Th.S Phạm Kim Huế
Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông
Cộng hoà Dân chủ Congo (CHDC Congo) là một đất nước rộng lớn với diện tích hơn 3,2 triệu km2, giàu có về tài nguyên thiên nhiên như: khoáng sản, rừng, dầu khí và đất đai màu mỡ. Dân số của CHDC Congo hơn 60 triệu người, chia thành 200 nhóm dân tộc khác nhau. Mặc dù giàu có về tài nguyên thiên nhiên, nhưng tỷ lệ đói nghèo chiếm đa số và tình hình kinh tế, chính trị xã hội luôn bất ổn tại quốc gia này.
So với nước châu Phi khác,
CHDC Congo là quốc gia nhận được nhiều hơn viện trợ nhân đạo ưu tiên hơn từ cộng
đồng quốc tế trong đó có EU. Nội chiến, xung đột giữa các nhóm vũ trang và quân
đội Congo đã khiến hàng triệu người bỏ mạng, hơn 2,7 triệu người mất nhà cửa
(IDPs) (chỉ riêng năm 2012, đã có 1 triệu người thuộc CHDC Congo mất nhà cửa),
hơn 400.000 người Congo phải tị nạn sang các nước láng giềng châu Phi khác.
Tình trạng bạo lực bao gồm nạn cướp bóc, hãm hiếp, bắt cóc, tuyển lính trẻ em của
các nhóm vũ trang cũng như quân đội Congo gia tăng ở nhiều vùng của CHDC Congo,
nghiêm trọng nhất là ở khu vực miền Đông CHDC Congo. Điều đó khiến CHDC Congo
trở thành quốc gia bất ổn nhất ở châu Phi với chỉ số phát triển con người (Human
Development Index – HDI) thấp nhất thế giới, xếp vị trí 186 – vị trí cuối cùng
trong danh sách HDI năm 2012 của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (United
Nation Development Program – UNDP). Chính vì vậy, viện trợ nhân đạo cũng như bảo
vệ dân thường là mối quan tâm, nhiệm vụ quan trọng của EU nói riêng và cộng đồng
quốc tế nói chung.
Trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2010, EU luôn là một trong 3 nhà tài trợ hàng đầu cho CHDC Congo về viện trợ nhân đạo. Giá trị viện trợ tăng dần qua các năm, từ 11,3 triệu USD năm 2000 đã tăng lên đến 133,3 triệu USD vào năm 2010 (chi tiết xem bảng 1). Thông qua tổ chức Bảo vệ dân thường và viện trợ nhân đạo của Ủy ban châu Âu (EC) (European Commission’s Humanitarian Aid and Civil Protection – ECHO), EC cam kết cung cấp 79,2 triệu EUR viện trợ nhân đạo cho CHDC Congo trong năm 2012, trong đó có 7 triệu EUR cho cuộc chiến của ECHO tại CHDC Congo và 10,2 triệu EUR cho dân Congo tị nạn ở các nước láng giềng1, 25 triệu EUR cho chương trình quốc gia, hơn 15 triệu EUR cho khu vực phía Nam Kivu và Katanga, hơn 5 triệu EUR cho tỉnh Orientale, 5 triệu EUR cho khu vực phía Bắc Kivu và 2 triệu EUR cho tỉnh del’Equateur2. Khoản viện trợ này do 31 tổ chức đối tác đóng góp, bao gồm các tổ chức của Liên hiệp quốc, các tổ chức phi chính phủ (NGOs), tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế và EU. Những đối tượng nhận được viện trợ nhân đạo của EC ở CHCD Congo là những nạn nhân bị ảnh hưởng trực tiếp từ xung đột, bị mất nhà cửa, hay người hồi hương, các cộng đồng nhận IDPs và người tị nạn. (Bảng 1)
Bên cạnh viện trợ nhân đạo, y tế cũng là một trong những lĩnh vực nhận được sự quan tâm đặc biệt của EC từ năm 1994. CHDC Congo là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới với tỷ lệ người dân sống dưới mức nghèo khổ chiếm 80% vào năm 2001 và 70,68% vào năm 2005. Các dịch vụ xã hội công cộng, đặc biệt là dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, luôn trong tình trạng tồi tệ. Nội chiến, xung đột đã khiến hạ tầng xã hội bị tàn phá nghiệm trọng và việc duy trì các cơ sở y tế cũng gặp vô vàn khó khăn. Bên cạnh đó, số lượng nạn nhân bị thương do xung đột gia tăng, trẻ em mồ côi và trẻ em đường phố cũng nhiều hơn, tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS cao, đồng thời một số bệnh dịch trước đây đã từng được kiểm soát hoặc thậm chí bị xoá sổ như sởi, ho gà, bại liệt, lỵ, tả, đậu mùa, sốt xuất huyết với vi rút Ebola…đã xuất hiện trở lại. Theo Báo cáo về tình trạng đói nghèo và y tế của CHDC Congo (Health and Poverty Status Report – RESP), tỷ lệ sử dụng các dịch vụ y tế chỉ khoảng 0,15 bác sỹ/người dân/năm. Tỷ lệ ngân sách nhà nước giành cho y tế giảm nghiêm trọng, chỉ đạt ít hơn 1%. Chính vì vậy, năm 1994, EC đã xây dựng Chương trình hỗ trợ phục hồi (PAR) nhằm giúp tạo “sự thay đổi” cho ngành y tế của CHDC Congo. Sự giúp đỡ của EC giành cho CHDC Congo tập trung chủ yếu vào cơ cấu và dịch vụ y tế thông qua hai chương trình khác nhau giai đoạn 1997-2005 và giai đoạn 2006-2011 (Programme Santé 9eme FED, PS9FED) nhằm cải thiện y tế của quốc gia này.
