Thứ ba, ngày 03 tháng 10 năm 2023
CHỌN NGÔN NGỮ:
Tình hình chính trị châu Phi năm 2012: những sự kiện nổi bật (Phần 1)
Ngày đăng: 31/07/2014

Phạm Kim Huế
Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông
 
Một năm đã trôi qua với bao sự kiện nổi bật trên thế giới, trong đó có châu Phi. Tình hình chính trị của châu Phi trong năm 2012 có những thay đổi như thế nào, đặc biệt là ở các nước Bắc Phi như Tunisia, Ai Cập, Libya? Tình hình các nước thuộc khu vực Trung Phi  - điểm nóng về xung đột, đảo chính và những căng thẳng sắc tộc liệu đã được giải quyết? Châu Phi năm 2012 đạt được những tiến bộ gì trong tiến trình dân chủ hoá? Tất cả những câu hỏi đó sẽ được lý giải phần nào trong bài viết sau đây.
1. Năm 2012 – năm bầu cử của châu Phi
Theo đánh giá của tác giả Zakaria, hãng CNN “Năm 2012 cũng sẽ có nhiều sự kiện khó đoán song có một điều chắc chắn đó là năm 2012 là năm của bầu cử2. Trên thực tế, trong 193 quốc gia trên thế giới thì có 59 quốc gia (chiếm 1/3 số nước) tiến hành bỏ phiếu ở cấp địa phương, bang hoặc quốc gia vào năm 2012. 26 nước trong số đó có thể chứng kiến sự thay đổi về mặt lãnh đạo. Chỉ riêng ở châu Phi, trong số 55 quốc gia có đến 1/3 quốc gia tiến hành bầu cử tổng thống, quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp... trong năm 2012.
Hơn thế nữa, lịch bầu cử ở châu Phi diễn ra dày đặc. Trong quý I năm 2012, các nước như Senegal, Guinea Bissau, Mali đã tiến hành bầu cử tổng thống, còn Gambia tiến hành bầu cử quốc hội. Hàng loạt các nước khác như Algeria, Ai Cập, Lesotho, Seychelles, Mali, Senegal, Libya, Guinea, Congo Brazzaville, Somali, Angola đã tiến hành bầu cử tổng thống và quốc hội vòng 1 và vòng 2 trong các tháng từ tháng 5 đến tháng 8. Những tháng cuối năm 2012 cũng đã chứng kiến các cuộc bầu cử và công tác chuẩn bị tổ chức bầu cử tổng thống và quốc hội ở nhiều nước châu Phi trong đó có Togo, Sierra Leone, Guinea Bissau, Burkina Faso, Ghana, Cameroo, Madagascar, Mauritania, Tunisia và Zimbabwe.
Có thể nói rằng chưa bao giờ như trong năm 2012 các quan sát viên và lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc (LHQ), Liên minh Châu Phi (AU), Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS), Cộng đồng Phát triển Nam Phi (SADC) và các tổ chức quốc tế khác lại bận rộn và tích cực giám sát chặt chẽ các cuộc bầu cử tại các nước châu Phi cũng như hỗ trợ và triển khai các biện pháp để gìn giữ trật tự và bảo đảm an ninh cho các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội tại các quốc gia này đến như vậy.
Những cuộc bầu cử diễn ra tại châu Phi năm 2012 có những sắc thái khác nhau: Thứ nhất, một số cuộc bầu cử tại châu Phi đã diễn ra trong không khí hòa bình. Ngày 29/3/2012, người dân Gambia bao gồm già trẻ,  phụ nữ và cả những người tàn tật đều đã tham gia bầu cử quốc hội lần thứ 4 của nước Cộng hoà Gambia – một quốc gia nhỏ bé ở châu Phi. Quá trình bầu cử đã diễn ra một cách trật tự và hoà bình với chiến thắng áp đảo 43/48 ghế trong quốc hội của đảng cầm quyền Gambia - Đảng Liên minh Xây dựng và Tái thiết Yêu nước (Alliance for Patriotic Reorientation and Construction – APRC). Kết quả của cuộc bầu cử quốc hội Gambia ngày 29/3/2012 đã phản ánh nguyện vọng đoàn kết của người dân Gambia về một quốc gia ổn định và phát triển.
