Thứ sáu, ngày 08 tháng 12 năm 2023
CHỌN NGÔN NGỮ:
Tổng quan về đất nước và con người Angola (Phần 1)
Ngày đăng: 31/07/2014

Trần Anh Đức

Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông


Angola là một trong những đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam tại châu Phi. Sau 27 năm chìm trong nội chiến (1975-2002), Angola đã có những bước phát triển cả về kinh tế và xã hội trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI. Tuy đạt được những thành công nhất định trong tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, quốc gia vùng Tây Nam Phi này vẫn phải đương đầu với nhiều thách thức. Trên phương diện kinh tế, giảm bớt sự phụ thuộc vào khu vực dầu khí và khai khoáng, đa dạng hóa kinh tế, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân là những yêu cầu cấp thiết để tạo ra sự tăng trưởng bền vững cho kinh tế Angola trong tương lai. Về mặt xã hội, nghèo đói bất bình đẳng, dịch bệnh tràn lan, hệ thống giáo dục yếu kém là những rào cản lớn đối với sự phát triển của Angola. Bài viết đi sâu nghiên cứu về đất nước Angola, nêu bật tiềm năng và lợi thế phát triển và những thách thức mà Angola đang phải đối diện.

 

1. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên

 

Về vị trí địa lý, cộng hòa Angola là quốc gia nằm ở khu vực Tây Nam châu Phi, bên bờ Đại Tây Dương. Diện tích lãnh thổ của Angola là 1.246.700 km2, xếp hạng 23 thế giới và đứng thứ 7 tại châu Phi1. Angola có đường biên giới dài (khoảng 5.188 km), chung đường biên giới với các quốc gia như Cộng hòa dân chủ Congo (2.511 km) và Cộng hòa Congo (201 km) ở phía Bắc, Zambia (1.100 km) ở phía Đông, Namibia (1.376 km) ở phía Nam. Ở phía Tây Angola có đường bờ biển dài 1.650 km. Do đặc thù lịch sử, tỉnh Cabinda của Angola nằm ngoài lãnh thổ quốc gia, có đường biên giới với Cộng hòa dân chủ Congo và Cộng hòa Congo.

 

Về điều kiện tự nhiên, Angola là quốc gia có khí hậu nóng ẩm đặc trưng với 2 mùa rõ rệt, mùa mưa bắt đầu từ tháng 10 và mùa khô bắt đầu từ tháng 4 hàng năm. Điều kiện khí hậu chia Angola thành 2 vùng: nhiệt đới ẩm (phía Bắc) và nhiệt đới sa mạc (phía Nam). Nhiệt độ trung bình cao nhất khoảng 24-26ºC và thấp nhất khoảng 14-16ºC. Do có lãnh thổ trải dài nên nhiệt độ giữa các vùng của Angola cũng có sự khác biệt. Nhiệt độ có xu hướng giảm dần từ bắc xuống nam. Khu vực ven biển Đại Tây Dương, khí hậu có xu hướng ấm hơn vùng lãnh thổ ở sâu trong lục địa. Cụ thể, ở Soyo, gần khu vực cửa sông Congo, nhiệt độ trung bình năm là 26oC, trong khi vùng Huambo ở cao nguyên trung tâm lại có khí hậu ôn đới với nhiệt độ trung bình năm ở mức thấp dưới 16oC. Nhiệt độ lạnh nhất thường xảy ra vào giữa mùa khô (từ tháng 7 đến tháng 8 hàng năm). 

 

Miền Bắc Angola nằm trong vùng nhiệt đới ẩm với 2 mùa được phân chia rõ rệt. Miền Nam và khu vực duyên hải kéo dài đến thủ đô Luanda có khí hậu nhiệt đới sa mạc bán khô cằn tương đối khắc nghiệt. Ở miền Bắc, mùa mưa thường kết thúc vào tháng 4 nhưng có thể kéo dài một vài tháng sau đó (thậm chí đến tháng 7), xen kẽ với một khoảng thời gian tương đối khô ráo, ít mưa trong tháng 1 và tháng 2. Ở miền Nam, mùa mưa bắt đầu muộn và kết thúc sớm hơn, thường từ tháng 11 đến tháng 2 hàng năm2. Lượng mưa ở Angola phân bố không đều giữa các vùng. Angola có mưa nhiều ở phía Bắc và ở các vĩ độ cao, lượng mưa giảm dần ở các vùng ven biển; Cụ thể, vùng đồng bằng có lượng mưa trung bình khoảng 374mm/năm; khu vực cao nguyên có lượng mưa trung bình khoảng 1.000 – 1.800 mm/năm; vùng duyên hải khô và ít mưa hơn với lượng mưa trung bình 200 - 500mm/năm ở phía Bắc 50 - 100 mm/năm ở phía Nam3.

