PGS.TS Hoàng Khắc Nam
Khoa Quốc tế học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân
văn
Đại học Quốc gia Hà Nội
Thứ
năm, Trung Quốc linh hoạt trong việc điều chỉnh quan hệ trước những thay đổi
trong lực lượng cầm quyền của các nước trong khu vực.
Phản ứng này của Trung Quốc được thể hiện ở hai điểm chính sau: Một là, khi vừa có thay đổi chế độ ở
nước nào đó, Trung Quốc sẵn sàng nhanh chóng thiết lập quan hệ với chính phủ
mới. Điểm này có thể thấy được qua trường hợp hai nước diễn ra Cách mạng hoa Nhài
đầu tiên là Tunisia và Ai Cập. Gần như ngay sau chính quyền mới được thành lập
ở hai nước này, Trung Quốc lập tức công nhận và thiết lập quan hệ với các chính
quyền mới. Đồng thời, Trung Quốc cũng sẵn sàng cung cấp viện trợ nhân đạo theo
yêu cầu của chính quyền mới tại Tunisia và Ai Cập. Ví dụ, trong trường hợp Ai
Cập, ngay đầu tháng 5/2011, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã sớm gặp
người đứng đầu lực lượng vũ trang Ai Cập khi đó là tướng Hussein Tantawi để
tiếp tục duy trì quan hệ. Lúc đó, lực lượng quân đội Ai Cập đang là thế lực
mạnh nhất và có ảnh hưởng nhất tới sự thay đổi quyền lực ở Ai Cập. Đến tháng
8/2012, khi Tổng thống mới của Ai Cập là ông Morsi vừa lên nắm quyền chưa lâu
nhưng cũng đã được mời thăm chính thức Trung Quốc và đã có cuộc tiếp kiến với
Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào. Trong khi đó, đối với Tunisia, Trung Quốc cũng thể hiện
cách làm tương tự khi đầu tháng 6/2012, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì
đã sang thăm nước này nhằm thiết lập quan hệ với chính phủ mới. Đối với các
nước đó, Trung Quốc chỉ giữ quan hệ nhà nước-nhà nước để tránh tình trạng phức
tạp sau này khi tình hình các nước sau Cách mạng hoa Nhài vẫn chưa ổn định với
nhiều đảng phái và phe nhóm khác nhau. Ai Cập có khoảng 50 chính đảng, Tunisia
có khoảng 114 chính đảng sau cách mạng. Đó là chưa kể các giáo phái khác nhau
vẫn tiếp tục mâu thuẫn với nhau như ở Ai Cập chẳng hạn. Còn Lybia sau cách mạng
cũng rất nhiều phe nhóm có lực lượng vũ trang riêng, có tới 150 bộ lạc đưa ra
các yêu cầu chính trị riêng…
Hai là, Trung Quốc sẵn sàng quan hệ với cả chính phủ cầm
quyền lẫn các lực lượng đối lập. Trong vấn đề Lybia, ban đầu khi tình hình chưa
rõ ràng, Trung Quốc thường xuyên tuyên bố không đứng về phe nào. Nhưng khi phe
đối lập có khả năng thắng thế, lập tức Trung Quốc tiến hành tiếp xúc với phe
nổi dậy ngay tháng 6/2011. Trong cuộc gặp với lãnh đạo phe nổi dậy Libya là
Mahmoud Jibril, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã tuyên bố rằng phe
đối lập “ngày càng nâng cao được tính đại diện và đã trở thành một lực lượng
chính trị quan trọng tại Libya” và là “đối tác đối thoại quan trọng”6
của Trung Quốc. Hiện nay, ở Syria,
Trung Quốc vẫn đang tiếp tục có thái độ nước đôi chờ ngã ngũ. Trung Quốc không
phản đối mạnh mẽ chính quyền Syria
như Mỹ và phương Tây cũng như không ra mặt ủng hộ như Nga. Trung Quốc khôn khéo
để sẵn mọi cửa để ai thắng thế đều giữ được quan hệ. Các phát biểu của Trung
Quốc về vấn đề Syria
thường chung chung và không bày tỏ quan điểm ủng hộ bên nào. Ví dụ, Ngoại
trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã nói ngày 8/1/12012 rằng “Trung Quốc luôn giữ lập trường
khách quan và công bằng, sẽ tiếp tục kiên trì ủng hộ công việc hòa giải của
Brahimi, ủng hộ tất cả mọi phương án có lợi cho việc giải quyết vấn đề chính
trị tại Syria”7.
