Nguyễn Thanh Hiền
Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông
Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông

Ai Cập là một quốc gia có bề dày văn hóa
và lịch sử, là một trong những cái nôi của văn minh nhân loại, có vị trí địa lý
quan trọng và ảnh hưởng lớn không chỉ tại riêng khu vực Bắc Phi mà ở toàn châu
Phi nói chung. Nằm ở phía bắc châu Phi, tiếp giáp với Địa Trung Hải, lại có
kênh đào Suez đi qua lãnh thổ để nối Địa Trung Hải với biển Đỏ, vị trí địa
chiến lược có ý nghĩa rất đặc biệt này khiến cho Ai Cập luôn là mục tiêu xâm
lược của các đế quốc bên ngoài. Ai Cập đã từng bị các đế chế La mã, Byzantine,
Ottoman chinh phục trong lịch sử xa xưa và trong thời kỳ lịch sử cận hiện đại đã
từng bị Anh đô hộ từ năm 1882 đến năm 1922 mới tuyên bố là quốc gia độc lập.
Tuy nhiên, chỉ sau thắng lợi của cuộc cách mạng tháng 7 năm 1952 thì Ai Cập mới
trở thành nước cộng hòa độc lập thực sự và một vận mệnh mới của dân tộc Ai Cập
cũng bắt đầu mở ra từ đây.
Ai Cập tham gia nhiều tổ chức khu vực và
thế giới, có tiếng nói và vị thế trong Liên minh Arập, Liên minh Châu Phi, Tổ
chức Hội nghị Hồi giáo (OIC), đồng thời còn là thành viên của Liên hiệp quốc và
của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Một số nét khái lược về Ai Cập như vậy để
thấy đất nước này cũng có những điểm tương đồng nhất định với Việt Nam, nhất là
lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm để giành độc lập và công cuộc kiến thiết, bảo
vệ, phát triển đất nước hiện nay. Chính điểm tương đồng này đã tạo điều kiện để
hai nước có thể gần gũi, cảm thông, chia sẻ với nhau các kinh nghiệm cũng như
giúp đỡ và ủng hộ lẫn nhau trong nhiều vấn đề hiện đại.
1. Các cơ
sở xây dựng quan hệ chính trị- ngoại giao Việt Nam – Ai Cập
Mặc dù Ai Cập không giống Việt Nam về văn hóa, tôn giáo cũng như về thể chế
chính trị, song đây là nước Arập Hồi giáo đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao
với Việt Nam.
Ngay từ năm 1958, tức là sau 6 năm Ai Cập tuyên bố là nước cộng hòa độc lập,
Việt Nam đã có cơ quan đại diện thương mại tại quốc gia này, tạo tiền đề cho
việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức sau đó vào ngày 1 tháng 9 năm
1963. Ngay trong năm 1963, Việt Nam đã mở Sứ quán của mình tại thủ đô Cairo của
Ai Cập. Sang năm 1964, Ai Cập cũng lập Sứ quán tại Hà Nội. Như vậy, quan hệ
ngoại giao chính thức giữa hai nhà nước và hai quốc gia đã trải qua gần nửa thế
kỷ- một chặng đường lịch sử khá dài, đủ để kiểm nghiệm sự gắn bó của quan hệ
hai bên. Có những cơ sở quan trọng để thiết lập và thúc đẩy quan hệ giữa hai
nước, xin nêu ra một số điểm nổi bật dưới đây.
Thứ nhất, như đã nói ở trên,
tinh thần cách mạng và các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc là điểm tương
đồng để kết nối hai dân tộc ở hai châu lục khác nhau. Tinh thần cách mạng và
yêu nước là niềm tự hào của cả hai dân tộc. Việt Nam tự hào về cuộc Cách mạng
tháng Tám năm 1945 và cuộc kháng chiến giành độc lập và thống nhất đất nước năm
1975, thì Ai Cập cũng rất tự hào về cuộc cách mạng tháng Bảy năm 1952. Như
khẳng định của ngài Đại sứ Ai Cập Reda Al-Taify tại Việt Nam hiện nay, cuộc
cách mạng tháng Bảy là một sự kiện to lớn, một mốc quan trọng trong lịch sử Ai
Cập vì nó làm thay đổi cuộc sống và số phận của người Ai Cập, mở ra cho người
dân Ai Cập con đường tiến lên giành lấy quyền phẩm giá và danh dự cho dân tộc
mình sau nhiều năm phải chịu đựng sự áp bức, đô hộ và bóc lột của ngoại bang. Ý
nghĩa quan trọng của cuộc cách mạng này còn mang tầm châu lục vì nó đã bẻ gãy
gông cùm thuộc địa, tạo nền móng cho lịch sử các phong trào đòi độc lập, chống
lại chủ nghĩa thực dân và chế độ thuộc địa không chỉ tại Ai Cập mà cho cả thế
giới Arập và châu Phi.