Năm 2012 cũng chứng kiến sự thành công của cuộc bầu cử quốc hội ngày 10/5/2012 và cuộc bầu cử hội đồng nhân dân các cấp ngày 29/11/2012 tại Algeria. Theo công bố kết quả chính thức cuộc bầu cử quốc hội của Hội đồng Lập hiến Algeria ngày 15/5/2012 và theo Bộ Nội vụ Algeria, Đảng Mặt trận Giải phóng Dân tộc (FLN) cầm quyền của Tổng thống Abdelaziz Bouteflika  đã giành nhiều phiếu nhất với 221 ghế trên tổng số 462 ghế trong quốc hội khoá mới và giành được số phiếu gần như tuyệt đối tại 150 hội đồng nhân dân cấp xã với 7191/248913 ghế và đứng đầu trong 48 hội đồng nhân dân tỉnh với 685/2004 ghế. Tiếp theo là Đảng Tập hợp Quốc gia vì Dân chủ (RND) của Thủ tướng Ahmed Ouyahia với 70 ghế trong quốc hội và nắm giữ đa số trong 132 Hội đồng nhân dân xã với 5989 ghế và 487 ghế Hội đồng nhân dân tỉnh. Ngoài ra, Liên minh Algeria Xanh (AVA), gồm 3 đảng Hồi giáo đứng thứ 3 với 47 ghế trong quốc hội. Mặt trận các lực lượng xã hội (FFS), đảng đối lập lâu đời nhất tại Algeria, giành được 21 ghế trong quốc hội. Đảng Lao động giảm 3 ghế xuống còn 17 ghế. Đảng Thanh niên (PJ) mới thành lập có mặt tại Hạ viện với 2 ghế. Có thể nói rằng các cuộc bầu cử tại Algeria trong năm 2012 đều diễn ra một cách hoà bình, trật tự và minh bạch với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu bầu cử quốc hội là 43,14%, Hội đồng nhân dân xã là 44,27% và Hội đồng nhân dân tỉnh là 42,84%, cao hơn trong các cuộc bầu cử năm 2007. Thành công của các cuộc bầu cử năm 2012 ở Algeria đã chứng tỏ đường lối lãnh đạo dân chủ và đúng đắn của chính quyền Tổng thống Bouteflika tạo môi trường ổn định phát triển kinh tế của quốc gia Bắc Phi này.
Bên cạnh đó, hàng loạt các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống ở một số nước châu Phi khác cũng đã diễn ra một cách ôn hoà, tự do và minh bạch, chẳng hạn như cuộc bầu cử quốc hội ngày 27/4/2012 tại Lesotho – quốc gia nhỏ bé nằm trọn trong Nam Phi, hay cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội tại Angola vào ngày 31/8/2012 và Sierra Leone vào ngày 17/11/2012. Cụ thể, kết quả cuộc bầu cử quốc hội diễn ra ngày 31/8/2012 cho thấy đảng cầm quyền Phong trào nhân dân vì tự do của Angola (MPLA) đã giành được 75% số phiếu, đảm bảo cho Tổng thống Jose Eduardo dos Santos tiếp tục một nhiệm kỳ 5 năm nữa. Trong khi đó đảng đối lập lớn nhất là Liên đoàn vì sự độc lập hoàn toàn cho Angola (UNITA) chỉ giành được 18% số phiếu bầu và đảng mới thành lập Liên minh Bầu cử (Convergence Wide Salvation Angola – Coalition Election -CASA-CE) chỉ giành được 4%. Chiến thắng áp đảo của MPLA và Tổng thống Santos cho thấy sự tín nhiệm của người dân Angola vào sự lãnh đạo của Tổng thống Santos và đảng cầm quyền MPLA đã biến Angola từ một nước chìm trong nội chiến trước năm 2002 giờ trở thành nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai ở châu Phi với tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2011 đạt 7,5%.
Ngày 17/11/2012, khoảng 2,6 triệu cử tri Sierra Leone đã tham gia bầu cử tổng thống, quốc hội và chính quyền địa phương. Đây là cuộc bầu cử thứ ba ở quốc gia châu Phi này kể từ khi cuộc nội chiến kéo dài 11 năm chấm dứt vào năm 2002 và là lần đầu tiên các cuộc bầu cử tổng thống, quốc hội và chính quyền địa phương diễn ra đồng thời. Với 58,7% số phiếu ủng hộ, Tổng thống đương nhiệm Ernest Koroma - ứng cử viên Đảng đại hội toàn dân (APC) đã tái đắc cử, vượt xa đối thủ Julius Maada Bio - ứng cử viên Đảng Nhân dân Sierra Leone (SLPP) được 37,4% phiếu ủng hộ. Cuộc bầu cử đã diễn ra một cách hoà bình và minh bạch với tỷ lệ cử tri đi bầu khá cao. Có thể nói rằng cuộc bầu cử này cho thấy tiến bộ mà Sierra Leone đã đạt được trong việc củng cố và cải thiện nền dân chủ cũng như phát triển đất nước sau khi kết thúc cuộc nội chiến làm khoảng 120.000 người thiệt mạng (1991-2002).
