Thứ sáu, ngày 08 tháng 12 năm 2023
CHỌN NGÔN NGỮ:
Những quy định nhập khẩu vào thị trường Ai Cập (thời kỳ trước khi xảy ra phong trào Mùa xuân Arab) Phần 2
Ngày đăng: 31/07/2014


Khu mua sắm Khan El-Khahili lớn nhất ở Cairo với những cửa hàng đồ cổ san sát




8. Quy định về bao gói, nhãn mác

8.1. Quy định về nhãn mác

Ai Cập duy trì những quy tắc rất chặt chẽ về nhãn mác đối với đồ ăn uống nhập khẩu. Ngoài ngày sản xuất và thời hạn sử dụng, những thông tin ghi bằng tiếng Anh hay bất cứ thứ tiếng nào khác tiếng Arab sẽ không được chấp nhận. Cũng cần phải lưu ý rằng ngày, tháng, năm có thể ghi bằng tiếng Anh nhưng những từ “Production” và “Expiry” thì phải ghi bằng tiếng Arab. Việc ghi nhãn mác bằng tiếng Arab có tính chất bắt buộc. Nhãn mác có thể in hoặc gắn cố định trên bao bì.

Tất cả các nhãn mác đều phải bao gồm những thông tin sau:

+ Tên và địa chỉ của hãng sản xuất.

+ Nhãn hiệu hoặc thương hiệu.

+ Nước sản xuất.

+ Loại và cấp bậc của sản phẩm.

+ Tên và địa chỉ người nhập khẩu.

+ Ngày sản xuất và thời hạn sử dụng. Ngày sản xuất và thời hạn sử dụng cần phải ghi tách biệt nhau ở vị trí trên cùng của bao bì. Có thể áp dụng kỹ thuật lazer, lên khuôn (imposed) hoặc in. Trong trường hợp này thì không cần phải ghi lại ngày sản xuất và thời hạn sử dụng trên nhãn mác.

+ Hướng dẫn sử dụng sản phẩm (không bắt buộc).

+ Thành phần cấu thành sản phẩm.

+ Hướng dẫn bảo quản hoặc nhiệt độ bảo quản.

+ Trọng lượng tịnh.

+ Trọng lượng toàn phần và tổng số kiện hàng trong một thùng / bao.

- Nếu trong sản phẩm có chất bảo quản thì phải ghi rõ tỷ lệ % chất bảo quản đó chiếm trong sản phẩm.

- Nếu là sản phẩm thịt và thịt gia cầm thì cần phải có thông tin trình bày như sau: giết mổ theo quy định của Hồi giáo “slaughtered according to the Islamic ritual” or “Halal slaughtered”.

Tuy nhiên, những hàng hoá sau sẽ không phải tuân theo những quy tắc trên về nhãn mác:

- Hàng hoá nhỏ, có diện tích từ 10cm2 trở xuống.

- Sữa và đồ uống đóng hộp có dung tích từ 200ml trở xuống.

- Đồ ngọt sấy khô, gói kín (như: kẹo, mứt, kẹo bơ cứng … và socola được bán theo khối lượng kilogram hoặc lbs (pounds poo = 453gr) nếu không được làm thành các thỏi, thanh thì coi như là chưa đóng gói.

8.2. Quy định về bao gói

Ai Cập có một số quy định riêng về bao bì/bao gói. Những loại hàng hoá cần đóng gói thì phải được đóng trong loại bao bì phù hợp đảm bảo bảo quản tốt hàng hoá, cần phải đóng đầy hàng hoá vào bao bì. Nếu đóng hàng hoá trong các container làm bằng gỗ thì buộc phải có kèm theo giấy chứng nhận chính thức chứng tỏ rằng container không có các loại sâu bọ, côn trùng hay các loài gây hại. Trên mỗi kiện hàng, thùng hàng cũng cần phải ghi đầy đủ những thông tin sau bằng tiếng A-rập (Arabic):

+ Tên nhà sản xuất (producer), thương hiệu hàng hoá (trade mark) (nếu cần).

