Khoa Quốc tế học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn
Đại học Quốc gia Hà Nội
Trung Quốc với khu vực Bắc Phi và Trung Đông với tư cách là những nền văn minh cổ đại (văn minh Trung Hoa, văn minh Mesopotamia, văn minh sông Nile) đã có những giao thoa văn hóa với nhiều dấu ấn đậm nét đến tận bây giờ. Điều này chứng tỏ giữa Trung Quốc với khu vực này đã có những giao lưu từ lâu đời. Những chứng cứ lịch sử cho thấy quá trình này đã được bắt đầu cách đây ít nhất 2000 năm1.
Đến thời cận đại, quá trình giao lưu này đã bị ngưng trệ do sự nô dịch của chủ nghĩa thực dân phương Tây đối với cả hai khu vực. Đến thời hiện đại, quan hệ này đã được nối lại bằng việc chính quyền Quốc Dân Đảng ở Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các quốc gia đã giành được độc lập ở vùng Bắc Phi và Trung Đông. Tuy nhiên, quan hệ của Trung Quốc với khu vực này chỉ thực sự phát triển kể từ khi nước CHND Trung Hoa được thành lập năm 1949. Trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, mối quan hệ này tiếp tục phát triển thông qua việc Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với tất cả các nước trong khu vực. Đồng thời, Trung Quốc cũng tạo dựng được chỗ đứng nhất định trong quan hệ chính trị và kinh tế ở Bắc Phi và Trung Đông.
Từ sau chiến tranh Lạnh cho đến nay, về đại thể, Trung Quốc có cách tiếp cận tương đối toàn diện trong chính sách đối ngoại đối với khu vực Bắc Phi-Trung Đông. Sự toàn diện này thể hiện trong việc cố gắng thiết lập quan hệ nhiều mặt kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội với các nước khu vực. Thực ra, đây là sự thay đổi tiếp tục trong chính sách Bắc Phi-Trung Đông của Trung Quốc được bắt đầu từ công cuộc cải cách của Trung Quốc từ năm 1978, nhưng đã có thêm những điều chỉnh để phù hợp với tình hình quốc tế đã thay đổi sau chiến tranh Lạnh, cũng như nhằm đáp ứng những mục tiêu đối ngoại mới. Kết quả là quan hệ của Trung Quốc với các nước khu vực đã có sự phát triển khá mạnh mẽ từ sau chiến tranh Lạnh trên cả ba lĩnh vực kinh tế, chính trị và văn hóa-xã hội.
Một chính sách đối với Bắc Phi-Trung Đông như vậy của Trung Quốc đã được thực hiện tương đối ổn định trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, từ năm 2011 chính sách này của Trung Quốc đã buộc phải có những điều chỉnh nhất định do tác động của các biến động Mùa Xuân Arab.
Biến động chính trị Mùa Xuân Arab có ảnh hưởng đáng kể đến Trung Quốc. Chúng không chỉ làm ảnh hưởng đến những lợi ích đang có của Trung Quốc ở khu vực này mà còn tác động đến những vấn đề nội tại bên trong Trung Quốc. Chúng đang làm thay đổi ảnh hưởng của các nước lớn và bản đồ quyền lực trong khu vực, do vậy đã ảnh hưởng đến lợi ích toàn cầu và những toan tính dài lâu của Trung Quốc. Vì thế, sự phản ứng của Trung Quốc trước những biến động này là không tránh khỏi.
Thông qua hàng loạt các động thái của Trung Quốc kể từ khi các biến động Mùa Xuân Arab diễn ra, có thể rút ra một số nhận xét về phản ứng của Trung Quốc như sau:
Thứ nhất, phản ứng của Trung Quốc là khá thận trọng
Từ khi các sự kiện Cách mạng hoa Nhài bắt đầu nổ ra ở Tunisia và Ai Cập, sau đó lan sang nhiều nước Trung Đông khác, Trung Quốc gần như không có phản ứng gì đáng kể. Các ý kiến chính thức từ phía Trung Quốc thường chỉ ở mức thấp là phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao với tần suất không nhiều. Nội dung của các phát biểu này thường chỉ mang tính chung chung như mong muốn tình hình các nước Bắc Phi-Trung Đông nhanh chóng ổn định trở lại và hy vọng vào sự tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác của Trung Quốc với các nước này. Trung Quốc gần như không bày tỏ quan điểm ủng hộ hay phản đối các sự kiện ở Bắc Phi-Trung Đông. Trên thực tế, Trung Quốc chỉ có một đề nghị là đảm bảo tính mạng, tài sản của công dân và các doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động tại các nước đó.
