Th.S Nguyễn Thu Hằng
Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông
4. Văn học
Từ thời cổ đại, người Arab đã vốn là một dân tộc yêu thơ ca và văn chương. Ngôn ngữ Arab, tự thân nó, là ngôn ngữ của thơ ca với những sắc thái mượt mà, ý nhị và tinh tế. Văn chương Arab, vì vậy, cũng là một thể loại văn chương du dương, giàu hình ảnh, sâu sắc về ý tứ.
Tác phẩm văn học đồ sộ nhất và được tất cả các tín đồ Hồi giáo biết đến đó chính là Kinh Qu’ran. Nó không chỉ là qui định, là giáo luật mà còn là sự ảnh hưởng toàn diện đến ngôn ngữ, văn học và nền văn hóa Hồi giáo nói chung. Có những tác phẩm văn chương Arab đã trở thành di sản văn hóa của toàn nhân loại. Trong tập sách “Đồng cỏ vàng” của Al Masudi (mất năm 597) có nhắc tới một cuốn sách Ba Tư nhan đề “Hazar Afsama” (Ngàn truyện) và bản dịch ra tiếng Arab là “Alf Laylah wa Laylah”. Theo lời mô tả của Al Masudi thì bộ “Hazar Afsama” ấy chính là bố cục của “Nghìn lẻ một đêm”, một trong những tác phẩm được đọc nhiều nhất ở mọi thời đại. Cuốn sách này cũng là cảm hứng cho nhiều nhà văn ở châu Âu để từ đó một thể loại tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm ở thời hiện đại đã ra đời: “Những chuyến phiêu lưu của Gulliver” của nhà văn Irland Jonathan Swift (1726), “Zadiq” của Voltaire (1694-1778), “Rasselas” của Samuel Johnson (1709-1784)… Nhà thơ William Wordsworth (1770-1850) của Anh và nhà thơ Argentina Jorge Luis Borges (1899-1986) … Tính chất mạnh mẽ luôn tồn tại trong văn chương và thơ ca của người Arab, nhưng khác với đời sống bị bó hẹp bởi Kinh Qu’ran, từ đời này sang đời khác, văn chương Hồi giáo là âm thanh bằng lời của những giai điệu tình yêu và những bản anh hùng ca về chiến tranh giữa các bộ tộc. Trái với sự bất công bằng trong xã hội mà người phụ nữ phải gánh chịu thì trong thơ ca, hình ảnh của họ đẹp lung linh từ mái tóc thơm, đôi môi đỏ như trái chín, đôi bàn tay trắng như ngọc…Thiên đường trong thơ ca luôn gắn liền với hình ảnh quyến rũ của người phụ nữ như một phần thưởng xứng đáng cho sự hy sinh cao cả vì dân tộc của những đấng anh hùng. Nét văn chương độc đáo được khoác lên mình tấm áo của Thời đại ngày nay, đã mất đi nhiều sự huyền bí phiêu linh của nó. Một nét đặc biệt khác trong văn chương của người Hồi giáo là ít nói về tôn giáo, trừ trường phái Sufism như một đại diện của thi ca dâng Chúa. Trong nền văn học cổ đại, thậm chí có những nhà thơ nổi tiếng như Omar Khayyam (1048- 1123), tác giả tập thơ tứ tuyệt “Rubayat” nổi tiếng toàn thế giới bởi tư tưởng tự do cá nhân và không suy tôn tôn giáo.
Như vậy, nhìn về lịch sử văn học Hồi giáo cổ trung đại để thấy rằng tuy bán đảo Arab và sau này là toàn bộ Trung Đông là nơi tinh thần Hồi giáo bao phủ tất cả mọi lĩnh vực của đời sống nhưng vẫn có các nhà thơ và sau này là các nhà văn thuộc nhiều khuynh hướng muốn thoát ra khỏi sự ràng buộc của tôn giáo.
Cũng từ góc nhìn tôn giáo, chúng ta thấy rằng, Hồi giáo trung thế kỷ (VII- XI) còn tương đối đối khoan dung chứ chưa rơi vào tình trạng quá khắt khe độc đoán và phân hóa như sau này, đặc biệt là thời kỳ cận hiện đại khi thần học dần chiếm ưu thế trong thơ ca, triết học đích thực bị tiêu diệt, thơ ca và văn học trở nên khuôn sáo, thiếu thành thực, bóng bẩy nhưng nhạt nhẽo và mang thiên hướng chính trị Hồi giáo ngày một rõ rệt hơn. Trong khuynh hướng ấy, nền văn học Trung Đông đương đại, về cơ bản hướng đến những vấn đề nổi cộm trong xã hội như sau:
· Những ảnh hưởng của phương Tây và kinh nghiệm của thời kỳ thuộc địa.
