Trần Anh Đức
Viện Nghiên cứu Châu Phi
và Trung Đông
4. Đặc điểm văn hóa
Các
quốc gia châu Phi nói chung và Angola
nói riêng đều có một nền văn hóa bản địa đặc sắc và lâu đời. Trải qua thời gian
và những thay đổi lịch sử, nền văn hóa hiện nay của Angola hình thành dựa trên sự giao
thoa giữa các yếu tố bản địa, truyền thống và các yếu tố đến từ nền văn hóa của
Bồ Đào Nha. Về cơ bản, Angola
vẫn giữ được một số nét văn hóa đặc trưng truyền thống. Tuy nhiên, Angola đã
chuyển sang sử dụng ngôn ngữ và tôn giáo do chế độ thực dân mang đến.
Về văn học, Angola
có một nền văn học truyền miệng lâu đời. Trước khi người Bồ Đào Nha xuất hiện,
các câu chuyện lịch sử, thần thoại hay truyền thuyết đều được truyền từ thế hệ
này qua thế hệ khác thông qua các bài hát, các câu thành ngữ hay các bài thơ.
Đến thế kỷ XIX, với sự xuất hiện của một nhóm người bản địa được đào tạo bởi hệ
thống giáo dục Bồ Đào Nha, nền văn học viết bằng tiếng Bồ Đào Nha mới bắt đầu
hình thành. Trong suốt cuộc chiến giành độc lập, văn học đã đóng vai trò quan
trọng trong việc khích lệ tinh thần nhân dân. Một trong những bài thơ nổi tiếng
của Angola
chính là của cố Tổng thống Agostinho Neto. Agostinho Neto xuất bản tập thơ đầu
tiên bằng tiếng Bồ Đào Nha năm 1948 trước khi trở thành người đứng đầu MPLA.
Artur Carlos Maurício
Pestana dos Santos,
với bút danh Pepetela, cũng có nhiều đóng góp quan trọng cho nền văn học nước
nhà. Ông là người có đóng góp quan trọng trong việc thành lập Trung tâm nghiên
cứu Angola
và từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Năm 1995, Pepetela xuất bản cuốn “Sự
trở lại của linh hồn nước”13, mở ra một thời kỳ mới cho văn học Angola. Cuốn
sách mang nội dung phê phán chế độ cầm quyền gia đình trị đang chìm trong tham
nhũng. Văn học đương thời của Angola
chủ yếu tập trung vào các chủ đề như xung đột, bạo lực, tham nhũng và đói
nghèo, phản ánh những khía cạnh, những vấn nạn trong xã hội Angola. Hiệp
hội các nhà văn Angola
được thành lập ngay sau khi giành độc lập và hiện vẫn đang tiếp tục tổ chức các
sự kiện và các cuộc thi. Giải thưởng văn học Sonangol là giải thưởng văn học
danh giá nhất Angola14.
Bên cạnh văn học, nghệ
thuật của Angola
cũng có những dấu ấn riêng. Các tác phẩm điêu khắc, gốm sứ, dệt và tranh vẽ
phản ánh phong phú và đa dạng tất cả các mặt của cuộc sống. Nguyên liệu chủ yếu
được dùng là sứ, gỗ, kim loại, ngà voi và nhựa. Nghệ thuật truyền thống của Angola tiếp tục đóng vai trò quan
trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và thường được sử dụng trong
các nghi lễ và các ngày kỷ niệm. Angola nổi tiếng nhất với các mặt
nạ làm bằng gỗ. Đặc biệt, những chiếc mặt nạ của người người Chokwe được sử
dụng trong nhiều nghi lễ. Tượng và mặt nạ của người Chokwe là những tác phẩm
điêu khắc gỗ lâu đời và đẹp nhất ở Trung Phi. Các bức tranh khắc trên đá ở phía
nam sa mạc Namibe mà nguồn gốc cho đến nay vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi
trong giới khảo cổ học. Nghệ thuật đương
đại của Angola
phát triển mạnh khi nội chiến kết thúc. Cuộc nội chiến kéo dài được phản ánh
sâu sắc trong văn hóa Angola,
đề tài chính của nền nghệ thuật đương đại Angola. Một số viện nghệ thuật được
thành lập tại Angola
như Trường Điêu khắc Quốc gia, Viện Đào tạo nghệ thuật và văn hóa quốc gia,
Trường Nghệ thuật, Truyền thông và Hội họa. Bảo tàng Angola
và Trung tâm Văn hóa Bồ Đào Nha tại Luanda
thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn đương đại. Nghệ nhân nổi tiếng nhất của
Angola
hiện nay là Antonio Ole. Các tác phẩm nghệ thuật của ông bao gồm tranh vẽ, ảnh
và điêu khắc. Antonio Ole từng học đại học ở Mỹ và khi trở về Angola đã tiếp
tục sự nghiệp nghệ thuật từ năm 1985.