Từ năm 2002 đến năm 2010, EU đã viện trợ 92,48 triệu EUR cho y tế của CHDC Congo với một số dự án y tế cụ thể như sau: (Bảng 2)
Nhờ hợp tác và giúp đỡ của EC mà ngành y tế của CHDC đạt được một số thành tựu quan trọng.
Thứ nhất, mạng lưới cung cấp thuốc được nâng cấp. Đến giữa năm 2009, các cơ sở cung cấp thuốc tại các khu vực y tế đã tăng lên, chi phí hậu cần y tế giảm, cách thức quản lý dược phẩm cũng tốt hơn. Việc chăm sóc sức khoẻ chất lượng đã xuất hiện tại các cơ sở y tế và mở rộng đến nhiều vùng xa xôi của CHDC Congo.
Thứ hai, hạ tầng y tế của CHDC Congo được cải thiện nhờ sự giúp đỡ của EC. Trong khuôn khổ chương trình y tế do Quỹ Phát triển châu Âu (European Development Fund- EDF) lần thứ 9 tài trợ (PS9FED), hạ tầng y tế cơ bản được cải thiện. Người bệnh có thể đến các cơ sở y tế tuyến trên và thậm chí người dân nông thôn trước đây không thường xuyên sử dụng các trung tâm y tế ở vùng ngoại ô thì nay có thể đến thẳng bệnh viện. Giá dịch vụ y tế giảm từ 6 USD xuống còn 1 USD/bác sỹ. Hơn 700 cơ sở y tế được triển khai xây dựng nhờ EDF lần thứ 9. Từ năm 2002 đến năm 2006, khoảng 100 khu vực y tế nhận được tài trợ của EC. Sự hỗ trợ này đã góp phần nâng cao điều kiện chăm sóc sức khoẻ cho khoảng từ 2 đến 2,5 triệu người Congo, đặc biệt ở khu vực phía Bắc Kivu. Đến cuối năm 2008, 41 trung tâm y tế được cải tạo nâng cấp và 160 trung tâm y tế được trang bị thiết bị. Bên cạnh đó, EC chú trọng đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ y bác sỹ cho CHDC Congo. Các dự án chương trình xây dựng năng lực, đào tạo giám sát, đào tạo kỹ năng phối hợp trong công việc, cải thiện hệ thống cung cấp thông tin y tế… đã được Cơ quan kiểm tra y tế tỉnh phía Bắc Kivu và Kinshasa đánh giá cao. Lương của nhân viên tại các trung tâm y tế tăng gấp đôi, còn lương của nhân viên bệnh viện tăng gấp 3. Hơn thế nữa, nhờ sự đóng góp tài trợ của EC, phí y tế tại CHDC Congo có thay đổi rõ rệt, đặc biệt đối với người nghèo, người cần chăm sóc đặc biệt như trẻ em, người già, người nhiễm HIV/AIDS và tàn tật. Họ được hỗ trợ hoặc được miễn phí y tế với chất lượng chăm sóc tốt… EC cũng giúp đỡ viện trợ kỹ thuật, cung cấp chuyên gia liên quan đến tài chính y tế. Từ năm 2009, chương trình cải cách tài chính y tế đã nhận được tài trợ của EC góp phần nâng cao năng lực y tế cho Bộ Y tế của CHDC Congo.
Có thể nói rằng EU đã có những đóng góp tích cực và hiệu quả trong việc cải thiện hệ thống y tế của CHDC Congo, giúp nước này xây dựng mạng lưới cơ sở y tế, giảm chi phí y tế và tăng tỷ lệ người dân được chăm sóc y tế… Sự hỗ trợ của EU sẽ góp phần không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Congo mà còn ngăn chặn dịch bệnh, giúp CHDC Congo thực hiện được các MDGs.
Chú thích:
[1] ECHO Factsheet Democratic Republic of Congo, May 2013
[1] Ngân sách năm 2012 của ECHO cho các hoạt động nhân đạo ở CHDC Congo.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông tháng 9 năm 2013