· Vị trí của cá nhân trong xã hội Hồi giáo.
· Bình đẳng giới và các mối quan hệ xã hội.
· Vấn đề chiến tranh và hòa bình.
Cũng như tất cả những lĩnh vực nghệ thuật khác, văn chương hiện đại tại các nước Trung Đông cũng bị chi phối rất mạnh của Hồi giáo, đặc biệt là Hồi giáo theo mô hình Saudi Arabia và Iran với những qui định ngặt nghèo về kiểm duyệt nội dung, hình ảnh.
Theo trường phái phóng khoáng, văn chương Thổ Nhĩ Kỳ nổi lên như một ví dụ điển hình của một số nước thuộc trường phái này như Tunisia, Morocco, Lebanon.... Hai dòng văn học chủ đạo của Thổ Nhĩ Kỳ là văn học dân gian truyền khẩu và văn viết, trong đó văn học dân gian chiếm ưu thế và chịu rất ít ảnh hưởng từ văn học Ba Tư và Arab. Ngày 12 tháng 10 năm 2006, giải thưởng Nobel văn học đã được trao cho nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Orhan Pamuk, bởi vì tác giả đã thành công xuất sắc trong việc miêu tả những tác động tương hỗ vô cùng phức tạp giữa những giá trị cổ truyền của đạo Hồi và hệ giá trị hiện đại của thế giới phương Tây. Các công trình văn học của Pamuk hầu hết đều thuộc về loại văn chương thời hiện đại, chủ yếu đề cập đến sự lẫn lộn giữa các giá trị Đông – Tây hay sự biến mất hoàn toàn bản sắc Hồi giáo trong chuỗi xung đột giá trị châu Âu và Trung Đông Hồi giáo luôn tồn tại trong xã hội Trung Đông (Thổ Nhĩ Kỳ nói riêng). Những tác phẩm của ông đại diện của một trường phái văn chương Trung Đông hướng đến thực tế của những mâu thuẫn căng thẳng sâu xa giữa phương Đông và phương Tây, giữa tập quán và thế tục. Cốt truyện sâu sắc, nhân vật bị giằng xé khiến cho người đọc luôn bị ám ảnh, làm nảy sinh nhiều tranh luận không kém gì hội họa và điện ảnh Trung Đông đương đại. Giải Nobel văn học năm 2006 là một phần thưởng xứng đáng dành cho một nhà văn Trung Đông đã thực sự thành công trong việc tìm ra những cốt lõi của xung đột cũng như ràng buộc lẫn nhau giữa các nền văn hóa.
5. Âm nhạc
Hồi giáo đã có ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa âm nhạc của Trung Đông. Tôn giáo là nền tảng quan trọng của nhiều phong cách âm nhạc và múa truyền thống khác nhau, từ cổ điển đến hiện đại. Cũng như trong các nền văn hóa khác, múa và âm nhạc không thể tách rời nhau trong văn hóa Arab Hồi giáo ở Trung Đông. Tuy nhiên, lịch sử phát triển âm nhạc Trung Đông không đơn giản. Từ khi Hồi giáo ra đời trên bán đảo Arab, trong các diễn ngôn của mình, Mohammed coi lời ca, điệu vũ của người phụ nữ cũng như âm thanh của các loại nhạc cụ là sự suy đồi, là tiếng dụ dỗ của quỷ sứ đày con người xuống địa ngục. Dưới ảnh hưởng của Hồi giáo, âm nhạc Arab đã từng bị coi như những tệ nạn giống như mại dâm và uống rượu và bị cấm tuyệt đối. Thứ âm nhạc duy nhất vọng đến tai mỗi tín đồ Hồi giáo chính là giai điệu du dương của Kinh Qu’ran, được một giáo sĩ Hồi giáo cất lên từ những tháp cao của Thánh đường Hồi giáo. Người ta cũng cho rằng, chỉ bắt đầu từ thế kỷ XIX, hình thức trình diễn Kinh Qu’ran do các cá nhân thực hiện mới xuất hiện trong khi vẫn tuân thủ mọi qui định khắt khe của luật Hồi giáo. Xuất phát từ truyền thống tôn giáo ấy, âm nhạc trong văn hóa Hồi giáo không được khuyến khích phát triển, thân phận của nghệ sĩ vô cùng thấp kém, đặc biệt là nghệ sĩ nữ. Bắt đầu từ thời kỳ ảnh hưởng của văn hóa Ba Tư và Hy Lạp (trung thế kỷ) thì tình trạng của âm nhạc Arab và thân phận của những ca sĩ mới ít nhiều được cải thiện.