 

Địa hình của Angola đặc trưng với đồng bằng hẹp ở ven biển và các cao nguyên rộng lớn ở sâu bên trong lãnh thổ, độ cao tăng dần khi tiến sâu vào lục địa. Địa hình Angola được chia làm 3 khu vực chính:

 

- Vùng đồng bằng ven biển: là các đồng bằng thấp, chiếm diện tích không đáng kể so với toàn bộ lãnh thổ.

 

- Vùng đồi và núi: có độ cao tăng dần từ bờ biển vào trong nội địa, độ cao trung bình của khu vực này là trên 1.000m.

 

- Vùng đồng bằng cao: hay còn được gọi là cao nguyên, kéo dài từ các vách đá của vùng đồi núi về phía Đông, là khu vực có tổng diện tích lớn nhất.

 

Hệ thống sông ngòi của Angola tương đối phức tạp. Đa số các con sông bắt nguồn từ trung tâm Angola nhưng lại chảy theo nhiều hướng khác nhau. Một số sông đổ ra Đại Tây Dương, góp phần cung cấp nước cho vùng duyên hải khô cằn và tạo ra tiềm năng thủy điện lớn. Hai con sông lớn và quan trọng nhất của Angola là sông Cuanza và sông Cunene. Sông Cuanza là con sông duy nhất chảy hoàn toàn trong lãnh thổ Angola, với độ dài trên 200km, có tầm quan trọng cả về thương mại và quân sự. Phía Nam là các dòng sông chảy vào sông Zambezi, sau đó chảy ra Ấn Độ Dương; một số sông khác chảy vào sông Okavango sau đó đổ vào đầm lầy Okavango ở Botswana4. So với nhiều quốc gia trong khu vực, nguồn tài nguyên nước của Angola tương đối dồi dào, là điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.

 

Bên cạnh một số điều kiện thuận lợi, Angola cũng gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển nông nghiệp. Mặc dù phần lớn địa hình cao nguyên bằng phẳng nhưng do khí hậu tương đối khô nên chỉ có khu vực phía Bắc với khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều là có thể phát triển trồng trọt. Theo thống kê, diện tích đất trồng trọt của Angola chỉ chiếm 3,3% lãnh thổ5.

 

2. Lịch sử hình thành

 

Lịch sử Angola trải qua 3 thời kỳ chính, đó là: thời kỳ trước khi bị Bồ Đào Nha đô hộ, thời kỳ đô hộ của Bồ Đào Nhà, thời kỳ chiến tranh giành độc lập và nội chiến.

 

2.1. Thời kỳ trước thuộc địa:

 

Angola trải qua một thời kỳ lịch sử lâu dài trước khi bị thôn tính và trở thành thuộc địa của Bồ Đảo Nha. Tuy nhiên, hầu hết tài liệu lịch sử về thời kỳ này đã bị các cuộc chiến tranh tiêu hủy. Bên cạnh đó, người Bồ Đảo Nha cũng không nghiên cứu, ghi chép và bảo quản kỹ lưỡng các nội dung về văn hóa, lịch sử các quốc gia thuộc địa như các học giả người Đức, Pháp hay Anh. Người Bồ Đào Nha tập trung ghi chép lịch sử của họ ở Angola hơn là lịch sử người bản địa6. Do vậy, tài liệu lịch sử về Angola trước khi trở thành thuộc địa của Bồ Đào Nha là rất ít.