Sự linh hoạt có tính thực dụng này của Trung Quốc có mấy nguyên nhân
chính như sau: Thứ nhất, Trung Quốc
không muốn bị dừng hoặc dù chỉ là tạm dừng các quan hệ kinh tế ở Bắc Phi-Trung
Đông do những thay đổi chính trị tại đây. Đối với Trung Quốc, những lợi ích
kinh tế, nhất là dầu mỏ, là quá quan trọng và cần được duy trì thường xuyên.
Cho nên dù cho ai nắm quyền thì Trung Quốc đều tìm cách duy trì quan hệ. Thứ hai, Trung Quốc không muốn mất ảnh
hưởng ở Bắc Phi-Trung Đông. Việc các nước lớn ủng hộ phe này phái kia thực chất
là sự tranh giành ảnh hưởng giữa chúng. Khi chưa đủ lực và không thể ra mặt
tranh giành ảnh hưởng trực tiếp, cách tốt nhất đối với Trung Quốc để tiếp tục
có mặt tại khu vực này là giữ được quan hệ với lực lượng nắm quyền sở tại. Đó
là kênh để Trung Quốc duy trì ảnh hưởng và tìm cách gia tăng dần sau này. Cách
tính toán này vừa nhằm đối phó với tình huống hiện tại, vừa giúp chuẩn bị cho tương
lai. Thứ ba, sự không ra mặt chống
đối ai và chỉ bắt tay với bên thắng cuộc cũng là cách giúp Trung Quốc tạo sự an
toàn nhất định trước những biến đổi khó lường trong khu vực, tránh bị dính vào
những mâu thuẫn nội bộ rất phức tạp, giúp giảm bớt sự chống đối của các lực
lượng chính trị, tôn giáo khác nhau trong khu vực. Cũng cần lưu ý là lập trường
nước đôi của Trung Quốc cũng chỉ ở mức độ nhất định, có tính chất thăm dò và
chờ thời chứ Trung Quốc không can thiệp sâu và không “nhất biên đảo”. Điều này giúp
Trung Quốc có thể thiết lập quan hệ ngay với lực lượng thắng cuộc và cũng không
gây ra tình cảm tiêu cực thái quá của lực lượng đối lập.
Thứ
sáu, Trung Quốc cố gắng bảo vệ các lợi ích kinh tế của mình ở Bắc Phi-Trung
Đông.
Trên thực tế, bất chấp tình hình biến động phức tạp ở
Bắc Phi-Trung Đông, Trung Quốc vẫn tìm cách duy trì quan hệ kinh tế nhằm đảm
bảo các lợi ích trong lĩnh vực này ở đây. Điều này được thể hiện ở bốn điểm. Một là, Trung Quốc tiếp tục duy trì quan
hệ kinh tế với các nước trong vùng ít chịu ảnh hưởng của biến động. Trong năm
2011, bất chấp những biến động lan ra khắp Bắc Phi-Trung Đông, kim ngạch thương
mại giữa Trung Quốc và các quốc gia Trung Đông đã lên tới hơn 268,9 tỷ USD, cao
nhất trong lịch sử, tăng 36,5% so với năm 20108. Đồng thời, Trung Quốc cũng không quên mở rộng quan hệ với các
nước có nhiều tiềm năng hợp tác kinh tế một khi có cơ hội. Trong đó, việc mở
rộng quan hệ với Saudi
Arabia là một ví dụ. Hai là, đối với những nơi bị biến động, Trung Quốc cố gắng thông
qua hoạt động ngoại giao để bảo vệ tối đa các lợi ích kinh tế của mình ở đây.
