Nguyễn Thanh Hiền
Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông

2. Các
hoạt động và kết quả cụ thể trong hợp tác Việt Nam- Ai Cập về chính trị - ngoại
giao và văn hóa
Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông

Những thành tựu đáng ghi nhận trong lĩnh
vực chính trị- ngoại giao và văn hóa được phản ánh qua các hoạt động cụ thể. Kể
từ sau khi quan hệ ngoại giao chính thức được thiết đặt và các bên đều mở Đại
sứ quán tại thủ đô của nhau thì các cuộc gặp gỡ, thăm viếng cấp cao giữa hai
bên đã diễn ra khá thường xuyên; đồng thời nhiều hiệp định, bản ghi nhớ … đã
được hai bên ký kết, Ủy ban Hỗn hợp liên chính phủ Việt Nam- Ai Cập (thường
được gọi tắt là Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam – Ai Cập) đã được thành lập.
Có nhiều Bộ trưởng của Việt Nam đã sang
thăm Ai Cập, chẳng hạn như Bộ trưởng Thủy lợi Nguyễn Cảnh Dinh năm 1993, Bộ
trưởng Văn hóa- Thông tin Trần Hoàn năm 1994, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn Nguyễn Công Tạn năm 1997, Bộ trưởng Thủy sản Tạ Quang Ngọc năm 2004,
Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển năm 2006, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy
Hoàng năm 2008.
Những đại diện ở cấp cao hơn của Việt Nam
cũng đã đến Ai Cập. Đó là Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh năm 1994, Phó Chủ tịch
Quốc hội Hà Phan năm 1995, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh năm 1997, Phó Chủ
tịch Quốc hội Vũ Đình Cự năm 2002…
Trong số các đoàn
cấp cao của Ai Cập sang Việt Nam có thể kể ra các đoàn do Bộ trưởng dẫn đầu như
Bộ trưởng Giáo dục năm 1996, Bộ trưởng Thương mại và Cung ứng năm 1997, Bộ trưởng Bộ Hợp tác quốc tế năm
2007; các đoàn do Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao hay Thứ trưởng Bộ Ngoại giao các
năm 1996, năm 2001, năm 2004; Đoàn đại biểu của Đảng Dân tộc Dân chủ Ai Cập
cũng đã từng sang thăm Việt Nam năm 1997.
Kết quả của các cuộc trao đổi tiếp xúc
giữa hai nước thông qua các phái đoàn đã được minh chứng bằng việc ký kết hàng
loạt các hiệp định, các thỏa thuận và biên bản ghi nhớ. Cho đến nay Việt Nam đã
ký với Ai Cập các hiệp định như: Chương trình hợp tác văn hóa các năm 1993-
1995, 2006- 2010; Nghị định thư hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (ký năm 1996); Hiệp
định hàng không (năm 1999); Biên bản hợp tác du lịch (năm 2006) và hàng loạt
các hiệp định và văn bản khác trong lĩnh vực kinh tế. Kết quả đáng ghi nhận
khác là sự thành lập Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam- Ai Cập với 4 phiên họp đã được
diễn ra, phiên đầu tiên vào tháng 9 năm 1997 tại Hà Nội, phiên thứ hai vào tháng
3 năm 2006 tại Cairo, phiên thứ ba vào tháng 4 năm 2007 tại Hà Nội, phiên thứ
tư vào tháng 11 năm 2008 tại Cairo.