Thứ hai, tự do dân chủ lần đầu tiên được thiết lập tại một số quốc gia châu Phi
Cuộc bầu cử Hội nghị quốc dân hay quốc hội ngày 7/7/2012 tại Libya được đánh giá là cuộc bầu cử tự do đầu tiên ở Libya để bầu ra quốc hội mới sẽ chịu trách nhiệm về việc thành lập một chính phủ lâm thời và soạn thảo một hiến pháp mới cho quốc gia Bắc Phi này sau hơn 40 năm dưới chế độ cầm quyền độc tài Gaddafi. Mặc dù đã xảy ra một số sự cố kỹ thuật và bạo lực ở vài điểm bỏ phiếu, song nhìn chung, vòng bỏ phiếu đã diễn ra yên bình và tốt đẹp với tỷ lệ cử tri đi bầu cử là 62%. Theo kết quả chính thức được công bố ngày 18/7/2012, Liên minh Các lực lượng dân tộc (NFA) do cựu Thủ tướng Mahmoud Jibril dẫn đầu đã đánh bại các đối thủ Hồi giáo trong cuộc bầu cử quốc hội tự do đầu tiên. NFA là liên minh theo đường lối tự do, tập hợp hàng chục đảng nhỏ, các tổ chức phi chính phủ, cá nhân và nhóm hoạt động khác, giành được 39 ghế. Đảng Công lý và Xây dựng (JC) của Tổ chức Anh em Hồi giáo chỉ đạt được 17 ghế. Số ghế còn lại trong 200 ghế của quốc hội mới thuộc về những đảng nhỏ và ít tiếng tăm hơn ở Libya. Kết quả này không chỉ cho thấy liên minh các đảng thế tục tạm thời chiếm ưu thế mà còn phản ánh xu hướng đối ngược của các cuộc bầu cử tự do gần đây trong thế giới Arab khi các đảng Hồi giáo luôn thống trị ở Ai Cập và Tunisia. Sự thành công của tiến trình bầu cử tại Libya là một thành quả khác thường, phản ánh tâm trạng tự hào của đại đa số người dân Libya đã được đi bầu cử tự do lần đầu sau gần nửa thế kỷ, đồng thời còn là “bước đầu thiết yếu cho tiến trình chuyển tiếp sang dân chủ của Libya diễn ra tốt đẹp hơn và vượt quá sự trông đợi của bất cứ ai trong cộng đồng quốc tế, và cả giới truyền thông quốc tế” (Theo nhận xét của ông Ian Martin – đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hiệp quốc tại Libya).
Tại Somalia, năm 2012 là thời khắc lịch sử quan trọng, bởi đất nước này đã thành công trong việc xây dựng một chính quyền trung ương ổn định và hiệu quả, buộc quân nổi dậy phải rút lui khỏi thủ đô, hoà bình đã trở lại với thành phố Kismayo và thủ đô Mogadishu – nơi đã phải chịu đựng cảnh bắt giết hàng ngày trong nhiều năm. Ngày 28/8/2012, Somalia đã thành công trong việc bầu quốc hội mới với tân Chủ tịch là ông Mohamed Osman Jawari – một chuyên gia luật, nguyên là Bộ trưởng trong chính phủ của cựu Tổng thống Said Barre. Việc ông Jawari được bầu làm chủ tịch quốc hội một cách minh bạch đã nhận được sự hoan nghênh từ các nhà lãnh đạo hàng đầu của Somalia cũng như các phe phái ở quốc gia này. Đây là chức vụ có tầm ảnh hưởng chính trị khá lớn ở Somalia – nơi luôn bị phân tán quyền lực giữa các phe phái kể từ khi chính phủ của Tổng thống Said Barre bị lật đổ năm 1991. Chỉ sau đó không lâu, ngày 10/9/2012, Somalia một lần nữa lại thành công trong việc bầu tổng thống mới một cách công bằng. Nhận được sự ủng hộ từ các nhà lập pháp, với 190 phiếu, ông Hassan Sheikh Mohamud –  một nhà hoạt động xã hội lâu năm và là nhà lãnh đạo của Đảng Hoà bình và Phát triển năm nay 56 tuổi, song lại là một nhân vật cón khá mới mẻ trên trường chính trị, đã giành một chiến thắng lớn trước đương kim Tổng thống Sheikh Sharif Sheikh Ahmed với chỉ 79 phiếu ủng hộ.  Việc ông Abdi Farah Shirdon được quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn làm tân thủ tướng Somalia ngày 17/10/2012 đã chứng tỏ  Somalia bước đầu thành công trong quá trình chuyển giao chính trị một cách hoà bình, dân chủ và thiết lập một chính phủ trung ương hiệu quả sau hai thập kỷ đất nước Somalia phải chứng kiến cuộc nội chiến triền miên, phá huỷ nền kinh tế và thể chế chính trị của đất nước, khiến hàng triệu người dân vô tội lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Hy vọng hoà bình và ổn định sẽ gia tăng dưới sự lãnh đạo của chính quyền mới Somalia, tạo nền tảng khôi phục đất nước.