Đến khi diễn ra các sự kiện bạo lực ở Libya và Syria, tần suất Trung Quốc bày tỏ quan điểm bắt đầu có sự tăng lên, cấp phát biểu cũng cao dần từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao lên cấp Đại sứ của Trung Quốc tại Liên hợp quốc và đôi khi là ở cấp Ngoại trưởng. Tuy nhiên về nội dung, đối với các sự kiện ở những nước này, Trung Quốc tiếp tục tránh đề cập đến khía cạnh nội bộ, các quan điểm của Trung Quốc vẫn nặng về trung tính. Phản ứng của Trung Quốc bây giờ tập trung nhiều hơn vào khía cạnh bên ngoài theo hướng không tán thành can thiệp quân sự và chủ trương giải quyết xung đột bằng con đường hòa bình. Trong khía cạnh bên ngoài của các sự kiện ở Bắc Phi-Trung Đông, Trung Quốc cũng thể hiện sự thận trọng như không gay gắt quá trong quan điểm và không chỉ trích mạnh mẽ sự can thiệp của các nước lớn bên ngoài.
Sự thận trọng của Trung Quốc xuất phát từ bốn nguyên nhân chính. Nguyên nhân thứ nhất của thái độ này là do các sự kiện ở Bắc Phi-Trung Đông xảy ra đột ngột, tình hình khá phức tạp, diễn biến khó lường và kết quả khó đoán định. Quan điểm này có thể được phản ánh qua nhận định rằng “sự rối ren ở Tây Á, Bắc Phi sẽ xuất hiện xu hướng lâu dài”2. Rõ ràng, khi tình hình chưa ổn định, các khả năng chưa xác định được, kết quả chưa rõ ràng thì tốt nhất là nên chờ đợi và xem (Wait and see). Nguyên nhân thứ hai liên quan đến vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Việc công khai ủng hộ các xu hướng dân chủ mới ở Bắc Phi-Trung Đông có thể sẽ bị các thế lực đòi dân chủ và các lực lượng liên quan đến Islam giáo ở Trung Quốc tranh thủ và lợi dụng. Nhưng chống lại thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín quốc tế và lợi ích của Trung Quốc ở Bắc Phi-Trung Đông.Vì thế, tốt nhất đối với Trung Quốc là thận trọng và không bày tỏ quan điểm rõ ràng. Nguyên nhân thứ ba liên quan đến mục tiêu chiến lược dầu mỏ của Trung Quốc. Trung Quốc cần nguồn cung dầu mỏ từ Trung Đông một cách ổn định và liên tục nên muốn duy trì mối quan hệ trong lĩnh vực dầu mỏ bất chấp biến động hay thay đổi chính phủ ở Bắc Phi-Trung Đông. Một sự dính líu quá nhiều đến chính trị hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến lợi ích dầu mỏ của Trung Quốc ở khu vực này. Nguyên nhân thứ tư liên quan đến các nước lớn như Mỹ, Nga và các cường quốc châu Âu khác. Ban đầu, bản thân các nước lớn này cũng bị bất ngờ bởi biến động ở Bắc Phi-Trung Đông nên chưa có phản ứng rõ ràng. Sau này, khi chính sách của các nước đó trở nên rõ ràng hơn thì lại phải điều chỉnh liên tục bởi tình hình ở đây diễn biến quá nhanh và khó lường. Tình hình đó khiến Trung Quốc chưa đủ yếu tố để định hình chính sách ứng phó với tình hình mới. Và vì thế, sự thận trọng của Trung Quốc là điều dễ hiểu.