Nhìn vào thành phần của các đoàn cấp cao
Việt Nam
sang Ai Cập có thể nhận thấy rõ các lĩnh vực được hai bên chú ý tăng cường quan
hệ. Cùng với lĩnh vực chính trị (đảng chính trị, quốc hội, ngành tư pháp, ngành
ngoại giao…), cũng giống như nhiều nước khác ở châu Phi, Ai Cập chú trọng đến
phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam trong nông nghiệp, thương mại, thủy
sản, thủy lợi. Ngoài ra, do đặc thù của Ai Cập là đất nước có nền văn minh cổ
đại phát triển với nhiều di sản văn hóa tầm cỡ thế giới nên ngành du lịch và
bảo vệ di sản văn hóa là một thế mạnh của đất nước này. Chính vì vậy, họ sẵn
sàng chia sẻ với Việt Nam
các kinh nghiệm trong lĩnh vực nói trên và mong muốn mở rộng cũng như phát
triển quan hệ hợp tác du lịch, bảo tồn bảo tàng…
Trao đổi và chia sẻ các kinh nghiệm lập pháp, trị quốc là nhu cầu của hai
nước. Các đoàn đại biểu quốc hội cũng vì thế mà đã thực hiện các chuyến công du
sang đất nước của nhau. Nhiều Phó Chủ tịch quốc hội và cả Chủ tịch quốc hội của
Việt Nam
do vậy đã lần lượt sang Ai Cập trong những năm qua. Quan hệ chính trị song
phương của hai nước được đẩy mạnh và phát triển bền vững thông qua hoạt động
thảo luận và tư vấn chính trị (Political Consultation) giữa hai Bộ Ngoại giao
mà phiên họp gần nhất là phiên thứ 6 đã diễn ra tại Cairo gần đây, cũng như
thông qua hoạt động của Ủy ban Hỗn hợp với phiên sau nhất là phiên thứ 5 sẽ họp
tại Hà Nội vào năm 2012 này. Kỳ họp thứ tư của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Ai Cập đã diễn ra tại Cairo tháng 11 năm 2008. Bên cạnh việc hai
bên thông báo cho nhau tình hình phát triển kinh tế- xã hội, tình hình cải cách
kinh tế và những thành tựu đạt được của mỗi nước thì tại phiên họp này hai bên đã
sớm thống nhất thảo luận đàm phán ký kết Hiệp định miễn thị thực đối với hộ
chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ. Kết quả là hiện nay những người mang loại
hộ chiếu nói trên không phải xin thị thực, điều này đã tạo điều kiện để các
hoạt động trao đổi công tác của hai nước dễ dàng và thuận tiện hơn.
Kỳ họp lần thứ tư của Ủy ban Hỗn hợp còn ghi
nhận sự quan tâm của Ai Cập muốn thúc đẩy
mạnh hơn nữa quan hệ nhiều mặt với Việt Nam cũng như các đề xuất của Ai
Cập mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể. Dầu khí, năng lượng mới và năng
lượng tái tạo, công nghệ thông tin, công nghiệp, dược phẩm, thú ý… là những
ngành mới được đề xuất bên cạnh những ngành hợp tác truyền thống đã phát triển
bấy lâu nay. Các thỏa thuận hợp tác được ký kết trong kỳ họp này thuộc các lĩnh
vực dầu khí, du lịch, hội chợ, triển lãm, phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu
nhỏ. Bên cạnh đó, hai bên còn nhất trí sẽ đàm phán để ký các thỏa thuận hợp tác
về ngân hàng và vận tải biển.
Hợp tác trong lĩnh vực lập pháp là nét rất đáng chú ý trong
quan hệ chính trị của hai nước. Ngoài các chuyến thăm của các quan chức Quốc
hội cấp cao của Việt Nam như đã điểm ở trên thì gần đây nhất, có đoàn đại biểu
Quốc hội Việt Nam do Chủ nhiệm Ủy ban Quan hệ đối ngoại Nguyễn Văn Son dẫn đầu
đã sang thăm và làm việc tại Ai Cập từ ngày 13 đến ngày 17 tháng 5 năm 2010.
Phía Việt Nam
nhấn mạnh đến lập trường của mình với tư cách là thành viên của ASEAN cũng như
của cộng đồng quốc tế luôn muốn theo đuổi chính sách làm bạn bè với mọi dân
tộc. Đặc biệt, trong tư cách là Chủ tịch của ASEAN và của AIPA (Hội đồng liên
nghị viện ASEAN) trong năm 2010, Việt Nam đánh giá cao và mong muốn phát triển
quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác với Ai Cập. Phía Ai Cập cũng bày tỏ
mong muốn đẩy mạnh quan hệ nói chung với Việt Nam và quan hệ giữa hai quốc hội
nói riêng, đặc biệt chú ý đến sự hợp tác nhất trí tại các diễn đàn nghị viện quốc tế cũng như
thường xuyên trao đổi phái đoàn và thông tin về các vấn đề quốc tế cho nhau.