Thứ ba, tỷ lệ nữ giới tham gia các hoạt động chính trị gia tăng.
Việc phụ nữ tham gia đi bỏ phiếu, tham gia công tác bầu cử, ứng cử trong các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống gia tăng là một tín hiệu vui trong bức tranh chính trị châu Phi năm 2012. Cụ thể, phụ nữ Gambia đã tích cực tham gia quá trình bầu cử quốc hội ở quốc gia này. Họ không chỉ là những cử tri nhiệt tình đi bỏ phiếu mà còn là những người tổ chức bầu cử có trách nhiệm. Tỷ lệ nữ cử tri tham gia bầu cử quốc hội ở Lesotho năm 2012 khoảng 237/1.044 người. Đối với phụ nữ Algeria và Libya, họ hầu như bị hạn chế, thậm chí bị cấm đoán tham gia các công tác xã hội chứ không nói gì đến việc tham gia tranh cử các vị trí lãnh đạo chính trị, song năm 2012 đã đánh dấu bước tiến bộ mới trong tiến trình thực hiện dân chủ ở đây khi nữ giới Algeria đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình bầu cử quốc hội với tư cách là cử tri, cán bộ bầu cử và cả ứng cử viên. Bên cạnh đó, năm 2012 đánh dấu bước ngoặt đối với phụ nữ Libya khi họ lần đầu tiên được tự do đi bầu cử và ứng cử. Tỷ lệ nữ nghị sỹ ở Libya là 16,5% trong năm vừa qua, thể hiện xu thế dân chủ gia tăng ở một đất nước Hồi giáo vốn khắt khe với phụ nữ.  
Somalia là đất nước có nữ ngoại trưởng đầu tiên trong lịch sử - đó là bà Fowsiya Yusuf Haji Adan. Ngoài ra, trong nội các mới gồm 10 thành viên của Thủ tướng Somalia Abdi Farah Shirdon còn có bà Maryan Qasim Admed là Bộ trưởng phụ trách các vấn đề xã hội và phát triển. Việc bổ nhiệm các nữ bộ trưởng chứng tỏ Somalia quyết tâm xây dựng một chính quyền thực sự cầu thị, đoàn kết và dân chủ để nỗ lực đảm bảo an ninh quốc gia, chấn hưng kinh tế và có chính sách đối ngoại cân bằng.
Thứ tư, một số cuộc bầu cử bị đình hoãn do xung đột chính trị và bạo lực.
Tại Mali, cuộc đảo chính tháng 3 năm 2012 khiến đất nước này rơi vào tình trạng bất ổn, không thể thực hiện các cuộc bầu cử tổng thống cũng như quốc hội vòng 1 và vòng 2, đồng thời tạo cơ hội để các lực lượng cực đoan nổi dậy, buộc Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) và cộng đồng quốc tế phải can thiệp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại quốc gia từng là một trong những nền dân chủ ổn định nhất Tây Phi cũng như đã ngăn chặn được các hoạt động khủng bố xuyên biên giới đe doạ hoà bình và an ninh khu vực và thế giới.