Kiến trúc Angola
chịu sự tác động lớn từ kiến trúc Bồ Đào Nha. Nhiều công trình kiến trúc tiêu
biểu, đặc biệt là tại các thành phố ven biển, mang đậm dấu ấn của người Bồ Đào
Nha. Các công trình kiến trúc nổi tiếng tại Angola
có thể kể đến như: những nhà thờ ở khu vực phía Bắc15, những pháo
đài ven biển như Pháo đài Sao Miguel tại Luanda
được xây dựng vào đầu thế kỷ XVII.
5. Đặc
điểm xã hội
5.1. Dân số
Hiện nay vẫn chưa có con
số thống kê chính xác về quy mô dân số của Angola. Từ năm 1970 đến nay, Angola vẫn chưa
thực hiện một cuộc tổng điều tra dân số nào. Viện Thống kê Quốc gia Angola
(INE) ước tính dân số Angola
là 16 triệu người vào năm 2010, với tỷ lệ gia tăng dân số hàng năm là 2.8 %.
Angola có cơ
cấu dân số trẻ và tỷ lệ sinh cao (6 trẻ em/1 phụ nữ). Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi
bị tử vong gần đây có xu hướng tăng. Trong năm 2009, ước tính tỷ lệ này là
194/1000 trẻ, giảm từ mức đỉnh 300/1000 trẻ trong năm 1994. Tỷ lệ trẻ tử vong
khi sinh ước tính là 116/1000 trẻ. Theo thống kê, trẻ em sống ở khu vực nông
thôn có tỷ lệ tử vong cao hơn so với trẻ em ở thành thị. Tuổi thọ của người dân
Angola
là 51 đối với nam và 55 đối với nữ (WHO, 2012).
Tỷ lệ dân cư sống ở khu
vực nông thôn Angola,
đặc biệt là các khu vực chịu ảnh hưởng của
xung đột vũ trang, là chưa xác định. Quỹ Dân số liên hợp quốc (UNFPA) ước tính
có hơn 50% dân số Angola
sống ở nông thôn. Các nghiên cứu khác chỉ ra rằng con số này có thể lên tới
60-70% (FAO, 2007). Dân cư Angola
phân bố không đồng đều, tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn. Hiện nay,
khoảng 30% dân số đang tập trung tại thủ đô Luanda, 59% dân cư sống ở đô thị và
các thành phố lớn khác Lubango, Huambo, Lobito, Benguela, Bíe hay Cabinda.
Về cơ cấu dân số theo
sắc tộc, các nhóm sắc tộc chính của Angola bao gồm:
Ovimbundu (37% dân số), Kimbundu (25%), Bankongo (13%), người lai châu Âu (2%),
người Âu gốc Bồ Đào Nha (1%); còn lại là các nhóm khác16. Ngôn ngữ
chính thức của Angola
là tiếng Bồ Đào Nha. Hơn 80% dân số của Angola
nói tiếng Bồ. Bên cạnh đó, Angola
có hơn 20 tiếng địa phương. Những sắc tộc lớn nhất tại Angola có đặc
trưng văn hóa riêng biệt và quan điểm chính trị khác nhau. Nhóm lớn nhất là
Ovimbundu ở trung tâm và phía Nam
đất nước, nói tiếng Umbundu. Nhóm Mbundu (Kimbundu) tập trung ở quanh thủ đô Luanda, vùng trung tâm và
phía Bắc, nói tiếng Kimbundu. Nhóm Bakongo nói các biến thể của tiếng Kikongo
sống tập trung về phía Bắc, quanh biên giới với Cộng hòa Congo và Cộng hòa dân chủ Congo. Các sắc
tộc lớn khác gồm: Lundu, Chokwe, Ngangguela…
Về cơ cấu dân số theo
tôn giáo, trải qua 500 năm thuộc
địa, phần lớn dân số Angola
trở thành tín đồ của Thiên chúa giáo. Khoảng 53% dân số Angola đi theo Thiên
chúa giáo, trong đó Công giáo La Mã chiếm 38% và đạo Tin lành chiếm 15%17.Các
tín ngưỡng bản địa chiếm 47% trong đó có nhiều người kết hợp tín ngưỡng bản địa
với niềm tin của Thiên chúa giáo.