Các bên nhấn mạnh đến việc phải ký kết các hiệp định, văn bản giữa hai nước để
tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của hai nước mở rộng kinh doanh và
trao đổi thương mại.
Tháng 12 năm 2010 tiếp tục có phái đoàn
của Quốc hội Việt Nam
do ông Nguyễn Văn Thuận - Chủ nhiệm Ủy ban luật pháp Quốc hội dẫn đầu sang Ai
Cập để tìm hiểu hệ thống pháp luật và công việc của các cơ quan tư pháp. Mặc dù
cơ cấu hệ thống nghị viện của hai bên khác nhau, song hai nước đều nhất trí và
mong muốn trao đổi kinh nghiệm cho nhau để giúp nâng cao vai trò của Quốc hội Việt Nam, của Hạ viện (Hội nghị nhân
dân) và Thượng viện (Hội đồng Shura) của Ai Cập trong các hoạt động lập pháp.
Mối quan tâm của hai bên còn tập trung vào vấn đề cải cách hành chính, xây dựng
nhà nước quản lý bằng pháp luật và xây dựng nền kinh tế thị trường. Ai Cập mong
muốn đầu tư nhiều hơn nữa để cải thiện hiệu quả công việc quản lý của nhà nước.
Công tác thanh tra cũng thu hút được sự quan tâm của các bên. Nghị định thư
hợp tác với Cơ quan giám sát hành chính Ai Cập đã được Cơ quan Thanh tra Nhà
nước (tức Thanh tra Chính phủ hiện nay) Việt Nam ký từ năm 1997. Hai nước đã
thường xuyên trao đổi đoàn trong lĩnh vực thanh tra để trao đổi và học tập kinh
nghiệm của nhau.
Hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin đang là mục tiêu
hướng tới của hai nước. Điều này được phản ánh qua cuộc gặp gỡ của Thứ trưởng
Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng tháng 8 năm 2010 với các đối tác tương ứng tại
Ai Cập. Phía Việt Nam muốn tìm hiểu kinh nghiệm của Ai Cập trong việc tập trung
các Trung tâm IT trên cả nước nhằm xây dựng một khu vực IT trong tương lai. Hai
bên có quan điểm giống nhau trong vấn đề này và cho rằng có thể phối hợp và hợp
tác với nhau để xây dựng cơ sở hạ tầng cho cả hai bên, đồng thời cũng lạc quan
cho rằng mối quan hệ IT giữa châu Á và Ai Cập là tốt và đang được xây dựng.
Phái đoàn của Việt Nam nhân dịp này đã tham quan khu IT nổi tiếng của Ai Cập là
Smart Village, đây được coi là biểu tượng của mạng lưới IT hiện đại của Ai Cập.
Vào thời điểm đó đã có một số lượng lớn các nhóm IT quốc tế và các công ty có
tên tuổi đang đầu tư vào lĩnh vực IT của Ai Cập, trong đó có cả Tập đoàn
Microsoft sử dụng Smart Village như một trung tâm trợ giúp Xbox toàn cầu của mình. Thực sự, IT
là một kênh quan trọng và đầy tiềm năng cho khả năng hợp tác của Việt Nam. Tập đoàn
viễn thông quân đội Viettel đã có những chyến đi khảo sát thực tế tại Ai Cập và
tỏ ý sẵn sàng đầu tư hàng tỷ USD vào lĩnh vực truyền thông của Ai Cập.