Ví dụ điển hình là trường hợp xảy ra ở Lybia. Trung Quốc có khoảng 36.000 công
dân và khoảng 75 công ty ở Lybia9. Khi đó, Trung Quốc đã tiếp xúc
với cả hai bên để đảm bảo các bên đều không xâm phạm tới các công ty và công
dân của Trung Quốc đang sinh sống và làm việc tại Lybia. Ngoài việc duy trì
quan hệ qua kênh đối thoại chính thức giữa hai chính phủ, tháng 6/2011, Ngoại
trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì còn gặp đại diện phe đối lập Lybia là Mahmoud
Jibril. Trong cuộc gặp này, Trung Quốc công nhận phe đối lập là đối tác đối
thoại quan trọng. Đáp lại, Mahmoud Jibril cam kết phe
đối lập sẽ bảo vệ công dân và tài sản của các công ty Trung Quốc trong lãnh thổ
mà phe đối lập kiểm soát10. Ba là, Trung Quốc cố gắng thiết lập quan
hệ ngay với các chính quyền mới sau biến động bất kể đó là ai nhằm nối lại các
quan hệ kinh tế. Một sự đổi chác có mục tiêu kinh tế rất rõ khi các chính quyền
mới cần sự ủng hộ chính trị của một nước lớn, còn Trung Quốc cần được tiếp tục
các quan hệ kinh tế thiết yếu đối với mình. Trong chuyến đi của Tổng thống Morsi
sang Trung Quốc tháng 8/2012 Hồ Cẩm Đào phát biểu rằng “Hai bên cần mở rộng hợp tác kinh tế và thương mại dựa trên chiến lược
phát triển của mình, tiến hành xây dựng các dự án lớn như một khu vực hợp tác
thương mại Suez, và tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm xây dựng
cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, giao thông vận tải, năng lượng và tài chính. Cả hai
bên nên tổ chức các cuộc thảo luận chuyên sâu về các biện pháp mới để tăng
cường thương mại và đầu tư. Trung Quốc khuyến khích và hỗ trợ, các công ty có
uy tín, có thẩm quyền đầu tư vào Ai Cập và giúp Ai Cập để đào tạo các chuyên
gia.”11
Trước khi xảy ra cách mạng hoa Nhài ở Bắc Phi-Trung Đông, kinh tế là
mục tiêu ưu tiên của Trung Quốc ở khu vực này. Sau khi xảy ra các biến động ở
đây, mục tiêu này vẫn không thay đổi và xem chừng còn được củng cố hơn, ít nhất
là trong thời gian tiếp diễn các biến động. Điều này được quy định bởi mấy
nguyên nhân sau: Thứ nhất, như trên
đã đề cập, Trung Quốc có nhiều lợi ích kinh tế quan trọng ở đây cần được duy
trì thường xuyên và liên tục, nhất là dầu mỏ. Gần đây, dầu mỏ từ Trung Đông
chiếm khoảng 45% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc12. Về mặt nào
đó, kinh tế đang là lợi ích số một của Trung Quốc ở đây. Vì thế, Trung Quốc
phải cố gắng duy trì quan hệ với khu vực này để đảm bảo các lợi ích kinh tế của
mình. Thứ hai, việc tập trung ưu tiên
vào các lợi ích kinh tế có tính thực dụng cũng giúp Trung Quốc tránh được sự
nghi ngờ của các lực lượng chính trị, tôn giáo vốn đa dạng trong vùng. Thứ ba, cố gắng duy trì quan hệ và lợi
ích kinh tế cũng là cách tránh né không dính líu vào cuộc đua tranh giành khu
vực ảnh hưởng địa chính trị giữa các nước lớn, tránh bị lôi kéo vào các vấn đề
chính trị-an ninh phức tạp trong khu vực. Thứ
tư, đây cũng là cơ hội để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng về kinh tế, phục vụ
cho mục tiêu toàn cầu lâu dài. Hơn ai hết, Trung Quốc quá hiểu sức mạnh và ảnh
hưởng kinh tế có thể chuyển hóa thành sức mạnh và ảnh hưởng chính trị như Trung
Quốc đang làm ở Đông Á.