Cuộc cách mạng tháng Bảy làm thay đổi số
phận của cả dân tộc Ai Cập bởi với tư cách là một quốc gia độc lập, là một dân
tộc tự do, Ai Cập được tự định đoạt số phận và đường đi của mình. Những mục
tiêu to lớn và quan trọng của cuộc cách mạng đặt ra đã được thực hiện, đó là
xóa bỏ thuộc địa và chủ nghĩa phong kiến, xây dựng quân đội nhân dân, thu hồi
và tái phân chia ruộng đất… Cuộc cách mạng này và những kết quả của nó có những
điểm tương đồng với kết quả của cuộc cách mạng tháng Tám của Việt Nam và có lẽ
các cuộc cách mạng của những dân tộc bị áp bức đã truyền cảm hứng cho nhau, tạo
nên chất keo dính để gắn kết tình cảm của hai dân tộc và hai quốc gia. Ai Cập
tôn trọng lịch sử đấu tranh và kháng chiến của dân tộc Việt Nam, tôn trọng sự
lãnh đạo và đảng chính trị của Việt Nam, tôn trọng chính phủ và nhân dân Việt
Nam cùng với những kinh nghiệm phát triển của chúng ta.
Cơ sở quan
trọng thứ hai
thúc đẩy phát triển sớm quan hệ chính trị - ngoại giao của Việt Nam và Ai Cập
là vì cả hai nước đều có tầm quan trọng về vị trí địa lý - chiến lược và có tầm
ảnh hưởng trong khu vực của mỗi quốc gia.
Về vấn đề này xin chỉ đề cập đến Ai Cập. Là
một nước có diện tích tương đối lớn với hơn 1 triệu km2 và dân số
đông với hơn 80 triệu người lại sở hữu dầu mỏ, có nhiều sản phẩm nông nghiệp và
có ngành du lịch rất phát triển nhờ vào các di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng,
nhất là lại nằm ở khu vực tiếp giáp 3 châu lục nên Ai Cập có vị trí địa –chính trị rất quan trọng và một vị thế
chính trị nổi bật trong khu vực.
Ai Cập đã có nhiều nỗ lực nhằm gìn giữ
hòa bình và ổn định tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi thông qua các hoạt động
cụ thể như: làm ổn định tình hình Darfur, làm trung gian hòa giải cho mâu thuẫn
Israel- Palestine, hoạt động phối hợp với các đối tác trong khu vực cũng như
quốc tế để ổn định tình hình Iraq, không kể đến những năm 1950- 1960 Ai Cập đã
từng là nước giương ngọn cờ đầu trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc
tại châu Phi.
Theo nhận định của cựu Đại sứ Ai Cập tại
Việt Nam Alaa Alleissy, Ai Cập có ảnh hưởng và vai trò rõ ràng tại các khu vực
của châu Phi. Sau cách mạng năm 1952 Ai Cập đã thể hiện vai trò quan trọng
trong việc giúp đỡ và hỗ trợ nhiều mặt cho các phong trào đấu tranh dân tộc tại
châu Phi, từ việc tiếp nhận các thủ lĩnh và lãnh đạo phong trào đến việc mở các
khóa tập huấn cho các thành viên của phong trào. Tại Bắc Phi, ngay từ thập niên
1960 Ai Cập đã ủng hộ cuộc cách mạng của Algeria bằng cả vật chất, tài chính
(giúp đỡ vũ khí) lẫn về mặt tinh thần (bảo vệ độc lập của Algeria trên trường
quốc tế). Ông cho rằng một trong những nguyên nhân khiến Ai Cập bị các thế lực
thực dân tấn công năm 1956 là do vai trò của Ai Cập trong việc ủng hộ phong
trào giải phóng Algeria.
Tại khu vực phía tây châu Phi, Ai Cập ủng hộ Nigeria bảo vệ sự toàn vẹn lãnh
thổ, chống lại âm mưu tách khu vực Biavra ra khỏi Nigeria. Còn ở miền nam châu
Phi, Ai Cập đã ủng hộ tích cực nhân dân Nam Phi chống lại chủ nghĩa Apartheid
và sự phân biệt chủng tộc nói chung; đồng thời giúp đỡ Đảng Đại hội dân tộc Phi
(ANC) giành thắng lợi và đưa Nam Phi thoát khỏi chế độ phân biệt chủng tộc.
