Phạm Kim Huế
Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông
2. Xung đột, bất ổn vẫn diễn ra ở một số nước
châu Phi
Năm 2012, thế giới
lại chứng kiến âm mưu gây binh biến xảy ra tại Madagascar – quốc đảo nghèo khó
nằm ở Ấn Độ Dương, đã bị tàn phá bởi tình trạng rối ren chính trị trong hơn ba
năm qua kể từ sau vụ lật đổ Tổng thống Marc Ravalomanana, người hiện sống lưu
vong tại Nam Phi. Ngày 22/7/2012, một số binh sỹ nổi loạn đã bao vây một doanh
trại quân đội gần sân bay quốc tế ở thủ đô Antananarivo, khiến sân bay này phải
tạm đóng cửa và toàn bộ các chuyến bay tới sân bay này đã bị hoãn lại. Đọ súng
đã xảy ra giữa các lực lượng vũ trang của chính phủ và các binh sỹ nổi loại
khiến ít nhất 3 binh sỹ bị bắn chết, trong đó có kẻ cầm đầu nổi loạn – hạ sỹ
Koto Maisy và 4 binh sỹ khác bị thương. Vụ việc này cho thấy sự mệt mỏi của
người dân Madagascar vì những xung khắc kéo dài giữa các giới lãnh đạo cũng như
trong nội bộ chính trị trong khi quốc đảo này đang gặp khủng hoảng xã hội kinh
tế trầm trọng. Chỉ khi nào Madagascar ổn định chính trị xã hội thì khi đó quốc
gia này mới tìm được con đường phát triển bền vững.
Tình trạng bất ổn gia
tăng tại Cộng hoà dân chủ Congo khi quân nổi dậy M-23 chiếm quyền kiểm soát một
loạt các thị trấn ở miền đông của nước này trong vòng chưa đầy một tháng (tháng
7/2012). Giao tranh ác liệt đã xảy ra giữa lực lượng chính phủ được sự ủng hộ
của Liên hợp quốc và phiến quân M-23 tại một số nơi của quốc gia này như thành
phố Goma – thủ phủ của tỉnh North Kivu, đã khiến 113 phiến quân thiệt mạng. Có
thể nói rằng bạo động liên tiếp xảy ra ở Cộng hoà dân chủ Congo không chỉ phản
ánh tình trạng bất ổn của quốc gia này mà còn cho thấy năng lực yếu kém của bộ
máy lãnh đạo chính quyền - nước sản xuất đồng lớn thứ hai ở châu Phi, nhưng lại
ở vị trí cuối cùng trong xếp hạng chỉ số phát triển của Liên hợp quốc với phần
lớn dân số sống trong cảnh nghèo đói do hàng thập kỷ xung đột và tham nhũng.
Nigeria trong năm
2012 đã phải trải qua hàng loạt các cuộc bạo loạn như đánh bom tự sát, nổ xe
chở xăng làm 92 người chết và các vụ tấn công vào những nhà thờ tại miền Trung
và Bắc Nigeria. Đặc biệt nhất là vụ đánh
bom và xả súng vào đám đông những người đang tiến hành cầu nguyện trong nhà thờ
tại khu vực miền Trung Nigeria sáng ngày 7/8/2012 của nhóm phiến quân Hồi giáo
Boko Harama mà thủ lĩnh của nhóm là Abubakar Shekau cùng hai đối tượng người
Nigeria khác là Abubakar Adam Kambar và Khalid al-Barnawi, được coi là “những
phần tử khủng bố toàn cầu”. Tình trạng khủng bố, bạo loạn gia tăng trong năm
2012 tại Nigeria đã khiến quốc gia này mặc dù là nước có trữ lượng dầu mỏ lớn
nhất châu Phi, song không thể ổn định để phát triển kinh tế.