 

Tuy nhiên, theo những thông tin còn sót lại, Angola được xem là một trong những vùng đầu tiên có sự sống của loài người trên trái đất. Nhóm người bản địa, người Khoisan, là nhóm người đầu tiên xuất hiện tại Angola. Tuy nhiên, trong quá trình lịch sử, họ dần đánh mất ưu thế và bị dồn xuống phía Nam châu Phi do sự xuất hiện của các nhóm cư dân Bantu. Người Bantu thuộc chủng người Negroid, giỏi săn bắn, hái lượm và làm nông nghiệp đã di cư từ vùng rừng núi7 xuống phía Nam. Về số phận của người Khoisan, hiện vẫn có 2 luồng quan điểm: một số cho rằng họ bị đồng hóa một cách hòa bình và hòa nhập với người Bantu; một số khác cho rằng với bản chất thụ động, người Khoisan đã bỏ đi khỏi các vùng đất cũ và di chuyển xuống phía Nam.

 

Người Bantu định cư ở Angola trong thế kỷ XIII - XVI và hình thành một số vương quốc trong khu vực. Hình thành sớm và có vai trò quan trọng nhất là Vương quốc Kongo8. Các vương quốc khác là Ndongo nằm ở phía Nam của Kongo; Matamba, Kasanje, và Luandana ở phía Đông của Ndongo; Bié, Bailundu và Ciyaka nằm trên cao nguyên Benguela và Vương quốc Kwanhama ở giữa biên giới Namibia và Angola ngày nay. Vương quốc Chokwe dù không có một chính quyền trung ương mạnh nhưng cũng đã hình thành những trung tâm kinh tế và văn hóa.

 

Vua của các vương quốc có thể không trực tiếp cai quản người dân và đất đai ở từng địa phương nhưng được người dân hết sức coi trọng; Vua được cống nạp và được nhân dân tin rằng mang sức mạnh và uy quyền của thần thánh. Các vương quốc cổ ở châu Phi có xu hướng mở rộng vào bên trong nội địa. Đến trước khi có sự xuất hiện của người châu Âu, người dân ở đây vẫn xem biển cả là một rào cản đối với sự thông thương. Biển cung cấp muối và vỏ một số loài vật có thể được sử dụng như một loại tiền tệ. Tuy nhiên, với người bản địa lúc đó, khu vực nội địa vẫn hứa hẹn một cuộc sống tốt hơn với các hoạt động săn bắn, trồng trọt, khai mỏ và thương mại.

 

2.2. Thời kỳ thuộc địa

 

Thời kỳ cai trị của các vị vua bắt đầu lung lay khi những người châu Âu đầu tiên đặt chân đến vùng đất này. Vùng đất Angola ngày nay được người Bồ Đào Nha tìm ra vào năm 1483. Nhà thám hiểm Bồ Đào Nha, Paulo Dias de Novai, đã tìm ra Luanda vào năm 1575 và gọi thành phố này là "São Paulo de Loanda". Người Bồ Đào Nha đã thành lập các khu định cư và thương cảng dọc theo bờ biển Angola ngày nay, thực hiện các hoạt động trao đổi nô lệ, buôn bán nguyên liệu thô và trao đổi hàng hóa.

 

Người Bồ Đào Nha dần nắm quyền kiểm soát dải đất ven biển trong thế kỷ XVI thông qua một loạt hiệp ước và các cuộc xâm chiếm, qua đó hình thành nên hệ thống thuộc địa của Bồ Đào Nha ở Angola. Người Hà Lan chiếm đóng Luanda trong giai đoạn 1641-1648. Năm 1648, Bồ Đào Nha tái chiếm Luanda và mở thêm một loạt các cuộc chiến nhằm giành lại những vùng lãnh thổ đã mất. Sau một loạt các cuộc chinh phục, Angola chính thức trở thành thuộc địa của Bồ Đào Nha vào năm 1655.

 

Sau khi mất quyền cai trị Brazil năm 1822, Bồ Đào Nha đẩy mạnh các cuộc thám hiểm và chinh phục vào sâu bên trong lãnh thổ của Angola. Họ gây chiến với người Ovimbundu (1890-1904) và người Ludas (1894-1926). Quá trình củng cố và phát triển thuộc địa được đẩy mạnh sau Hội nghị Berlin năm 1885. Bồ Đào Nha đẩy mạnh hoạt động khai mỏ, xây dựng đường sắt và nông nghiệp dựa trên hệ thống lao động bắt buộc. Chính phủ Bồ Đào Nha hoàn toàn kiểm soát hành chính vùng nội địa và coi Angola như một tỉnh hải ngoại của Bồ Đào Nha. Tính đến năm 1950, Angola đã nằm dưới sự cai trị của Bồ Đào Nha trong gần 500 năm.