Trong thời gian tới, theo chúng tôi, chính sách của Trung Quốc đối với Bắc Phi và Trung Đông cơ bản không
thay đổi, sáu cách thức hành xử nêu trên của nước này cũng không có điều
chỉnh gì lớn. Lý do của nhận định này được xem xét trên ba góc độ chính.
Về góc độ Trung Quốc, lợi ích của Trung Quốc ở khu vực này đều là những
lợi ích cơ bản, lâu dài và có tính chiến lược nên khó bị thay đổi. Trong nước,
tình hình Trung Quốc dù có những vấn đề nhưng không phải là vấn đề quá lớn để
buộc Trung Quốc phải thay đổi đường hướng cơ bản trong chính sách với Bắc
Phi-Trung Đông. Ngoài ra, trong vài năm tới, thực lực của Trung Quốc chắc cũng
không có gì thay đổi đột biến làm ảnh hưởng đến vị thế và từ đó làm thay đổi
lợi ích của Trung Quốc trong khu vực.
Về góc độ khu vực Bắc Phi-Trung Đông, tình hình bất ổn vẫn còn kéo dài.
Sáu cách thức thực hiện chính sách vẫn đang tỏ ra hữu dụng khi Trung Quốc vẫn
đang thu được lợi từ đây. Cách thức này cũng phù hợp với khả năng thực thi của
Trung Quốc khi thế và lực của nước này tại đây chắc cũng không có gì biến đổi
đột ngột trong những năm tới. Ngoài ra, cách thức này cũng đem lại những phản
ứng chấp nhận được từ phía các nước trong khu vực đối với Trung Quốc. Vì thế,
nhiều khả năng Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục thực hiện những cách thức đó.
Về góc độ các nước lớn liên quan, các nước này đều gặp nhiều vấn đề
trong nước, vấn đề ở Bắc Phi-Trung Đông và nhiều nơi khác nên cũng nhiều khả
năng không có những hành động mạnh mẽ nào hơn đối với Trung Quốc tại khu vực
này như cạnh tranh hay lôi kéo. Mâu thuẫn Mỹ-Nga tăng lên trong vụ Syria
càng làm cho cả hai bên không muốn căng thẳng quá nhiều với Trung Quốc ở Bắc
Phi-Trung Đông để đẩy Trung Quốc về phía bên kia. Các nước lớn là yếu tố quan
trọng có thể thay đổi chính sách của Trung Quốc ở khu vực này nhưng khi các
nước không có thay đổi gì lớn thì tác động đến chính sách Bắc Phi-Trung Đông của
Trung Quốc cũng sẽ không có gì thay đổi nhiều.
Tuy nhiên, về vai trò thì rõ ràng vai
trò của Trung Quốc trong khu vực Bắc Phi-Trung Đông có sự gia tăng nhất định.
Điều này được quy định bởi hai lý do sau:
Thứ nhất, sau các sự kiện ở Bắc Phi-Trung Đông, ảnh hưởng của
Mỹ và các nước phương Tây có thể tăng lên nhưng sự bất mãn và nghi ngại không
vì thế mà giảm đi. Các nước này sẽ còn đối diện với nhiều vấn đề và sự chống
đối trong khu vực. Ảnh hưởng của Nga nếu còn cũng sẽ chỉ giới hạn ở Syria, phần nào đó là Iran và cùng với đó là sự không hài
lòng tăng lên ở đa phần các nước còn lại. Vì thế, việc tham dự vào các vấn đề
khu vực vẫn sẽ là khó khăn đối với các nước này. Thực ra, đó lại là cơ hội để
Trung Quốc nâng cao vai trò trong khu vực. Trung Quốc không có sự nghi ngại hay
chống đối tương tự nên vai trò của Trung Quốc trong các vấn đề khu vực có khả
năng tăng lên. Cũng vì thế, có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tìm cách nâng cao
quyền lực mềm và cách đi “mềm” ở khu vực.