Hiện nay, tại các quốc gia Hồi giáo là quốc giáo (như Saudi Arabia), tương tự như tình trạng của điện ảnh, các rạp hát công cộng cũng bị cấm hoạt động trong các không gian mang tính chất chính thống, bởi theo luật Sharia thì đó là những lạc thú không tương thích với truyền thống Hồi giáo. Tuy nhiên, ở những khu vực do tư nhân quản lý thì tình hình có phần nới lỏng. Tuy nhiên, kể cả ở những nơi đó thì loại hình âm nhạc được phép lưu hành cũng chỉ là nhạc dân tộc, nghệ thuật và các sản phẩm sân khấu dân gian hơn là những thể loại âm nhạc hiện đại và các hình ảnh động. Thậm chí, tại Saudi Arabia đã thành lập một cơ quan có tên gọi “Cơ quan tăng cường đức hạnh và ngăn chặn sự đồi bại”, gồm 3.500 sĩ quan và được hỗ trợ bởi hàng ngàn người tình nguyện với nhiệm vụ bắt buộc mọi người tôn trọng học thuyết tôn giáo theo Qu’ran, thực hiện luật Sharia theo qui định của chính phủ và loại bỏ các hành động “không phải Hồi giáo”. Cơ quan này được quyền bắt giữ tất cả đàn ông và phụ nữ không có họ hàng với nhau nhưng lại dám trao đổi xã giao, cấm người dân mua bán các sản phẩm truyền thông đại chúng như trò chơi và đồ chơi, các đĩa nhạc phương Tây, và các show truyền hình giải trí từ nước ngoài du nhập vào.
Tại Iran, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad ra lệnh cấm tất cả các thể loại âm nhạc phương Tây trên các đài phát thanh và truyền hình nhà nước, coi âm nhạc như một thứ “chống lại đạo Hồi”. Những người Iran có tư tưởng hướng ngoại và hội nhập vẫn còn đang sinh sống trên đất Iran đều buộc phải thay đổi thái độ của mình đối với nền âm nhạc Hồi giáo đã có thời kỳ phát triển rực rỡ tại đây sau thập niên 1950 khi những yếu tố tự do dân chủ kiểu phương Tây lần đầu tiên đặt chân vào nền nghệ thuật Iran.
Để kết thúc những nét chấm phá đầu tiên về hiện trạng của những loại hình nghệ thuật trong văn hóa Hồi giáo đương đại, chúng tôi nhắc đến vai trò quan trọng của giới nghệ thuật Trung Đông ở phương Tây, trong đó phần nhiều là các nghệ sĩ gốc Trung Đông. Họ đã có những đóng góp rất lớn trong việc truyền bá những giá trị văn hóa Hồi giáo, giới thiệu đến công chúng trên toàn thế giới những tác phẩm nghệ thuật, văn chương thuộc mọi trường phái để cộng đồng yêu nghệ thuật biết rõ hơn về một nền văn hóa vĩ đại, về những con người đã làm nên nền văn hóa ấy.
Như vậy, dưới cái nhìn văn hóa, Hồi giáo thực chất đã “không chỉ còn đơn giản là một tôn giáo và thậm chí cũng không còn là một cộng đồng như chúng ta vẫn nhìn nhận về nó, mà còn là nơi nương tựa của một nền văn minh mà nó đã thổi vào đó luồng khí, hoặc ít ra nó đã tạo điều kiện cho những cách thể hiện biểu tưng và lối sống tôn giáo, tri thức và nghệ thuật khác nhau”4.
Chú thích:
[1] Ali Khadra. http://www.theartnewspaper.com
2 http://www.al-bab.com/arab/cinema/cinema.htm
3 cinema.usc.edu/events/event.cfm?id=11541
4 Dominique Sourdel, Hồi giáo, Sđd, tr. 133
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông tháng 7 năm 2013