Thứ hai, Trung Quốc tìm cách hạn chế hiệu ứng từ các sự kiện Bắc Phi-Trung Đông đối với những vấn đề trong nước.
Theo thông tin của hãng AP, ngay khi các sự kiện Cách mạng hoa Nhài vừa mới bắt đầu ở Tunisia và lan sang Ai Cập, vào tháng 2/2011, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tiến hành họp khẩn cấp dưới sự chủ tọa của Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào. Ngay sau đó, Ủy viên Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang – người phụ trách cao nhất trong lĩnh vực an ninh và nội chính – đã nói với các quan chức Đảng và chính quyền rằng họ “cần thích ứng với các trào lưu phát triển kinh tế và xã hội mới”, nhằm “giải tỏa bất ổn ngay từ trong trứng nước”3. Điều này cho thấy, khác với sự thận trọng trong phản ứng với các vấn đề đối ngoại, Trung Quốc đã phản ứng khá nhanh chóng và mạnh mẽ đối với những hiệu ứng có thể ở trong nước.
Sự phản ứng này được thể hiện rõ nhất trong việc ngăn chặn vụ biểu tình ngày 20/2/2011. Khi vừa xuất hiện lời kêu gọi người dân Trung Quốc bắt đầu cuộc "Cách mạng hoa Nhài" bằng việc tổ chức biểu tình vào ngày 20/2/2011 ở 13 thành phố lớn, trong đó có Bắc Kinh và Thượng Hải, chính quyền Trung Quốc đã tiến hành một loạt biện pháp để ngăn chặn kịp thời kế hoạch biểu tình này. Mạng Twister – mạng internet xã hội mà những người biểu tình ở Tunisia và Ai Cập đã dùng để kêu gọi xuống đường – cũng đã bị chặn ở Trung Quốc. Sự phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ này của Trung Quốc cho thấy chính quyền nước này rất lo ngại hiệu ứng của cuộc Cách mạng hoa Nhài ở Bắc Phi-Trung Đông lây lan sang Trung Quốc.
Sự phản ứng tương đối quyết đoán của Trung Quốc trong việc hạn chế hiệu ứng của Cách mạng hoa Nhài là dễ hiểu. Một là, Trung Quốc đang có những vấn đề xã hội bức xúc nhất định nên lo ngại những cuộc biểu tình chống chế độ ở Bắc Phi-Trung Đông sẽ trở thành sự kích thích cho các cuộc biểu tình tương tự ở Trung Quốc, đe dọa sự ổn định xã hội vốn đang cần thiết cho công cuộc phát triển kinh tế khá thành công ở Trung Quốc. Hai là, sự lây lan quá nhanh và những thành công bước đầu trong quá trình dân chủ ở Bắc Phi-Trung Đông cũng khiến Trung Quốc lo ngại về khả năng tác động mạnh mẽ và nhanh chóng của các sự kiện này tới phong trào đấu tranh đòi dân chủ ở trong nước, nhất là trong điều kiện sự lây lan và tác động rất dễ xảy ra thông qua hệ thống internet hay các phương tiện truyền thông khác. Ba là, Bắc Phi-Trung Đông là trung tâm của Islam giáo thế giới. Cách mạng hoa Nhài hoàn toàn có thể làm gia tăng vị thế của các lực lượng Islam giáo tại đây và từ đó phát huy ảnh hưởng ra bên ngoài, trong đó có Trung Quốc vốn cũng đang có vấn đề không nhỏ khi các lực lượng Islam giáo đang đấu tranh đòi ly khai ở Tân Cương. Bốn là, thời điểm diễn ra Cách mạng hoa Nhài ở Bắc Phi-Trung Đông cũng là thời điểm nhạy cảm ở Trung Quốc khi Trung Quốc đang trong giai đoạn chuyển giao thế hệ lãnh đạo và chuẩn bị phiên họp Quốc hội hàng năm vào ngày 5/3 nên Trung Quốc càng cần sự ổn định và vì thế nhu cầu dập tắt hiệu ứng đấu tranh dân chủ lại càng cao.