 

2.3. Thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc và nội chiến

 

Cuộc chiến giành độc lập của người Angola bắt đầu với sự hình thành của 3 phong trào giải phóng:

 

- Phong trào Nhân dân Giải phóng Angola (sau này là Đảng MPLA), thành lập tháng 1/1956, được dẫn dắt bởi Agostinho Neto. Lực lượng chủ yếu của phong trào này là cộng đồng người Kimbundu và giới tri thức Luanda; Phong trào này có liên hệ với các đảng cộng sản ở Bồ Đào Nha và các nước Đông Âu.

 

- Phong trào Mặt trận Dân tộc Giải phóng Angola (sau này là đảng FLNA), thành lập năm 1954 bởi Holden Roberto, với lực lượng chủ yếu là cộng đồng thiểu số Bakongo ở phía Bắc. Phong trào này được sự hỗ trợ của Mỹ và Cộng hòa Dân chủ Congo

 

- Phong trào Liên minh Dân tộc vì độc lập hoàn toàn của Angola (sau này là đảng UNITA), thành lập tháng 3 năm 1966 bởi Jonas Savimbi, lực lượng chủ yếu là cộng đồng người Ovimbundu, có liên hệ với Trung Quốc và chủ nghĩa Apartheid ở Nam Phi.

 

Trong những năm đầu thập kỷ 60 thế kỷ XX, các phong trào này cùng chiến đấu chống lại Bồ Đào Nha. Phong trào đấu tranh diễn ra ác liệt và kết thúc khi Bồ Đào Nha xảy ra đảo chính quân sự tại Lisbon. Ngay sau đó, Bồ Đào Nha thỏa thuận ngừng chiến và chuyển giao quyền lực cho liên minh của 3 phong trào theo Hiệp ước Alvor9. Tuy nhiên, khác biệt hệ tư tưởng đã dẫn đến mâu thuẫn giữa 3 phong trào. FNLA và UNITA, với sự hỗ trợ của các thế lực bên ngoài, đã cố tấn công MPLA để giành quyền kiểm soát Luanda. Angola nhanh chóng trở thành chiến trường giao tranh của một số quốc gia trên thế giới. Tháng 9/1975, Nam Phi đưa quân vào giúp UNITA. Tháng 11 năm 1975, quân đội Cuba đặt chân đến Angola để tiếp viện cho MPLA.

 

Giành được quyền kiểm soát Luanda, vùng duyên hải và các vùng dầu mỏ ở Cabinda, MPLA đơn phương tuyên bố độc lập vào tháng 11 năm 1975. Agostinho Neto trở thành tổng thống đầu tiên của Angola. Chính quyền MPLA được Liên hợp quốc (UN) công nhận năm 1976. Trong khi đó, UNITA và FNLA thành lập một liên minh chống chính phủ với căn cứ ở tỉnh Huambo. Năm 1979, Agostinho Neto qua đời vì bệnh ung thư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch lúc đó là José Eduardo dos Santos tiếp quản chức tổng thống.

 

Sau năm 1979, những thất bại liên tiếp khiến nội bộ FNLA chia rẽ và không còn duy trì được sự ủng hộ của các thế lực bên ngoài nữa. Ảnh hưởng của phong trào này suy yếu và nội chiến gần như chỉ tiếp tục giữa MPLA và UNITA. Trong thời gian này, UNITA được Mỹ hỗ trợ trên nhiều mặt. Nam Phi vẫn tiếp tục hoạt động hỗ trợ quân sự cho UNITA trong khi hàng chục nghìn lính Cuba vẫn ở lại Angola để giúp MPLA. Những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX, do tác động của hoà hoãn Xô-Mỹ, cuộc xung đột ở Tây Nam Phi đi vào giải pháp chính trị. Ngày 22/12/88, Mỹ, Nam Phi, Cuba và Angola ký kết Hiệp định Hoà bình về Tây Nam Phi, buộc Nam Phi rút quân khỏi Nam Angola, trao trả độc lập cho Namibia và rút toàn bộ quân tình nguyện Cuba khỏi Angola. UNITA và MPLA thỏa thuận ngừng bắn.