5.2. Nghèo đói và bất bình đẳng
Diện tích đất trồng trọt
của Angola
chỉ chiếm 3,3% diện tích lãnh thổ.Tính đến năm 2012, khu vực nông lâm ngư
nghiệp chỉ đóng góp khoảng12,2% GDP. Trong khi đó, đây là khu vực thu hút nhiều
lao động và tạo ra nhiều việc làm nhất. Sự mất cân đối này dẫn đến nhiều hệ
lụy, trước hết làtình trạng không đảm bảo an ninh lương thực và nghèo đói tại Angola. Đến
nay, ngành nông nghiệp Angola
chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu lương thực của đất nước (IMF, 2013).
Chỉ số phát triển con người
(HDI) năm 2012 của Angola là 0,508,
xếp thứ 148/187 và thuộc nhóm quốc gia có chỉ số HDI thấp. Điều này cho thấy,
hầu hết người dân Angola
chưa được thụ hưởng những thành quả của phát triển kinh tế và vẫn phải đối mặt
với một cuộc sống khó khăn bởi nguồn thu nhập hạn chế cũng như những hạn chế
trong tiếp cận các dịch vụ công cơ bản như giáo dục hay y tế. Tuy nhiên, chỉ số
HDI của Angola
vẫn cao hơn mức trung bình của các nước trong khu vực cận Sahara (SSA)18.
Chỉ số HDI năm 2012 của Angola không thay đổi so với năm 2011 nhưng có
sự cải thiện đáng kể so với giai đoạn 2007-2008 khi Angola chỉ xếp thứ 162/187. Từ năm
1980 đến 2012, tuổi thọ trung bình của người Angola đã tăng 11,3 năm, số năm
trung bình đi học tăng 0,3 năm và thu nhập bình quân đầu người của Angola tăng
74%.
Chỉ số đói nghèo toàn
cầu (GHI) năm 2010 của Angola
đã có sự cải thiện đáng kể. Angola
hiện đứng thứ 73/84 quốc gia, xếp dưới Gabon (đứng thứ 12) và Namibia (thứ
37). Rõ ràng, với tiềm năng và nguồn lực kinh tế hiện tại, Angola nên có một
vị trí tốt hơn thế. Theo thống kê, có khoảng 62% dân số
Angola sống dưới ngưỡng nghèo 1,7 USD/ngày, 15% dân số sống dưới mức 0,75
USD/ngày. Ở khu vực nông thôn, 94% các hộ gia đình kiếm được ít hơn 2 USD/ngày
và phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ (WB, 2009). Hệ số GINI
của Angola
hiện nay là 0,427, xếp thứ 54 thế giới (WB, 2012). Angola được xếp vào nhóm các nước
có sự bất bình đẳng thu nhập cao.
5.3. Giáo dục
Chính phủ Angola xác định
giáo dục là nhân tố quyết định trong việc duy trì tăng trưởng và đa dạng hóa kinh tế. Trong 27 năm nội chiến, hệ thống giáo dục
của Angola
bị tàn phá nặng nề. Cơ sở vật chất xuống cấp trong khi số lượng giáo viên cũng
giảm sút đáng kể. Hiện nay, tỷ lệ người trưởng thành biết chữ của Angola là hơn
70%. Angola
hiện có 16 trường trung học, đại học công và 22 trường đại học tư. Trường đại
học quốc gia duy nhất của Angola
là trường Agostinho Neto. Tiếp cận giáo dục tại Angola tuy đã được cải thiện nhưng
chất lượng giáo dục vẫn chưa cho thấy những thành công đáng kể.