Trong lĩnh vực du lịch có thể nói cả Ai Cập và Việt Nam đều có nhiều cơ hội và khả năng
hợp tác với nhau. Ai Cập là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới đối
với khách du lịch và cũng là một trong những nước đứng đầu trong lĩnh vực du
lịch. Về phía mình, Việt Nam
cũng có những điều kiện thiên nhiên hấp dẫn, đất nước xinh đẹp với bờ biển trải
dài và những đặc thù văn hóa riêng biệt. Việt Nam khi được đầu tư đầy đủ và đúng
hướng cũng có thể trở thành một trong những đất nước có sức thu hút mạnh khách
du lịch quốc tế. Năm 2006 hai chính phủ đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác du lịch
với mong muốn “tăng cường quan hệ hữu nghị và thúc đẩy sự hiểu biết về di sản
văn hóa và lịch sử của Việt Nam và Ai Cập trên cơ sở nhận thức được tầm quan
trọng của du lịch trong việc phát triển quan hệ kinh tế và thúc đẩy các mối
quan hệ giữa hai nước”2. Văn bản này là cơ sở pháp lý bước đầu để
triển khai hoạt động hợp tác du lịch của hai nước. Một loạt các sự kiện tiếp
theo sau đó đã diễn ra phản ánh những bước đi cụ thể của hai bên nhằm vào mục
tiêu nói trên. Ví dụ việc tổ chức sự kiện “những ngày văn hóa” của Việt Nam tại
Ai Cập (năm 2006) và của Ai Cập tại Việt Nam (năm 2009). Năm 2010 đã diễn ra
“Tuần văn hóa Việt Nam tại Ai Cập” là cơ hội để Việt Nam quảng bá hình ảnh về
đất nước, con người và văn hóa của mình trên đất Ai Cập thông qua các buổi biểu
diễn nghệ thuật, qua các triển lãm và tọa đàm văn hóa. Tháng 9 năm 2011 Bộ Du
lịch Ai Cập cùng với các doanh nghiệp lữ hành và hãng Hàng không quốc gia Ai
Cập đã gặp gỡ và làm việc với Tổng cục Du lịch thuộc Bộ Văn hóa- Thể thao- Du
lịch Việt Nam để trao đổi ý kiến về các biện pháp hợp tác phát triển du lịch.
Hiện nay, số lượng khách du lịch Việt Nam sang Ai Cập tăng lên đều đặn,
đạt khoảng 1.500 khách/ năm. Phía Ai Cập có khoảng 1.000 khách/ năm đến Việt Nam. Tuy nhiên,
số lượng du khách như vậy còn rất khiêm tốn, nhất là khi so sánh với con số 15
triệu khách quốc tế đến Ai Cập chỉ riêng trong năm 20103 thì tỷ
trọng khách du lịch Việt Nam là vô cùng nhỏ bé. Mặc dù các hoạt động du lịch
vẫn còn chưa xứng với tiềm năng du lịch của hai nước, song tiềm năng và xu
hướng phát triển của lĩnh vực này đầy hứa hẹn đối với cả hai bên trong tương
lai. Bộ Du lịch Ai Cập mong muốn có những chương trình hợp tác phát triển du
lịch cụ thể giữa hai nước để liên kết thu hút khách du lịch quốc tế và ký kết các chương trình hợp tác trong xúc tiến du
lịch. Để tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích du lịch thì một trong những
việc nên làm là tạo ra các ưu đãi cho khách du lịch, đơn giản hóa thủ tục visa
và vận chuyển hàng không, lập tuyến bay trực tiếp không phải quá cảnh, đẩy mạnh
công tác quảng bá du lịch… Đây cũng là phương hướng cho ngành du lịch của cả
hai nước trong thời gian tới.
Ai Cập là đất nước có nhiều di sản lịch
sử và văn hóa quý báu được UNESCO công nhận và xếp hạng là di sản thế giới.