Thứ hai, khi các biến động qua đi, các
nước sẽ quay trở lại tập trung vào khôi phục và phát triển kinh tế. Khi đó,
Trung Quốc với năng lực của một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ có nhiều
lợi thế để gia tăng vai trò ở đây bằng sức mạnh kinh tế và tiềm năng hợp tác
của mình. Hợp tác kinh tế với Trung Quốc sẽ ít gặp phải tình cảm chống phương
Tây như Mỹ và các nước phương Tây. Mỹ tuy là nền kinh tế số một thế giới nhưng
vẫn đang gặp nhiều khó khăn nên khó lòng gia tăng vai trò kinh tế ở đây trong
những năm tới. Vì thế, sẽ không ngạc nhiên nếu những năm tới, quan hệ kinh tế
của Trung Quốc với các nước trong khu vực này sẽ tiếp tục tăng. Khi đó, Trung
Quốc sẽ có vai trò khó phủ định trong bức tranh kinh tế ở Bắc Phi-Trung Đông.
Chú
thích:
1 Wang Jinglie, Review and
Thoughts over the Relationship between China and the Middle East, Journal of Middle Eastern and Islamic
Studies, Vol 4, No 1, 2010, p. 17
2 “Biến động lớn ở Trung
Đông và chính sách Trung Đông của Trung Quốc”, Tạp chí Ngoại giao Trung Quốc, tháng 12/2012, tr. 1 (Tài liệu dịch
của Bộ Ngoại giao). Trong bài viết này, một số nguyên nhân khiến tình hình phức
tạp rối ren sẽ tiếp tục kéo dài ở Bắc Phi-Trung Đông đã được chỉ ra như hệ
thống mâu thuẫn phức tạp giằng chéo gồm cả chính trị, kinh tế, xã hội, tôn
giáo, các mâu thuẫn khu vực và sự can thiệp từ bên ngoài; sự yếu kém của các
lực lượng đối lập; sự hận thù kéo dài bởi tính chất bạo lực và nội chiến; vấn
đề xây dựng lại đất nước sau cách mạng vẫn đầy rẫy khó khăn; sự đua tranh giữa
các nước lớn vẫn đang tiếp tục;…
3 Báo Công an Trung Quốc
ra ngày 21/2/2011, dẫn theo AP, TTXVN (Bắc Kinh, Niu Yoóc 21/2/2011)
4 Tài liệu tập hợp của Bộ
Ngoại giao
5 Ví dụ, trong vấn đề Syria,
Trung Quốc đã đưa ra đề nghị 6 điểm cho việc giải quyết vấn đề xung đột ở đây
và ba lần cử đặc phái viên hay đại diện ngoại trưởng công du các nước trong
vùng.
6 China Moves Closer to Libyan Opposition, The New York Times, 22/6/2011, http://www.nytimes.com
7 Tài liệu tập hợp của Bộ
Ngoại giao
8 Biến động lớn ở Trung
Đông và chính sách Trung Đông của Trung Quốc”, Tạp chí Ngoại giao Trung Quốc, tháng 12/2012, tr. 1 (Tài liệu dịch
của Bộ Ngoại giao).
9 China says
suffers "large-scale" economic losses in Libya, Reuters, 24/2/2011
10 China Moves Closer to Libyan Opposition, The New
York Times, 22/6/2011
11 Hu Jintao Holds Talks with Egyptian President Morsi, Trang Web Bộ ngoại
giao Trung Quốc (bản tiếng Anh), 28/8/2012 http://www.fmprc.gov.cn
12 Wang Jinglie, Review
and Thoughts over the Relationship between China and the Middle East, Journal of Middle Eastern and Islamic
Studies, Vol 4, No 1, 2010, p. 27
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, số 12/2013
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, số 12/2013