Hệ thống giáo dục của Angola được
chia làm 3 cấp: tiểu học, trung học và đại học. Trẻ em Angola bắt đầu
đến trường lúc 6 tuổi. Giáo dục tiểu học kéo dài 8 năm trong đó 4 năm đầu tiên
là miễn phí và bắt buộc. Theo ước tính, hiện nay chỉ có 85% trẻ em ở thành thị
và 70% trẻ em ở nông thôn được ghi danh đăng ký học tiểu học. Trung học kéo dài
3 năm đối với giáo dục phổ thông và 4 năm đối với dạy nghề và kỹ thuật. Năm
2012, có thêm 45.000 sinh viên tham gia vào cấp giáo dục cao hơn, nâng tổng số
sinh viên lên con số 195.00019.
Hội đồng Bộ trưởng đã
ban hành những quy định và hướng dẫn cụ thể trong việc thành lập trường tư.
Nhưng trên thực tế, việc kiểm soát này là không chặt chẽ, dẫn đến tình trạng
các trường được mở nhưng không đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất như
tài liệu học tập, thư viện, phòng thí nghiệm... Bên cạnh đó, học phí của trường
tư ở Angola
cao hơn so với nhiều quốc gia trong khu vưc. Theo tờ O Pais20, học
phí trung bình của một trường đại học tư ở Luanda năm 2010 vào khoảng 2.750 USD
đến 3.850 USD một năm. Mức học phí này cao hơn nhiều so với mức trung bình của một số quốc gia trong khu vực như Namibia (1.500-2.000
USD) hay Nam Phi (2.000 USD).
Có thể nói, Angola
là quốc gia có vị trí địa lý thuận lợi và điều kiện tự nhiên tương đối khác
biệt so với nhiều quốc gia trong khu vực. Sự khác biệt này là một thuận lợi cho
Angola
trong quá trình phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh tàn dư của thời kỳ đô hộ Bồ
Đào Nha, nội chiến kéo dài đã khiến quốc gia này không có được xuất phát điểm cho
phát triển như nhiều quốc gia khác trong khu vực. Angola phải đương đầu với nhiều
thách thức về mặt xã hội như nghèo đói, bất bình đẳng và hệ thống giáo dục yếu
kém. Chính phủ và người dân Angola
vẫn đang nỗ lực không ngừng để cải thiện tình hình xã hội. Tuy nhiên, Angola
chắc chắn sẽ cần đến sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để có thể tái thiết kinh
tế và cải thiện tình hình xã hội trong thời gian tới.
Chú thích:
5 http://www.indexmundi.com
6 http://workmall.com/
7 Nay là biên giới của Nigeria và Cameroon
8 Hình thành vào giữa
những năm 1300 đến 1400 ở khu vực giữa biên giới Angola và Cộng hòa Congo ngày
nay
9 Ngày 15/ 1/ 1975, Bồ
Đào Nha ký Hiệp định Alvor nhằm trao trả Angola lại cho liên minh của 3
phong trào MPLA, UNITA và FLNA
10 Hiệp định Bicesse quy
định quá trình thay đổi chế độ chính trị thành dân chủ đa đảng của Angola dưới sự
giám sát của Liên hợp quốc
11
Trước
đây, Angola có có 163 đô thị tự trị.Năm 2011, sau khi cải cách hành chính, số
lượng đô thị tự trị của Luanda giảm từ 9 xuống 7.
12
CASA-CE
là đảng chính trị mới được thành lập bởi Abel Chivukuvuku, một cựu binh của
UNITA
13
“The
Return of Water Spirit”
14 http://www.angola-today.com
15 Các nhà thờ này từng là nơi ở của các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha đến Vương quốc Kongo
19 http://www.angola-today.com
20 Nguồn: http://www.opais.net/
Tài liệu tham khảo
1.
Đỗ Đức Định, Giang Thiệu Thanh (2010), Cẩm nang các nước châu Phi, NXB Từ điển
Bách khoa, Hà Nội, 2010.
2.
Nguyễn
Thanh Hiền (2011), Châu Phi: Một số vấn
đề kinh tế và chính trị nổi bật từ sau chiến tranh lạnh và triển vọng, NXB
Khoa học Xã hội, Hà Nội
3.
VCCI
(2012), Các thông tin cơ bản về Angola
4.
UNDP
(2012), Human Development Report,
2012.
5.
World
Bank (2010), Angola Country Profile 2010, World Bank Enterprise Survey, Washington
DC, 2010
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, số 11/2013
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, số 11/2013