3. Tiến trình dân chủ hoá ở Ai Cập gặp trở
ngại
Nếu những ai quan tâm
đến Ai Cập đều không thể không dõi theo những diễn biến chính trị xảy ra trong
năm 2012 tại đây. Ngày 23/5/2012, người dân Ai Cập đã vui mừng tham gia bầu
tổng thống tự do đầu tiên kể từ khi ông Hosni Mubarak bị lập đổ trong cuộc nổi
dậy Mùa xuân Arab. Đây là thời điểm thực sự quan trọng để người Ai Cập thực
hiện thay đổi. Hay nói cách khác, cuộc bầu cử này được xem là cột mốc đối với
người Ai Cập khi họ có cơ hội tự chọn nhà lãnh đạo của mình. Song vòng 1 cuộc
bầu cử tổng thống tại Ai Cập đã khép lại, đất nước Kim tự tháp lại bước vào một
cuộc chiến mới giữa hai ứng cử viên hàng đầu, ông Mohamed Morsi thuộc Tổ chức Anh
em Hồi giáo và ông Ahmed Shafiq, Thủ tướng cuối cùng trong chính quyền Mubarak.
Cuộc bầu cử tổng thống lần này mang ý nghĩa đặc biệt, bởi đây được xem là ”phép
thử” đối với Ai Cập. Thành công của tân Tổng thống sẽ phụ thuộc vào việc làm thế
nào ông ta đặt nền tảng cho một nước cộng hòa mới. Đây thực sự là một nhiệm vụ
không dễ dàng bởi vì hơn một năm qua, kể từ sau cơn bão biểu tình lật đổ Tổng
thống Mubarak, Ai Cập vẫn chưa vượt qua được những khó khăn về kinh tế (nguồn
thu từ du lịch bị giảm 1/3, đầu tư nước ngoài giảm sút chỉ còn 500 triệu
USD/2011 so với 6,4 tỷ USD/2010), chưa xây dựng được một nền tảng chính trị dân
chủ - vốn được coi là nguyên nhân quan trọng dẫn tới những xáo trộn lớn về xã hội
của quốc gia này.
Trên thực tế, cuộc đối đầu giữa
quân đội và Tổ chức Anh em Hồi giáo tại Ai Cập ngày càng trở nên căng thẳng. Liên tiếp trong 2 ngày 15 và
17/6/2012, Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập đã ra quyết định giải
tán quốc hội do Tổ chức Anh em Hồi giáo chiếm đa số; ra tuyên bố Hiến pháp về
việc hạn chế quyền lực của Tổng thống tương lai, đồng thời tăng cường quyền lực
của Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang, trong đó có quyền lập pháp và
quyền quyết định chiến tranh.
Với ảnh
hưởng của mình tại quốc gia có tới 80% dân số là tín đồ Hồi giáo, Tổ chức Anh
em Hồi giáo tại Ai Cập đã có những phản kháng lại với các quyết định của Hội
đồng tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập, nhất là khi họ nhận được sự ủng hộ
lớn ở cả trong và ngoài nước. Trên thực tế, ngày 18/6/2012, tổ chức này đã đưa
ra lời kêu gọi phát động chiến dịch biểu tình với hàng triệu người tham gia
nhằm phản đối tuyên bố Hiến pháp của Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang.
Còn trong tuyên bố ngày 15/6/2012, ứng cử viên tổng thống là ông Morsi đã lên
tiếng cảnh báo về nguy cơ bùng phát một cuộc cách mạng mới tại Ai Cập.