Công tác bảo tồn, di tu ở Ai Cập được
đặc biệt chú trọng và họ có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Ai Cập có
một chiến lược quốc gia về việc bảo vệ, duy tu, giữ gìn, phát triển các di sản
của các nền văn minh Pharaonic, Roman, Greek, Coptic, Islamic và Arabic mà Ai
Cập đang sở hữu. Họ có những dự án xây dựng các bảo tàng mới theo tiêu chuẩn
như Đại Bảo tàng Ai Cập; các chương trình cập nhật thông tin và tư liệu khảo cổ
học về các di sản văn hóa thông qua sự hợp tác toàn diện giữa Thư viện
Alexandria, các Bộ về di tích cổ đại, văn hóa, thông tin và trung tâm tài liệu về di sản văn hóa và thiên nhiên; chương
trình thắt chặt quan hệ hợp tác, phối hợp và đối thoại giữa các vị lãnh đạo Ai
Cập với cộng đồng khảo cổ quốc tế, với các tổ chức quốc tế liên quan đến di sản
nhân loại, đặc biệt là UNESCO. Đây cũng là những vấn đề Việt Nam đang rất muốn học hỏi kinh nghiệm của Ai Cập,
nhất là hiện nay Việt Nam
liên tục đề cử và được thế giới công nhận nhiều di sản văn hóa của mình. Rất
cần có một chương trình hợp tác cụ thể về vấn đề này và Việt Nam nên hướng
tới mục tiêu này.
Hợp tác về đào tạo cũng đã bước đầu được triển khai mặc dù quy mô còn nhỏ hẹp.
Bắt đầu từ năm 1998 cho đến nay, phía Ai Cập cấp 5 xuất học bổng của chính phủ
hàng năm cho Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo điều kiện cho các thực
tập sinh về chăn nuôi, thú y, bông, rau quả, bảo vệ thực vật, phát triển nông
thôn… được Việt Nam cử đi được thực tập ngắn hạn tại Trung tâm Đào tạo nông
nghiệp quốc tế Cairo. Ngoài ra, còn có gợi ý rằng Việt Nam có thể học
hỏi Ai Cập về việc áp dụng mô hình chính
phủ điện tử trong hệ thống giáo dục. Ai Cập áp dụng hệ thống này từ năm
2001 và họ cho rằng đã đạt được những hiệu quả rất tốt, có thể chia sẻ kinh nghiệm
với Việt Nam cũng như có thể giúp Việt Nam xây dựng một hệ thống giáo dục chính
phủ điện tử như ở Ai Cập. Về vấn đề này Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Việt
Nam nhân dịp sang Ai Cập tháng 6 năm 2008 đã có một số trao đổi với các Bộ
trưởng Bộ Giáo dục và Bộ phát triển hành chính của Ai Cập.
3. Đánh
giá
Quan hệ Việt Nam- Ai Cập đã trải qua một
chặng đường lịch sử khá lâu dài. Ai Cập là nước Arập đầu tiên thiết đặt quan hệ
ngoại giao chính thức với Việt Nam.
Điều này chứng tỏ tình cảm, thiện ý cũng như tầm nhìn ngoại giao của nước cộng
hòa Hồi giáo này đối với Việt Nam.
Đã gần 50 năm trôi qua quan hệ hữu nghị của hai nước đã trở thành truyền thống
tốt đẹp. Nhìn chung, quan hệ chính trị- ngoại giao Việt Nam –Ai Cập có thể nói
là tốt đẹp, song thực chất nó cũng mới dừng lại ở chỗ chỉ mang đúng tính chất
ngoại giao. Hai bên tuy có trao đổi các đoàn cấp cao trong các thời kỳ đã qua,
song chưa có đoàn cấp nguyên thủ quốc gia nào sang thăm nhau. Trong lĩnh vực
văn hóa, hai bên cũng đã mở ra các quan hệ trong một số mảng và ngành cụ thể
như du lịch, giáo dục, đào tạo, bảo tồn di sản, trao đổi các đoàn nghệ thuật,
công nghệ thông tin… Tuy nhiên, sự hợp tác
trong các ngành này cũng chỉ là bước đầu. Nhìn vào thực tế của các hoạt động và
kết quả cụ thể thì có thể khẳng định rằng quan hệ hợp tác của hai bên chưa xứng
tầm với tiềm năng của mỗi nước. Quan hệ hợp tác kinh tế là mục tiêu hai nước
đặt ra để phấn đấu thực hiện từ thập niên đầu của thế kỷ XXI cũng mới chỉ bắt
đầu phôi thai khi giá trị kim ngạch trao đổi thương mại đến tận năm 2010 và 2011 vẫn chưa đạt đến con số 200 triệu USD.