Thứ ba, Trung Quốc tránh đối đầu trực tiếp với các nước phương Tây.
Như trên đã đề cập, khi các biến động bắt đầu xảy ra ở Bắc Phi-Trung Đông, những nước lớn như Mỹ, Nga và một số nước châu Âu vẫn chưa có chính sách rõ ràng nên Trung Quốc giữ thái độ thận trọng và tránh bày tỏ ý kiến. Nhưng khi bắt đầu xảy ra nội chiến ở Lybia và sau đó là Syria, sự can thiệp của các nước lớn này bắt đầu leo thang. Vì điều này đe dọa tới các lợi ích của Trung Quốc tại khu vực nên Trung Quốc bắt đầu có những phản ứng liên quan đến các nước lớn. Mức phản ứng của Trung Quốc cũng cao dần lên như bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết thiết lập vùng cấm bay ở Lybia ngày 18/3/2011 và cùng Nga bỏ phiếu phủ quyết Dự thảo về vấn đề Syria do Mỹ và các nước phương Tây đưa ra ngày 4/2/2012.
Về cơ bản, sự phản ứng của Trung Quốc đối với Mỹ và các đồng minh phương Tây đi theo hai hướng chính là không tán thành việc giải quyết vấn đề bằng các biện pháp quân sự và chủ trương vai trò giải quyết phải được trao cho Liên hợp quốc. Cả hai hướng này đều giảm vai trò của Mỹ và các nước Phương Tây. Không giải quyết bằng biện pháp quân sự nghĩa là không giải quyết theo phương án của phương Tây, bằng các lực lượng của phương Tây. Đưa vai trò giải quyết về cho Liên hợp quốc nghĩa là Trung Quốc sẽ có vai trò mà không phải là sự độc quyền giải quyết của phương Tây. Chủ trương này của Trung Quốc được tuyên bố ngay khi bắt đầu xảy ra khả năng can thiệp quân sự của phương Tây vào Lybia. Ngày 4/5/2011, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Lý Bảo Đông phát biểu tại Hội đồng Bảo an rằng "Trung Quốc chủ trương thi hành nghị quyết của Hội đồng Bảo an một cách toàn diện và nghiêm khắc. Cộng đồng quốc tế cần phải tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Lybia, do nhân dân Lybia quyết định công việc và tương lai của nước mình. Trung Quốc không tán thành sự giải thích tùy tiện đối với nghị quyết của Hội đồng Bảo an hoặc áp dụng hành động vượt quá sự cho phép của Hội đồng Bảo an". Đồng thời, Trung Quốc đề nghị ngừng bắn ngay lập tức, thiết lập cơ chế giám sát ngừng bắn dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc, cho rằng Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an nên phát huy vai trò lãnh đạo trong việc giải quyết thỏa đáng vấn đề Lybia, đồng thời ủng hộ vai trò của Đặc phái viên Liên hợp quốc trong việc giải quyết vấn đề Lybia. Tương tự như vậy, trong vấn đề Syria, ngày 15/5/2013, Đại sứ Trung Quốc Lý Bảo Đông cũng tuyên bố Trung Quốc luôn cho rằng mọi biện pháp quân sự đều không thể giải quyết vấn đề Syria và luôn chủ trương giải pháp chính trị là con đường duy nhất để giải quyết vấn đề Syria, rằng cộng đồng quốc tế cần tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, tuân thủ mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, đặc biệt là nguyên tắc không can thiệp chính trị nội bộ cũng như nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế. Tiền đồ và vận mệnh của Syria phải để cho nhân dân Syria quyết định. Trung Quốc kiên quyết phản đối mọi hành động quân sự và can thiệp lật đổ chính quyền trong vấn đề Syria.4