Những
căng thẳng liên quan đến xung đột quyền lực giữa quân đội và Tổ chức Anh em Hồi
giáo đã phần nào lắng dịu khi ứng cử viên Mohamed Morsi giành chiến thắng với 51,5% phiếu bầu và trở thành Tổng thống Ai Cập sau cuộc bầu tổng thống
vòng hai tại nước này. Tuy nhiên, so với cuộc bầu cử tổng thống vòng một thì cuộc
bầu cử vòng hai lần này không được người dân Ai Cập hào hứng, vì tỷ lệ cử tri
đi bầu quá thấp, chỉ có 35%. Đáng lẽ cuộc bầu cử tổng thống lần này là cơ hội
chấm dứt cuộc tranh giành giữa Tổ chức Anh em Hồi giáo và quân đội Ai Cập, thế
nhưng ngược lại, nó lại khiến tình hình thêm căng thẳng, đẩy đất nước đi từ bế
tắc chính trị này đến ngõ cụt chính trị khác. Tờ Libération nhận xét “chiến thắng
của ông Morsi mang dư vị thất bại, cuộc cách mạng mà những người xuống đường hô
hào từ năm ngoái dường như đang có nguy cơ sụp đổ hơn bao giờ hết”4.
Những ngày cuối năm 2012, thế giới lại chứng kiến những
vụ biểu tình bạo loạn bùng phát tại Ai Cập chỉ không lâu sau khi ông Mohamed
Morsi nhậm chức tổng thống Ai Cập. Hàng chục nghìn người đã tập trung bên ngoài
dinh tổng thống, tại quảng trường Tahrir và thành phố Alexandria – thành phố lớn
thứ hai tại Ai Cập sau Cairo để phản đối hiến pháp mới được soạn thảo quá gấp
rút và không bảo vệ quyền lợi của các nhóm thiểu số, đặc biệt là
phụ nữ và việc tổng thống tự cho mình thêm quyền lực. Đụng độ đã xảy ra giữa
những người biểu tình và cảnh sách ở thủ đô Cairo khiến nhiều người bị thương.
Thông qua nghị định ngày 22/11/2012, Tổng thống Mohammed Morsi đã tự trao cho mình thêm
nhiều quyền lực và đồng thời tước bỏ một số quyền của luật pháp có thể
thách thức đến các quyết định của ông. Điều này đã khiến hàng nghìn người
kể cả những người từng ủng hộ ông xuống đường biểu tình phản đối. Những người
phản đối vẫy cờ và lên án Tổng thống Mursi cùng Tổ chức Anh em Hồi
giáo của ông là: ‘phản bội cuộc cách mạng năm ngoái’, "Chúng tôi không muốn lại có một chế độ
độc tài. Chính quyền Mubarak là độc tài. Chúng tôi đã có một cuộc
cách mạng để lấy lại công lý và tự do."
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Ai Cập ngày càng
diễn biến nguy hiểm khi Tòa án Hiến pháp tối cao nước này quyết định ngừng hoạt
động vô thời hạn sau khi
trụ sở cơ quan này bị hàng ngàn người biểu tình phong tỏa ngay trước thời điểm
dự định đưa ra một phán quyết quan trọng. Các thẩm phán đã không thể
vào được tòa án khi bị đám đông biểu tình ngăn cản. Những người
biểu tình ủng hộ xu hướng Hồi giáo hóa còn yêu cầu giải tán Tòa án Hiến
pháp và đòi thiết lập nhà nước Hồi giáo với luật Sharia làm nòng cốt, đồng thời
chỉ trích các đảng phái đối lập kích động gây chia rẽ chính quyền với ngành tư
pháp. Động thái này
được xem là sự leo thang căng thẳng trong cuộc khủng hoảng hiện nay
tại Ai Cập, khi hệ thống tư pháp ngày càng công khai đối đầu với Tổng
thống Mohamed Morsi, người đã ban bố Tuyên bố Hiến pháp đầy tranh cãi.
Hơn thế nữa, động thái có thể đẩy Ai Cập rơi trở lại vòng xoáy
khủng hoảng như cách đây hai năm.
Có thể nói rằng tiến trình dân chủ hoá ở Ai Cập gặp nhiều
trở ngại khi xung đột quyền lực gia tăng, quyền lợi của người dân không được
đặt lên hàng đầu. Tương lai chính trị tại quốc gia một thời được coi là đầu tàu
của thế giới Arab vẫn rất mịt mù, bất định.