+ Loại hàng hoá (kind of product).

+ Các tiêu chuẩn kỹ thuật (technical specifications).

+ Các tiêu chuẩn quốc tế (international specifications).

+ Việc chuyên chở (transportation).

+ Các quy tắc tiến hành việc mua bán (đóng gói hàng đưa lên tàu …) (handing guidelines).

+ Nước xuất xứ (country of origin).

+ Ngày sản xuất và thời hạn sử dụng (date of production and expiry).

Đối với hàng không phải là đồ ăn uống, thì khi nhập khẩu thời hạn sử dụng phải còn ít nhất một nửa tổng thời hạn sử dụng.

Cần phải chú ý tới những quy định riêng về bao gói đối với một số loại hàng hoá sau:

- Đối với thiết bị, dụng cụ và máy móc, cùng với những thông tin ghi trên bao bì, cần phải có kèm theo bản chi tiết kỹ thuật (details), và tên nước sản xuất. Ngoài ra, cũng cần phải có kèm theo bản hướng dẫn bằng tiếng Arab bao gồm các hình vẽ minh hoạ các bộ phận, hướng dẫn lắp ráp, vận hành/thao tác/sử dụng, cách bảo dưỡng, bảo quản (maintenance), biện pháp an toàn.

- Đối với lương thực thực phẩm, cần phải đóng trong các container phù hợp và phải ghi kèm theo các thông tin bằng tiếng Arab (cùng với tiếng nước ngoài).

- Sản phẩm thịt và thịt gia cầm cần phải vận chuyển trực tiếp từ nước sản xuất sang Ai Cập và phải đóng trong bao bì đã được làm vệ sinh sạch sẽ và được bịt kín. Ở cả bên trong và bên ngoài bao bì cần phải ghi bằng tiếng A-rập.

9. Quy định về kiểm dịch động thực vật

- Các biện pháp vệ sinh dịch tễ: biện pháp kiểm tra và thủ tục giám sát khác đối với hàng thực phẩm. Cơ quan kiểm tra chất lượng thực phẩm sẽ tiến hành kiểm tra đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm; Cơ quan kiểm dịch động vật kiểm tra những mặt hàng liên quan tới động vật tươi sống và đông lạnh, da và len thô.

+ Đối với mặt hàng thịt tươi sống và thịt hộp, cũng như các sản phẩm từ động thực vật, bắt buộc phải có giấy chứng nhận vệ sinh dịch tễ do Bộ Nông nghiệp cấp, giấy chứng nhận này chính là bằng chứng chứng minh rằng quy trình giết mổ được tiến hành phù hợp với tập quán và rằng lượng thịt này đã không bị nhiễm các bệnh truyền nhiễm trong vòng ít nhất 3 tháng trước khi mổ.

+ Thực phẩm, các sản phẩm từ dầu và chất béo; động vật sống trừ lạc đà Sudan, cây và hạt, cỏ cho gia súc, sản phẩm thay sữa và thuốc lá vẫn là đối tượng khiểm tra trước khi nhập khẩu.

- Ngoài ra, cũng có một số giấy chứng nhận khác được yêu cầu khi nhập khẩu sản phẩm từ động vật, gồm:

+ Giấy chứng nhận đã làm thịt súc vật theo giới luật Hồi giáo (Islamic Halal Certificate).

+ Giấy chứng nhận xuất xứ chỉ rõ tên của nước xuất khẩu, số kiện hàng, loại thịt, ngày kiểm tra, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, tên người xuất khẩu, cảng thông quan, tên người nhận hàng.

+ Giấy chứng nhận thú y đã được cấp tại nước xuất khẩu ghi rõ rằng súc vật được sử dụng để chế biến sản phẩm đã được kiểm tra trước và sau khi giết mổ, và cũng cần phải ghi rõ rằng chúng không bị nhiễm bệnh truyền nhiễm.