Nhìn chung, mặc dù có phản đối và đấu tranh trong vấn đề Lybia và Syria, phản ứng của Trung Quốc với Mỹ và phương Tây vẫn là có mức độ. Về nội dung, phản ứng chỉ dừng chủ yếu ở hai vấn đề trên. Về cách thức, sử dụng diễn đàn Liên hợp quốc là chính. Về mức độ, phản ứng không quá gay gắt. Về cấp độ, thường chỉ ở mức ngoại trưởng trở xuống. Thậm chí, trong sự phối hợp với Nga, khi quan hệ Mỹ-Nga trở nên căng thẳng xung quanh vấn đề Syria, Trung Quốc còn chấp nhận né tránh vấn đề để mặc Nga và Mỹ căng thẳng với nhau. Qua đó, ý đồ tránh đối đầu trực tiếp với phương Tây là rõ ràng. Nó cho thấy sự tiếp tục chính sách “giấu mình chờ thời” của Trung Quốc ở Bắc Phi-Trung Đông. Ý đồ này được quy định bởi một số nguyên nhân sau. Thứ nhất, một sự cạnh tranh gay gắt là không có lợi cho Trung Quốc do thực lực của Trung Quốc tại khu vực này còn yếu hơn nhiều so với các nước phương Tây vốn có ảnh hưởng từ lâu và trên nhiều mặt. Thứ hai, Trung Quốc còn nhiều lợi ích ở Bắc Phi-Trung Đông, nhất là lợi ích dầu mỏ. Dầu mỏ và an ninh vận tải dầu mỏ ở đây vẫn chịu sự chi phối lớn của phương Tây. Vì thế, một sự tranh chấp tăng lên với phương Tây là không có lợi cho mục tiêu kinh tế và dầu mỏ này. Thứ ba, Trung Quốc đang căng thẳng với nhiều nước lớn ở Châu Á-Thái Bình Dương nên cũng không muốn sâu sắc thêm sự căng thẳng với các nước này bởi những vấn đề tranh chấp ở Bắc Phi - Trung Đông. Sự căng thẳng tăng lên ở đây sẽ càng khiến các nước lớn thêm quyết tâm và nỗ lực trong việc ngăn chặn Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương. Thứ tư, một sự bộc lộ lợi ích chính trị quá sớm tại khu vực này sẽ càng khiến Trung Quốc bị nghi ngờ và bị coi là “kẻ thách thức thực sự” đối với Mỹ và phương Tây không chỉ ở khu vực này mà còn trên phạm vi toàn cầu. Từ đó, các cố gắng kiềm chế, ngăn chặn Trung Quốc sẽ tăng lên, gây khó khăn cho việc thực hiện chiến lược toàn cầu sau này của Trung Quốc.
Thứ tư, Trung Quốc tranh thủ bối cảnh can thiệp của phương Tây để nâng cao uy tín và xây dựng hình ảnh quốc gia trong khu vực.
Động thái này của Trung Quốc được thể hiện ở mấy điểm sau: Đầu tiên, Trung Quốc tránh không can thiệp vào nội tình và các mâu thuẫn ở trong khu vực. Trong quá trình xảy ra khủng hoảng ở Bắc Phi-Trung Đông, Trung Quốc luôn giữ thái độ thận trọng. Trung Quốc luôn nhất quán nêu ra nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ, việc nội bộ phải do nhân dân nước đó tự giải quyết. Điều này giúp tạo ra hình ảnh nước Trung Quốc đứng về phía nhân dân và các nước trong khu vực trong khi các nước lớn khác chỉ quan tâm đến can thiệp, tranh giành lợi ích và khu vực ảnh hưởng ở đây. Bên cạnh đó, Trung Quốc luôn phản đối các giải pháp quân sự ở bên trong cũng như bên ngoài, luôn tỏ ra quan tâm đến các giải pháp hòa bình nhằm tránh cho nhân dân khỏi bị chết chóc hay thương vong. Đồng thời, Trung Quốc còn tỏ ra sẵn sàng cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân vùng chiến sự như đã từng tuyên bố cung cấp 5 triệu USD việc trợ nhân đạo cho Lybia và 30 triệu Nhân dân tệ cho Syria. Điều này nhằm đem lại cho Trung Quốc hình ảnh quốc gia yêu chuộng hòa bình và nhân đạo, tương phản với các cường quốc khác trực tiếp tấn công hay viện trợ vũ khí cho các bên tham chiến. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tham gia vào việc đề ra các giải pháp để chứng tỏ mình là một nước lớn và có trách nhiệm5. Trong giải pháp cho xung đột, Trung Quốc luôn nhắc đến vai trò của các tổ chức khu vực như Liên đoàn Arab hay ủng hộ sáng kiến 5 điểm của Liên minh châu Phi. Tương tự như vậy, Trung Quốc cũng ủng hộ vai trò của Kofi Anan vốn là cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc và là một người Phi. Sự nhấn mạnh đến vai trò của các yếu tố trong khu vực là nhằm tranh thủ cảm tình của các nước và tổ chức ở châu Phi- Trung Đông.