4. Kết luận
Nhìn lại
bức tranh chính trị châu Phi năm 2012, ta thấy đan xen những sắc mầu khác nhau.
Ở một số nước sự ổn định chính trị tiếp tục được duy trì. Để có được sự thành
công đó là vì các nước này đã tiến hành bầu cử một cách hoà bình, dân chủ và
minh bạch. Bên cạnh đó, sự tham gia tích cực của nữ giới trong các cuộc bầu cử
với tư cách là cử tri hay ứng cử viên hay cán bộ bầu cử đã góp một phần tạo nên
những thành công này. Hơn thế nữa, sự chuyển giao quyền lực tại các quốc gia đó
không chỉ nhận được sự ủng hộ của đại đa số người dân mà còn của các đảng phái
đối lập. Chính sự đoàn kết đã tạo nên sức mạnh giúp họ đạt được những tiến bộ
trong quá trình thực hiện dân chủ hoá, dần dần ổn định chính trị - xã hội, tạo
nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế.
Trái
lại, tại các nước đang lâm vào bất ổn chính trị như Mali, Guinea Bissau, Togo,
Burkina Faso, Madagascar, Cộng hoà dân chủ Congo, Nigeria và một số nước khác,
đã không thể tiến hành các cuộc bầu cử, phải đình hoãn nhiều lần bởi do đảo
chính, biểu tình và bạo loạn. Sự chia rẽ giữa các giới chính trị, sự tham quyền
cố vị của tổng thống đương chức đã nhiều tuổi và nhiều năm cầm quyền, xung đột
sắc tộc, tôn giáo vẫn là căn bệnh thường trực đối với một số nước châu Phi.
Trong năm 2012, những vấn đề đó tại các nước này vẫn chưa được giải quyết mà có
chiều hướng gia, tăng châm ngòi bùng phát các cuộc biểu tình, bạo loạn khiến
các quốc gia này rơi vào tình trạng bất ổn, khó có thể thực hiện được các Mục
tiêu Thiên niên kỷ (MDGs) theo đúng lộ trình đến năm 2015.
Con
đường tiến tới dân chủ của các quốc gia châu Phi vẫn gặp đầy trở ngại. Ai Cập
là một trường hợp điển hình. Trong năm 2012, người dân Ai Cập chỉ vừa mới được
hưởng bầu không khí dân chủ khi lần đầu tiên được lựa chọn người lãnh đạo đất
nước qua cuộc bầu cử tổng thống vòng 1 vào tháng 5/2012. Nhưng ngay sau đó, bầu
không khí dân chủ đã bị bao phủ bóng đen bởi cuộc tranh giành quyền lực tổng
thống giữa ứng cử viên của Tổ chức Anh em Hồi giáo và ứng cử viên quân đội. Sự
thay đổi hiến pháp và tự trao thêm quyền lực của tân Tổng thống Morsi dường như
làm tổn hại đến thành quả cách mạng Mùa xuân Arab của người Ai Cập, đẩy đất
nước Kim tự tháp rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị mới, khiến tiến trình dân
chủ hoá của Ai Cập dậm chân tại chỗ, khó có khả năng thực hiện như mong muốn
của nhiều người dân Ai Cập.
Chú thích:
1 Nguồn: http://danviet.vn
4
http://www.viet.rfi.fr/...../20120619-ai-cap-quan-doi-bi-c...
Tài liệu tham khảo
1. Cơ quan Hỗ trợ bầu cử của Liên minh
Châu Phi, Các báo cáo của Văn phòng giám sát Liên minh Châu Phi
2. African Elections Database, http://www.africanelections.tripod.com
4. Các tin trên báo Thông
tấn xã Việt Nam
5. Mo Ibrahim 2012 Index of African Governance Report, http://www.vanguardngr.com
6. http://www.economist.com/news/africa
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông tháng 1 năm 2013
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông tháng 1 năm 2013