+ Đối với thịt đông lạnh, cần phải có một giấy chứng nhận chứng tỏ rằng sản phẩm đã được bảo quản ở nhiệt độ 180C trước khi xuất khẩu, và chứng nhận rằng mỗi bộ phận đã được gói bọc theo đúng những tiêu chuẩn về bao gói quốc tế đã được thừa nhận.

10. Quyền sở hữu trí tuệ

- Ai Cập đã có Luật về sở hữu trí tuệ được soạn thảo phù hợp với những quy định trong Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ của Tổ chức Thương mại thế giới (TRIPS). Theo thời gian, điểm nhấn đã được chuyển từ đạo luật này sang những gì thực tế mà Ai Cập đang làm. Hiệp định TRIPS yêu cầu các quốc gia bảo vệ chống lại việc nhập khẩu hàng hóa ăn cắp bản quyền hoặc hàng hóa mang nhãn hiệu thương mại giả. Hiệp định không yêu cầu các quốc gia đưa ra sự bảo vệ tại khu vực biên giới đối với việc xuất khẩu các hàng hóa đó hoặc sự lưu chuyển của những hàng hóa đó trong phạm vi quốc gia mà chúng được xuất khẩu sau này.

11. Quy định về tiêu chuẩn đối với hàng hoá dịch vụ

- Ở Ai Cập, tổ chức tiêu chuẩn hoá và quản lý chất lượng Ai Cập – EOS là cơ quan có trách nhiệm xây dựng và đưa ra các tiêu chuẩn, trong khi đó việc chứng nhận sự phù hợp về tiêu chuẩn chất lượng thuộc trách nhiệm của các cơ quan trực thuộc các bộ, bao gồm Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Cơ quan Năng lượng nguyên tử, Cơ quan Quản lý chung về xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương chịu trách nhiệm xác nhận tiêu chuẩn chất lượng của hàng nhập khẩu. Nhà nhập khẩu phải thông báo với Cơ quan quản lý xuất nhập khẩu về những tiêu chuẩn áp dụng cho hàng hoá nhập khẩu trước khi nhập.

- Mọi tiêu chuẩn cho sản phẩm đều do EOS- Bộ Công nghiệp xây dựng và ban hành. EOS được thành lập theo Quyết định Tổng thống số 392 năm 1997, và các hoạt động của EOS bao gồm:

+ Ban hành các tiêu chuẩn và các đặc tính kỹ thuật đối với nguyên liệu thô và sản phẩm công nghiệp.

+ Kiểm tra tính phù hợp của hàng hoá với các tiêu chuẩn đã quy định sẵn.

+ Cấp nhãn/mác tiêu chuẩn chất lượng cho các sản phẩm công nghiệp sản xuất tại các địa phương phù hợp với những tiêu chuẩn riêng.

- Để đưa ra một tiêu chuẩn mới, EOS phải tham khảo tư vấn từ phía gần 100 uỷ ban kĩ thuật. Các uỷ ban này bao gồm các đại diện từ các tổ chức nghiên cứu, cơ quan giám sát, các nhà sản xuất và đại diện của các phòng thương mại và công nghiệp. Khi có một dự thảo về một tiêu chuẩn nào đó, nó sẽ được thông báo cho tất cả những người có liên quan để đóng góp ý kiến trong khoảng thời gian ít nhất là 2 tháng. Nếu tất cả các ý kiến đóng góp đều thống nhất với nhau và một bản dự thảo cuối cùng được đưa ra thì tiêu chuẩn này sẽ chính thức được EOS thông qua. Hội đồng những người tham gia soạn thảo tiêu chuẩn gồm những người đứng đầu của một số công ty và của các cơ quan giám sát và những người đại diện cho các tổ chức chuyên môn hợp pháp và cơ quan truyền thông. Các tiêu chuẩn của Ai Cập được đánh giá lại định kỳ 5 năm một lần, nhằm đảm báo tính phù hợp của chúng với các yêu cầu về tiêu chuẩn quốc tế hiện hành.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, số 2/2013