 

Tháng 5 năm 1991, Dos Santos và Savimbi gặp nhau ở Lisbon để ký hiệp định Bicesse10. Tuy nhiên, khi cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên kết thúc với thắng lợi của Dos Santos, Savimbi và UNITA bắt đầu tái khởi động cuộc nội chiến.

 

Tháng 10 năm 1994, Tổng thư ký Eugenio Manuvakola của UNITA và Bộ trưởng Ngoại giao Venancio de Moura của MPLA gặp nhau ở Lusaka (Zambia) để ký thỏa thuận ngừng bắn và giải tán quân đội UNITA. Tuy nhiên, cũng như các hiệp ước trước đó, do thiếu tin tưởng lẫn nhau và thiếu sự giám sát của quốc tế, Hiệp ước Lusaka cũng không thành công như mong đợi. Năm 1999, quân đội MPLA mở cuộc tấn công trên diện rộng nhằm vào UNITA và giành lại được nhiều thành phố lớn. Nội chiến dai dẳng tại Angola kéo dài đến khi thủ lĩnh của UNITA Jonas Savimbi bị tiêu diệt trong chiến dịch quân sự của quân đội chính phủ đầu năm 2002 tại các tỉnh phía Đông. Theo thống kê của chính phủ, nội chiến đã lấy đi sinh mạng của hơn 1,5 triệu người Angola và làm 4 triệu người khác phải di tản. Các bãi mìn để lại sau nội chiến cho đến nay vẫn chưa được phá hủy hết. Nội chiến đã phá hoại gần như hoàn toàn các cơ sở hạ tầng và đẩy Angola vào trình trạng kém phát triển trong những năm đầu thế kỷ XXI.

 

3. Đặc điểm chính trị

 

Hiện nay, Angola đi theo chế độ Cộng hòa Tổng thống.Tổng thống hiện nay của Angola là José Eduardo dos Santos.Theo Hiến pháp năm 2010, tổng thống có nhiệm kỳ 5 năm và được giữ chức vụ này tối đa 2 nhiệm kỳ. Hiến pháp 2010 của Angola quy định thực hiện chế độ bán tổng thống, trong đó tổng thống là người đứng đầu nhà nước, đứng đầu bộ máy hành pháp và cũng là tổng chỉ huy lực lượng quân đội. Chức thủ tướng bị xóa bỏ và thay vào đó là một Phó tổng thống. Hệ thống hành pháp, lập pháp và tư pháp của Angola hoạt động trên danh nghĩa độc lập nhưng mọi quyền hành hầu như đều tập trung trong tay tổng thống và nhánh hành pháp.

 

Đứng đầu nhánh hành pháp là Tổng thống. Theo quy định của Hiến pháp Angola, tổng thống có quyền lực tối cao. Phó tổng thống và Hội đồng Bộ trưởng có nhiệm vụ giúp việc cho tổng thống. Phó tổng thống của Angola, hiện nay là Manuel Vicente, có trách nhiệm hỗ trợ tổng thống giải quyết các vấn đề đối nội và đối ngoại. Hội đồng Bộ trưởng gồm toàn bộ các bộ trưởng và thứ trưởng, nhóm họp thường xuyên để bàn bạc các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội và đưa ra các kiến nghị chính sách trình cho tổng thống. Angola hiện có đến 26 bộ trưởng. Trong đó các Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Đối ngoại, Bộ Kế hoạch, Bộ Dầu khí và Bộ Nội vụ đóng vai trò quan trọng nhất.

