
lớn đối với Zambia.
Do hơn 2/3 dân số Zambia
phụ thuộc vào nông nghiệp nên lĩnh vực
này là quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Cải cách trong nông nghiệp - nông
thôn là công cụ hữu hiệu để có thể đạt an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo
và là động lực chính đối với tăng trưởng kinh tế. Việt Nam và nhiều quốc gia châu Phi nói chung và Zambia
nói riêng có nhiều điểm tương đồng: cùng là các quốc gia đang phát triển, kinh
tế phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp và tỷ lệ dân số có thu nhập chính từ nông
nghiệp, đi lên từ nông nghiệp. Vì vậy, Việt Nam
và các quốc gia châu Phi (trong đó có Zambia) đã có quan hệ hữu nghị và
hợp tác nhiều mặt từ lâu đời. Ngày 15/09/1972, Việt Nam
và Zambia
bắt đầu thiết lập mối quan hệ ngoại giao cấp đại sứ. Năm 1975, Chủ tịch HĐBT
Phạm Văn Đồng đã gặp Tổng thống K. Kaunda tại Hội nghị cấp cao của phong trào
không liên kết ở La Habana. Tháng 12/1975, Zambia
cử đoàn kinh tế vào thăm Việt Nam.
Tháng 3/1995, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam
thăm chính thức Zambia.
Tháng 4/1998, Bộ trưởng Ngoại giao Zambia Keli S.Walubita thăm chính thức Việt Nam. Hai
nước có nhiều tiềm năng hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó dặc biệt là nông
nghiệp.
Ngoài ra, Zambia và Việt Nam còn có tiềm năng hợp tác nông nghiệp trong
các lĩnh vực sản xuất lúa gạo, phát triển cao su, café, hạt điều, cây ăn quả,
rau và nuôi trồng thủy sản. Zambia có thể nhập khẩu gạo từ Việt Nam bởi vì hiện
nay Việt Nam đang là một trong những nước giữ vị trí xuất khẩu gạo hàng đầu trên
thế giới và giá gạo của Việt Nam rẻ hơn những quốc gia khác, phù hợp với tình
trạng kinh tế của Zambia. Ngược lại, Việt Nam
có thể nhập khẩu bông từ Zambia
để phục vụ cho ngành dệt may trong nước. Thuốc lá cũng là một mặt hàng mà Zambia có thể xuất khẩu sang Việt Nam.
Nói chung, không chỉ Zambia
mà hầu hết các quốc gia ở châu Phi có rất nhiều tiềm năng hợp tác với Việt Nam
trong lĩnh vực nông nghiệp. Cũng từ một nước có nền nông nghiệp lạc hậu nhưng
Việt Nam đã vươn lên đứng trong “top” những nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên
thế giới và nông nghiệp đóng vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.
Trong thời gian qua, giữa Việt Nam
và Zambia đã có những hoạt
động hợp tác trong một số lĩnh vực: Năm 2007 Việt Nam
xuất khẩu chủ yếu hàng dệt may sang Zambia
(ước tính đạt 4.6 triệu USD) và Việt Nam lại nhập khẩu từ Zambia 151.000
USD bông các loại. Thực tế cho thấy, nông nghiệp Zambia có nhiều tiềm năng hợp
tác với Việt Nam nhưng cả hai nước vẫn chưa khai thác hết tiềm năng đó do còn
gặp nhiều khó khăn, thách thức như thủ tục hành chính và phối hợp giữa các cơ
quan của Zambia chưa được tốt, tình hình chính trị ở Zambia không ổn định gây
nhiều bị động cho Việt Nam. Nhiều thỏa thuận hợp tác được ký kết nhưng chưa
triển khai được nhiều do khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, có một số điều kiện
cơ bản cho mối quan hệ hợp tác phát triển tốt là cả Đảng, Nhà nước Việt Nam và
Zambia rất quan tâm, ưu tiên thúc đẩy hợp tác nông nghiệp, đảm bảo an ninh
lương thực, góp phần xóa đói giảm nghèo. Chính phủ hai nước cũng đã có những
cuộc hội thảo nhằm đưa ra định hướng phát triển, hợp tác cùng có lợi trong lĩnh vực nông nghiệp trong tương lai.
Lê Bích Ngọc
Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông
Lê Bích Ngọc
Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông
Tin liên quan
- Hội nghị Tổng kết đánh giá kết quả công tác năm 2020 và xác định phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2021
- Giao lưu nhân kỷ niệm ngày Quốc tế tiếng Arab và kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Kuwait
- Lợi ích của một số quốc gia tại Afghanistan
- Việt Nam - Kuwait: 45 năm quan hệ hợp tác và hướng tới tương lai
- Một số vấn đề kinh tế nổi bật của Nam Phi 10 năm qua
- Bối cảnh quốc tế mới và thách thức của khu vực Trung Đông
- Mô hình phát triển kinh tế của Ethiopia
- Nông nghiệp Morocco: Điều kiện phát triển, vai trò và những thách thức gặp phải
- Sự bùng nổ của dịch vụ và công nghiệp di động ở châu Phi thập niên vừa qua – Nền tảng của kinh tế số
- Trung Đông sau Thoả thuận “hoà bình” mới