Mali rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng khi ngày 21/3/2012, nhóm binh sĩ tự xưng là Uỷ ban khôi phục dân chủ quốc gia (CNRDR) đã tiến hành đảo chính nhằm chống đối chính phủ của Tổng thống Amadou Toumani Toure bị bất lực khi giải quyết phong trào đòi độc lập của cộng đồng Tuareg ở miền Bắc nước này. CNRDR đã chiếm giữ đài truyền hình quốc gia và tấn công dinh tổng thống, bắt giữ một số bộ trưởng sau cuộc đọ súng. Sau đó, CNRDR cũng tuyên bố giải tán các thể chế nhà nước, đình chỉ hiến pháp và áp đặt lệnh giới nghiêm, đồng thời đóng cửa tất cả biên giới và cấm mọi chuyến bay đi và đến nước này. Vụ binh biến này xảy ra 1 tháng trước khi Tổng thống Toure dự kiến rút lui sau 2 nhiệm kỳ giữ chức và ngay lập tức bị Mỹ, Pháp, Liên minh Châu Âu, Liên minh Châu Phi, Tổ chức hợp tác Hồi giáo lên án và yêu cầu CNRDR phải khôi phục chính phủ được bầu của Tổng thống Toure. Tình trạng rối ren đã tạo cơ hội cho lực lượng phiến quân người Tuareg mở rộng kiểm soát các tỉnh sa mạc rộng lớn ở miền Bắc và tuyên bố ly khai, lập “Nhà nước Azaward” và áp đặt luật Hồi giáo Sharia. Phiến quân người Tuareg đã tiến hành hàng loạt các hành động dã man như cưỡng bức, hãm hiếp và ném đá đến chết, nghiêm trọng hơn là đã phá huỷ nhiều đền thờ cổ ở thành cổ Timbuktu vì bị tuyên bố là đã vi phạm luật Sharia và khuyến khích thờ hình tượng trong cộng đồng người Hồi giáo. Hơn thế nữa, tình trạng rối ren còn là cơ hội cho al-Qaeda và nhóm Hồi giáo AQIM cũng như các nhóm cực đoan khác lật đổ lực lượng Tuareg và thâm nhập vào miền Bắc Mali.
Tại Guinea Bissau, cuộc đảo chính đêm ngày 12/4/2012 cũng đã làm gián đoạn chiến dịch bầu cử tổng thống vòng hai dự kiến diễn ra vào ngày 29/4/2012. Các binh sĩ đã chiếm lĩnh các đường phố, cơ sở phát thanh, văn phòng chính phủ ở thủ đô và tấn công nhà của ứng viên tổng thống hàng đầu Carlos Gomes Jr – người của Đảng Châu Phi vì độc lập của Guinea và Cabo Verde (APIGCV) năm nay 60 tuổi và là người không được quân đội ủng hộ. Có thể nói rằng âm mưu của một vài phần tử trong quân đội đã chiếm đoạt quyền lực bằng vũ lực và phá hoại chế độ dân sự hợp pháp của Guinea Bissau, khiến quốc gia Tây Phi này lại rơi vào hỗn loạn như thời kỳ sau khi Guinea Bissau giành được độc lập năm 1974. Kể từ đó đến nay, quốc gia này luôn chìm trong các cuộc khủng hoảng chính trị với hàng loạt các cuộc đảo chính khiến chưa có một tổng thống nào trụ vững được một nhiệm kỳ 5 năm.
Không xảy ra đảo chính như Mali hay Guinea Bissau, nhưng bạo loạn, biểu tình phản đối chính phủ đã xảy ra ở nhiều nước châu Phi liên quan đến các cuộc bầu cử trong năm 2012. Đơn cử, ngày 13/6/2012, tại thủ đô Lome, Togo đã xảy ra xung đột giữa lực lượng an ninh và khoảng 20.000 người biểu tình phản đối kế hoạch thay đổi quốc hội và luật bầu cử mới được thông qua trước thềm cuộc bầu cử lập pháp ở nước này vào tháng 10/2012. Cuộc xung đột diễn ra 3 ngày đã khiến gần 119 người biểu tình và 22 nhân viên an ninh, cảnh sát của Togo bị thương và một số người thiệt mạng. Sự mất cân bằng song có lợi cho đảng cầm quyền của Tổng thống Faure Gnassingbe tại các khu vực bầu cử - người lên nắm quyền sau cuộc bầu cử nhiều tai tiếng vào năm 2005 và tiếp tục tái đắc cử trong cuộc bầu cử tháng 3/2010 bằng đảo chính, đã khiến những người ủng hộ phe đối lập giận dữ tiến hành biểu tình trên các đường phố chính của thủ đô Lome.
Các cuộc đụng độ và binh biến cũng liên tiếp xảy ra trước khi Burkina Faso tiến hành bầu cử quốc hội của nước này vào ngày 2/12/2012. Bởi vì các nhà lãnh đạo đối lập hy vọng cuộc bầu cử quốc hội lần này sẽ chấm dứt thế đa số tại quốc hội của Đảng Đại hội Dân chủ và Tiến bộ (CDP) -  đảng đã thống trị quốc gia Tây Phi này suốt 20 năm qua, và đồng thời qua đó ngăn cản Tổng thống Compaore và Đảng CDP sửa đổi hiến pháp nhằm cho phép ông tiếp tục ra tranh cử tại cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo vào năm 2015. Sự cố vị của Tổng thống Compaore trong suốt 20 năm qua tại Burkina Faso có thể nói rằng chính là nguyên nhân gây ra các vụ đụng độ và binh biến đó.


Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông tháng 1 năm 2013