Những dấu ấn thật đậm nét trong quan hệ Việt Nam – Ai Cập thời gian qua hầu như
vẫn còn vắng bóng. Có nhiều lý do để giải thích cho thực trạng này.
Trước hết do nhiều lý do khách
quan nên hai bên chưa đặt đặt ưu tiên
cho quan hệ hợp tác của hai nước. Ưu tiên đối ngoại của Ai Cập thời kỳ Tổng
thống Mubarak là Mỹ và EU. Điều này cũng dễ hiểu vì Ai Cập là nước nhận được
nhiều viện trợ của Mỹ và có nhiều lợi ích to lớn trong phát triển quan hệ kinh
tế với EU- những nước bên kia bờ Địa Trung Hải. Việt Nam thì phải trải qua những năm
tháng chiến tranh gian khổ để thống nhất đất nước rồi sau đó phải tập trung mọi
nỗ lực để khắc phục khủng hoảng kinh tế trong nước. Quan hệ chính trị của Việt Nam và Ai Cập ở
thời kỳ đó vẫn thiên về tình cảm do có những tương đồng nhất định như đã phân
tích ở phần trên.
Thứ hai, do chưa có chiến lược và những chính sách phù hợp để thúc đẩy quan
hệ hợp tác hai bên trong các giai đoạn cụ thể. Khoảng cách địa lý xa xôi, sự
khác biệt về chính trị và văn hóa cùng sự hạn chế về thực lực kinh tế của cả
hai nước khiến cho sức hấp dẫn lẫn nhau đều ở mức thấp, dẫn đến việc không đưa
ra một chiến lược đối ngoại toàn diện và lâu dài cả từ hai phía.
Thứ ba, do chịu ảnh hưởng của tư duy
chiến tranh Lạnh, thế giới chia làm hai phe. Những nước chịu ảnh hưởng và
sự chi phối của Mỹ khó có thể có thiên hướng phát triển đối ngoại với những
nước chịu ảnh hưởng và sự chi phối của Liên Xô.
Nhưng rồi, chiến tranh Lạnh kết thúc,
toàn cầu hóa kinh tế nổi lên như một xu hướng chủ đạo của thế giới. Cục diện
thế giới thay đổi sâu sắc khiến cho tất cả các quốc gia đều phải có những điều
chỉnh trong chính sách đối nội cũng như đối ngoại của mình. Thập niên đầu tiên
của thế kỷ XXI cũng là lúc Việt Nam
đưa ra một cách nhìn mới về châu Phi nói chung khi đưa ra Chương trình quốc gia
phát triển hợp tác với châu Phi và tổ chức triển khai chương trình này trên
thực tế trong cả thập niên qua. Bên cạnh đó đã cho ra đời nhiều tổ chức như:
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam- châu Phi, Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam-
châu Phi, Viện nghiên cứu châu Phi và Trung Đông…, tổ chức các hội thảo quốc tế
liên quan đến hợp tác Việt Nam- châu Phi. Sự mới mẻ ở đây chính là việc đặt
quan hệ hợp tác kinh tế trở thành ưu tiên trong quan hệ bang giao của Việt Nam
với châu Phi, phấn đấu để châu Phi trở thành thị trường trọng điểm mới của Việt
Nam trong thế kỷ này. Ai Cập là một nước lớn của châu Phi với những khả năng và
tiềm năng mạnh mẽ về chính trị, kinh tế và văn hóa cũng như vị thế của nước này
trong châu Phi và trong thế giới Arập, là cửa ngõ đi vào châu Phi từ phía bắc.