Trung Quốc tính toán điều này dựa trên mấy yếu tố sau: Thứ nhất, Mỹ và phương Tây vốn có ảnh
hưởng nhiều tại Bắc Phi-Trung Đông nhưng cũng có nhiều mâu thuẫn lớn với các
nước trong khu vực về cả chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Các mâu thuẫn này
chưa được giải quyết thì sự can thiệp mạnh mẽ của các nước đó vào nội tình và
những sự kiện ở Bắc Phi-Trung Đông lại càng làm tăng các mâu thuẫn. Nga không
có nhiều mâu thuẫn ở đây như Mỹ và phương Tây nhưng việc nước này ra mặt bảo vệ
các nước có đại đa số người dân theo dòng Hồi giáo Shiite, trước đây là Iran và bây giờ là Syria lại đem lại sự phản đối từ
nhiều quốc gia theo Hồi giáo Sunni trong vùng. Trung Quốc tuy ảnh hưởng ở đây
yếu hơn nhưng không gặp phải những mâu thuẫn tương tự. Vì thế, bối cảnh mâu
thuẫn với các nước lớn tăng lên trong khu vực chính là điều kiện thuận lợi để
Trung Quốc nâng cao uy tín và tăng cường ảnh hưởng ở đây. Thứ hai, khi các nước lớn khác đang tập trung vào tranh giành ảnh
hưởng bằng những biện pháp cứng thì Trung Quốc lại chọn biện pháp mềm. Sự khác
biệt này hợp với lòng người hơn sẽ giúp làm cho vai trò của Trung Quốc dễ được
chấp nhận hơn. Trung Quốc sẽ có được hình ảnh và uy tín tốt hơn các cường quốc
khác vốn sẵn sàng can thiệp và viện trợ quân sự. Thứ ba, trước Cách mạng hoa Nhài, cách gia tăng ảnh hưởng của Trung
Quốc ở đây chủ yếu bằng con đường kinh tế và kết quả chưa được bao nhiêu. Bây
giờ, đây là cơ hội để Trung Quốc để gia tăng ảnh hưởng này thêm bằng cả uy tín
và hình ảnh chính trị. Một vị thế và ảnh hưởng được dựa trên cả hai trụ cột
kinh tế và chính trị sẽ vững chắc và lâu bền hơn là chỉ dựa vào mỗi kinh tế. Thứ tư, Trung Quốc đang hướng tới xây
dựng vị thế và ảnh hưởng toàn cầu. Vị thế và ảnh hưởng này sẽ không thể đạt
được nếu không xây dựng được ảnh hưởng ở Bắc Phi-Trung Đông – khu vực địa chính
trị, địa kinh tế, địa chiến lược quan trọng của thế giới. Một uy tín và vị thế
lớn trong khu vực này sẽ dần dần giúp Trung Quốc có khả năng can dự vào cơ chế
chi phối khu vực của các nước lớn và từ đó Trung Quốc sẽ có được cả hai là sự
ủng hộ của các nước trong khu vực và sự thừa nhận của các nước lớn có ảnh hưởng
tại khu vực. Một chỗ đứng chân ở đây sẽ giúp Trung Quốc sau này có thêm khả
năng đạt được vị thế lớn hơn trên phạm vi toàn cầu.
(còn tiếp)