 

Quốc hội là cơ quan đứng đầu nhánh lập pháp, gồm 220 đại biểu chính thức và có thêm 3 ghế dành cho đại biểu là người Angola ở nước ngoài. Theo quy định của Hiến pháp cũ, Quốc hội có nhiệm kỳ 4 năm. Tuy nhiên, sau lần bầu cử Quốc hội đầu tiên năm 1992, do xảy ra nội chiến nên phải đến tháng 9 năm 2008, bẩu cử Quốc hội lần 2 mới được tổ chức. Hiến pháp sửa đổi năm 2010 quy định Quốc hội có nhiệm kỳ 5 năm. Tính đến nay, Angola chỉ mới trải qua 3 kỳ bầu cử Quốc hội, gần nhất là vào tháng 8 năm 2012. Chủ tịch Quốc hội hiện nay là Fernando da Piedade Dias dos Santos.

 

Nhánh tư pháp bao gồm Toà án Hiến pháp, Toàn án tối cao, Tòa án quân sự tối cao và các tòa án cấp tỉnh. Đứng đầu hệ thống tư pháp là Tòa án tối cao. Các tòa án cấp tỉnh và thành phố đóng vai trò xét xử, quyền kháng án là do Tòa án tối cao quyết định. Tòa án Hiến pháp có trách nhiệm kiểm tra và giải quyết các vấn đề liên quan đến việc thực thi hiến pháp, nhưng quyền hạn của toàn án này là rất hạn chế.

 

Về phân cấp hành chính, các đơn vị hành chính của Angola được phân ra làm 3 cấp: đứng đầu là các tỉnh, sau đó là các đô thị tự trị và cuối cùng là các xã. Sau hàng loạt cải cách hành chính, cho đến nay, Angola có 18 tỉnh, 161 đô thị tự trị11 và 618 xã.

 

Angola thực hiện chế độ chính trị đa đảng từ năm 1992. Cho đến nay, có hơn 20 đang phái chính trị đang hoạt động tại Angola. Một số đảng phái chính trị lớn và có tầm ảnh hưởng của Angola bao gồm: Đảng Phong trào Nhân dân Giải phóng Angola (MPLA), Đảng Liên minh Dân tộc vì độc lập hoàn toàn của Angola (UNITA), Đảng Mặt trận Dân tộc Giải phóng Angola (FNLA), Đảng Đổi mới Xã hội (PRS), Đảng Dân chủ Tự do (PLD), Đảng Diễn đàn Dân chủ Angola (FDA), Liên minh đối lập CASA-CE12, Liên minh bầu cử Dân chủ mới (NDEU). Trong hệ thống chính trị Angola hiện nay, Đảng MPLA vẫn là đảng chiếm ưu thế. Trong 2 cuộc bầu cử gần đây, đảng MPLA luôn giành chiến thắng với tỷ lệ phiếu bầu cao. Đứng thứ 2 là đảng UNITA. Cuộc nội chiến kéo dài 27 năm đã kết thúc từ năm 2002 nhưng mâu thuẫn giữa Đảng cầm quyền MPLA và các lực lượng đối lập, đăc biệt là đảng UNITA, vẫn còn dai dẳng. UNITA vẫn duy trì được sự ủng hộ trong xã hội Angola và của các quốc gia phương Tây.Các thành viên của UNITA thường xuyên đưa ra các cáo buộc MPLA vi phạm dân chủ, không minh bạch trong các cuộc bầu cử Quốc hội.  Các đảng còn lại như PRS, FNLA, NDEU hay CASA-CE đều là các đảng phái nhỏ và chưa tạo được tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội Angola.

 

Trong tương lai, MPLA có khả năng tiếp tục là đảng cầm quyền tại Angola. Dù thể chế chính trị của Angola là khá độc tài và điều kiện sống của đa phần dân chúng đang rất khó khăn (giống với các quốc gia Bắc Phi), việc  hình thành một phong trào cách mạng như Mùa xuân Arab ở Angola là rất khó xảy ra bởi các lý do sau. Thứ nhất, MPLA đang nắm trong tay quyền điều hành đất nước, được sự ủng hộ của đa số dân chúng và lực lượng quân đội. Thứ hai, sự chia rẽ sắc tộc khiến việc hình thành một phong trào cách mạng thống nhấtlà điều chưa thể thực hiện. Thứ ba, Angola mới bước vào giai đoạn ổn định sau khi trải qua cuộc nội chiến kéo dài gần 3 thập kỷ, người dân Angola chắc chắn sẽ không muốn đất nước lâm vào tình trạng hỗn loạn của thời kỳ trước.

(còn tiếp)