Chính vì vậy, tăng cường quan hệ chính trị và đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế
với Ai Cập là một hướng đối ngoại quan trọng của Việt Nam và cũng là mục tiêu
Việt Nam đang tích cực triển khai thực hiện trong giai đoạn hiện nay và sắp
tới.
Về phía Ai Cập, đất nước này đang trong
thời kỳ biến động sau Cách mạng tháng Hai năm 2011. Ông Hosni Mubarak lên cầm quyền
tại Ai Cập từ năm 1981 đã phải từ chức như là một kết quả của cuộc cách mạng
này. Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam hiện nay – ông Reda Al-Taify nói rằng cuộc cách
mạng tháng Bảy năm 1952 đã mang lại nhiều thành quả to lớn cho Ai Cập, song lại
không thành công trong việc xây dựng sự công bằng xã hội cũng như trong việc
xây dựng một cơ sở cho đời sống dân chủ chính trị cho Ai Cập. Đây cũng là lý do
khiến cuộc cách mạng tháng Hai đã nổ ra. Cách mạng tháng Hai được thúc đẩy bởi
phong trào quần chúng nhân dân với vai trò thủ lĩnh thuộc giới thanh niên bao
gồm tất cả các lực lượng chính trị và các giáo phái của xã hội Ai Cập đòi hỏi phẩm
giá, công bằng, tự do, dân chủ, một tương lai tốt hơn và một cái nhìn tích cực
về một Ai Cập mới.
Hiện nay, Ai Cập tuyên bố đang theo đuổi
con đường dân chủ trong cả hai cuộc bầu cử là
bầu cử nghị viện và bầu cử tổng thống. Tuy nhiên, Ai Cập vẫn đang phải đối mặt
với muôn vàn khó khăn, trong đó nổi bật là sự bất ổn về chính trị, xã hội và sự
giảm sút về kinh tế. Một nhà nước theo hướng nào vẫn đang là câu hỏi cùng với
những lời đoán định và đường lối đối ngoại nào Ai Cập sẽ theo đuổi thì điều này
lại phụ thuộc vào nhà nước và chế độ chính trị mà nhà nước đó xây dựng.
Tuy nhiên, với tất cả những gì mà Việt
Nam có và Ai Cập có, cùng những gì mà quan hệ Việt Nam và Ai Cập đã có cho đến
nay chúng ta có thể hy vọng vào một tương lai rất khả quan cho quan hệ hữu nghị
và hợp tác giữa hai nước. Những chấm phá và phác thảo đã được vạch ra cho
chương trình hợp tác như đã đề cập ở trên, từ lĩnh vực chính ngoại giao cho đến
văn hóa, khoa học kỹ thuật và đặc biệt là các khu vực ngành nghề khác nhau
trong lĩnh vực kinh tế như thương mại, đầu tư, dầu khí, nông nghiệp, thủy sản,
viễn thông…
Triển vọng về quan hệ Việt Nam- Ai Cập
nếu theo quan điểm của ông Phạm Sỹ Tam- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại
Ai Cập hiện nay sẽ là một bức tranh sáng khi ông cho rằng: “Mặc dù chính sách
đối nội, đối ngoại của Ai Cập hiện vẫn chưa định hướng rõ ràng, nhưng chính
quyền đã có nhiều thay đổi rõ rệt về chiến lược trong quan hệ với các nước châu
Á, đặc biệt là Việt Nam… Ai Cập tỏ ý muốn thiết lập quan hệ đối tác chiến lược
với Việt Nam”4.
Lý giải về sự thay đổi này ông cho rằng “hiện giờ cán cân chính trị và kinh tế
thế giới đang nghiêng về châu Á. Sự thay đổi này cũng phù hợp với tình hình của
thế giới”.
Khi trở thành đối tác chiến lược của nhau,
hy vọng quan hệ hợp tác của hai nước Việt Nam và Ai Cập sẽ gặt hái được nhiều
kết quả tốt đẹp, xứng đáng với tiềm năng thực có của mỗi bên.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, soo2/2012
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, soo2/2012