Nhìn chung, Ai Cập đã và tiếp tục đóng góp một cách tích cực cho công cuộc kiến
thiết và phát triển châu Phi, thông qua việc thành lập Quỹ Hợp tác kỹ thuật cho
châu Phi của Ai Cập đồng thời tổ chức 6.200 khóa đào tạo và gửi hàng nghìn
chuyên gia Ai Cập sang giúp các nước châu Phi, thông qua sáng kiến và vai trò
then chốt trong chương trình Đối tác mới vì sự phát triển châu Phi (NEPAD). Liên
đoàn Các Phòng thương mại và công nghiệp châu Phi được đặt trụ sở tại Ai Cập.
Liên đoàn này có nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh
tế tư nhân, phát triển thương mại, khai thác tài nguyên thiên nhiên tại châu
Phi. Ai Cập đã tổ chức Hội nghị cấp cao
của AU tại Sharm Alshiekh cuối năm 2008 nhằm vào các biện pháp giải
quyết khủng hoảng lương thực của châu Phi.
Cơ sở thứ
ba thúc
đẩy và tiếp tục phát triển quan hệ ngoại giao và chính trị của hai nước là
những mong muốn giống nhau về một nền hòa bình chung của thế giới, là sự cùng
chia sẻ về lập trường và quan điểm trong cách nhìn nhận và giải quyết nhiều vấn
đề quốc tế. Hai nước hiện nay đều là những quốc gia đang phát triển, đều đang
trong hàng ngũ thế giới thứ ba, đều phấn đấu bảo vệ những lợi ích chính đáng và
cơ bản của các nước thế giới thứ ba, bảo vệ và ủng hộ lẫn nhau trên diễn đàn
thế giới. Hiện nay, Việt Nam với Ai Cập nói riêng và các nước châu Phi nói
chung đều rất chú trọng đến phát triển quan hệ hợp tác song phương, tìm kiếm cơ
hội và lợi dụng các điều kiện thuận lợi để phát triển quan hệ đa lĩnh vực nhằm
cùng nhau phát triển và giúp nhau tăng cường vị thế của mỗi quốc gia trong khu
vực và trên trường thế giới.
Cuối cùng,
cơ sở thứ tư
là sự cùng mong muốn mở rộng và thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam
và Ai Cập, nâng quan hệ này xứng tầm với quan hệ chính trị và với tiềm năng
kinh tế của mỗi nước, phù hợp với xu hướng chung toàn cầu hóa kinh tế thế giới
hiện nay.
Về quan hệ chính trị và ngoại giao, cả
hai nước đều có những nỗ lực để thắt chặt và nâng tầm lên cao hơn trong suốt
gần nửa thế kỷ qua, song về quan hệ kinh tế thì thực sự là cả hai bên chưa đạt
được mục tiêu như mong muốn. Tuy nhiên, từ những năm đầu tiên của thế kỷ XXI
đến nay những con số cụ thể về trao đổi thương mại, đầu tư được tăng dần đã cho
thấy mong muốn và cố gắng của hai nước. Cán cân thương mại đã tăng gấp đôi kể
từ năm 2006 khi đạt hơn 60 triệu USD, đạt được 112,5 triệu USD năm 2007, 178,6
triệu USD năm 20081. Năm 2010 con số đạt được cũng xung quanh mốc
200 triệu USD. Tuy phát triển trao đổi thương mại trong những năm qua đã tăng
liên tục, song cũng cần phải nhấn mạnh rằng mới có kim ngạch xuất khẩu của Việt
Nam sang Ai Cập tăng đều, trong khi đó kim ngạch xuất khẩu của Ai Cập vẫn còn ở
mức thấp và tăng giảm thất thường. Hiện nay, hai nước đang phấn đấu thực hiện
mục tiêu đạt 1 tỷ USD trao đổi thương mại để phù hợp với mong muốn và xứng đáng
với tiềm năng kinh tế của cả hai bên. Mong muốn này được thể hiện trong chuyến
đi của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Xuân Hưng sang Ai Cập từ
ngày 25 đến ngày 28 tháng 6 năm 2011. Phía Ai Cập đã bày tỏ hy vọng sẽ đạt được
mục tiêu trên bằng cách tổ chức nhiều hơn nữa hội chợ, triển lãm, thành lập Hội
đồng thương mại phối hợp, thắt chặt quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực thuộc
khu vực tư nhân, các phòng thương mại và các cộng đồng doanh nghiệp của hai
nước.